Quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào - Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào

PGS, TS. Vũ Quang Vinh Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
23:05, ngày 30-08-2017

TCCSĐT - Trong chính sách đối ngoại, Đảng Nhân dân cách mạng Lào luôn coi trọng quan hệ đặc biệt với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Coi đây là mối quan hệ đặc biệt thủy chung, trong sáng, là tài sản vô giá của hai dân tộc.

Sự gắn bó tự nhiên giữa Lào - Việt Nam

Lịch sử đấu tranh lâu dài, kiên cường của dân tộc Lào gắn bó với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh bên nhau đấu tranh anh dũng để giành độc lập dân tộc. Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập năm 1930 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của hai dân tộc Việt Nam - Lào, thể hiện ở những thắng lợi lịch sử như: Tuyên bố độc lập và thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02-9-1945 và Tuyên bố độc lập ở Lào ngày 12-10-1945. Trong thời gian 9 năm cùng nhau kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân hai nước đã liên tục giành thắng lợi, nhất là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Su-pha-nu-vông, Chủ tịch Cay-sỏn Phôm-vi-hản và các nhà lãnh đạo cách mạng của hai nước đã dầy công vun đắp và cùng nhau xây dựng nên mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và được các thế hệ lãnh đạo của hai nước cũng như chiến sĩ cách mạng và nhân dân hai nước cùng nhau tăng cường và phát triển thành mối quan hệ thủy chung, trong sáng, đặc biệt, mẫu mực, hiếm có.

Quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc là sản phẩm trực tiếp của cách mạng hai nước, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đều sinh ra từ Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi tách ra theo Nghị quyết của Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1951, hai Đảng tiếp tục giữ mối quan hệ mật thiết và tận tình giúp đỡ nhau trong suốt sứ mệnh lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc ở hai nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước ngày nay. Nổi bật là hai dân tộc cùng chiến đấu, cùng giành thắng lợi trong cùng thời điểm của các chặng đường lịch sử cách mạng: Năm 1945 cùng giành được chính quyền, năm 1954 cùng đánh bại thực dân Pháp, năm 1975 cùng chiến thắng trong kháng chiến chống xâm lược Mỹ, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc và cùng tiến hành công cuộc đổi mới trong 30 năm qua. Qua gian nan thử thách suốt 2/3 thế kỷ, quan hệ giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước là quan hệ thủy chung, trong sáng, tôn trọng lẫn nhau, hết lòng giúp đỡ nhau vô tư, chí tình, chí nghĩa. Trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 8-2011), Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn khẳng định: “... trong lịch sử quan hệ quốc tế đã có nhiều mô hình kiểu mẫu về tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc, nhưng mối quan hệ gắn bó keo sơn, sống chết có nhau, luôn sẵn sàng hết lòng và chân thành hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, thủy chung trong sáng như mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam là mối quan hệ có một không hai trên thế giới (1).

Ngay từ khi thành lập, ngày 22-3-1955, Đảng Nhân dân Lào (Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày nay) đến ngày đất nước được giải phóng hoàn toàn năm 1975, trong tình hình hết sức khó khăn và phức tạp đó, hai Đảng, nhân dân hai nước đã tiếp tục cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, vui buồn bên nhau, sống chết có nhau, cùng chung một chiến hào đấu tranh gian khổ trong 20 năm và giành được thắng lợi vẻ vang: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập ngày 02-12-1975, Việt Nam đã hoàn thành việc giải phóng hoàn toàn đất nước ngày 30-4-1975. Trong giai đoạn mới này, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không ngừng củng cố, tăng cường, bảo vệ và phát triển tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt. Đặc biệt trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, hai Đảng, hai Nhà nước tiếp tục tăng cường quan hệ mật thiết, giúp đỡ lẫn nhau và hợp tác toàn diện. Theo đó, quan hệ chính trị vững chắc, quan hệ kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại không ngừng được tăng cường.

Quan hệ thủy chung, trong sáng

Quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào vốn đã có truyền thống tốt đẹp từ nhiều thập niên qua, nay đã trở thành nguồn sức mạnh, là quy luật tồn tại và phát triển của hai dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng hai nước, là tài sản quý giá của hai dân tộc, ngày càng được tăng cường về chiều rộng lẫn chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho cả hai nước. Trong chặng đường cách mạng chống kẻ thù chung, nhân dân hai nước đã làm nên những kỳ tích vĩ đại được đánh giá cao như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long” (2).

Tháng 5 - 1990, tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Cay-sỏn Phôm-vi-hản đã đánh giá: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở nơi đâu và chưa bao giờ có tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như quan hệ Việt Nam - Lào… Trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ con em của nhân dân Việt Nam đã sang giúp nhân dân Lào chiến đấu giành độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới hướng tới ấm no, hạnh phúc. Nhiều đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ cách mạng Lào, coi Lào như Tổ quốc thứ hai của mình. Trên khắp mọi miền của đất nước Lào, máu của các chiến sĩ Việt Nam đã hòa quyện với máu của các cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân Lào. Nhân dân Lào cũng đã hy sinh biết bao xương máu góp phần mình vào việc tăng cường và củng cố mối quan hệ đặc biệt thiêng liêng đó. Nhân dân Lào vô cùng tự hào dọc theo phía Tây dải Trường Sơn đã có con đường mang tên Bác Hồ, con đường đã hiên ngang đứng vững trước hàng triệu tấn bom đạn của quân thù, cùng với con đường phía Đông Trường Sơn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng Lào và miền Nam Việt Nam. Để thực hiện Di huấn của Bác Hồ, để xứng đáng với xương máu của biết bao liệt sỹ, anh hùng, với bao dòng nước mắt của những bà mẹ, người chị, bao công sức và tâm huyết của đồng bào, đồng chí hai nước chúng ta, chúng tôi nguyện cùng nhân dân Việt Nam giữ gìn mãi mãi tình đoàn kết đặc biệt đó. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, tình đoàn kết chân thành đó mãi mãi là truyền thống quý báu của nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, mà không một kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi… Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào vô cùng tự hào nhận thấy rằng, qua những thử thách gay go, quyết liệt trong nhiều thập niên qua, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân hai nước chúng ta đã thà hy sinh tất cả, kể cả hy sinh xương máu của mình vì thắng lợi và độc lập dân tộc của hai nước chúng ta. Sự hy sinh và tinh thần trong sáng hiếm có đó đã làm cho tài sản quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và chăm lo luôn được củng cố và ngày càng có giá trị cao” (3).

Tình nghĩa trước sau thủy chung giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Su-pha-nu-vông bắt nguồn ngay từ những ngày đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám năm 1945... Ngày 05-9-1945, Chủ tịch Su-pha-nu-vông lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Su-pha-nu-vông đã vượt qua khuôn khổ là cuộc gặp của những con người có chí lớn, có lòng yêu nước, thương dân của hai dân tộc Việt - Lào để trở thành một mốc son mở đầu một giai đoạn với tầm cao mới của mối quan hệ đặc biệt “cao hơn núi, dài hơn sông, sáng tựa trăng rằm” giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Hơn thế nữa, hai nhà lãnh đạo đã có sự hiểu biết lẫn nhau và đã đồng ý thành lập liên minh quân sự Lào - Việt Nam tại Lào để tiến hành đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập cho Lào; hai nhà lãnh đạo đều thống nhất rằng nước Lào có độc lập thực sự, Việt Nam mới có độc lập bền vững. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lào và Việt Nam là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa hai dân tộc rất là mật thiết... Đoàn kết chặt thì lực lượng to... Bây giờ hai dân tộc ta tuy còn phải khó nhọc, nhưng tương lai của chúng ta rất là vẻ vang. Đến ngày Việt - Lào được quyền hoàn toàn độc lập, anh em ta sẽ cùng hưởng phúc thái bình” (4). Khi nhớ tới công lao của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Lào, Chủ tịch Su-pha-nu-vông nói: Những người mẹ, người vợ anh hùng Việt Nam đã gửi các sư đoàn quân tình nguyện đến giúp Lào. Hàng trăm ngàn chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh trên đất Lào mà các người vợ, người mẹ ấy vẫn âm thầm chịu đựng hàng chục năm trời... Tình nghĩa đối với nhân dân và quân đội Việt Nam thì nói làm sao cho hết được…

Trong cuốn sách “Một số kinh nghiệm cơ bản và một số phương hướng mới của cách mạng Lào” xuất bản năm 1971, một trong tám bài học chủ yếu của cuộc cách mạng Lào, Chủ tịch Cay-sỏn Phôm-vi-hản đã chỉ rõ việc kết hợp đúng đắn tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản chân chính, coi trọng việc không ngừng củng cố và tăng cường khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa nhân dân 3 nước Đông Dương, coi đây là tính tất yếu của lịch sử của cả 3 dân tộc, là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Lào, vừa là một trong những nghĩa vụ quốc tế của nhân dân Lào, của Đảng không chỉ trong thời kỳ đấu tranh lâu dài, gian khổ để giải phóng đất nước trước kia, mà còn trong thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình ngày nay. Trong khối liên minh đoàn kết chiến đấu giữa 3 nước Đông Dương đó, liên minh chiến đấu giữa cách mạng Lào và cách mạng Việt Nam, giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam lại càng gắn bó, điều đó cho thấy liên minh không chỉ được xây dựng trên cơ sở của mối quan hệ đặc biệt, mà đó còn là liên minh vì sự tồn tại của cả hai dân tộc, vì nền độc lập, vì sự phát triển thịnh vượng của cả hai dân tộc. Chủ tịch Cay-sỏn Phôm-vi-hản nhấn mạnh: “Hiện nay, hai nước chúng ta đã hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhân dân chúng ta càng có điều kiện hơn để thắt chặt tình hữu nghị vĩ đại anh em và tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai dân tộc mà không gì có thể lay chuyển nổi. Cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam anh em, Đảng ta quyết tâm củng cố và tăng cường tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước mãi mãi bền vững, mở rộng sự hợp tác toàn diện giữa hai bên trong điều kiện lịch sử mới để giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vì nền độc lập bền vững, vì sự phát triển thịnh vượng của hai dân tộc và vì sự ổn định của khu vực” (5).

Trong 30 năm đổi mới, trên nền tảng truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào được xây dựng bởi cả hai dân tộc trong nhiều thập niên qua, hai Đảng đã tiếp tục tăng cường quan hệ mật thiết, giúp đỡ và hợp tác toàn diện, vừa tìm những hình thức và phương pháp hợp tác cho ngày càng phù hợp với tình hình thực tế và tiềm năng ở mỗi nước. Sự hợp tác trong các lĩnh vực ngày càng có hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước. Quan hệ chính trị vững chắc, là cơ sở cho các quan hệ khác, lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng và hai Nhà nước trao đổi cuộc thăm viếng lẫn nhau; lãnh đạo các cấp ở Trung ương, địa phương và các bộ, ngành thường xuyên gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm. Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư được củng cố phù hợp với tình hình thực tế của hai bên, hợp tác theo dự án, theo kế hoạch hợp tác ký kết hằng năm giữa hai Chính phủ, hợp tác có trọng điểm, từ đó tạo bước tiến triển rõ rệt. Quan hệ hợp tác Lào - Việt Nam trên các lĩnh vực khác tiếp tục được củng cố, tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu.

Tình hữu nghị vĩ đại, mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã tạo một sức mạnh không bao giờ cạn kiệt, là quy luật tồn tại và phát triển, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là tài sản quý giá của hai dân tộc./.
---------------------------

(1) Báo Nhân dân, ngày 10-8-2011, tr. 3

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2000, t. 11, tr. 44

(3) Kay-sỏn Phôm-vi-hản: Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5-1990

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2000, tr. 139 - 140

(5) Kaysỏn Phômvihản: Một số kinh nghiệm cơ bản và một số phương hướng mới của cách mạng Lào, Viêng Chăn, 1979, tr. 234