Trong cuộc đời hoạt động của mình, nhất là trong 26 năm trên cương vị là Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc về mặt lý luận và hoạt động thực tiễn trên lĩnh vực đối ngoại của Đảng ta.

Năm 1957, trở lại miền Bắc và được Ban Chấp hành Trung ương cử tạm thời lãnh đạo công việc chung của Ban Bí thư và là Phó Trưởng Ban chuẩn bị Văn kiện Đại hội III của Đảng (Trưởng Ban là Chủ tịch Hồ Chí Minh), đồng chí Lê Duẩn đã dành hết tâm lực của mình góp phần chuẩn bị cho Đảng hoạch định chiến lược cách mạng, giải quyết thành công các vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam trước những chuyển biến phức tạp của tình hình quốc tế trong thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ XX. Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ III của Đảng do đồng chí trình bày đã khẳng định: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, kết hợp chặt chẽ cách mạng hai miền nhằm mục tiêu chung hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà, bảo vệ hòa bình thế giới. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Duẩn, đường lối cách mạng độc lập tự chủ được Đại hội lần thứ III của Đảng thông qua, đã kết hợp được sức mạnh Việt Nam với sức mạnh của thời đại, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, thống nhất Tổ quốc tới thắng lợi hoàn toàn. Cùng với những đóng góp sáng tạo vào việc hoạch định đường lối của Đảng, trong đó có đường lối đối ngoại, trong hoạt động thực tiễn đồng chí Lê Duẩn cũng có những đóng góp to lớn.

1. Để tạo thế chính trị cho cuộc chiến đấu của nhân dân ta, đại diện cho Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã đề xuất với các đảng cộng sản anh em, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc những luận điểm quan trọng, đúng đắn về chiến tranh và hòa bình nhằm khắc phục khuynh hướng "chung sống hòa bình" một chiều xuất hiện trên thế giới ở nửa sau thế kỷ XX. Tại các cuộc gặp gỡ quốc tế với các đảng anh em (Bu-ca-rét: tháng 7-1960; Mát-xcơ-va: tháng 11-1960 và tại Đại hội XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô: tháng 10-1960), đồng chí cho rằng: Chung sống hòa bình phải đi đôi với đấu tranh chống đế quốc - nguồn gốc gây chiến tranh, hai mặt đó khăng khít với nhau. Vì vậy, muốn bảo vệ hòa bình phải dập tắt lò lửa gây ra chiến tranh là chủ nghĩa đế quốc và coi đây là biện pháp bảo vệ hòa bình tích cực nhất... Luận điểm đó được đồng chí Lê Duẩn khẳng định rõ ràng hơn trong bài viết nhân kỷ niệm lần thứ 50 cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười (1967): "Để ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới, giữ gìn hòa bình, cần tích cực chủ động chống lại và làm thất bại mọi âm mưu và hành động gây chiến của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ cầm đầu", "cần đẩy mạnh phong trào độc lập dân tộc và phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân trong các nước đế quốc"(1), thành lập mặt trận nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc.

Sau đó, trong bài Chủ nghĩa Lê-nin soi sáng mục tiêu cách mạng của thời đại nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh V.I. Lê-nin (1970), đồng chí Lê Duẩn viết: "Chiến lược đấu tranh cho hòa bình bao gồm một cách tất yếu chính sách cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau. Chính sách cùng tồn tại hòa bình phải là và chỉ có thể là một bộ phận nằm trong toàn bộ chiến lược đấu tranh cho hòa bình".

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những luận điểm của đồng chí Lê Duẩn và thái độ của những người cộng sản Việt Nam đối với vấn đề chiến tranh và hòa bình, về chiến lược và sách lược của phong trào cộng sản quốc tế, về sự cần thiết phải đoàn kết phong trào cộng sản và việc thành lập mặt trận nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc... là những đóng góp quan trọng hoạch định đường lối đối ngoại đoàn kết quốc tế của Đảng ta, góp phần thống nhất thái độ trong phong trào cộng sản quốc tế và nhân dân thế giới đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta.

2. Từ yêu cầu hòa bình của nhân loại, từ khát vọng tự do của tất cả các dân tộc, từ ước vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của nhân dân ta và các nước trong khu vực, với cách nhìn và lý giải về chiến tranh và hòa bình, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, văn minh và tàn bạo, Đảng ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Duẩn, đã thể hiện trong đường lối cách mạng nước ta sự kết hợp giữa nhu cầu của nhân dân ta với nhân loại, kết hợp sức mạnh của dân tộc với thời đại và đặt sự vận động của cách mạng Việt Nam vào dòng chảy phát triển của xã hội loài người. Việc thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng với Cương lĩnh năm 1960 của Mặt trận là cơ sở chính trị và ngoại giao cho nhân dân ta phát động và kết thúc một cách đúng đắn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong bối cảnh quốc tế phức tạp. Trên ý nghĩa đó, cuộc chiến tranh mà dân tộc ta tiến hành ở nửa sau thế kỷ XX được giới hạn về không gian và mục tiêu là cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành quyền tự quyết ở miền Nam, cuộc đấu tranh cho hòa bình, cuộc chiến đấu của chính nghĩa chống phi nghĩa, của văn minh chống bạo tàn. Do vậy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta không chỉ phù hợp với nguyện vọng của các dân tộc mà còn đồng thuận với sự phát triển của nhân loại. Thuận theo xu thế phát triển của thời đại (thiên thời), toàn dân đoàn kết chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc (địa lợi), lại được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, kể cả nhân dân Mỹ (nhân hòa), sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã hội đủ các điều kiện để chiến thắng.

3. Trước những vận động ly tâm trong cả hai hệ thống xã hội và quá trình tập hợp lực lượng mới trên thế giới diễn ra ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị hết sức phức tạp, chằng chéo về lợi ích và trong một bối cảnh quốc tế mà sự chia rẽ của phong trào cộng sản quốc tế ngày càng nặng nề vào thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX ..., việc đặt đúng vị trí, giải quyết thành công các nhiệm vụ cách mạng của nước ta và nhiệm vụ quốc tế của Đảng, thực sự là một cống hiến cực kỳ to lớn của Đảng ta lúc đó đối với dân tộc, với phong trào cách mạng quốc tế. Cống hiến đó bắt nguồn từ tinh thần độc lập, tự chủ trong xây dựng đường lối và chỉ đạo thực hiện chiến lược, sách lược của Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngay từ khi mới thành lập và trong quá trình phát triển của Đảng.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cương vị của mình, đồng chí Lê Duẩn luôn khẳng định tầm quan trọng của vấn đề độc lập tự chủ trong xây dựng và thực hiện đường lối của Đảng. Để đoàn kết quốc tế, đặc biệt là đoàn kết giữa các đảng cộng sản và công nhân quốc tế, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (tháng 12-1965), đồng chí Lê Duẩn cho rằng: Chỉ có một cách là Đảng ta phải độc lập tự chủ, có độc lập tự chủ mới đoàn kết được, nếu ngả về bên nào thì không thể đoàn kết được và kinh nghiệm lịch sử của Đảng ta là khi nào độc lập tự chủ thì thắng lợi. Quan điểm đó được đồng chí nhắc lại tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 (tháng 1-1967): Chúng ta tìm mọi cách đoàn kết quốc tế, đoàn kết phe ta nhưng nhất thiết phải độc lập. Sau này, đồng chí tổng kết: "Chịu trách nhiệm trước phong trào cách mạng của nhân dân nước mình, mỗi một đảng cộng sản phải giữ vững tính độc lập tự chủ, làm tròn vai trò đội quân tiên phong cách mạng, đồng thời phải tăng cường hợp tác quốc tế, tôn trọng quyền độc lập tự chủ của các đảng anh em, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của cách mạng thế giới"(2).

Với đường lối độc lập tự chủ, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc chiến đấu của dân tộc vượt qua mọi sự trở ngại trên trường chính trị, ngoại giao quốc tế, đem lại thắng lợi trọn vẹn cho Tổ quốc.

4. Từ năm 1950, trong tập Ý kiến về bản dự thảo kiểm điểm chính sách chung, đồng chí Lê Duẩn đã cho rằng sự tiến công của cách mạng vô sản phải tùy theo tình hình cụ thể của từng nước, từng dân tộc mà có tính chất khác nhau, hình thức khác nhau. Quan điểm đó không chỉ được đồng chí Lê Duẩn khẳng định khi hoạch định đường lối độc lập tự chủ của Đảng ta, mà còn đặc biệt nhấn mạnh trong việc tìm tòi phương pháp cách mạng thích hợp. Đồng chí khẳng định: "Đây chính là vấn đề nóng hổi và quan trọng bậc nhất của phong trào cách mạng thế giới hiện nay"(3) và cho rằng, không có lĩnh vực nào đòi hỏi sáng tạo nhiều như lĩnh vực phương pháp cách mạng. Chính đồng chí Lê Duẩn đã nghiên cứu và có nhiều đóng góp sáng tạo trên lĩnh vực này.

Theo đồng chí Lê Duẩn, "biết thắng từng bước cho đúng" là khái quát chung về một phương pháp cách mạng không chỉ có ý nghĩa đối với cách mạng nước ta mà còn với cách mạng thế giới. Thắng từng bước là sự điều chỉnh toàn bộ cuộc chiến đấu của dân tộc một cách chủ động trước những tình hình cụ thể, nhằm phát huy thế và lực của cuộc chiến đấu, làm thay đổi so sánh lực lượng, giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi cuối cùng. Thành lập trên thực tế Mặt trận đoàn kết quốc tế rộng rãi ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta; kiềm chế cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam bằng cả chính trị - quân sự - ngoại giao, đánh bại ý chí xâm lược và buộc đế quốc Mỹ phải từng bước xuống thang chiến tranh, phải rút khỏi miền Nam và cuối cùng giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 là những bước đi vững chắc, thể hiện rõ nét sự kết hợp chặt chẽ giữa đường lối chính trị đối nội và đối ngoại, thể hiện phương pháp cách mạng Việt Nam, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh mà đồng chí Lê Duẩn đã tổng kết và thực hiện.

Những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn trên lĩnh vực đối ngoại trong cách mạng dân tộc dân chủ thực sự là những bài học đặc sắc cho Đảng ta hiện nay.



(1) Lê Duẩn: Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng ta, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1981, tr 33.
(2) Lê Duẩn: Sđd, tr 32
(3) Lê Duẩn: Sđd, tr 32