An ninh Đông Nam Á trong chiến lược của Mỹ

Hà Mỹ Hương
15:55, ngày 20-09-2007

Đông Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ sau “chiến tranh lạnh”. Cho dù chiến lược an ninh Đông Á của Mỹ có những điều chỉnh nhất định, song, mục tiêu của nó thì không thay đổi. Đó là tham vọng duy trì vị trí bá chủ tại khu vực này.

Về khái niệm an ninh

Khu vực Đông Á được hiểu ở đây bao gồm các nước Đông - Bắc Á và Đông - Nam Á, vừa có những điểm tương đồng về văn hóa, vừa có nhiều khác biệt về thể chế chính trị - xã hội và trình độ phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật. Đông Á đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của thế giới bởi sự phát triển kinh tế rất mạnh mẽ theo hướng mở cửa với bên ngoài. Bước sang thế kỷ XXI, Đông Á tiếp tục được coi là khu vực có sự phát triển kinh tế năng động trên thế giới với mức tăng trưởng GDP cao trong nhiều năm liền. Những đầu tàu kinh tế như Nhật Bản, sau nhiều năm đình trệ, đã bắt đầu quá trình hồi phục và tiếp tục giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới; sự phát triển kinh tế - thương mại nhanh đến mức "quá nóng" của Trung Quốc đã đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới; những thành tựu phát triển kinh tế ngoạn mục nhiều năm qua cũng đã làm cho Hàn Quốc thành một cường quốc kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, các nước khác ở Đông - Nam Á, trong đó có Việt Nam, cũng đạt được nhiều thành công về kinh tế - xã hội với các mức độ khác nhau đáng tự hào.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, bức tranh toàn cảnh của Đông Á, nhất là về chính trị - an ninh lại rất phức tạp. Sự phức tạp này trước hết do bản thân khái niệm an ninh và nội hàm của nó đã được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây, khi bên cạnh khái niệm an ninh truyền thống còn xuất hiện khái niệm an ninh phi truyền thống. Quan niệm an ninh truyền thống coi an ninh quốc gia, theo nghĩa hẹp, là bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa hoặc tấn công quân sự từ bên ngoài; theo nghĩa rộng, là bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa cả từ bên ngoài lẫn bên trong. Quan niệm an ninh phi truyền thống mở rộng nội hàm của an ninh quốc gia hơn, gồm cả bảo vệ con người (cá nhân) và bảo vệ cộng đồng. Theo quan niệm của Liên hợp quốc, an ninh phi truyền thống bao gồm 7 lĩnh vực là: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Theo một tài liệu khác, an ninh phi truyền thống bao gồm 5 lĩnh vực cơ bản là: kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa. Cũng có ý kiến nữa xác định cụ thể những nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống là những nguy cơ mới xuất hiện hoặc mới bùng phát như khủng hoảng kinh tế, thiếu hụt năng lượng, đói nghèo, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lan tràn, tội phạm xuyên quốc gia, di cư trái phép, sự vi phạm dân chủ, nhân quyền... Với việc xác định an ninh của một quốc gia theo cách hiểu mới như vậy, vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia trở nên khó khăn hơn, phức tạp hơn rất nhiều so với trước đây. Ngoài ra, có thể thấy rõ rằng xu thế toàn cầu hóa hiện đang gia tăng cường độ phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu đã làm biến đổi rất nhiều và rất nhanh đời sống xã hội loài người. Người ta có thể thấy rõ cả sự toàn cầu hóa những cơ hội cũng như sự toàn cầu hóa những nguy cơ. Và một khi toàn cầu hóa làm gia tăng rõ rệt tính tùy thuộc lẫn nhau trên mọi bình diện giữa các nước, thì những nguy cơ nêu trên càng mang đậm tính chất xuyên quốc gia.

An ninh Đông Á đầu thế kỷ XXI

Bức tranh chính trị - an ninh của khu vực Đông Á những năm đầu thế kỷ XXI, nhất là sau "sự kiện ngày 11-9-2001", vô cùng phức tạp. Điểm chung của các nước Đông Á với cộng đồng quốc tế là vấn đề an ninh quốc gia cả theo nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng đã trở nên rất nóng bỏng. Tuy vậy, chính sự nóng lên của vấn đề an ninh quốc gia cũng đã trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy các nước chú trọng tìm giải pháp tăng cường hợp tác với nhau hơn trên nhiều bình diện chứ không chỉ trong lĩnh vực an ninh, bởi hòa bình, hợp tác và phát triển đã trở thành nhu cầu bức thiết của mọi quốc gia. Vì vậy, các tổ chức và diễn đàn quốc tế của các nước Đông Á (hay có sự tham gia của đông đảo các nước Đông Á) như APEC, ARF, ASEM, ASEAN,... cũng tăng cường các hoạt động theo hướng hợp tác như vậy. Đồng thời, quan hệ giữa các nước trong khu vực hoặc đã được cải thiện đáng kể, hoặc được nâng lên tầm cao mới về chất, tạo ra một tình thế ràng buộc lợi ích lẫn nhau rõ rệt, từ đó tạo điều kiện và cơ sở thuận lợi cho các nước phối hợp trí tuệ, nguồn lực và hành động để duy trì an ninh chung. Xét từ các khía cạnh trên, an ninh Đông Á đang có những cơ sở thuận lợi để được duy trì.

Tuy nhiên, Đông Á vẫn đang đứng trước nhiều thách thức an ninh lớn. Trước hết, những điểm nóng tạo nguy cơ tiềm tàng gây bất ổn định ở Đông - Bắc Á và Biển Đông (vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan và tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa nhiều nước trong khu vực) xem ra chưa thể giải quyết triệt để. Ở Đông - Nam Á, các phong trào ly khai, bạo loạn, lật đổ, đặc biệt là hoạt động khủng bố tại Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan... vẫn ngày càng gia tăng. Trong khi đó, Đông Á vẫn chưa có một cơ chế an ninh tập thể chặt chẽ, ARF vẫn chỉ là một diễn đàn tham khảo ý kiến của các nước khác nhau về vấn đề an ninh.

Thứ hai, sự thiếu hụt năng lượng, nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là vấn đề an ninh môi trường cùng một loạt các vấn đề an ninh kinh tế - xã hội càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Thứ ba, Đông Á là khu vực tập trung những nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, nên vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát xung đột ý thức hệ và xung đột trong vấn đề dân chủ, nhân quyền...

Chiến lược an ninh Đông Á của Mỹ sau "sự kiện ngày 11-9-2001"

Đông Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung, là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ sau "chiến tranh lạnh". B. Clin-tơn đã rất quan tâm đến khu vực này và đã có những điều chỉnh đáng kể trong chiến lược và chính sách với toàn khu vực cũng như với từng nước trong khu vực. Sau khi G. Bu-sơ lên cầm quyền, tình hình thế giới và khu vực có những thay đổi, biến chuyển quan trọng, tác động đến lợi ích của Mỹ ở khu vực này theo cả hai chiều thuận - nghịch. Một mặt, quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực, dù là đồng minh hay đối tác, thậm chí đối thủ một thời, đều đã được cải thiện đáng kể trên mọi bình diện. Mặt khác, nước Mỹ dưới thời Tổng thống G. Bu-sơ lại đứng trước những thách thức lớn và mới về an ninh. Mỹ cho rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Nga cùng chính sách quyết đoán của Tổng thống Pu-tin trong cả đối nội lẫn đối ngoại đều đang thách thức vai trò, vị thế siêu cường thế giới duy nhất và lợi ích của Mỹ. Đặc biệt, sự nóng lên của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tác động của sự kiện "ngày 11-9-2001" và của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động đến các nước Hồi giáo trong khu vực... đang làm gia tăng các nguy cơ đe dọa đến lợi ích an ninh của Mỹ tại Đông Á. Những khó khăn và thách thức trên buộc chính quyền của Tổng thống G. Bu-sơ có những điều chỉnh trong chiến lược và chính sách an ninh đối với khu vực nhằm vừa tận dụng cơ hội và điều kiện thuận lợi do vị thế siêu cường thế giới duy nhất mang lại, vừa đối phó với những nguy cơ mới xuất hiện.

Về tổng thể, Mỹ đã có những điều chỉnh chiến lược lớn, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm của cuộc chiến chống khủng bố. Ngày 20-9-2002, Mỹ công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới thay cho Chiến lược an ninh quốc gia cam kết và mở rộng. Bản chiến lược mới này (còn được gọi là Chiến lược đánh đòn phủ đầu, hay Chiến lược an ninh quốc gia thời chiến) có những điều chỉnh lớn sau:

1 - Chống khủng bố trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu

Đối với Mỹ, "chống khủng bố" ở khía cạnh nào đó đã thay thế mục tiêu "chống cộng" thời kỳ "chiến tranh lạnh". "Chống khủng bố" trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng mới của Mỹ và là tiêu chí để Mỹ phân định "bạn" hay "thù" của nước Mỹ.

2 - An ninh quân sự trở thành trụ cột số một

Trong Chiến lược an ninh quốc gia mới, với việc coi an ninh quân sự là ưu tiên số một, Mỹ đã đưa ra học thuyết chỉ đạo hành động quân sự mới mang tên "Đánh đòn phủ đầu".

3 - Hành động đơn phương để theo đuổi lợi ích

Điều này thể hiện cả trước lẫn sau khi xảy ra sự kiện "ngày 11-9-2001" và "hòa bình thông qua sức mạnh, bằng sức mạnh" là phương cách mang tính xuyên suốt của Đảng Cộng hòa.

4 - Châu Á - Thái Bình Dương trở thành trọng điểm số một

Tổng thống G. Bu-sơ đã điều chỉnh chiến lược châu Á - Thái Bình Dương với mục tiêu là giữ cho bằng được vai trò chi phối trật tự khu vực, không để xuất hiện một kẻ "bá quyền khu vực" có thể đe dọa quyền lãnh đạo của Mỹ tại khu vực.

Qua gần 4 năm thực hiện Chiến lược "Đánh đòn phủ đầu", tháng 3-2006, Mỹ lại công bố Chiến lược an ninh quốc gia 2006 nhằm tập trung phân tích 9 nhiệm vụ thực hiện an ninh của Mỹ, thể hiện trong 9 chương cụ thể, với những tiêu đề rất "ấn tượng", như "Bênh vực mạnh mẽ những khát vọng về phẩm giá con người", "Kéo dài chu kỳ phát triển bằng việc mở cửa các xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng của nền dân chủ"... Tuy nhiên, tư tưởng xuyên suốt, hay mục tiêu, nội dung cơ bản trong bản chiến lược này thì chẳng có gì thay đổi.

Nằm trong khuôn khổ hai Chiến lược an ninh quốc gia mới đã và đang được triển khai, Chiến lược an ninh Đông Á của Mỹ những năm đầu thế kỷ XXI vừa có những điểm chung, vừa có những điều chỉnh cụ thể nhất định với từng đối tác, đối tượng cụ thể trong khu vực. Nhìn chung, những điều chỉnh chính sách Đông Á của chính quyền Bu-sơ trong nhiệm kỳ thứ hai được triển khai chủ yếu theo hướng phối hợp với chiến lược chống khủng bố toàn cầu, đối phó với những nguy cơ mới đang ngày càng tăng lên trong khu vực, tập trung vào ba nội dung lớn:

Một là, khẳng định cam kết của Mỹ đóng vai trò chủ chốt trong việc bảo đảm an ninh khu vực thông qua việc tiếp tục duy trì lực lượng triển khai phía trước khoảng 100.000 quân đóng tại Nhật Bản, Hàn Quốc và các đảo thuộc lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương như Ha-oai, Gu-am...

Hai là, tái khẳng định các cam kết an ninh song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Thái Lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Phi-líp pin, trong đó Nhật Bản được coi là đồng minh trụ cột trong việc chia sẻ lợi ích an ninh và cùng với Mỹ gánh vác trách nhiệm bảo đảm an ninh khu vực.

Ba là, thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực, tiến tới kiến tạo cơ chế hợp tác an ninh đa phương, trong đó chú trọng việc lôi kéo các nước, đặc biệt là Trung Quốc, vào những cơ chế do Mỹ chủ đạo.

Cùng với những điều chỉnh theo ba hướng lớn mang tính bao quát như trên, đối với từng nước đồng minh, đối tác hay đối tượng cụ thể ở khu vực, Mỹ lại có những phương sách ngoại giao riêng, song, về đại thể, vẫn không thoát ra khỏi phương sách cổ điển, mang tính truyền thống của ngoại giao Mỹ là "cây gậy hoặc củ cà rốt", hay "cây gậy và củ cà rốt". Tùy từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể, mà chính sách của Mỹ có những thay đổi trong các thủ thuật, thủ đoạn ngoại giao. Chẳng hạn, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống G. Bu-sơ đã thay khái niệm "đối tác chiến lược" bằng khái niệm "đối thủ cạnh tranh chiến lược" trong chính sách với Trung Quốc; công khai liệt CHDCND Triều Tiên vào "trục ma quỷ" để có biện pháp trừng phạt thích đáng,... Nhưng gần đây Mỹ đã điều chỉnh chính sách với các nước này theo hướng thực dụng hơn, và những động thái gần đây của Mỹ trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên là một ví dụ điển hình. Mỹ tỏ ra mềm mỏng hơn với CHDCND Triều Tiên trong giải tỏa các bất đồng Mỹ - Triều với hy vọng giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, có một điều rất đáng chú ý rằng, bằng nhiều hình thức khác nhau, quân đội Mỹ đã quay trở lại một số nước Đông - Nam á để thực hiện mục tiêu củng cố vị trí chủ đạo về chính trị - an ninh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự tăng cường các cuộc thăm viếng quân sự và dân sự giữa Mỹ và các nước trong khu vực, việc tổ chức khá thường xuyên các cuộc tập trận chung, sự gia tăng các khoản viện trợ quân sự, kinh tế, nhân đạo cũng như sự đầu tư lớn của Mỹ vào nhiều nước trong khu vực, việc đưa Thái Lan và Phi-lip-pin vào danh sách "các nước đồng minh ngoài NATO",... đều không nằm ngoài mục đích đó.

Một số nhận xét rút ra

Từ sự phân tích một cách khái lược sự điều chỉnh của Mỹ về mặt chiến lược an ninh ở khu vực Đông Á, có thể nhận thấy:

Thứ nhất, những điều chỉnh chiến lược, chính sách, biện pháp, thủ đoạn, thủ thuật ngoại giao của chính quyền Bu-sơ qua gần hai nhiệm kỳ xem ra không mấy thành công. Tuy nhiên, nếu như tại Trung Đông, sự sa lầy của Mỹ trong cuộc chiến tại I-rắc đang gây ra những hệ quả rất tiêu cực, thì sự cải thiện quan hệ của Mỹ với các nước Đông Á, nhất là với CHDCND Triều Tiên lại đang phát đi những tín hiệu lạc quan về sự cải thiện môi trường an ninh khu vực.

Thứ hai, tuy trong sách lược, thủ thuật, thủ đoạn ngoại giao của các chính quyền Mỹ với các đồng minh, đối tượng, đối tác cụ thể có sự linh hoạt, biến hóa, song, mục tiêu chiến lược của Mỹ nhằm duy trì và củng cố vị trí bá chủ ở khu vực thì không hề thay đổi.

Thứ ba, bản chất chính sách đối ngoại Mỹ là theo đuổi một chính sách thực dụng, luôn đặt lợi ích lên vị trí ưu tiên số một, và điều này luôn chi phối tư duy cũng như hành động của giới cầm quyền Mỹ. Qua mỗi thời kỳ, căn cứ vào những thay đổi, biến chuyển của tương quan lực lượng, Mỹ có những điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại và an ninh nhằm duy trì và thúc đẩy các lợi ích quốc gia. Mà lợi ích quốc gia của Mỹ thì được xác định bởi giới cầm quyền Mỹ, nên tất nhiên trước hết thể hiện lợi ích của chính giới này.

Thứ tư, những sự điều chỉnh trong chính sách an ninh Đông á của chính quyền Mỹ có cả những tác động tiêu cực lẫn tích cực đến an ninh khu vực. Vì vậy, sự điều chỉnh đó vừa nhận được sự đồng tình, ủng hộ, vừa gây quan ngại hoặc lo lắng, bất an của các nước trong khu vực. Nhưng bất luận thế nào, những điều chỉnh trong chính sách an ninh Đông Á của Mỹ cũng đã và đang tác động mạnh đến chính sách đối ngoại và an ninh của hầu hết các nước trên thế giới. Với các nước Đông Á, thì dù muốn hay không, cũng phải có sự điều chỉnh chính sách an ninh sao cho phù hợp nhằm duy trì, bảo vệ và thúc đẩy được các lợi ích quốc gia của mình.