Sáng 15-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về tình hình an ninh trật tự.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng còn phải thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho người dân; đảm bảo xã hội công bằng, minh bạch, thượng tôn pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân.

Chính vì vậy, hội nghị về công tác bảo đảm an ninh trật tự lần này nhằm bên cạnh việc phân tích các nguyên nhân còn nhằm xây dựng các biện pháp kiên quyết, đồng bộ trong xử lý các vi phạm, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cuộc sống cho người dân; trong đó, có trách nhiệm quản lý Nhà nước các cấp; việc phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong xử lý các vụ việc trọng điểm về an ninh trật tự, nhất là vụ phức tạp kéo dài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, tình hình an ninh trật tự cơ bản được đảm bảo tốt. Các cấp chính quyền, lực lượng chức năng đã phối hợp xử lý đồng bộ các vụ việc, bảo đảm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống bình yên của nhân dân.

Dù vậy, Thủ tướng nhận định, một số địa bàn có diễn biến phức tạp, như lợi dụng vụ việc Fomorsa gây ô nhiễm môi trường để gây rối, mất an ninh trật tự. Một số tỉnh, thành phố xảy ra một số vụ tụ tập, gây rối, bắt giữ người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ. Cùng với đó, một số nơi xuất hiện tình trạng tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ, nhất là tội phạm ma túy, tham nhũng, kinh tế, môi trường, xâm hại tình dục trẻ em, phá rừng, khai thác cát trái phép, bán hàng đa cấp số lượng lớn, tội phạm qua mạng internet…

Phân tích nguyên nhân tình trạng này, Thủ tướng cho rằng, việc nắm tình hình, tham mưu giải quyết điểm nóng ở một số nơi còn thiếu kinh nghiệm, nhất là trong xử lý khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai; công tác đấu tranh trấn áp tội phạm chưa đủ mạnh, nhiều nơi chưa có chiều sâu, chưa phát động và phát huy rộng rãi vai trò của quần chúng.

Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành địa phương báo cáo tình hình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, Việt Nam được thế giới đánh giá cao về kinh tế-xã hội chính là nhờ một phần quan trọng bởi tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đây là tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, du lịch và các lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế thay đổi mạnh mẽ, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, nhất là internet, Thủ tướng cho rằng, đất nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ chế độ thông qua internet và các hình thức khác. Cùng với đó là diễn biến phức tạp của tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng mạng xã hội đưa tin chống phá, gây mất đoàn kết nội bộ; cùng với nạn chặt phá rừng, khai thác cát, sỏi trái phép; tình trạng “chống lưng” cho tội phạm, vấn nạn ma túy… đang gây bức xúc trong xã hội.

Phân tích thêm nguyên nhân của thực trạng đáng lo ngại này, Thủ tướng cho rằng, công tác bám dân, nắm tình hình của cơ quan chức năng chưa chủ động, còn lúng túng, một số trường hợp xử lý thiếu chuyên nghiệp, chưa thực hiện nghiêm pháp luật và nhất là chưa có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng.

Theo Thủ tướng, việc chưa chủ động nghiên cứu vấn đề xã hội về nguyên nhân xuất hiện tội phạm, nhất là còn tình trạng một số cán bộ, công chức vi phạm quy định về phẩm chất đạo đức vi phạm pháp luật chưa được xử lý dẫn đến mất niềm tin trong nhân dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến an ninh trật tự diễn biến phức tạp như trên.

Từ tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề cần nhận thức lại tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới.

“Đây là một điều kiện quan trọng để phát triển đất nước, đảm bảo cuộc sống nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu cần đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các lĩnh vực, các ngành, địa phương trong đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, lâu dài trong tình hình phức tạp như hiện nay.

“Mọi nhiệm vụ, mọi hoạt động đều phải gắn bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, cơ quan mình”, Thủ tướng chỉ đạo.

Lưu ý mọi kế hoạch, hành động có thể dẫn đến nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự, Thủ tướng yêu cầu cần hành động thận trọng, tính toán kỹ lưỡng và phải có giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự. Người đứng đầu địa phương cần tăng cường nâng cao nhận thức về an ninh trật tự trong nhân dân; bên cạnh chỉ đạo sản xuất kinh doanh phải chỉ đạo quyết liệt bảo đảm an ninh trật tự.

Chính vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương huy động sức mạnh tổng hợp cùng các đoàn thể nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục pháp luật cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Các địa phương chủ động xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền phải chịu trách nhiệm và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giải quyết kịp thời các yếu tố dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh trật tự ở địa phương, nhất là tăng cường củng cố chính quyền ở cơ sở.

Rà soát lại việc triển khai các dự án liên quan đến thu hồi đất; giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp phát sinh, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân; không để kẻ xấu kích động, lôi kéo chống phá, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức rà soát đánh giá đúng thực trạng phẩm chất, cán bộ công chức và kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm, nhất là xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an cần tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng; khắc phục tồn tại, hạn chế ở một bộ phận cán bộ trong thời gian qua; chủ động phối hợp kịp thời với các địa phương giải quyết mọi tình huống xấu xảy ra.

Đề cập đến ý nghĩa to lớn của công tác thông tin, tuyên truyền, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các cơ quan báo chí chủ động ngăn chặn, phản bác các luồng thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho dư luận và nhân dân; xử lý nghiêm các sai phạm về thông tin./.