Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Sự tham gia tích cực, hiệu quả của Việt Nam
Duy trì hòa bình, an ninh quốc tế
Thiếu úy Huỳnh Cẩm Thơ, một trong
10 thành viên nữ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia nhiệm vụ gìn
giữ hòa bình tại Nam Sudan.
Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoạt động gìn giữ hòa bình là sự phối hợp đa dạng các hoạt động, từ lĩnh vực dân sự đến lĩnh vực quân sự của các nước, các tổ chức quốc tế (cao nhất là Liên hợp quốc), tổ chức khu vực trên phạm vi toàn thế, dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc, nhằm kiến tạo hòa bình ở những nơi xung đột, giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các bên xung đột thông qua biện pháp hòa bình.
Hiến chương Liên hợp quốc cũng ghi rõ, sứ mệnh gìn giữ hòa bình và ổn định trên trái đất là mục tiêu tối cao và xuyên suốt của Liên hợp quốc và thực hiện mục tiêu này không ai khác ngoài 193 quốc gia thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.
Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được bắt đầu triển khai từ năm 1948, dưới hình thức các phái bộ, nhằm bảo đảm hòa bình tại các khu vực có xung đột vũ trang đã chấm dứt hoặc đã có thỏa thuận hòa bình. Đến nay, đã có 125 nước thành viên đang đóng góp lực lượng cho các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. So với nhiều quốc gia, quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam chưa dài, nhưng đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận.
Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, những người lính thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên của Liên hợp quốc đã có mặt tại Palestine vào năm 1948. Kể từ đó đến nay, hình ảnh những người lính ‘mũ nồi xanh” đã không còn xa lạ tại hầu hết các điểm nóng trên thế giới như Đông Timor, Haiti và chủ yếu vẫn là ở châu Phi và Trung Đông.
Đến nay, đã có hơn 70 phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được thành lập, với hơn 1 triệu binh sĩ, dân thường và cảnh sát đến từ 125 nước trên thế giới. Đó là những người lính, quan sát viên quân sự, cảnh sát dân sự, bác sỹ, kỹ sư... với các nhiệm vụ: giám sát việc chấp hành lệnh ngừng bắn giữa các bên xung đột, bảo vệ người dân, tuần tra, rà phá bom mìn, chất nổ, huấn luyện cảnh sát quốc tế, hỗ trợ xây dựng hệ thống tư pháp... Tại những điểm nóng trên thế giới, sự hiện diện của các lực lượng “mũ nồi xanh” đa quốc gia đã thực sự là nhân tố đảm bảo môi trường an ninh thuận lợi cho các quá trình chuyển giao chính trị và hỗ trợ cho các thể chế nhà nước còn non trẻ.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hiện phải hoạt động trong những môi trường phức tạp, nguy hiểm, do những mối đe dọa từ các tổ chức vũ trang, tội phạm và khủng bố sở hữu vũ khí tối tân… Từ năm 1948 đến nay, đã có hơn 3.500 nhân viên Liên hợp quốc thiệt mạng khi phục vụ trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Nhằm ghi nhận sự nỗ lực, hy sinh và những thành tích to lớn của lực lượng này, năm 1988, Ủy ban Nobel Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Sự tham gia tích cực, hiệu quả của Việt Nam
Chiến sĩ Bệnh viện dã diễn cấp 2 số 2 đang tích cực huấn luyện, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
Thực hiện chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào các hoạt động quốc tế đa phương của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, tổ chức, nhân lực và điều kiện vật chất để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ngày 25-5-2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Đề án “Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”.
Để chuẩn bị cho sự tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ngay từ năm 2014, Việt Nam đã thành lập Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Trung tâm ra đời có nhiệm vụ "nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội Nhân dân Việt Nam". Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) là Cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; thực hiện chức năng nghiên cứu, tham mưu, điều hành toàn bộ quá trình chuẩn bị và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đến năm 2014, hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, đánh dấu sự tham gia chính thức hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.
Từ đó đến nay, Việt Nam đã triển khai được 29 lượt sĩ quan tham gia hoạt động. Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được cử tới các phái bộ đảm nhận những vị trí thiết yếu như: Quan sát viên quân sự, sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần và các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Các sĩ quan Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được Liên hợp quốc trao tặng Huân chương gìn giữ hòa bình, được lãnh đạo phái bộ cũng như sĩ quan chỉ huy các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc độc lập và phối hợp nhóm, ý thức kỷ luật tốt và quan hệ tốt với nhân dân bản địa. Năm 2015, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định: “Đối với kết quả mà sĩ quan Việt Nam đã làm trong lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tôi chỉ có một từ để nói, đó là “Tuyệt vời!”.
Mặc dù phải làm việc trong môi trường đa phương đầy khó khăn, nhưng các sĩ quan Việt Nam đều đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được Liên hợp quốc, chỉ huy phái bộ và sĩ quan các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc, ý thức kỷ luật... Nhiều sĩ quan đã được Liên hợp quốc tặng thưởng Huân chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ngày 22-5-2015, khi đến Việt Nam dự Hội nghị đánh giá kết quả một năm Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon có đoạn: "Tôi cúi đầu, nghiêng mình trước những sĩ quan Việt Nam vì đã đi một chặng đường dài tới tận Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi để giúp đỡ những người khốn khổ"…
Tiếp đó, sau hơn 4 năm chuẩn bị, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 cán bộ, nhân viên đã lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nam Sudan vào đầu tháng 10-2018, đặc biệt trong đó có tới 10 người là nữ - chiếm 16%, tỷ lệ cao nhất trong các nước tham gia lực lượng này. Trước những yêu cầu cao của Liên hợp quốc, ngay từ khi thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch và tổ chức huấn luyện chương trình “Tiền triển khai bắt buộc của Liên hợp quốc”. Nội dung huấn luyện bao gồm: Kiến thức nền tảng về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; kiến thức về tình hình phái bộ nơi Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai; các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi, sử dụng bộ đàm và hệ thống thông tin liên lạc của Phái bộ, nhận diện bom-mìn-vật liệu nổ, luật nhân đạo theo Công ước quốc tế, chống lạm dụng tình dục… Thêm vào đó, các thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 phải trải qua các chương trình bổ sung như về võ thuật, ca múa dân tộc, bảo vệ bí mật quân sự, vận hành và bảo dưỡng các loại máy phát điện, xe moóc, lọc nước…
Các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 trước lúc lên đường đều phải trải qua các đợt diễn tập thực tế như: diễn tập trên bộ trang thiết bị, diễn tập thực địa phù hợp với đặc điểm môi trường Phái bộ, diễn tập cấp cứu đường không, cấp cứu chấn thương hàng loạt, xử lý bệnh dịch truyền nhiễm lan rộng… theo quy trình chuẩn của Liên hợp quốc.
Sự tham gia của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là một bước đột phá đầy ấn tượng, không chỉ thể hiện thiện chí, trách nhiệm của Việt Nam đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, mà còn thể hiện sự cố gắng, năng lực của Việt Nam trong việc tham gia trực tiếp vào hoạt động gìn giữ hòa bình, mang lại cuộc sống ổn định, hòa bình cho các quốc gia, khu vực còn gặp khó khăn vì bất ổn, xung đột hay nghèo đói, lạc hậu, dịch bệnh.
Việt Nam cũng đã liên kết với nhiều quốc gia trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình nhằm hợp tác, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm, mở lớp tập huấn… Thông qua hoạt động đa phương này, Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về trang thiết bị, kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực… đối với hoạt động gìn giữ hòa bình. Đây cũng là những hoạt động hợp tác rất thiết thực, bổ ích nhằm chia sẻ những kinh nghiệm góp phần trang bị cho những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam kiến thức, kỹ năng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ tại phái bộ.
Đặc biệt, Việt Nam được Liên hợp quốc lựa chọn trở thành 1 trong 4 Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình trong khu vực ASEAN. Sự lựa chọn này được đưa ra sau nhiều cuộc khảo sát của Liên hợp quốc tại các nước thành viên ASEAN với những đòi hỏi về tiêu chuẩn rất cao. Theo đó, mọi hoạt động huấn luyện cho các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó khẳng định trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng chính là sự ghi nhận và đánh giá cao của Liên hợp quốc đối với những cam kết và kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục đưa phân đội công binh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và một số phân đội khác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hiện việc đăng ký năng lực cho Đội Công binh Việt Nam vào hệ thống PCRS (hệ thống sẵn sàng năng lực) của Liên hợp quốc đã hoàn tất. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 với biên chế 70 cán bộ, nhân viên thuộc Học viện Quân y, đang huấn luyện nhằm sẵn sàng triển khai thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã được triển khai đến Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
Việc Việt Nam tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã đánh dấu bước phát triển mới trong nỗ lực thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam ở một lĩnh vực hoạt động quan trọng của Liên hợp quốc; đồng thời, đây cũng là một hình thức cụ thể thực hiện chủ trương của Đảng ta là: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác”./.
Quốc hội thảo luật tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề cử tri quan tâm  (31/05/2019)
Hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong ngày 31-5  (31/05/2019)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chỉ thị đẩy mạnh mô hình tổ dân phòng tự quản khu dân cư  (31/05/2019)
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2019  (31/05/2019)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên