Một trong những đặc điểm nổi bật ở đồng chí Lê Duẩn là tư duy độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo. Điều đó được bộc lộ rõ trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nhất là trong thời kỳ đồng chí hoạt động và trực tiếp chỉ đạo cách mạng ở miền Nam, cũng như trong thời kỳ cùng với Trung ương Đảng hoạch định đường lối đấu tranh chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.

Đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng ta, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng gần 60 năm của đồng chí gắn liền với quá trình cách mạng Việt Nam từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội.

Một trong những đặc điểm nổi bật ở đồng chí Lê Duẩn là tư duy độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, đặc biệt là trong những tình huống phức tạp, trước những bước ngoặt của lịch sử. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Trường Chinh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn đã đánh giá: “Là một người mácxít - lêninnít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”(1).

Tư duy độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo ở đồng chí Lê Duẩn được thể hiện từ rất sớm. Thuở nhỏ, cậu bé Lê Văn Nhuận (tên của đồng chí Lê Duẩn) đã là người say mê tìm tòi cái mới, đam mê tranh luận. Có lần đồng chí tâm sự: “Tôi là người hay cãi. Khi còn nhỏ tôi hay hỏi vặn ba tôi những điều ông dạy mà tôi cho là có chỗ chưa hợp lý. Tại các cuộc thảo luận ở nhà tù, tôi là người thích tranh luận, nhiều khi lật lại những luận cứ đã được nhiều người cho là chân lý bất di bất dịch”(2).

Đồng chí Lê Duẩn tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1928, và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng. Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong năm đó, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm tù và lần lượt bị giam ở các nhà tù Hà Nội, Sơn La, Côn Đảo. Đồng chí đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tranh thủ thời gian để học tập nâng cao trình độ lý luận cách mạng, rèn luyện thêm trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản với tư duy độc lập, sáng tạo. Những bạn tù ở Côn Đảo kể lại: “Trong các buổi học ở trong tù, anh ghi chép ít, nhưng đọc và nghiền ngẫm, suy tư thì nhiều. Anh đào sâu tìm ra bản chất vấn đề, không dừng lại ở câu chữ. Anh liên hệ với cuộc sống, với hoạt động cách mạng, không giam mình trong sách vở. Đặc biệt, khi thảo luận, trong lúc nhiều người nhắc lại bài giảng và sách vở hoặc trích dẫn từng câu chữ, thì anh Ba thường nêu ra những câu hỏi và những câu trả lời, lật đi lật lại vấn đề, diễn đạt bằng cách hiểu và ngôn ngữ của mình”(3).

Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, thực dân Pháp ở Đông Dương buộc phải trả lại tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng. Cuối năm 1936, vừa ra khỏi nhà tù, đồng chí tiếp tục hoạt động ở các tỉnh miền Trung. Năm 1937, đồng chí Lê Duẩn được cử làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Cùng với tập thể Xứ ủy, đồng chí đã lãnh đạo phong trào Mặt trận dân chủ ở miền Trung với nhiều chủ trương và phương pháp sáng tạo. Đồng chí không tán thành cả hai khuynh hướng chỉ chú trọng hoạt động bí mật hoặc chỉ chú trọng hoạt động công khai, mà chủ trương kết hợp cả hai hoạt động đó, nhằm tranh thủ các lực lượng yêu nước và dân chủ, mở rộng các hoạt động đấu tranh cách mạng. Hoạt động tích cực và tư duy sáng tạo của đồng chí góp phần quan trọng đưa tới cao trào đấu tranh sôi nổi trong cả nước thời kỳ này.

Năm 1939, đồng chí Lê Duẩn được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí đã cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị Trung ương 6 (11-1939), quyết định thành lập Mặt trận Phản đế Đông Dương thay Mặt trận dân chủ, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, tập trung mũi nhọn vào bọn đế quốc và tay sai, chuẩn bị điều kiện trực tiếp đánh đổ thực dân, phát xít, giành độc lập dân tộc. Đây là sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược quan trọng, đưa cuộc đấu tranh cách mạng ở nước ta sang giai đoạn mới. Sau này, trong tác phẩm Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng..., đồng chí tổng kết: “Đó là một thời kỳ chuẩn bị điều kiện để đưa quần chúng vào những trận chiến đấu quyết liệt mới trong thời kỳ 1940-1945”, dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám.

Năm 1940, đồng chí Lê Duẩn bị địch bắt ở Sài Gòn và đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Đến Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng đón về đất liền, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tại Đại hội II của Đảng (năm 1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (từ năm 1945 đến năm 1954), với tư duy năng động, sáng tạo và là người lãnh đạo chủ chốt của cách mạng miền Nam, đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương cục miền Nam giải quyết một loạt vấn đề thuộc chiến lược cách mạng: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; thống nhất các lực lượng vũ trang; tiến hành cải cách ruộng đất trong các vùng giải phóng; phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, động viên mọi tầng lớp nhân dân cả ở nông thôn và thành thị đứng lên chống giặc, cứu nước... Nhờ đó, đã lãnh đạo quân và dân Nam Bộ anh dũng kháng chiến, thực hiện được kháng chiến toàn dân, toàn diện, góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Cảm phục về sự hoạt động nhiệt thành, lối tư duy năng động, sáng tạo và trí tuệ uyên bác của đồng chí Lê Duẩn, nhiều trí thức yêu nước, cán bộ cách mạng và đồng bào Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã ví đồng chí là “ngọn đèn hai trăm nến”, bởi đồng chí giải quyết những vấn đề chiến lược, sách lược rất sắc bén, có nghệ thuật lãnh đạo độc đáo, có tư duy lý luận và thực tiễn phong phú, có tầm nhìn xa, thấy rộng, có tư tưởng tiến công và luôn sáng tạo. Đã có lần Bác Hồ khen đồng chí khi Người đọc báo cáo của đồng chí từ Nam Bộ gửi ra: chỉ có mấy trang mà nêu rõ được các vấn đề lớn ở Nam Bộ. Nói về tư duy độc lập, năng động, sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Võ Văn Kiệt kể lại: "Anh (Lê Duẩn) thường nói: Thực tế đa dạng lắm. Không chủ trương nào có thể đúng hoàn toàn với tất cả mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Nắm chắc nghị quyết không có nghĩa là thuộc lòng câu chữ. Thực hiện nghị quyết không có nghĩa là áp dụng cứng nhắc. Làm việc với cơ sở, nghị quyết phải bỏ trong túi chứ đừng mang ra đọc. Phải hỏi kỹ tình hình và cách giải quyết các vấn đề cụ thể của cơ sở. Những gì cơ sở làm đúng với tinh thần của nghị quyết thì xác nhận, khích lệ. Những gì chưa đúng thì gợi mở thảo luận, giúp tìm ra cách làm cho đúng. Những điểm nghị quyết chưa phù hợp thì phải ghi nhận. Có như vậy mới phát huy được sáng tạo và nâng cao trách nhiệm của cơ sở, biến nghị quyết của cấp trên thành nghị quyết của cơ sở”(4). Thiết nghĩ, đây là bài học và kinh nghiệm quý trong việc phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở và cán bộ ta trong giai đoạn hiện nay.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đồng chí Lê Duẩn được phân công ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Trên đường từ Quảng Ngãi tới Bình Định, đồng chí chứng kiến đồng bào ta hân hoan, phấn khởi mít tinh mừng hòa bình được lập lại và hy vọng sau hai năm nữa nước nhà sẽ được thống nhất. Nhìn quang cảnh ấy, đồng chí đã khóc. Bằng nhãn quan chính trị sáng suốt, đồng chí đã dự đoán đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai sẽ phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng trong biển máu, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta; sau đó, thực tế diễn ra đúng như vậy.

Trước âm mưu thâm độc, thủ đoạn dã man và sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, cách mạng miền Nam tưởng như đứng trước vực thẳm. Trong điều kiện bị vây lùng và khủng bố tàn khốc, phải hoạt động bí mật, đồng chí Lê Duẩn đã đi khắp miền Nam, từ miền Trung, miền Tây Nam Bộ đến trung tâm các thành phố lớn Sài Gòn - Chợ Lớn, Đà Lạt... để nắm tình hình thực tiễn, xây dựng và tổ chức lại các tổ chức đảng và phong trào cách mạng của quần chúng. Đồng chí sống trong lòng nhân dân, hiểu thấu nguyện vọng thiết tha, sự bức xúc của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, đồng thời có nhiều suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để đưa cách mạng miền Nam phát triển. Chính những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ, đầy thử thách ác liệt này, trí tuệ và tư duy sáng tạo tuyệt vời của đồng chí được thể hiện rõ. Trên cơ sở lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn chiến tranh khốc liệt ở chiến trường Nam Bộ, năm 1956, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng Đề cương cách mạng miền Nam. Đây là phác thảo quan trọng cho con đường cách mạng giải phóng miền Nam.

Trong Đề cương, đồng chí phân tích chính xác âm mưu, thủ đoạn và khả năng của Mỹ - ngụy; thái độ của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội miền Nam... Trên cơ sở đó, đồng chí xác định đối tượng của cách mạng miền Nam là đế quốc và phong kiến; kẻ thù cụ thể và trước mắt của cách mạng miền Nam là đế quốc Mỹ xâm lược, địa chủ phong kiến, tư sản mại bản phản động - tay sai của đế quốc Mỹ. Lần đầu tiên, đồng chí gọi đúng bản chất của chính quyền Ngô Đình Diệm: “con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới”. Việc xác định đúng tính chất xã hội miền Nam, xác định đúng kẻ thù của cách mạng ở thời điểm đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tư duy sắc sảo và nhãn quan chính trị sáng suốt của đồng chí. Sau khi phân tích ba nhiệm vụ của nước ta, đồng chí chỉ rõ: Trong hoàn cảnh cụ thể của miền Nam lúc này, nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng, ngoài con đường đó, không có con đường nào khác. Về phương pháp cách mạng, Đề cương nêu rõ, hiện nay vừa phải sử dụng đấu tranh hoà bình, vừa phải chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang khi tình hình thay đổi, trong đấu tranh chính trị có vũ trang tự vệ, đồng thời phải chuẩn bị khả năng để tiến lên đấu tranh vũ trang toàn diện. Để tập hợp, xây dựng lực lượng, Đề cương nêu rõ chủ trương xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng cho phù hợp với tình hình cụ thể ở miền Nam. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, tưởng chừng bế tắc của cách mạng miền Nam, bản Đề cương do đồng chí khởi thảo có giá trị đột phá, khai thông, tạo ra một không khí tràn đầy niềm tin, dấy lên phong trào Đồng khởi mạnh mẽ ở miền Nam những năm 1959-1960. Ý nghĩa to lớn của Đề cương không chỉ có thế, mà quan trọng hơn, còn góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và chính trị cho Nghị quyết 15 của Trung ương (năm 1959) và Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960) về đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng ta. Với tư duy sáng tạo lớn, với Đề cương cách mạng miền Nam, có thể nói, đồng chí là người đầu tiên đề xuất Cương lĩnh chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.

Năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương cử lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960), đồng chí đư­ợc bầu làm Bí thư­ thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Suốt 15 năm (từ năm 1960 đến năm 1975), trên cương vị này, trong hoàn cảnh đất nước trải qua những khó khăn, thử thách cực kỳ nghiêm trọng, trong bối cảnh quốc tế có những diễn biến vô cùng phức tạp, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những bất đồng sâu sắc, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, tranh thủ sự giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong thời gian này, cùng với Trung ương Đảng, đồng chí góp phần rất quan trọng trong việc hoạch định đường lối chiến lược; giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng trên phạm vi cả nước; xác định rõ nhiệm vụ cách mạng chung và nhiệm vụ cách mạng mỗi miền; xác định mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng hai miền; mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới... Điều đó đòi hỏi ở đồng chí một tư duy sáng tạo rất lớn.

Không phải ngẫu nhiên chúng ta bắt gặp trong các bài nói, bài viết của đồng chí Lê Duẩn những luận điểm: "Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo", "Không sáng tạo thì không có thắng lợi của cách mạng", "Xưa nay không có và sẽ không bao giờ có một công thức duy nhất về cách tiến hành cách mạng thích hợp với mọi hoàn cảnh, mọi thời gian", "Chỉ có thể coi một phương pháp nào đó, một hình thức đấu tranh nào đó là tốt nhất, là đúng nhất khi nó đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tình thế cụ thể", "Không lĩnh vực nào đòi hỏi người cách mạng phát huy trí tuệ nhiều như lĩnh vực phương pháp tiến hành cách mạng",v.v.. Những luận điểm đó làm nổi bật phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của đồng chí.

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Trung ương Đảng về phong trào cách mạng miền Nam. Đồng chí có nhiều suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi, cùng với tập thể Trung ương Đảng hoạch định, phát triển và hoàn chỉnh đường lối, chiến lược và phương pháp cách mạng nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh cách mạng vào chiến trường miền Nam với những đặc thù của nó; đồng thời, có những dự báo, đánh giá chính xác tình hình và đề xuất chủ trương mang tính quyết sách lớn đối với cách mạng miền Nam. Xuyên suốt những chủ trương đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, hậu phương lớn với tiền tuyến lớn; phối hợp chặt chẽ ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược; liên tục tiến công bằng ba thứ quân. Đồng chí đã cùng với bộ thống soái tối cao của Đảng tìm ra những giải pháp tối ưu để đưa cách mạng miền Nam tiến lên vững chắc: mở đầu một cách có lợi nhất bằng phát động khởi nghĩa từng phần trên quy mô rộng lớn; chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, tiến lên giành quyền điều khiển chiến tranh trên thế chủ động; lần lượt đánh bại các bước leo thang, các chiến lược chiến tranh, làm chuyển biến cục diện chiến trường, làm lung lay và đập tan ý chí xâm lược của Mỹ; cuối cùng, kịp thời nắm thời cơ, mở trận quyết chiến chiến lược, kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi hoàn toàn...

Tư duy sáng tạo của đồng trí Lê Duẩn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước có thể được tóm gọn ở những điểm nổi bật sau: đánh giá đúng đế quốc Mỹ để dám đánh và quyết đánh thắng đế quốc Mỹ; có cách đánh đúng bằng nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật biết thắng từng bước; sử dụng bạo lực với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức cơ bản là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang; đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp... Phương pháp tư duy khoa học, khí phách, nhiệt tình và ý chí cách mạng tiến công của đồng chí được phát huy cao độ và thể hiện tuyệt vời trong việc chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, tiến hành tổng công kích vào sào huyệt của địch tại thành phố Sài Gòn, giành đại thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước là chiến công vĩ đại và rất đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, gắn liền với tên tuổi và đóng góp to lớn của đồng chí Lê Duẩn, người đã nhiều năm giữ trọng trách trong bộ chỉ huy tối cao của Đảng và dân tộc ta. Đánh giá về cống hiến và tư duy sáng tạo lớn của đồng chí trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Suốt hai mươi năm chống Mỹ, có thể nói, trong mỗi quyết sách chiến lược đối nội cũng như đối ngoại, trong mỗi thắng lợi của tiền tuyến cũng như ở hậu phương, trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, trong giai đoạn mở đầu cũng như trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, ở đâu cũng có dấu ấn tư duy độc lập, trí tuệ sáng tạo và nghị lực phi thường của anh Ba(5).

Tại Đại hội lần thứ IV (năm 1976), đồng chí Lê Duẩn được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí đã cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương tập trung nhiều công sức vào việc hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiều đồng chí đã nhận xét: "Lê Duẩn là một người suốt đời say mê tìm tòi chân lý", "Anh sinh ra để suy nghĩ, không suy nghĩ dường như anh không chịu nổi", "Anh luôn suy nghĩ, tìm tòi, trăn trở với những vấn đề do cuộc sống đặt ra", "Chân lý với anh là vô cùng tận, do đó suy nghĩ không ngừng được đẩy tới, nâng lên", "Với anh không bao giờ tự thoả mãn với những gì mà nhận thức đã đạt tới", v.v.. Những nhận xét này đúng, bởi phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo là nét rất đặc trưng ở đồng chí. Ước mơ cháy bỏng của đồng chí là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sau khi nước nhà thống nhất, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với Trung ương Đảng làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đường lối ấy thể hiện những đóng góp và những tư tưởng lớn của đồng chí: về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động mà nòng cốt là liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng; về tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; về nền sản xuất lớn, nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa; về thời kỳ quá độ, bước đi ban đầu, chặng đường đầu tiên và những nhiệm vụ của chặng đường này; về công nghiệp hoá là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ; về tranh thủ thời gian xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội; về các thành phần kinh tế; về cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, v.v..

Cho đến cuối đời, đồng chí Lê Duẩn vẫn không ngừng tìm tòi con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam, vì thực tiễn xã hội Việt Nam là điểm xuất phát của sự vận động tư duy năng động và sáng tạo của đồng chí. Trong những điều kiện khác nhau, cả thời điểm thuận lợi cũng như lúc khó khăn, với những vấn đề lý luận và thực tiễn đã sáng tỏ cũng như những quan điểm, tư tưởng đang trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm và hình thành, đồng chí luôn đào sâu suy nghĩ, kiên trì nghiên cứu, khảo sát thực tế. Có thể có những vấn đề do yếu tố khách quan và do hạn chế bởi điều kiện lịch sử cụ thể mà đồng chí chưa có kết luận đầy đủ, thoả đáng, nhưng cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo từ cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt tình và sôi nổi, một lòng một dạ trung thành với lý tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc của anh Ba - tên gọi thân thương mà đồng bào, đồng chí dành cho Tổng Bí thư Lê Duẩn - là tấm gương quý báu để chúng ta noi theo.

Nói về đặc trưng của tư duy năng động, sáng tạo ở đồng chí Lê Duẩn, trong bài thơ Nhớ về anh, nhà thơ Tố Hữu khái quát hóa trong mấy câu rất cô đọng:

"Vẫn là anh...

Chân tình, bình dị,

Vượt khuôn sáo ngôn từ,

Vắt óc trầm tư,

Xoá lối mòn, đào sâu chân lý".



(1) Điếu văn, Báo Nhân dân, số ra ngày 16-7-1986
(2) Tập thể tác giả: Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr55
(3) Tập thể tác giả: Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 186
(4) Tập thể tác giả: Sđd, tr57
(5) Tập thể tác giả: Sđd, tr26