Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 05 đến 11-6-2017)

Thanh Anh (tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn)
22:44, ngày 16-06-2017
TCCSĐT - Nhật Bản và Việt Nam là đối tác chiến lược sâu rộng. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản vừa qua đã thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực; thúc đẩy liên kết giữa hai nền kinh tế cả ở cấp trung ương và địa phương thông qua tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại, ODA, lao động, nông nghiệp, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm vì hòa bình, ổn định và sự phồn vinh chung tại khu vực và trên thế giới nói chung.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Nhật Bản

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4 đến ngày 08-6-2017. Chuyến thăm có 3 nội dung lớn là thăm chính thức Nhật Bản; tham dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, thúc đẩy đầu tư hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam; tham dự và phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội đàm, hội kiến và làm việc với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của chính giới Nhật Bản như Nhà vua và Hoàng hậu, Thủ tướng Shinzo Abe, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Mekong, Thống đốc của 06 địa phương gồm Ibaraki, Kanagawa, Saitama, Aichi, Osaka, Shiga, lãnh đạo các chính đảng (đảng liên minh cầm quyền Komei, đảng Cộng sản, đảng Dân tiến), tiếp Lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tại các địa phương Osaka, Hyogo, Nara, Sakai. Trong hội đàm và các cuộc trao đổi, Thủ tướng Shinzo Abe và các giới chức ở Nhật Bản, đều đánh giá quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao, hợp tác kinh tế và sự phối hợp chặt chẽ của hai nước trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cũng đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, Tổng lãnh sứ quán Việt Nam tại Osaka và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, thông báo cho cán bộ nhân viên các Cơ quan Đại diện và cộng đồng về tình hình kinh tế xã hội trong nước, đề nghị các Cơ quan Đại diện tiếp tục đóng góp cho quan hệ hợp tác chiến lược sâu rộng hai nước, hỗ trợ cộng đồng người Việt với số lượng ngày càng đông học tập lao động kinh doanh tuân thủ pháp luật sở tại, đóng góp cho việc phát triển mạnh mẽ quan hệ hai nước.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được chú trọng dành thời gian quan tâm cao,
trong đó Thủ tướng và đoàn ta đã có các cuộc gặp gỡ lãnh đạo các tổ chức kinh tế lớn như Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO). Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Thủ tướng Shinzo Abe tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo (có quy mô lớn nhất được tổ chức tại Nhật Bản từ trước tới nay, với sự tham gia của trên 1.600 doanh nghiệp hai nước trong đó có 200 doanh nghiệp đến từ Việt Nam), chủ trì 4 cuộc tọa đàm và đối thoại với trên 100 tổ chức kinh tế và doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản ở khu vực Tokyo và Kansai về các lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin và tài chính - ngân hàng, tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn có dự án hợp tác với Việt Nam (Sumitomo, Mitsubishi, Marubeni, Mitsui, Mazda, Canon...). Thủ tướng cũng đã tham gia khai trương “Tuần lễ hàng Việt Nam” tại Trung tâm thương mại AEON tại tỉnh Saitama, sự kiện do UBND Thành phố Hà Nội và Tập đoàn AEON phối hợp tổ chức nhằm quảng bá cho hàng hóa và các hoạt động văn hóa truyền thống của Việt Nam với người dân địa phương.

Có thể nói, với 50 hoạt động trong khuôn khổ 5 ngày của chuyến thăm, các cuộc tiếp xúc cấp cao, gặp gỡ các tổ chức chính trị, xã hội đã tạo nên kết quả tốt đẹp cho chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Xuân Phúc. Hai bên đã ra tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, làm định hướng cho khuôn khổ hợp tác hai nước trong thời gian tới với những biện pháp rất cụ thể trên nhiều phương diện quan trọng, từ chính trị an ninh quốc phòng, kinh tế thương mại, đến giáo dục, giao lưu văn hóa và nhiều lĩnh vực khác, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của chính phủ và nhân dân hai nước. Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và khẳng định phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc...

Với trên 22 tỷ USD các dự án đầu tư và ODA được ký kết tại chuyến thăm, trong đó có nhiều dự án lớn về năng lượng cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu cùng những nội dung thiết thực được đề cập trong Hội đàm và các cuộc trao đổi thể hiện sự tin cậy mang tính chiến lược giữa hai nước ở mức độ cao, chính những điều kiện thuận lợi để Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy quan hệ chiến lược một cách sâu rộng thực chất hơn nữa trong thời gian tới.

*** Nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 23 - một diễn đàn đối thoại chính sách có uy tín ở khu vực - tổ chức tại Tokyo từ ngày 05 đến ngày 06-6-2017. Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu là lãnh đạo và quan chức cao cấp, đại diện giới học giả, tổ chức quốc tế, khu vực doanh nghiệp Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á.

Với chủ đề “ Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của Châu Á”, Hội nghị đã thảo luận về các xu thế lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển của châu Á, cơ hội và thách thức mà các nước châu Á đang đối mặt. Một số vấn đề được hội nghị đặc biệt quan tâm như làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và tác động tới tiến trình liên kết kinh tế quốc tế; ASEAN sau 50 năm; tình hình an ninh chính trị tại các khu vực; những thách thức phi truyền thống. Tiếng nói chung của hội nghị là quá trình toàn cầu hoá trong những thập kỷ qua đã đóng góp quan trọng vào “sự phát triển thần kỳ’ của châu Á. Với quy mô dân số lớn nhất thế giới, tiềm lực và ảnh hưởng ngày càng gia tăng, châu Á có vai trò không thể thiếu trong thúc đẩy toàn cầu hoá theo hướng cân bằng, bao trùm và bảo đảm lợi ích của người dân. Nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác được đề xuất nhằm duy trì những thành quả đã đạt được và bảo đảm tương lai hoà bình và thịnh vượng của châu lục.

Với sự tham dự của Thủ tướng tại hội nghị, Việt Nam đã đóng góp tiếng nói ở cấp cao vào những vấn đề đang rất được quan tâm ở khu vực và trên thế giới là toàn cầu hoá, thúc đẩy thương mại tự do, phát triển bền vững và bao trùm. Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng đã đánh giá sâu sắc về quá trình toàn cầu hoá và những thách thức lớn đặt ra đối với châu Á. Với tầm nhìn về một châu Á hoà bình, thịnh vượng, nơi mà giấc mơ của mọi quốc gia lớn nhỏ đều phải được lắng nghe, Thủ tướng đã đưa ra ba nhóm biện pháp quan trọng về duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giải quyết bài toán mô hình phát triển, và tối ưu hoá nguồn lực để các nước cùng phối hợp thực hiện. Thủ tướng cũng chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam, nhấn mạnh quá trình đổi mới, phát triển phải gắn liền với hội nhập quốc tế và liên kết kinh tế khu vực; khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới, xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính cũng như chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quan điểm và đề xuất của Thủ tướng đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của phía Nhật Bản và hội nghị nói chung.

Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 06 đến ngày 08-6- 2017. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Milos Zeman đã hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và có cuộc gặp gỡ báo chí; hội kiến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Séc và gặp Hội hữu nghị Việt Nam – Séc.

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đánh giá cao những bước phát triển tích cực của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với bề dày lịch sử 67 năm qua giữa Việt Nam và Séc; hoan nghênh việc duy trì và tăng cường đối thoại chính trị ở cấp cao cũng như trao đổi đoàn giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước. Hai bên thể hiện quyết tâm củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực cùng quan tâm.

Hai bên vui mừng việc Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Séc về chuyển giao người bị kết án phạt tù và Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Séc về hợp tác phòng, chống tội phạm được ký kết nhân chuyến thăm; bày tỏ hài lòng việc 7 biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký giữa các đối tác sau: Tập đoàn Optokon và Công ty Công nghệ Sinh Phúc; Công ty Drevojas và Công ty Sản xuất gốm sứ Hao Canh; Tập đoàn Du lịch và dịch vụ bay Biển Đông và Ngân hàng Indovina; Công ty ClineX và Công ty Dapharco; Tập đoàn Techniserv và Công ty Yestech; Bệnh viện Na Homolce và Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam; Công ty Vari và Công ty Công nghệ James Boat.

Hai bên nhất trí thúc đẩy và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, khoa học - công nghệ, môi trường, năng lượng, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, tư pháp và pháp luật...; nhất trí hợp tác thúc đẩy, bảo vệ quyền con người, bao gồm việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người. Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi và ủng hộ lẫn nhau trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; cam kết phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM); xem xét ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức và diễn đàn quốc tế. Hai bên cam kết duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Hội thảo quốc tế “Chuyển dịch địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương và chặng đường nửa thế kỷ ASEAN”

Ngày 09-6-2017, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chuyển dịch địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương và chặng đường nửa thế kỷ ASEAN” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong Chương trình quốc gia kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN tại Việt Nam do Học viện Ngoại giao phối hợp với Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) và Quỹ Konrad Adenauer (KAS) đồng tổ chức. Đây cũng là một hoạt động trong khuôn khổ Mạng lưới các Viện Nghiên cứu Chiến lược ASEAN (ASEAN-ISIS) nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và qua đó mở rộng trao đổi, đóng góp những ý tưởng, những sáng kiến mới cho việc hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên tầm quốc gia và khu vực.

Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu, trong đó có Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các nguyên Lãnh đạo Chính phủ, đại diện các bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN, các cơ quan nghiên cứu và cơ quan truyền thông trong nước. Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo một số cơ quan nghiên cứu hàng đầu khu vực thuộc Mạng lưới ASEAN-ISIS. Hội thảo đã tiến hành 4 phiên thảo luận, điểm lại những thành tựu của ASEAN trong 50 năm qua; đánh giá những cơ hội và thách thức đặt ra cho ASEAN trong cục diện châu Á - Thái Bình Dương hiện nay; đề xuất các biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN và đưa ra một số kiến nghị chính sách đối với các nước thành viên. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đóng góp những ý tưởng, sáng kiến mới, đánh giá những cơ hội và thách thức đặt ra cho ASEAN trong cục diện châu Á - Thái Bình Dương hiện nay, đề xuất các biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đây là một trong nhiều nỗ lực của giới nghiên cứu chiến lược góp phần hình dung ra con đường tương lai của ASEAN để đồng hành cùng chính phủ và người dân các nước thành viên trên con đường đó.

Kể từ khi thành lập, trải qua 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN ghi vào lịch sử của mình những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, ASEAN đã có sự chuyển mình mang tính bước ngoặt khi chính thức hình thành Cộng đồng từ ngày 31-12-2015 với đầy đủ ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa- xã hội. Dấu mốc bản lề này đã giúp ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới vững vàng hơn, được nâng cao cả về hình thức và cấp độ hợp tác, là sự chuẩn bị nền tảng và khuôn khổ cho ASEAN xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội”./.