Hội nghị AMM 51: Tăng cường hợp tác trong và ngoài khối
TCCSĐT - Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) và các hội nghị liên quan tại Singapore, ngày 03 và 04-8, nhiều vấn đề quan trọng được tiếp tục thảo luận.
Ưu tiên thúc đẩy hợp tác, thương mại với các đối tác
Chiều 03-8, các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhóm họp với các nước đối tác gồm Ngoại trưởng Hàn Quốc, Canada, Australia, Mỹ và Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị.
Tại các Hội nghị trên, các đối tác khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, tích cực tham gia vào các diễn đàn do ASEAN chủ trì.
Với Hàn Quốc, các nước ASEAN hoan nghênh các sáng kiến trong khuôn khổ Chính sách Hướng Nam Mới của Hàn Quốc nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN trên ba trụ cột hòa bình - thịnh vượng - con người. Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục nỗ lực thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, kết nối các doanh nghiệp và khu vực tư nhân hai bên. Hai bên ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp đôi trong một thập niên qua kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực vào năm 2007, phấn đấu đạt mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2020. Tại Hội nghị, Campuchia, nước điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc đã chính thức chuyển giao vai trò điều phối giai đoạn 2018 - 2021 cho Brunei.
Với Canada, các nước ASEAN hoan nghênh Canada tham gia đóng góp tích cực tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên trên cơ sở Chương trình Hành động ASEAN - Canada giai đoạn 2016 - 2020, nhất là về chống khủng bố và bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, thương mại, đầu tư, kết nối, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, môi trường, biến đổi khí hậu, giáo dục và du lịch. Tại Hội nghị, Philippines, nước điều phối quan hệ ASEAN - Canada đã chính thức chuyển giao vai trò điều phối giai đoạn 2018 - 2021 cho Myanmar.
Với EU, hai bên ghi nhận những kết quả tích cực trong Kế hoạch Hành động ASEAN - EU giai đoạn 2018 - 2022 (được thông qua vào tháng 8-2017), nhấn mạnh cam kết của các bên nhằm thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật định; khuyến khích hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như thương mại, trong đó có khả năng nối lại đàm phán về Hiệp định thương mại tự do ASEAN - EU, vận tải hàng không. Các Bộ trưởng đánh giá cao EU hỗ trợ ASEAN thúc đẩy liên kết khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển. Kết thúc Hội nghị, Thái Lan đã chuyển giao vai trò điều phối quan hệ ASEAN - EU giai đoạn 2018 - 2021 cho Singapore.
Với Australia, các Bộ trưởng ghi nhận tiến triển tích cực trong thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN - Australia giai đoạn 2015 - 2019; nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như chống khủng bố và bạo lực cực đoan, an ninh mạng, quản lý biên giới và chống buôn bán người, an ninh hàng hải, hợp tác quốc phòng, kinh tế, biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai. Các Bộ trưởng cam kết duy trì một hệ thống thương mại khu vực và quốc tế tự do và mở cửa, trao đổi các biện pháp tăng cường thương mại, đầu tư thông qua Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), mong muốn sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Kết thúc Hội nghị, Myanmar đã chính thức chuyển giao vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Australia cho Malaysia.
Với Mỹ, các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh quan hệ kinh tế cân bằng, cùng có lợi giữa ASEAN và Mỹ đã và đang đem lại những lợi ích to lớn cho cả hai bên. Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo khẳng định, Mỹ đánh giá cao vai trò của ASEAN đối với hòa bình, ổn định khu vực; đặt ASEAN ở vị trí trung tâm giữa hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong chiến lược của Mỹ. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy đầu tư, kết nối, hợp tác biển và ứng phó với các thách thức xuyên quốc gia, bao gồm khủng bố và bạo lực cực đoan. ASEAN hoan nghênh các sáng kiến về an ninh, phát triển bền vững, quản trị tốt, giáo dục, thanh niên, khởi nghiệp.... Kết thúc Hội nghị, Lào đã chính thức nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Mỹ giai đoạn 2018 - 2021 từ Malaysia.
Phát biểu tại các Hội nghị trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Hàn Quốc, Canada, Australia, Mỹ, EU là các đối tác quan trọng của ASEAN; hoan nghênh các đối tác này tích cực phối hợp cùng ASEAN đẩy mạnh đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Phó Thủ tướng cũng khẳng định ủng hộ các lĩnh vực ưu tiên hợp tác được đề xuất, mong muốn cùng các nước tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều sáng kiến cụ thể.
Các nước Đông Á tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải
Hợp tác hàng hải là một trong những trọng tâm chính được các nước khu vực Đông Á đẩy mạnh trong thời gian tới. Đây là nội dung quan trọng được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8 diễn ra ngày 04-8 tại Singapore. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, dẫn đầu tham dự Hội nghị.
Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia EAS có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và 8 nước gồm Mỹ, Ấn Độ, Nga, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Các bộ trưởng đã nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực hàng hải, bao gồm cả vấn đề xử lý rác thải trên biển. Liên quan đến Biển Đông, các bộ trưởng chia sẻ quan ngại về các hoạt động quân sự hóa, diễn biến phức tạp tại Biển Đông thời gian gần đây, đề nghị các bên tăng cường đối thoại, hợp tác trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Các bộ trưởng cũng bày tỏ ủng hộ hòa bình, ổn định, phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, hoan nghênh kết quả tích cực của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore V. Balakishnan đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của EAS trong thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chính trị, kinh tế mang tầm chiến lược, đem lại những lợi ích được ghi nhận cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Trên cơ sở đó, các bộ trưởng đánh giá cao kết quả tích cực ban đầu, khẳng định cam kết quan tâm và đầu tư nguồn lực thích đáng cho triển khai Kế hoạch Hành động Manila giai đoạn 2018 - 2022 của EAS. Bên cạnh đó, các nước EAS cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch Hành động Manila, đồng thời đưa ra các đề xuất hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực như biển, y tế, giáo dục, môi trường, ứng phó thiên tai, sáng tạo, năng lượng, thương mại điện tử... Để chuẩn bị cho EAS lần thứ 13 sẽ diễn ra vào tháng 11-2018, các bộ trưởng đã thảo luận và cơ bản thống nhất về các văn kiện sẽ trình lên các lãnh đạo cấp cao về thúc đẩy hợp tác EAS trong phát triển thành phố thông minh, chống khủng bố, chống rác thải nhựa trên biển, an ninh hạt nhân và an ninh công nghệ thông tin...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị tăng cường hiệu quả hoạt động của EAS, trong đó tập trung vào phát triển hợp tác EAS tại 9 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch Hành động Manila giai đoạn 2018 - 2022; xem xét thúc đẩy hợp tác hàng hải như chống cướp biển, cướp vũ trang và buôn lậu trên biển, đồng thời đảm bảo môi trường biển bền vững để phát triển kinh tế và tự do đi lại tại các vùng biển.
ASEAN +3 tăng cường liên kết kinh tế và mở cửa ở khu vực
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (ASEAN +3) lần thứ 19, diễn ra ngày 04-8 tại Singapore, các nước đã đạt nhất trí cao về sự cần thiết sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) theo đúng thời hạn đề ra và ASEAN+3 tiếp tục đóng góp vào việc duy trì đà liên kết kinh tế và mở cửa ở khu vực.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 đã trao đổi và tích cực ghi nhận kết quả triển khai Kế hoạch Công tác ASEAN+3 giai đoạn 2018 - 2022 và việc thực hiện các khuyến nghị trong Báo cáo của Nhóm Tầm nhìn Đông Á II thời gian qua. Các nước cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và ưu tiên chung, như chống khủng bố và bạo lực cực đoan, hợp tác biển, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, ổn định tài chính vĩ mô, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, y tế, biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai, an ninh lương thực, trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân...
Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN+3 như công cụ hướng đến mục tiêu lâu dài xây dựng cộng đồng ở Đông Á. Các bộ trưởng khẳng định sau 20 năm hình thành và phát triển, đây là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của cấu trúc hợp tác khu vực. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 đã thống nhất về dự kiến chương trình hoạt động, chương trình nghị sự và dự thảo văn kiện sẽ báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 vào tháng 11 tới.
Cũng trong khuôn khổ, các Bộ trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhấn mạnh vai trò của ASEAN +3 trong việc thúc đẩy thương mại tự do, đặc biệt khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng trên khắp thế giới. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết: “Với sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, hợp tác ASEAN +3 đã biến đổi và thể hiện rõ nguyện vọng và quyết tâm của các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy thương mại tự do và duy trì chủ nghĩa đa phương”. Ông khẳng định cần thúc đẩy ASEAN +3 thành “kênh chính để xây dựng Tổ chức Kinh tế Đông Á (EAEC) và nền kinh tế thế giới mở”, đồng thời nhấn mạnh “đây là trách nhiệm chung và điều mà cộng đồng quốc tế hy vọng ở chúng ta”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết khả năng phối hợp cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung, đặc biệt là ứng phó với khủng hoảng, có vai trò “đặc biệt quan trọng”. Bà cảnh báo sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chống toàn cầu hóa ở các nước lớn đang làm leo thang căng thẳng và đe dọa khát vọng của chúng ta về một sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết: “Nhật Bản mong muốn sớm hoàn tất cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tạo ra các quy tắc kinh tế toàn diện, cân bằng và chất lượng cao”.
Trước đó, các bộ trưởng ASEAN đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, có thể gây tổn hại tới các nước khác. Căng thẳng thương mại giữa hai nước nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, mà giới chuyên gia phân tích cảnh báo có thể dẫn tới cuộc chiến thương mại và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đầu tháng 7, Mỹ đã áp thuế 25% đối với một lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc và có kế hoạch áp thuế với lượng hàng hóa bổ sung khác trị giá 16 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn dọa tăng thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ với tổng giá trị lên tới hơn 500 tỷ USD.
Mỹ lạc quan về nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo cho biết, tiến trình hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ mất thời gian, song ông lạc quan rằng sẽ đạt kết quả đúng lịch trình do lãnh đạo hai nước đặt ra.
Phát biểu sáng 04-8 tại họp báo trước thềm Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị AMM 51 và các hội nghị liên quan, Ngoại trưởng M. Pompeo bày tỏ “lạc quan rằng chúng ta sẽ đạt kết quả theo đúng lịch trình đã định và thế giới sẽ vui mừng về điều mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã yêu cầu”. Ông cho biết: “Công việc đã bắt đầu. Tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là việc mà ai cũng biết là sẽ mất thời gian”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định cần duy trì sức ép ngoại giao và kinh tế với Triều Tiên và Mỹ sẽ nghiêm khắc với bất kỳ hành động nào nhằm giảm việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Ông nói: “Tôi muốn nhắc nhở tất cả những nước nào ủng hộ các nghị quyết của Liên hợp quốc rằng đây là một vấn đề nghiêm túc”. Ngoại trưởng M. Pompeo bày tỏ hy vọng Nga và tất cả các nước sẽ tuân thủ đầy đủ các nghị quyết và thực thi các lệnh trừng phạt.
Trước đó, Nga đã bác bỏ thông tin được đăng tải trên tờ the Wall Street Journal cho rằng Moskva đã cho phép thêm hàng nghìn người lao động Triều Tiên vào Nga và cấp cho họ giấy phép làm việc, động thái đồng nghĩa với việc vi phạm các trừng phạt của Liên hợp quốc. Đại sứ Nga tại Triều Tiên cũng bác bỏ một cáo buộc khác rằng Moscow vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc hạn chế cung cấp dầu cho Triều TIên.
Theo kế hoạch, chiều nay, Ngoại trưởng M. Pompeo sẽ tham gia Diễn đàn ARF tại Singapore, nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ D. Trump đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12-6 vừa qua và nhất trí hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, đổi lại các đảm bảo an ninh của Mỹ cho Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cũng tham gia Diễn đàn này. Tuy nhiên, hai bên không lên kế hoạch cho cuộc gặp song phương nào tại đây.
Các tuyên bố trên được đưa ra khi một báo cáo mật của Liên hợp quốc, bị rò rỉ cùng ngày, cho biết Triều Tiên vẫn chưa dừng chương trình hạt nhân và tên lửa, vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc. Theo báo cáo, Triều Tiên đã “tăng cường” hoạt động chuyển sản phẩm dầu từ tàu sang các tàu ở trên biển một cách bất hợp pháp và đây vẫn là “một phương pháp chính yếu để tránh trừng phạt” với sự tham gia của 40 tàu và 130 công ty liên doanh. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng "tìm cách cung cấp vũ khí nhỏ hạng nhẹ (SALW) cũng như các thiết bị quân sự khác thông qua các bên trung gian nước ngoài (như một bên trung gian về vũ khí của Syria)" tới Libya, Yemen và Sudan. Các chuyên gia Liên hợp quốc cũng chỉ rõ các vi phạm lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá, sắt, hải sản và các sản phẩm khác mang lại hàng triệu USD cho chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Báo cáo trong 6 tháng, dài 62 trang, đã được các chuyên gia độc lập giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc soạn thảo và gửi tới Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an vào tối 03-8. Hiện phái bộ Triều Tiên tại Liên hợp quốc chưa có bình luận gì về báo cáo này./.
Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 08 đến 13-8  (04/08/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ  (03/08/2018)
Phân công chuẩn bị nội dung họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (03/08/2018)
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đối tác Đối thoại  (03/08/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay