TCCSĐT - Chiều 28-01-2019, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cùng hơn 100 đại biểu đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương, các ban, bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể trung ương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học...

 
 PGS, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài độc lập “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nhằm tổng kết thực tiễn về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, góp phần xây dựng cơ sở lý luận cho việc đề xuất các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS.
Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu rõ, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ đi trước, phụ nữ Việt Nam ngày nay đang tiếp tục có vai trò và đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chiếm trên 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam hiện nay không chỉ làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, mà còn có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia các hoạt động của đời sống xã hội, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Công tác vận động phụ nữ, vai trò của phụ nữ và của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhờ đó cũng luôn được Đảng ta coi trọng. Xác định Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống chính trị, là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng, những năm qua, công tác vận động phụ nữ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về phụ nữ và công tác phụ nữ được nâng lên rõ rệt. Trình độ, năng lực, vai trò, vị thế của phụ nữ được cải thiện đáng kể. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp ngày càng mở rộng tính liên hiệp, nâng cao chất lượng hoạt động, thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ…

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ là một Nghị quyết có những đổi mới, những bước đi mạnh mẽ, cụ thể về thể chế với những chỉ tiêu rất cụ thể và vẫn giữ nguyên giá trị, tuy nhiên còn nhiều chỉ tiêu chúng ta chưa đạt được. Để đi sâu tìm hiểu vào nội dung “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” mà hội thảo đưa ra, đồng chí đề nghị các đại biểu cần tập trung giải quyết các vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau. Trong đó cần làm rõ, điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì, tác động của nó đến đời sống phụ nữ và công tác vận động phụ nữ như thế nào; đánh giá đầy đủ về các quy luật của nền kinh tế thị trường để chỉ rõ những cơ hội và thách thức đối với phụ nữ nói chung, nhóm phụ nữ yếu thế nói riêng; từ đó xác định sự cần thiết và nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác phụ nữ trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 
 Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo

Cương lĩnh năm 2011 của Đảng đề cập đến 5 phương thức lãnh đạo của Đảng bao gồm: một là, thông qua cương lĩnh, đường lối, chiến lược; hai là thông qua tuyên truyền, vận động thuyết phục; ba là thông qua tổ chức mà cụ thể tổ chức mà chúng ta đề cập đến chính là Hội Phụ nữ. Hội cần mạnh mẽ hơn, phải đổi mới, đủ điều kiện để cùng với phụ nữ đồng hành trên con đường phát triển. Muốn tuyên truyền, vận động phụ nữ thì Hội phụ nữ cần phải đóng vai trò là nòng cốt, phải là tổ chức mạnh mẽ, đại diện, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ. Bốn là, kiểm tra, giám sát. Các văn bản, quan điểm, đường lối của Đảng phải được kiểm tra, giám sát liên tục thì mới đi vào đời sống của nhân dân. Năm là phương thức nêu gương mà gần đây, Đảng ta nhấn mạnh về phương thức nêu gương và coi đây là phương thức quan trọng trong việc thuyết phục, vận động quần chúng.

Trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khi nói về đổi mới, phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đối với công tác dân vận, Đảng đề cập đến các vấn đề: đó là củng cố niềm tin, quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ, giải quyết nhu cầu, lợi ích hợp pháp chính đáng cũng như những thắc mắc của nhân dân, cuối cùng là bình đẳng. Đề cập đến vấn đề này, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chỉ rõ, niềm tin của nhân dân, trong đó có phụ nữ đối với Đảng phải được củng cố, bởi khi tin rồi dân mới đồng thuận, mới tham gia, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong công tác vận động phụ nữ, chủ trương, đường lối của Đảng phải được thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước để cả xã hội thực hiện. Luật pháp Việt Nam phải thể chế hóa những vấn đề này trong Luật Bình đẳng giới, Bộ Luật lao động, Luật An sinh cũng như nhiều văn bản pháp luật khác, cụ thể là thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”.

Soi rọi vào thực tiễn, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, công tác cán bộ từ đầu nhiệm kỳ tới giờ được Đảng ta thực hiện một cách quyết liệt. Tại Hội nghị Trung ương 4, Trung ương 6, Trung ương 7 nói rõ, nền kinh tế thị trường với sự vận hành đầy đủ các quy luật, như quy luật giá trị, quy luật cạnh trạnh, quy luật cung cầu, sẽ tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình này đòi hỏi người cán bộ làm công tác dân vận phải hiểu biết đầy đủ những tác động, những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương và công tác dân vận chỉ có hiệu quả khi gắn được với cuộc sống của người dân. Có như vậy, nhân dân mới thấy được những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành chính là làm cho cuộc sống của mỗi người dân, của đất nước ngày một tốt đẹp hơn. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân.

 
 PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, cấp ủy các cấp và người đứng đầu có vai trò trực tiếp quyết định đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ.

Hội thảo đã ghi nhận trên 20 báo cáo khoa học, bài tham luận và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo trong đó tập trung phân tích một số yếu tố tác động đến công tác vận động phụ nữ trong giai đoạn hiện nay như: sự thay đổi về cơ cấu dân số - lao động; khoa học kỹ thuật trở thành nhân tố quyết định trong việc thúc đẩy tiến bộ thời đại; kinh tế tri thức phát triển mạnh, sức sản xuất được nâng cao rõ rệt; hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng... Các thách thức, khó khăn đối với phụ nữ hiện nay cũng được các diễn giả đề cập, trong đó mối quan tâm, lợi ích, nhu cầu của các nhóm phụ nữ rất khác nhau và rất khác so với trước; Lao động nữ chưa tận dụng được các cơ hội việc làm từ hội nhập quốc tế do hạn chế về trình độ tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học…

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị một số phương hướng và giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là trước yêu cầu mới đặt ra từ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa bảo đảm tính chính trị nhưng vẫn phát huy được tính xã hội, dân chủ tự nguyện. Nhiều ý kiến khẳng định, công tác phụ nữ phải bắt nguồn từ chính người phụ nữ, chính cuộc sống của họ, lấy phụ nữ làm trung tâm, vì sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ. Quan tâm tới công tác phụ nữ chính là quan tâm tới nền tảng phát triển của xã hội. Giải phóng phụ nữ chính là thước đo của văn minh, của sự phát triển mọi thời đại. Công tác phụ nữ phải mang tầm chiến lược…./.