Hà Nội 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII - Kết quả và những vấn đề đặt ra
Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Thủ đô Hà Nội đã và đang phát huy vai trò đi đầu trong xây dựng, phát triển toàn diện mọi mặt, trong đó văn hóa được xác định là động lực thúc đẩy sự phát triển. Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng, Thành ủy Hà Nội luôn xác định xây dựng và phát triển vǎn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đầy khó khǎn, phức tạp, đòi hỏi ý chí, sự kiên trì, thận trọng. 15 năm qua, tiếp nối và phát huy quá trình giữ gìn, dựng xây văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, đoàn kết các tầng lớp nhân dân cùng chung sức thực hiện Nghị quyết Trung ương và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, với mục tiêu xây dựng văn hóa Thủ đô theo 3 định hướng lớn là: bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (vật thể và phi vật thể) của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến; từng bước xây dựng và hoàn thiện những giá trị mới trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, phát triển Hà Nội thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Sau 15 năm triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đảng viên và nhân dân về văn hóa nói chung, văn hóa Thủ đô nói riêng đã có những chuyển biến tích cực; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu, song phía trước cũng đối mặt với không ít thách thức.
Xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh và xây dựng môi trường văn hóa
Thành ủy Hà Nội luôn nhận thức rõ xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hóa có vai trò quan trọng. Vì thế, các cấp chính quyền đã tập trung chỉ đạo công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh trước hết là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân. Nhiều chương trình hành động, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa với trọng tâm là thực hiện “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia tích cực của cán bộ đảng viên và nhân dân Thủ đô. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa còn gắn kết với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, phong trào xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”... Thông qua việc triển khai hiệu quả những đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa sâu rộng này, nhận thức của nhân dân về vai trò, giá trị của văn hóa được nâng cao, ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc được củng cố.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện Đề cương Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, vừa mang những phẩm chất truyền thống của dân tộc vừa khai thác bổ sung những nét tinh tế, thanh lịch đặc trưng của người Thủ đô cùng tác phong năng động, thích nghi với nhịp sống hiện đại. Từ năm 2006 đến nay, Chương trình số 08-CTr/TU, ngày 04-8-2006 về “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”; Chương trình 04-CTr/TU, ngày 18-10-2011 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015” được triển khai đến các tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn và đạt nhiều kết quả tốt. Nhận thức của người dân đã có chuyển biến, nâng cao, nét đẹp văn hóa riêng của “người Tràng An” được nhân dân cả nước tôn vinh và du khách quốc tế ghi nhận.
Bên cạnh đó là những nỗ lực của Hà Nội trong việc xây dựng môi trường văn hóa qua các cuộc phát động nhiều phong trào ở cơ sở, như: phong trào “xanh - sạch - đẹp”, “thanh niên tình nguyện”, “thanh niên tự quản đường phố”, “các gia đình tự quản hè, đường”, “trẻ em không chơi đùa dưới lòng đường”, “người Hà Nội nói lời hay, làm việc tốt”, “thanh niên xung kích xóa đói giảm nghèo”, “phong trào xây dựng phường văn hóa, làng văn hóa, xã văn hóa, cơ quan văn hóa”... Các cấp ủy đảng đã đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, coi đó là cách làm có kiểm soát việc xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh tại nơi làm việc và khu dân cư. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng được nền nếp làm việc, hội họp đúng giờ, xây dựng môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng đã được triển khai sâu rộng, gắn với những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố, như thực hiện “Năm giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị”, Đề án “Cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện môi trường xã hội”. Chương trình công tác về lĩnh vực văn hóa - xã hội của Thành ủy Hà Nội các khóa XIII, XIV, XV được đặt ra với một quyết tâm chính trị cao. Thông qua phong trào, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã tạo được chuyển biến thực sự trong đời sống xã hội, hướng tới mục tiêu từng bước hình thành nhân cách con người mới, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiềm ẩn trong lòng Hà Nội.
Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa” và Ban Vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” các cấp được thành lập ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và duy trì thường xuyên với những hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần tăng cường tình đoàn kết, chung sức xây dựng cuộc sống cộng đồng lành mạnh; từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” tăng dần qua các năm và hiện đạt trên 82% tổng số hộ dân. Những hoạt động biểu dương, tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu được tổ chức đều đặn và sôi nổi, phong phú, trang trọng. Phong trào xây dựng làng văn hóa triển khai ở khu vực ngoại thành Hà Nội được gắn kết với nội dung xây dựng nông thôn mới với các yêu cầu cụ thể như: phát triển kết cấu hạ tầng, củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao; phát triển kinh tế; tạo lập cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; xóa bỏ các hủ tục, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Mô hình “Tổ dân phố văn hóa” đã được Ban Chỉ đạo thành phố thống nhất triển khai rộng theo một quy trình chặt chẽ từ năm 2002, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những mô hình văn hóa được các quận triển khai ở khu vực nội đô khá hiệu quả. Phong trào xây dựng “Đơn vị văn hóa” cũng được triển khai rộng rãi trong khối các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn Hà Nội... Tỷ lệ số cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa” hiện nay là 77% so với số đơn vị đăng ký.
15 năm qua, thành phố Hà Nội còn tập trung triển khai nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo Chỉ thị 27-CT/TW, ngày 12-01-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII; Kết luận 51-KL/TW ngày 22-7-2009 của Bộ Chính trị khóa X. Chính quyền đã vận động cán bộ, nhân dân Thủ đô tổ chức cưới theo tinh thần “trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm”. Nhiều hình thức tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm kèm theo nhiều nghi thức ý nghĩa trong việc cưới như dâng hương tưởng niệm tại đài liệt sĩ, trồng cây lưu niệm, góp vật liệu xây dựng đường giao thông… cũng được triển khai. Hằng năm, toàn thành phố có hơn 11,6 nghìn lượt các cặp đăng ký kết hôn trong đó số cặp tổ chức trao nhận giấy đăng ký kết hôn ở UBND xã, phường, thị trấn khoảng hơn 9,5 nghìn lượt, đạt khoảng 82,3%... Quy ước tổ chức việc tang cũng được tổ chức, triển khai khá tốt, tạo chuyển biến tích cực, theo hướng trang nghiêm, tiết kiệm, lành mạnh, nghĩa tình, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, hương ước của địa phương, đúng quy định của pháp luật, tuân thủ các quy chế về môi trường. Bên cạnh đó, các lễ hội cũng được quản lý, tổ chức khá chặt chẽ, nền nếp. Thành phố tập trung chỉ đạo 29 quận, huyện, thị xã thường xuyên tiến hành kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở tất cả các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các vi phạm.
Như vậy, có thể khẳng định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được thành phố Hà Nội tích cực thực hiện thời gian qua đã tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và tạo được sức lan tỏa lớn trong nhân dân.
Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật
Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 5. Với Thủ đô - nơi tụ hội của những giá trị văn hóa dân tộc và đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ tiêu biểu cả nước - lại càng quan trọng và cấp thiết. Vì vậy, đảng bộ và chính quyền Hà Nội luôn chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô, củng cố và phát triển Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội. Thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho các văn, nghệ sĩ về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa, kịp thời hỗ trợ các sáng tạo nghệ thuật.
Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm phát triển hoạt động văn học, nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Mỗi năm, các hội viên của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đã sáng tạo được trên 3.000 tác phẩm, gồm đủ các thể loại như văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, múa, kiến trúc… Nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế. Hằng năm, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã tổ chức được gần 500 buổi biểu diễn với các chương trình văn hóa nghệ thuật phong phú, có chất lượng chào mừng các ngày lễ và phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Các đoàn nghệ thuật của thành phố cũng thường xuyên phối hợp và tham gia các liên hoan nghệ thuật như: Liên hoan “Hát văn và hát chầu văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ”, Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen”, Liên hoan nghệ thuật quần chúng chủ đề “Bác Hồ - niềm tin sáng mãi”, Liên hoan “Giai điệu Thăng Long - Hà Nội”... Nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Thủ đô đã đầu tư trí tuệ xây dựng những chương trình nghệ thuật, vở diễn sân khấu đặc sắc mang đậm chất văn hóa Thăng Long - Hà Nội, được khán giả trong và ngoài nước đánh giá cao. Đặc biệt, dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô đã xây dựng 31 kịch bản tổ chức các hoạt động trong 10 ngày lễ hội, tôn vinh các giá trị văn hóa lịch sử và truyền thống cách mạng của dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, sức sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trong gần 300 buổi biểu diễn nghệ thuật, đã có 30 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại khu vực trung tâm thành phố và sân khấu ngoài trời tại 29 quận, huyện, thị xã, với sự tham gia và phối hợp của các đoàn nghệ thuật Thủ đô, đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành phố trong cả nước và 7 đoàn nghệ thuật quốc tế gồm Nga, Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a. Thành phố cũng cho ra đời tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” với khoảng 100 đầu sách. Các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật của Thủ đô thời gian qua phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ, góp phần tích cực chống các biểu hiện tiêu cực, sai trái trong sáng tác, từng bước bồi đắp và xây dựng diện mạo văn hóa Hà Nội.
Những thách thức trong phát triển
Bên cạnh những thành công đáng ghi nhận, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 ở Hà Nội vẫn còn không ít những hạn chế như: kết quả và tiến bộ đạt được trong lĩnh vực văn hóa chưa thật xứng tầm với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô; công tác quản lý văn hóa, hoạt động biểu diễn, quản lý tín ngưỡng tôn giáo và lễ hội còn nhiều bất cập, thiếu trọng tâm, trọng điểm; công tác quản lý nhằm loại trừ các sản phẩm phản văn hóa (băng, đĩa hình, sách báo, ấn phẩm...) chưa được kiểm soát chặt chẽ, thiếu các chế tài xử lý triệt để; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn còn một số nội dung hạn chế, mang tính hình thức; ở một số địa phương, đơn vị còn có biểu hiện chạy theo thành tích, việc quản lý các hoạt động nghệ thuật trong một số lĩnh vực (âm nhạc, phim ảnh, quảng cáo, mỹ thuật) còn bất cập, gây nhiều phản cảm...; việc giáo dục đạo đức cho tầng lớp thanh thiếu niên chưa được quan tâm đúng mức; công tác phát triển, quảng bá, mở rộng giao lưu hợp tác văn hóa chưa có sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với phát triển du lịch nên hiệu quả chưa cao...
Những thách thức mà Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt trước yêu cầu xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đúng như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là: Thứ nhất, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra những yêu cầu cao về bảo tồn, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc nhưng nguồn lực cho phát triển chưa lớn, khả năng xã hội hóa nguồn lực còn hạn chế. Thứ hai, những biến động phức tạp, khó lường về tình hình chính trị, kinh tế quốc tế nên sự xâm nhập của các luồng văn hóa độc hại và hiện tượng phản văn hóa gia tăng; tác động từ mặt trái kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội và các giá trị văn hóa truyền thống. Thứ ba, những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, tệ quan liêu, tham nhũng, suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... gây nên những tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống của các tầng lớp nhân dân. Thứ tư, việc mở rộng địa giới hành chính và quá trình đô thị hóa nhanh cũng đem lại không ít khó khăn, thách thức như: sức ép về việc làm, nhà ở, quản lý đô thị; tệ nạn xã hội, nhất là ma tuý, mại dâm, mê tín dị đoan cùng các loại tội phạm mới nảy sinh đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và làm chậm quá trình xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Do đó, Hà Nội đã xác định những giải pháp cần triển khai tích cực trong thời gian tới, cụ thể:
Một là, nâng cao vai trò lãnh đạo và tính trách nhiệm của các cấp ủy Đảng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa của Thủ đô, trách nhiệm của từng đảng viên trong việc xây dựng đời sống văn hóa từ cơ sở; xác định trách nhiệm của các cấp ủy và chính quyền trong việc đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa các cấp; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách văn hóa.
Hai là, tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng xã hội về giáo dục đạo đức, lối sống, kỷ luật đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên; đưa tiêu chuẩn “xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa văn minh đô thị” trở thành điều kiện bắt buộc trong công tác đánh giá sơ kết, tổng kết thi đua hằng năm của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Ba là, đẩy mạnh công tác đổi mới tổ chức, nội dung và cơ chế quản lý; tăng cường phân cấp quản lý văn hóa, xã hội; rà soát, bổ sung các văn bản quy định về cơ chế, chính sách văn hóa, các quy chế quản lý hoạt động văn hóa phù hợp với yêu cầu mới trên địa bàn thành phố; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội trong xây dựng đời sống văn hóa Thủ đô, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá, tổ chức thi đua đối với việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa.
Bốn là, gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa; củng cố, xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển văn hóa; tập trung khai thác tiềm năng của Hà Nội để phát triển du lịch và văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Hà Nội đến với nhân dân cả nước và thế giới.
Năm là, tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư xây dựng công trình văn hóa, sáng tác, thu hút nhân tài; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển thành phố xứng tầm với vị trí và truyền thống của Thủ đô nghìn năm văn hiến./.
Thành công của hiện thực và hư cấu trong phim truyện cách mạng Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh  (06/09/2013)
Mối quan hệ giữa hành chính công với quản lý công và liên hệ với thực tiễn cải cách hành chính ở Việt Nam  (06/09/2013)
Mối quan hệ giữa hành chính công với quản lý công và liên hệ với thực tiễn cải cách hành chính ở Việt Nam  (06/09/2013)
"Đầu tư của Nhật đã góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam"  (05/09/2013)
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  (05/09/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Hàn Quốc  (05/09/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay