Giảm thiểu tình trạng lương thực bị thất thoát và lãng phí để góp phần xây dựng một thế giới không đói
TCCS - Lương thực bị thất thoát và lãng phí đã trở thành mối quan tâm lớn nhất của toàn xã hội. Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững (SDGs) phản ánh nhận thức toàn cầu đối với vấn đề này đang ngày một tăng lên. Mục tiêu 12.3 của SDGs kêu gọi giảm ½ lượng lương thực lãng phí toàn cầu trong phân phối, tiêu thụ vào năm 2030, đồng thời giảm thất thoát trong chuỗi sản xuất, cung ứng.
Thế giới mất 1 nghìn tỷ USD từ thất thoát và lãng phí lương thực
Tình trạng nghèo đói trên thế giới đang ngày càng gia tăng, nhưng lượng lương thực toàn cầu bị thất thoát hoặc lãng phí rất lớn. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính, hằng năm có khoảng 1/3 lượng lương thực của thế giới bị thất thoát hoặc sử dụng lãng phí. Hiện nay, thế giới đang thất thoát và lãng phí lương thực khoảng 30%/ năm, tương đương với việc bị mất đi 1,3 tỷ tấn lương thực, 1 nghìn tỷ USD chi phí về kinh tế, 700 tỷ USD về môi trường và 900 tỷ USD về xã hội. Để giúp hiểu rõ vấn đề này cũng như để tính toán theo hướng Mục tiêu 12.3, FAO đưa ra hai chỉ số riêng biệt: Chỉ số lương thực bị thất thoát (FLI) và Chỉ số lương thực lãng phí (FWI). Ví dụ, FLI cung cấp cách tính lương thực thất thoát mới nhất từ sau vụ thu hoạch hiện tại, nhưng không bao gồm giai đoạn bán lẻ. Lương thực lãng phí từ người bán lẻ và người tiêu dùng không được tính trong FLI. Những tính toán ban đầu về FLI cho thấy, có khoảng 14% lương thực thế giới bị thất thoát ngay sau vụ thu hoạch.
Theo định nghĩa của FAO, Lương thực bị thất thoát là sự giảm số lượng và chất lượng lương thực, hậu quả từ các quyết định và hành động của những người cung cấp lương thực, người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Lương thực bị thất thoát là bất kỳ lương thực nào bị loại bỏ, đốt khi thu hoạch/chế biến… và không được sử dụng cho mục đích khác, như thức ăn cho gia súc hoặc hạt giống. Lương thực bị thất thoát theo tính toán của FAO trong FLI xảy ra ngay sau thu hoạch, nhưng không bao gồm cấp độ bán lẻ.
Lương thực lãng phí là nói đến sự suy giảm số lượng hoặc chất lượng lương thực, hậu quả của các quyết định và hành động của những người bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Lương thực bị lãng phí theo nhiều cách: Sản xuất mới nhưng bị chệch hướng từ điều được xem là tối ưu, ví dụ về hình dáng, kích cỡ và màu sắc, thường bị loại khỏi chuỗi cung cấp trong khi phân loại; lương thực gần hoặc đã hết hạn sử dụng bị người bán lẻ, người tiêu dùng loại bỏ; lượng lớn lương thực ăn được nhưng các hộ gia đình không sử dụng và bị loại bỏ hoặc để lại sau các bữa ăn.
Lương thực bị thất thoát hoặc lãng phí trong chuỗi cung cấp diễn ra theo mọi cách, từ sản xuất nông nghiệp ban đầu đến tiêu thụ gia đình. Lương thực chưa bao giờ được sử dụng cũng là một sự lãng phí các nguồn, như diện tích, đất đai, nước, năng lượng, hạt giống và những nguồn khác được sử dụng để sản xuất lương thực, làm tăng hiệu ứng nhà kính. Lương thực bị thất thoát và lãng phí sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của tất cả mọi thành phần trong chuỗi cung cấp, kể cả người tiêu dùng. Điều này cũng thể hiện sự sử dụng không hiệu quả các nguồn, như lao động, nước, năng lượng và đất đai, cũng như biến đổi khí hậu và các tác động xã hội.
Theo nghiên cứu, ở các nước đang phát triển, lương thực bị thất thoát và lãng phí xảy ra tại các giai đoạn ban đầu của chuỗi giá trị lương thực và bắt nguồn từ hạn chế về kỹ thuật, quản lý, tài chính trong kỹ thuật thu hoạch cũng như tích trữ và các thiết bị làm mát. Củng cố chuỗi cung cấp thông qua sự hỗ trợ trực tiếp người nông dân và đầu tư vào kết cấu hạ tầng, giao thông cũng như mở rộng ngành công nghiệp lương thực và đóng gói có thể giúp giảm khối lượng lương thực bị thất thoát và lãng phí.
Ở các nước có thu nhập cao và trung bình, lương thực bị thất thoát và lãng phí chủ yếu là ở giai đoạn sau trong chuỗi cung cấp. Khác với các nước đang phát triển, hành vi của người tiêu dùng góp một phần rất lớn ở các nước công nghiệp. Các thỏa thuận giữa nông dân và người mua có thể có ích trong việc nâng cao cấp độ điều phối. Thêm vào đó, nhận thức tăng lên trong các ngành công nghiệp, người bán, người tiêu dùng và tìm cách sử dụng hiệu quả lương thực cũng góp phần giảm khối lượng lương thực bị thất thoát và lãng phí.
Gần 1/3 lượng lương thực trên thế giới dành cho tiêu thụ của con người, xấp xỉ 1,3 tỷ tấn, bị thất thoát và lãng phí hằng năm; lương thực bị thất thoát và lãng phí là 680 tỷ USD ở các nước phát triển và 310 tỷ USD ở các nước đang phát triển; các nước công nghiệp và đang phát triển phung phí số lượng lương thực như nhau, 670 triệu tấn ở các nước công nghiệp và 630 triệu tấn ở các nước đang phát triển; hằng năm, người tiêu dùng ở các nước giàu lãng phí gần 222 triệu tấn lương thực, nhiều bằng gần như toàn bộ sản lượng lương thực của khu vực cận Xa-ha-ra châu Phi (230 triệu tấn).
Nguyên nhân lương thực bị thất thoát và lãng phí
Có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lương thực bị thất thoát và lãng phí:
Thiếu kế hoạch thích hợp. Một trong những nguyên nhân hàng đầu góp phần vào tình trạng lương thực bị thất thoát và lãng phí là do thiếu kế hoạch thích hợp trong thành phần tiêu thụ cũng như sử dụng lương thực. Việc quản lý lương thực bị quá hạn và bị bỏ đi một cách lãng phí cũng là nguyên nhân khác.
Mua và chuẩn bị quá nhiều lương thực. Phần lớn lương thực bị bỏ đi do mua hoặc chuẩn bị quá nhiều. Nếu chúng ta mua và chuẩn bị nhiều đồ ăn hơn nhu cầu cần thiết, đồ ăn sẽ bị bỏ đi. Ngoài ra, một lượng đồ ăn lớn được cho vào tủ lạnh và không bao giờ được dùng lại. Thêm vào đó là việc mua quá nhiều đồ ăn khiến cho chúng không được tươi, ngon, cuối cùng bị bỏ đi lãng phí.
Không đáp ứng các tiêu chuẩn lương thực an toàn. Một yếu tố lớn khiến lương thực bị thất thoát và lãng phí là an toàn thực phẩm. Theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, mọi thực phẩm đều phải hoàn hảo về chất lượng thực phẩm. Nhưng trong thực tế, nhiều sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn này. Các công ty chế biến lương thực phải tuân thủ các quy tắc an toàn cao và phải sản xuất nguồn lương thực chất lượng cao. Bằng việc tuân theo các chính sách an toàn lương thực, các công ty phải sản xuất ra sản phẩm có chất lượng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm không được sản xuất theo đúng quy chuẩn đã dẫn đến lương thực bị thất thoát.
Hạn chế về quản lý, tài chính và kỹ thuật. Đây là thách thức chủ yếu góp phần vào tình trạng lương thực bị thất thoát và lãng phí ở các nước đang phát triển. Sự thất thoát và lãng phí xảy ra do những hạn chế về quản lý, tài chính và kỹ thuật trong phương pháp thu hoạch, tích trữ và làm mát. Thêm vào đó là những hạn chế về chế biến, đóng gói, kết cấu hạ tầng và các hệ thống tiếp thị.
Tích trữ quá nhiều lương thực ở các nhà hàng, khách sạn và ngành công nghiệp dịch vụ. Phần lớn nhà hàng, khách sạn và các hoạt động công nghiệp dịch vụ lương thực do thiếu khả năng tính toán số lượng đồ ăn được tiêu thụ nên có xu hướng tích trữ quá nhiều lương thực không cần thiết dẫn đến sự lãng phí lớn. Một số quan điểm cho rằng sản xuất quá mức trong ngành công nghiệp dịch vụ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực.
Đầu cơ và tích trữ quá nhiều. Tình trạng tập trung đầu cơ lương thực, rồi quảng cáo hấp dẫn để tạo ra cảm giác dư thừa nhằm thúc đẩy việc bán hàng và thỏa mãn người mua làm tăng lượng lương thực bị thất thoát và lãng phí, bởi vì khi người tiêu dùng mua quá số lượng cần thiết so với nhu cầu, số dư thừa thường bị bỏ đi. Đầu cơ cũng dẫn đến lương thực bị quá hạn sử dụng và phải đổ bỏ.
Trong khi lương thực bị thất thoát và lãng phí rất lớn thì chế độ ăn uống và lối sống thiếu khoa học, ít vận động đã đẩy béo phì thành căn bệnh không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn ở các nước có thu nhập thấp. Hiện thế giới có 670 triệu người lớn và 160 triệu trẻ em bị béo phì, trong khi có 820 triệu người bị đói. Nghịch lý này đang khiến chi phí ngân sách sức khỏe quốc gia thất thoát đến 2 nghìn tỷ USD/năm. Trong khi đó, khẩu phần ăn nghèo nàn đang gây ra nhiều bệnh tật, dẫn đến 1/5 số người chết trên thế giới. Vì vậy, Ngày lương thực thế giới là một nỗ lực thu hút sự quan tâm của thế giới đối với những vấn đề này. Chủ đề của Ngày lương thực thế giới năm 2019 là “Hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta” (Our Actions Are Our Future) nhằm thúc đẩy mọi người thực hiện hành động để thay đổi.
Giảm thiểu tình trạng lương thực bị thất thoát và lãng phí sẽ khiến đất đai được sử dụng hiệu quả hơn và các nguồn nước được quản lý tốt hơn, tác động tích cực đến môi trường và đời sống kinh tế - xã hội. Xử lý lương thực bị thất thoát và lãng phí là một mục tiêu rõ ràng trong SDGs (Mục tiêu 12.3, Mục tiêu 12.5 và Mục tiêu 2), đóng góp cơ bản vào việc giải quyết thách thức “thế giới không đói”. Hiện nay, FAO đang phối hợp với chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, thành phần tư nhân để nâng cao nhận thức và thực hiện các hành động giải quyết tận gốc vấn đề này, ban hành các chính sách giảm tình trạng lãng phí lương thực.
Giải pháp giảm thiểu lương thực bị thất thoát và lãng phí
Để giải quyết tình trạng nhức nhối về lương thực bị thất thoát và lãng phí, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp:
Cân bằng giữa sản xuất và nhu cầu. Đây là ưu tiên hàng đầu để giảm vấn đề lương thực bị thất thoát và lãng phí. Điều đầu tiên là để cắt giảm việc sử dụng các nguồn tự nhiên trong sản xuất lương thực. Ở các khách sạn, nhà hàng và ngành công nghiệp dịch vụ lương thực, các công cụ quản lý rủi ro có thể được áp dụng.
Quản lý tốt các quá trình thu hoạch, tích trữ, chế biến và phân phối lương thực. Chiến lược này nên được đặt vào việc phát triển các công nghệ và hệ thống sản xuất hiệu quả. Thực hiện tái phân phối nhằm cung cấp hoặc phân phối lương thực đến nơi cần thiết và giảm cung cấp ở nơi lương thực dư thừa. Thu hoạch, tích trữ và chế biến cũng cần được các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) hỗ trợ, cải thiện bằng cách trợ cấp và đào tạo để sản xuất tốt hơn, nhất là ở các nước đang phát triển.
Tái chế lương thực. Những nỗ lực tái chế lương thực đã được thực hiện nhưng phương pháp và công nghệ sử dụng cần được cải tiến tốt hơn. Tái chế vật liệu đóng gói lương thực có thể giảm sự khai thác quá mức nguyên liệu, góp phần bảo vệ môi trường.
Nâng cao nhận thức của người dân. Lương thực bị thất thoát và lãng phí là một thách thức rất lớn, nhưng phần lớn mọi người không rõ quy mô của vấn đề và những tác động của nó. Hiện nay, giá trị lương thực bị thất thoát và lãng phí lên đến 940 tỷ USD mỗi năm. Đó là chưa tính đến khối lượng năng lượng, nước và đất đai được sử dụng để sản xuất lương thực; đồng thời, lương thực bỏ đi thải ra khí mê-tan, là loại khí mạnh như khí gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó, chi phí lợi ích của việc giảm lương thực bị thất thoát và lãng phí cũng rất lớn. Chẳng hạn đối với các hộ gia đình ở Anh, tiết kiệm lương thực có nghĩa là tiết kiệm được trung bình 7.000 bảng một năm và ở Mỹ là 1.500 USD một năm. Đối với các công ty, nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 14 USD khi họ đầu tư 1 USD vào việc giảm lãng phí và thất thoát lương thực.
Thiết lập các mục tiêu giảm lương thực bị thất thoát và lãng phí. Khi Liên hợp quốc thông qua SDGs vào tháng 9-2015, các nước thành viên đã kêu gọi thế giới giảm lương thực bị thất thoát và giảm một nửa lượng lương thực lãng phí vào năm 2030. Mục tiêu này đã bắt đầu báo hiệu cho hành động toàn cầu.
Đo lường. Đạt được sự nhận thức về quy mô của việc giảm thiểu tình trạng lương thực bị thất thoát và lãng phí có thể giúp thiết lập một tiêu chuẩn để đánh giá sự tiến bộ. Tính toán lượng lương thực bị thất thoát hoặc lãng phí ở một quốc gia, một thành phố hoặc trong hoạt động của một công ty hay chuỗi cung cấp sẽ cho thông tin và sự hiểu biết để đề ra các chính sách và chương trình giải quyết sự lãng phí đó.
Phát triển các hành động và thực hiện những thay đổi và giải pháp. Các sáng kiến đã được thực hiện ở Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác. Đồng thời, hơn 10% số 50 công ty lương thực lớn nhất thế giới hiện nay cũng có các chương trình tích cực giảm lương thực bị thất thoát và lãng phí. Tuy nhiên, để giảm lương thực bị thất thoát và lãng phí hiệu quả, đòi hỏi sự chung tay và có trách nhiệm của các nước trên thế giới. Hiện nay, FAO đang tiến hành hợp tác với các đối tác để giải quyết vấn đề này. Ở cấp độ vĩ mô, FAO phối hợp với các chính phủ và các tổ chức quốc tế thúc đẩy nhận thức về giảm lương thực bị thất thoát và lãng phí. Ở cấp độ trung gian, các hoạt động của FAO hướng đến chuỗi cung cấp lương thực: người nông dân, nhà quản lý, người chế biến và người kinh doanh, đồng thời phối hợp với thành phần công, tư nhân. Ở cấp độ vi mô, FAO tập trung vào người tiêu dùng và thay đổi quan điểm, hành vi, sử dụng cá nhân cũng như thói quen mua sắm lương thực. Điều này được thực hiện thông qua giáo dục, trước hết tập trung vào cung cấp thông tin về xử lý lương thực an toàn, tích trữ lương thực đúng cách trong gia đình và nắm rõ thời hạn sử dụng để ngăn chặn và giảm lãng phí lương thực.
Giảm lương thực bị thất thoát và lãng phí lương thực là mấu chốt để tạo ra “một thế giới không đói” và đạt được Các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là SDG 2 (chấm dứt đói) và SDG 12 (bảo đảm các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững). Đối với nhiều người, lương thực là cái gì đó bình thường, nhưng với gần 1 tỷ người đang đói, lương thực là rất quan trọng. FAO đặt mục tiêu đề cao tầm quan trọng đối với lương thực, tôn trọng người nông dân sản xuất lương thực và những người sống thiếu lương thực.
Thế giới không đói có thể cứu sống 3,1 triệu em bé một năm; các bà mẹ có dinh dưỡng tốt sinh ra những em bé khỏe hơn với các hệ thống miễn dịch mạnh hơn; chấm dứt nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em có thể làm tăng GDP của các nước đang phát triển lên 16,5%; 1 USD đầu tư vào ngăn ngừa nạn đói có thể mang lại lợi nhuận từ 15 USD đến 139 USD...
Phối hợp hành động giữa nhà nước và tư nhân sẽ tạo thuận lợi cho việc thiết lập mục tiêu tại cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu, làm tăng nhận thức, tập trung các nỗ lực, huy động các nguồn và bảo đảm hành động. Lương thực bị thất thoát và lãng phí là vấn đề toàn cầu và sẽ chỉ được giải quyết thông qua sự hợp tác. Mọi người đều có thể góp phần tham gia, từ người nông dân đến người bán lẻ, từ chính quyền địa phương đến các hộ gia đình vì một hành tinh giàu có hơn, một thế giới ít đói hơn, tiết kiệm được nhiều hơn khi giảm thiểu được lương thực bị thất thoát và lãng phí./.
------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Food loss and food waste (www.fao.org>food-loss-and-food-waste)
2. Key facts on food loss and waste you should know (www.fao.org>save-food>resources>keyfindings)
3. Causes, effects and solutions of food waste (www.conserve-energy-future.com>causes-effects-so)
4. Five steps to reduce food loss and waste (www.unilever.com>news>feature-article>five-steps)
5. Food loss and food waste (www.fao.org>policy-support.policy-themes>food-loss)
6. World food day 2019 - Our actions are our future (www.ipsnews.net>2019/10>world-food-day-2019-action)
Những diễn biến chính trị mới và triển vọng của phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh  (28/10/2019)
Việt Nam sát cánh cùng các nước thành viên Phong trào Không liên kết, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới  (26/10/2019)
Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga qua hơn một thế kỷ  (21/10/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển