Cần Thơ đột phá cải cách hành chính để giảm tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp
Tăng công khai, minh bạch; giảm thủ tục hành chính
Năm 2012, công tác cải cách hành chính (CCHC) ở thành phố Cần Thơ tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Song song với việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cải cách thể chế hành chính, từng bước chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); công tác tuyên truyền CCHC tiếp tục được xem là nội dung quan trọng nhằm đưa các nội dung CCHC đến với CBCCVC và người dân biết để giám sát và thực hiện. Thành phố đã phát động cuộc thi “Chung tay cải cách hành chính”; tuyên truyền định kỳ về CCHC trên các báo, đài địa phương; mở “Diễn đàn trao đổi ý kiến” tiếp nhận phản ánh của tổ chức, công dân về những mặt được và chưa được trong hoạt động CCHC; tổ chức nhiều chương trình “Gặp gỡ và đối thoại” trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố về các thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực đang gây nhiều bức xúc nhất cho người dân và doanh nghiệp như: đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo hiểm, ...
Trong công tác cải cách TTHC, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã thông qua phương án đơn giản hóa 46 TTCH năm 2012 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của thành phố; ban hành 40 quyết định công bố Bộ TTHC với 322 thủ tục (ban hành mới: 75 thủ tục; sửa đổi, bổ sung: 213 thủ tục; hủy bỏ: 34 thủ tục). Đến nay, 100% TTHC được niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phố và các sở, ngành, quận, huyện.
Năm 2012, UBND thành phố tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn trực thuộc. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện đúng theo quy định, các cơ quan hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, từng bước khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp, bỏ sót hoặc tranh chấp về chức năng, nhiệm vụ; góp phần nâng cao trình độ, năng lực, đổi mới tác phong, phương pháp làm việc của đội ngũ CBCCVC.
Trên cơ sở kiện toàn tổ chức bộ máy, các sở, ban, ngành, quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho CBCCVC làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đến nay, một số mô hình một cửa liên thông đã và đang triển khai thực hiện, được nhiều người dân và doanh nghiệp đồng tình. Cụ thể như:
Mô hình một cửa liên thông giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố và Cục Thuế Cần Thơ trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu và con dấu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mô hình một cửa liên thông lĩnh vực đất đai từ cấp xã lên cấp huyện theo Quyết định số 708/QĐ-UBND của UBND thành phố: thực hiện tại 41/41 xã, thị trấn của 4 huyện (Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh), đạt tỷ lệ giải quyết 91,79% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Trong đó, có đến 97,62% hồ sơ trả trước hẹn và đúng hẹn.
Mô hình một cửa ứng dụng CNTT cấp huyện tại 9/9 quận, huyện đi vào nề nếp, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và tổ chức. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trong 10 tháng đầu năm 2012 là 73.086 hồ sơ, đã giải quyết 67.934 hồ sơ (đạt 92,95%).
Mô hình một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng: Theo đó, các sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp; Cục Thuế; Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch và các đơn vị liên quan đang xây dựng Quy chế phối hợp mô hình một cửa liên thông trong giải quyết một số TTHC liên quan đến lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng. Mô hình này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong những tháng đầu năm 2013.
Hiện đại hóa hành chính được xem là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả CCHC. Đến nay, 100% CBCCVC cấp sở, ngành, quận, huyện đã được cung cấp địa chỉ hộp thư điện tử của thành phố; 90% văn bản được trao đổi trên mạng; 90% công chức, viên chức sử dụng hộp thư công vụ trong giải quyết công việc; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến giữa UBND thành phố và các quận, huyện được vận hành ổn định, thường xuyên.
Hệ thống Cổng thông tin điện tử thành phố được triển khai bảo đảm cung cấp hạ tầng ổn định, đồng thời nâng cấp, xây dựng mới, bảo đảm 100% các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện có cổng/trang thông tin điện tử.
Thực hiện Đề án ứng dụng CNTT vào hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, đến cuối tháng 10-2012, đã có 11/42 xã, phường, thị trấn ra mắt và đưa vào hoạt động. Các xã, phường, thị trấn còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện.
Toàn thành phố hiện có 47/122 đơn vị (kể cả xã, phường, thị trấn) áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Đến cuối năm 2012, tất cả các cơ quan chuyên môn cấp thành phố hoàn thành việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008; tất cả các quận, huyện đã tích hợp hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 - Bộ TTHC - các phần mềm quản lý chuyên ngành tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Nhìn chung, những nỗ lực trong công tác CCHC thời gian qua ở thành phố Cần Thơ đã đem lại những kết quả khả quan.
Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng, tính hiệu lực, hiệu quả; đặc biệt là tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong một số lĩnh vực như: đầu tư, xây dựng, đất đai, sản xuất kinh doanh, các vấn đề về quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, xây dựng và phát triển văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị tại địa phương…
Bộ TTHC được cập nhật, sửa đổi, bổ sung theo hướng ngày càng hoàn thiện, từng bước đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện cho tổ chức, công dân dễ tiếp cận, dễ thực hiện và giảm chi phí khi thực hiện các TTHC.
Mô hình ứng dụng CNTT vào Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn trong việc giải quyết công việc, hồ sơ, qua đó củng cố và tăng cường lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước.
Việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước của các ngành, các cấp góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm văn bản giấy tờ, phục vụ có hiệu quả cho sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền và giải quyết công việc cho nhân dân nhanh chóng hơn.
Những hạn chế, vướng mắc
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song theo nhận định của UBND thành phố Cần Thơ, công tác CCHC trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là:
Công tác CCHC ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; một số nơi cấp ủy chưa chú trọng đưa nội dung CCHC vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, từ đó, thiếu quyết tâm trong chỉ đạo và thực hiện, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng kế hoạch cụ thể hóa Chương trình CCHC của thành phố giai đoạn 2011 - 2020 và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ của một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc; công tác phối hợp CCHC của các cấp, các ngành chưa đồng bộ.
Việc nhân rộng mô hình mới trong công tác CCHC chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức; một số nơi chưa chú trọng công tác kiểm tra việc thực hiện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ sở và chấn chỉnh những tiêu cực, bất cập trong quá trình thực hiện.
Bộ TTHC liên tục thay đổi gây khó khăn cho người dân trong quá trình tìm hiểu, tiến hành các TTHC; nhiều CBCCVC cũng khó cập nhật kịp thời để giải quyết hồ sơ cho tổ chức và công dân. Vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn, đa số thuộc lĩnh vực đất đai. Một số CBCCVC chưa nghiên cứu kỹ văn bản, chưa nắm vững quy trình, dẫn đến việc hướng dẫn chưa đúng, chưa đủ, gây phiền hà cho tổ chức, công dân.
Nội dung thông tin trên hệ thống Cổng thông tin điện tử thành phố chưa đầy đủ, chưa được cập nhật thường xuyên; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp chưa được triển khai thực hiện. Vẫn còn một số CBCCVC chưa thường xuyên việc sử dụng thư điện tử cho công việc.
Một số nơi vẫn còn tình trạng CBCCVC gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp để trục lợi nhưng người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa biết hoặc phát hiện nhưng chưa xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể sai phạm. Vẫn còn tình trạng yêu cầu người dân chứng thực sao y tùy tiện; CBCCVC trễ hẹn trả kết quả nhưng không xin lỗi người dân theo quy định của Chính phủ.
Để cơ quan công quyền bớt nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp
Tại kỳ họp cuối năm 2012, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Cần Thơ đã thống nhất xác định chủ đề năm 2013 là “Cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực, hướng về cơ sở”. Trong đó, CCHC được xác định là khâu đột phá. Quyết tâm này đã được lãnh đạo thành phố Cần Thơ khẳng định tại Cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp ủy và người đứng đầu các đơn vị hành chính từ cấp phòng trở lên trên địa bàn thành phố ngày 13-12-2012.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ - nhấn mạnh: “Với quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, giảm tình trạng nhũng nhiễu, người dân, doanh nghiệp; giảm tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan công quyền, từ năm 2013, trong hoạt động, chính quyền thành phố cần quyết liệt thực hiện “3 giảm, 3 tăng”. “3 giảm” là: giảm hội họp; giảm ra các văn bản chưa cần thiết, thiếu tính khả thi; giảm chi phí. “3 tăng” là: tăng cường đi cơ sở; tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển; tăng nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tới đây, cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi cán bộ, công chức, viên chức bị phát hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”.
Trên cơ sở đó, UBND thành phố Cần Thơ đã xác định một số giải pháp sẽ tập trung thực hiện trong năm 2013 để nâng cao hiệu quả công tác CCHC.
Một là, Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; xây dựng Nghị quyết Đẩy mạnh thực hiện công tác CCHC của thành phố giai đoạn 2013 - 2015 trình HĐND thành phố ban hành.
Hai là, Thường xuyên rà soát, kiến nghị với cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ những TTHC không phù hợp để Bộ TTHC được hoàn thiện hơn; ban hành một quyết định công bố lại các TTHC đối với những sở có nhiều quyết định công bố để tránh tình trạng chồng lắp, chồng chéo, khó thực hiện.
Ba là, Tiếp tục tổ chức khảo sát kiến thức tin học, kiến thức CCHC cho CBCCVC các quận, huyện; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về CCHC cho CBCCVC phụ trách CCHC của các cơ quan, đơn vị.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp tục thực hiện để hoàn thành Đề án Ứng dụng CNTT vào Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, đạt 100% xã, phường, thị trấn vào cuối năm 2013; triển khai áp dụng mô hình này tại các đơn vị cấp sở, ngành đủ điều kiện. Đưa mô hình một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng vào hoạt động và tiếp tục hoàn thiện dần, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố.
Năm là, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai việc cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cho sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tổ chức tập huấn sử dụng thiết bị chữ ký số để sớm đưa vào sử dụng. Triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước cấp xã.
Sáu là, xây dựng và triển khai thực hiện Bộ Chỉ số đánh giá CCHC cho cấp sở, ngành và quận huyện; song song đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết các vướng mắc về TTHC nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng CCHC của thành phố.
Bảy là, cấp ủy, người đứng đầu (từ cấp phó phòng trở lên) phải chịu trách nhiệm khi người dân, doanh nghiệp, báo chí phản ánh, phàn nàn về tình trạng tham nhũng, hối lộ, gây phiền hà xảy ra trong quá trình giải quyết các TTHC ở cơ quan, đơn vị mình./.
Khai trương Trang điện tử tiếng Lào và phát tin, bài trên Trang SolidNet  (28/12/2012)
PVN dự báo doanh thu năm 2013 giảm 119,4 nghìn tỷ  (27/12/2012)
Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12%  (27/12/2012)
Năm 2012, tổng sản phẩm nội địa Hà Nội tăng 8,1%  (27/12/2012)
Bế mạc hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Trung ương 6  (27/12/2012)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên