Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20-9-2007, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng đã thông báo:

1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khoá họp lần thứ 62 Đại hội đồng Liên Hợp quốc từ ngày 24-9 đến ngày 28-9-2007:

Từ ngày 24 đến ngày 28-9-2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung Cấp cao khoá họp thường niên lần thứ 62 Đại Hội đồng Liên Hợp quốc.Tại Phiên thảo luận chung Cấp cao (từ 25-9 đến 5-10-2007), lãnh đạo các nước sẽ có bài phát biểu nêu quan điểm, lập trường, chính sách lớn của mình đối với những vấn đề nổi cộm đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, qua đó, thúc đẩy thảo luận, đề ra những định hướng giải quyết. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam sẽ có bài phát biểu trong ngày 27- 9-2007. Bên lề phiên thảo luận chung Cao cấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ có các cuộc gặp gỡ song phương với lãnh đạo một số nước.

Đối với Việt Nam, Khoá họp 62 Đại Hội đồng Liên Hợp quốc có ý nghĩa đặc biệt vì tại Khoá họp này sẽ diễn ra việc bỏ phiếu bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 (dự kiến vào ngày 16-10-2007), đúng dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc.

Thông tin thêm về phiên họp

Sau Phiên thảo luận chung, Khoá 62 Đại hội đồng Liên Hợp quốc sẽ thảo luận những nội dung nêu ở cấp cao theo các đề mục của Chương trình nghị sự trong năm 2007-2008. Một số nội dung đang là mối quan tâm của các nước: (i) Tình hình an ninh-chính trị tại các điểm “nóng” khu vực như Trung Đông, I-rắc, vấn đề hạt nhân I-ran; vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên; quy chế tương lai của Cô-xô-vô; các cuộc xung đột, nội chiến ở châu Phi; (ii) Vấn đề phát triển, đặc biệt là thúc đẩy vòng Đô-ha về thương mại và việc kiểm điểm giữa kỳ nhằm thúc đẩy thực hiện đúng hạn các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 2000-2015; (iii) Vấn đề thúc đẩy tiến trình cải tổ Liên Hợp quốc; (iv) Các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, giáo dục, đa dạng văn hoá....

Tại khoá họp, Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm và thể hiện những quan điểm, đóng góp xây dựng đối với các công việc chung của Liên Hợp quốc với tư cách là ứng cử viên duy nhất của Nhóm châu Á vào chức vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Việc tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao của Đoàn Việt Nam là nhằm triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá; tích cực tham gia vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế; hội nhập quốc tế sâu rộng với việc ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009; gặp gỡ với lãnh đạo các nước nhằm thúc đẩy quan hệ song phương; tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo các tổ chức quốc tế cho công cuộc phát triển đất nước; tiếp xúc với chính giới, cộng đồng doanh nghiệp ở Hoa Kỳ nhằm củng cố những phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng.

2. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hoà Pháp từ 30-9 đến 3-10-2007:

Một số thông tin về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Pháp

Pháp hiện đứng đầu các nước châu Âu và đứng thứ 9 trong số các nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 179 dự án trị giá gần 2,25 tỉ USD. Pháp đồng thời cũng là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt gần 1,2 tỉ Euro năm 2006. Pháp tiếp tục ưu tiên dành ODA cho Việt Nam và là nhà tài trợ song phương thứ 2 sau Nhật Bản với cam kết 1,4 tỉ Euro từ nay đến năm 2010, khoảng 350 triệu Euro/năm.

Nhận lời mời của Thủ tướng Pháp Francois Fillon, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ đi thăm chính thức Cộng hoà Pháp từ ngày 30-9 đến 03-10-2007.

Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Pháp; thiết lập mối quan hệ giữa lãnh đạo của hai nước; thúc đẩy quan hệ kinh tế đi vào chiều sâu; trao đổi các biện pháp nhằm tạo đà mới cho việc phát triển thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, ODA, văn hoá, giáo dục, du lịch…

Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ song phương theo phương châm đã được lãnh đạo Cấp cao hai nước xác định “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài và tin cậy trong thế kỷ 21”.

Trong thời gian thăm Pháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Pháp Francois Fillon; gặp một số nghị sĩ quốc hội Pháp; tiếp lãnh đạo của một số tập đoàn lớn của Pháp, gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Pháp; thăm một số địa phương và cơ sở kinh tế văn hoá của Pháp.

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayayewady - Chao Phraya - Mêkông được thành lập tháng 11-2003 gồm Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan theo sáng kiến của Thái Lan. Việt Nam tham gia ACMECS từ tháng 11-2004 và bước đầu đã tạo được vai trò và uy tín trong ACMECS. Hợp tác CLMV được thành lập theo sáng kiến của Lào năm 2004 với việc thông qua Tuyên bố Viên Chăn về Tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế giữa các nước CLMV tại Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ nhất.

Nhân chuyến thăm chính thức này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, “Những ngày Việt Nam tại Pháp” sẽ được tổ chức. Hoạt động này góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Pháp; thu hút đầu tư, du lịch của Pháp và EU, tăng cường quan hệ hợp tác kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Pháp và EU.

3. Hội nghị cấp cao ACMECS và Hội nghị cấp cao bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV)

Hội nghị cấp cao bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ tư và Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác Ayeyawady - Chao Phraya - Mêkông (ACMECS) lần thứ ba sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23 đến ngày 26-10-2007. Hội nghị cấp cao ACMECS và Hội nghị cấp cao bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam năm nay sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề quan trọng:Kiểm điểm hợp tác ACMECS và CLMV; Định hướng hợp tác ACMECS và CLMV; Thông qua các văn kiện của Hội nghị.