Quan điểm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”

Nguyễn Hồng Quân Thiếu tướng, PGS, TS, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng
22:25, ngày 17-01-2017

TCCS - Trước diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, đặc biệt trước sự chống phá của các thế lực thù địch, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”(1). Đảng ta nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên vị trí hàng đầu; trong đó khẳng định ý chí quyết tâm, “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; không để đất nước bị động, bất ngờ, không để mất đất, mất đảo, mất dân.

“Kiên quyết, kiên trì” - đối sách mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo

Cụm từ “kiên quyết” thể hiện quyết tâm dứt khoát, sự đồng thuận cao hơn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước; kiên quyết giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc, bảo vệ đến cùng lợi ích quốc gia - dân tộc, với quyết tâm cao nhất. Cụm từ “kiên trì” bao hàm ý nghĩa cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước sẽ còn lâu dài, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không lơi lỏng, không được mất cảnh giác, không nản lòng, phải nuôi dưỡng ý chí quyết tâm thật cao. Phải kiên trì giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên mọi lĩnh vực, mọi mặt trận (đối thoại, pháp lý, quốc phòng, an ninh, văn hoá...), trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.

Như vậy, thuật ngữ “kiên quyết, kiên trì” vừa thể hiện quyết tâm cao độ, ý chí sắt đá, bản lĩnh trước sau như một của nhân dân ta, vừa thể hiện tính chất lâu dài, phức tạp của cuộc đấu tranh; đây cũng là đối sách mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo, không chủ quan, manh động trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh lịch sử mới.


Cụm từ “kiên quyết, kiên trì” thể hiện rõ ý chí quyết tâm chiến lược, sự nhất quán, trước sau như một, trước mắt cũng như lâu dài, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, là bằng mọi cách phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.


Để có thể “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cần làm tốt mấy điểm sau:


Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh sự cần thiết phải bình tĩnh, sáng suốt, chủ động, sáng tạo, kiên quyết, kiên trì trong giải quyết những bất đồng, những tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, dân tộc bằng biện pháp hòa bình nhằm giữ vững và bảo toàn lợi ích quốc gia, dân tộc, coi giá trị hòa bình là cao nhất. Đồng thời chỉ rõ: cần chủ động, tích cực chuẩn bị về mọi mặt để có kế sách hay, ứng phó thắng lợi trước các tình huống khác có thể xảy ra, khi biện pháp đàm phán, thương lượng hòa bình không còn phát huy tác dụng. Vì vậy, cần đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo, nắm chắc tình hình, kịp thời đề xuất với Đảng, Nhà nước những đối sách phù hợp với từng đối tác, đối tượng, từng tình huống có thể xảy ra.


Hai là, nếu như trước đây, chúng ta mới nhấn mạnh việc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế và kinh tế với quốc phòng, an ninh thì Đại hội XII yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ cả kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là giải pháp thiết thực để giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việc kết hợp này cần được thực hiện trong từng chiến lược, quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, cần phải kiên quyết, kiên trì thực hiện trên tất cả mọi vùng, miền của Tổ quốc, trong đó chú trọng các đô thị lớn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.


Ba là, cần thiết phải xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng, củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, nhất là ở các địa bàn chiến lược trọng yếu, đô thị lớn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Việc điều chỉnh thế trận, bố trí các lực lượng tác chiến ngày càng hợp lý và đạt hiệu quả cao hơn; việc xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân có bước phát triển vững chắc. Kết quả là an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, chủ động ngăn ngừa và chuẩn bị tốt mọi phương án, đối phó thắng lợi mọi tình huống có thể xảy ra. Vì thế, ở một số điểm nóng, địa bàn trọng yếu, chiến lược, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội dần dần ổn định. Nhờ đó, tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được củng cố vững chắc, được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ và giúp đỡ. Đây là cơ sở để chúng ta bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.


Bốn là, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được tăng cường, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đều tỏ rõ bản lĩnh chính trị, kiên định, vững vàng, luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, chủ động tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.


Năm là, thực hành bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Lần đầu tiên quan điểm chủ động giữ nước trong thời bình được chính thức xác lập, đó là: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”(2). Quan điểm này là sự kế thừa, phát huy truyền thống “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”(3). Quan điểm này góp phần thống nhất nhận thức tư tưởng và hành động chủ động giữ nước trong thời bình, thể hiện tầm nhìn chiến lược mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Chủ động bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia là việc làm thường xuyên, là nhiệm vụ chiến lược của bất kỳ quốc gia nào.


Để “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”


Nhận thức rõ “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” là sự kế thừa và phát huy truyền thống chủ động giữ nước trong thời bình của cha ông. Đó là tổng thể các hoạt động của Đảng, Nhà nước, nhân dân, các lực lượng vũ trang diễn ra một cách chủ động, thường xuyên; sớm phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động chống phá chế độ chính trị, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, giữ vững hòa bình, ổn định, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Mục tiêu của kế sách là tập trung vào chủ động giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển; không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trước mọi hành động chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo, lợi ích quốc gia, dân tộc; sớm phòng ngừa, phát hiện, triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến. Đi liền với các chiến lược xây dựng, phát triển của mọi lĩnh vực, ngành, vùng, tổ chức, con người là các chiến lược bảo vệ, tự bảo vệ bên trong; phòng, chống, ngăn ngừa, triệt tiêu các nhân tố phá hoại, mất ổn định bên trong lẫn bên ngoài. Luôn chủ động bảo vệ trước chủ quyền biên giới, biển, đảo, lãnh thổ quốc gia, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia - các nhân tố quyết định bản chất của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, các mục tiêu trọng tâm của công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.


Mọi cấp, ngành, lĩnh vực, chủ thể của đất nước phải chủ động phối hợp chặt chẽ hoạch định các chiến lược, sách lược và kiên quyết thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Việc thực hiện đường lối tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc tùy thuộc vào tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của mỗi chủ thể. Trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình, việc hoạch định các chiến lược, sách lược, kế sách bảo vệ từ sớm, từ xa lợi ích của mỗi cấp, mỗi ngành, lĩnh vực và mọi chủ thể là vô cùng cần thiết, là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay.


Cần nghiên cứu, hoàn thiện các chiến lược tự bảo vệ; khai thác, tận dụng hết lợi thế, làm cho mình mạnh lên toàn diện. Chú ý các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện từ sớm, hạn chế từ trước, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại đến lợi ích đất nước. Thiết lập khuôn khổ các quan hệ đối tác phải trên cơ sở nghiên cứu dự báo chiến lược, lợi ích bền vững, lâu dài; phòng ngừa mọi áp đặt, cạm bẫy, thủ đoạn câu nhử lợi ích trước mắt. Luôn tạo ra ưu thế chiến lược cho phát triển kinh tế, hòa bình, ổn định của đất nước. Đẩy mạnh nghiên cứu dự báo, tham mưu chiến lược; có phương án sẵn sàng, nguồn lực đủ mạnh để ứng phó chủ động, vững vàng trước các tình huống khó khăn, phức tạp; giảm thiểu thấp nhất thiệt hại; nhanh chóng ổn định phát triển ngành, lĩnh vực, đất nước.


Ưu tiên bảo vệ các nhiệm vụ trọng yếu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là, giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đối ngoại. Đây là các nội dung đặc biệt quan trọng cần tập trung thực hiện, cụ thể hoá quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Thực hiện tổng thể, đồng bộ các nội dung này chính là thể hiện tinh thần: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc”(4).


Chủ động, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng và hành động sai trái, thù địch hạ thấp, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh là yếu tố then chốt, là cơ sở chính trị - pháp lý của công cuộc giữ nước hiện nay. Tập trung sức mạnh của hệ thống chính trị vào xây dựng Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự là nền tảng vững chắc của sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao tinh thần chủ động, tham gia tích cực của mọi tổ chức, lực lượng, nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vận động, hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; huy động mọi lực lượng tham gia, nêu cao cảnh giác và làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá, xâm lược.


Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, biển, đảo, lợi ích quốc gia, các hoạt động chống phá chế độ. Mọi bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương đều phải đề ra phương châm và chủ động đấu tranh với nhiều hình thức, nội dung sáng tạo, linh hoạt, cụ thể. Bất cứ ở đâu, khi chủ quyền lãnh thổ quốc gia, độc lập, thống nhất dân tộc, lợi ích của Tổ quốc, nhân dân bị xâm phạm đều phải tổ chức đấu tranh. Đấu tranh kinh tế, pháp lý, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, chính trị, văn hoá, tư tưởng, thông tin, nhất là “chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái”(5)... là các hình thức, nội dung cần được phát huy.


Đấu tranh nhưng tránh xung đột, đối đầu, mắc mưu các thế lực thù địch; gắn lợi ích của đối tác với lợi ích tổng thể của đất nước; thực hành tư tưởng “thêm bạn bớt thù”, quán triệt phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, phấn đấu vì hoà bình, ổn định, phát triển”, vì lợi ích chung của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, không để diễn biến phức tạp các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo, lợi ích quốc gia, xâm hại tính mạng, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp, đối tác.


Hoạt động đối ngoại phải góp phần bảo đảm ở mức cao nhất để cuộc đấu tranh này không dẫn đến đối đầu, cô lập, không dẫn đến xung đột vũ trang, chiến tranh, bất ổn. Phải kiên trì hai nguyên tắc lớn: (i) không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, nhưng sẵn sàng hợp tác với các nước vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và khu vực; (ii) khéo kết hợp phương thức song phương và đa phương trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp. Trên cơ sở mục tiêu tối cao, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.


Có thể nói, Đại hội XII của Đảng đặt ra những nội dung mới trong việc kết hợp quốc phòng - an ninh - đối ngoại trong giữ vững chủ quyền biển, đảo ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhấn mạnh: kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc. Cụm từ “kiên quyết, kiên trì” thể hiện rõ ý chí quyết tâm chiến lược, sự nhất quán, trước sau như một của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, trước mắt cũng như lâu dài, trong bối cảnh thuận lợi cũng như khó khăn, là bằng mọi cách phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quan điểm của Đảng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao; cùng với đó là phương pháp, phương thức kết hợp linh hoạt, sáng tạo. Đây là một nội dung quan trọng của nhiệm vụ kết hợp quốc phòng - an ninh - đối ngoại trong tình hình mới, nhằm tạo cơ sở và nền tảng vững chắc, đạt hiệu quả ngày càng cao hơn.


Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh xây dựng “thế trận lòng dân” trên cấp độ cao hơn, rộng hơn. Đây là yêu cầu đặt ra đối với việc kết hợp quốc phòng - an ninh - đối ngoại. Thực chất xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân bền vững là xây dựng thế trận lòng dân không chỉ ở trong nước và còn chú ý xây dựng “thế trận lòng dân” trong cộng đồng người Việt ta ở nước ngoài (khoảng 4,5 triệu người), nhằm khơi dậy, quy tụ và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, dù sống nơi đâu trên trái đất này, trong một thế trận quốc phòng - an ninh chung. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật đoàn kết dân tộc để giữ nước, chống ngoại xâm của dân tộc ta được phát triển, phản ánh sâu sắc bản chất sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong thời kỳ hội nhập sâu rộng; ngăn chặn những hành động phá hoại, mưu toan thôn tính, xâm lược từ bên ngoài. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, là yêu cầu và biện pháp quan trọng để tạo ra “thế trận lòng dân” vững chắc./.

------------------------------------------


(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 145 – 146


(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 149


(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 317


(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, Hà Nội, 2016, tr. 148


(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 148