Hoạt động tín dụng với phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn
Hoạt động tín dụng đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay. Bài viết điểm lại những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực này, những hạn chế và nguyên nhân đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hiệu quả cao hơn của tín dụng ngân hàng đối với phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Từ khi thực hiện Nghị quyết 15/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh công nghiêp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010, nhờ chính sách đầu tư đúng đắn của Nhà nước, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nước ta đã có bước chuyển dịch đáng kể. Trong quá trình đó, tín dụng ngân hàng đã góp phần không nhỏ thông qua việc cho vay vốn thúc đẩy kinh tế phát triển.
1 - Cơ chế tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ nông dân vay vốn để sản xuất
Trên địa bàn nông thôn hiện nay có nhiều tổ chức tín dụng hoạt động, chủ lực như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể làm dịch vụ tài chính, các tổ tiết kiệm vay vốn... , tạo thành một kênh huy động vốn và cho vay tại chỗ để chuyển tải vốn đến hộ nông dân với phương châm cạnh tranh nhau bình đẳng, không giành giật khách hàng của nhau. Nhiều ngân hàng đã chủ động tìm dự án có hiệu quả, giúp các hộ và các doanh nghiệp hoàn thành những thủ tục cần thiết để chủ động giải ngân cho vay sớm. Riêng hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số dư cho vay vốn hộ nông dân đến đầu năm 2007 là 150.500 tỉ đồng. Thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn được mở rộng, tăng được tỷ trọng số hộ vay và mức dư nợ bình quân/hộ. Các hộ nông dân vay vốn được giải quyết nhanh chóng, những thủ tục phiền hà đã giảm bớt, không còn tình trạng phải chờ đợi như những năm trước đây. Đặc biệt là mức cho hộ vay đã nâng lên đến 10 triệu đồng mà không phải thế chấp tài sản (đối với những vùng đặc biệt khó khăn, mức cho vay tối đa lên đến 100 triệu đồng), tạo cơ hội giúp hộ nông dân chủ động thực hiện phương án kinh doanh của mình.
Với số vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đã giúp hàng vạn hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo mùa vụ và tiếp tục mở rộng ngành nghề góp phần làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Nhờ mở rộng đầu tư tín dụng cùng với vốn tự có và sức lao động đã giúp họ có điều kiện khai thác tiềm năng kinh tế tự nhiên của mỗi vùng, từng bước hình thành các vùng chuyên canh lúa, hoa màu và cây công nghiệp có tỷ suất hàng hóa cao, như ở các vùng lúa đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, vùng cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê) ở Tây Nguyên, vùng cây ăn quả lâu năm ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc...
Đi đôi với việc đầu tư cho trồng trọt, chăn nuôi các ngân hàng đã mở rộng cho vay phát triển ngành nghề tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đối tượng cho vay không còn đơn lẻ như những năm trước, mà đã được mở rộng như: cho vay xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn (điện, đường giao thông), cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay để mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt là phát triển việc cho các làng nghề vay theo hướng sản xuất hàng hóa như chế biến nông lâm sản, chăn nuôi đại gia súc gia cầm, làm các nghề mộc, nghề rèn, thêu ren, đồ gỗ..., điển hình là sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Bắc Ninh, mây tre đan xuất khẩu, dệt lụa ở Hà Tây, gốm sứ ở Bát Tràng (Hà Nội). Hiện nay cả nước có khoảng trên 2.000 làng nghề với khoảng 1,4 triệu hộ, thu hút trên 10 triệu lao động. Kim ngạch xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ tăng từ 235 triệu USD (năm 2001) lên 450 triệu USD (năm 2004) và đến nay con số này đã tăng gấp nhiều lần. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đã có ở trên 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bỉ, Trung Quốc, Đài Loan... Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề dịch vụ nông thôn tiếp tục phát triển bình quân tăng 15%/ năm. Nhờ đó, thu nhập của hộ nông dân cũng ngày càng được cải thiện.
Nhằm thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, ngân hàng còn đầu tư vốn khuyến khích các trang trại mở rộng quy mô sản xuất, thu hút lao động có việc làm. Trong những năm gần đây, thực tế cho thấy kinh tế trang trại đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ngày càng xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, tập trung. Ngân hàng đã giúp cho các đối tượng vay để trang trải chi phí giống, cải tạo vườn, ao, chuồng, thậm chí cả chi phí trả công lao động thời vụ. Vốn bình quân cho vay một trang trại từ 200 triệu đến 300 triệu đồng, có trang trại vay đến 500 triệu đồng, Hiện nay cả nước có trên 113.730 trang trại (tăng gấp gần 2 lần so với năm 2001), với số diện tích đất sử dụng là 663,5 ngàn ha, đã tạo việc làm thường xuyên cho 395 ngàn lao động. Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là những vùng có nhiều đất đai, mặt nước thuận lợi để mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nên ba vùng này có số lượng trang trại nhiều nhất (chiếm đến 70%).
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vốn tín dụng đầu tư cho vay từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng. ở vùng đồng bằng sông Hồng cơ cấu tín dụng đã biến động theo hướng tăng đầu tư vào công nghiệp. ở các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ cho các đối tượng thông thường vay với cho vay theo các chương trình, dự án quan trọng được hưởng lãi suất ưu đãi của Chính phủ và cho vay để sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông - lâm sản và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tổng dư nợ ở vùng Đông Nam Bộ hiện là 285 ngàn tỉ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn 176 ngàn tỉ đồng (chiếm 62%), dư nợ cho vay trung và dài hạn 109 ngàn tỉ đồng (chiếm 38%) chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vùng Tây Nguyên có tiềm năng kinh tế tự nhiên rất lớn, nhưng chưa được khai thác, nên những năm qua các ngân hàng đã tích cực mở rộng mạng lưới giao dịch phục vụ bà con để thâm canh mở rộng diện tích cây chè, cà phê kết hợp với chăn nuôi đại gia súc. Tổng số dư nợ cho vay ở vùng này hiện đạt 28 ngàn tỉ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 64%, dư nợ trung dài hạn chiếm 36%, với 652 ngàn hộ và 1.229 doanh nghiệp còn dư nợ vay. Để tạo điều kiện cho quan hệ tín dụng mở rộng tại đây, ngân hàng đã tạo thuận lợi cho họ trả nợ lãi cùng với nợ gốc theo chu kỳ thu hoạch của cây trồng, vật nuôi. Không áp dụng lãi suất nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan.
2 - Những hạn chế và nguyên nhân
Tuy đạt được những kết quả như trên, nhưng nhìn lại ở nhiều vùng nông thôn nước ta hiệu quả của tín dụng ngân hàng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chưa cao, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP vẫn thấp, chưa gắn kết được giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tiềm năng kinh tế đồi rừng và miền ven biển ở nhiều vùng chưa được khai thác tốt. Sở dĩ như vậy vì:
- ở vùng đồng bằng sông Hồng số lượng tiền các hộ được vay còn ít, lãi suất lại cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn mở rộng phát triển sản xuất. Điển hình như làng nghề xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Tây), nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất lên tới 50 tỉ đồng, trong khi Quỹ Tín dụng của xã có số dư nợ cho vay 11 tỉ đồng, vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng 7 tỉ đồng. Vì thế họ phải đi vay ngoài với lãi suất cao. Còn nếu được vay của ngân hàng thì mức lãi suất 1,15%/tháng cũng là khá cao đối với họ, bởi sản xuất của người nông dân vẫn chủ yếu thuần nông, mang tính nhỏ lẻ, chắp vá, năng suất lao động thấp. Lãi suất cao càng làm cho họ khó thoát khỏi thế độc canh để đi lên sản xuất hàng hóa. Đối với những hộ làm kinh tế trang trại, tuy mức vay không thế chấp đã lên tới 10 triệu đồng, nhưng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu để phát triển sản xuất. Do đó thị trường tín dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn khó mở rộng và có hiệu quả tốt.
- Đối với các tỉnh miền núi tuy có tiềm năng, nhưng do đặc thù là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; vùng sâu, vùng xa; dân trí không đồng đều; chưa tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên kinh tế hàng hóa chưa phát triển làm hạn chế khả năng cho vay của ngân hàng. Ví dụ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), tính đến đầu năm 2007, có tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh đạt 33,9 tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp chỉ đạt 11,34 tỉ đồng; dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16,29 tỉ đồng. Ngoài ra, đối tượng cho vay của các ngân hàng thương mại chỉ mới bó hẹp chủ yếu là trang trải chi phí trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo và chăm sóc cây dài ngày, cây ăn quả, nhưng công tác quy hoạch chi tiết cụ thể cho từng loại cây trồng, vật nuôi lại chưa tốt nên việc đầu tư mở rộng tín dụng ngân hàng bị hạn chế.
- Đối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhờ tính chất sản xuất hàng hóa cao hơn, người nông dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, các khâu khai thác chế biến được đầu tư hợp lý, việc đầu tư kết cấu hạ tầng được chú trọng, một số dự án đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn bước đầu phát huy có hiệu quả và tỷ lệ hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất tăng, tất cả đã tạo điều kiện tăng khả năng mở rộng tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, dư nợ xấu có xu hướng gia tăng, chủ yếu do khách hàng sản xuất kinh doanh thua lỗ không trả được nợ, hoặc có tư tưởng chây ỳ. Tình hình sản xuất kinh doanh một số sản phẩm cũng chưa tốt, sức cạnh tranh kém, nên khả năng sử dụng và quản lý vốn của hộ kinh doanh và các doanh nghiệp thấp. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Cổ phần cũng chưa mở rộng mạng lưới cũng như các dịch vụ tiện ích đến kinh tế hộ gia đình. Thêm nữa, hoạt động bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, vì vậy, nếu có sự biến động lớn về giá cả, thị trường tiêu thụ, thiên tai, dịch bệnh xảy ra... thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng trả nợ ngân hàng, nên các ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt và vay cầm chừng.
- Một nguyên nhân khác dẫn đến hiệu quả hoạt động tín dụng chưa cao như mong muốn, bởi trong đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn có nguy cơ rủi ro tiềm ẩn rất lớn vì năm nào thiên tai bão lụt cũng xảy ra trên diện rộng, chưa kể thời tiết không thuận như hạn hán thường kéo dài ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, dịch bệnh xảy ra liên tục (như lúa bị lùn xoắn lá ở tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An, dịch lở mồm long móng), gây nên hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất và vốn vay của ngân hàng cũng bị thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng.
3 - Mục tiêu và giải pháp
Trong những năm tới, để thực hiện thắng lợi đường lối kinh tế của Đảng về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tín dụng ngân hàng cần hướng vào các mục tiêu và những giải pháp thực hiện sau đây:
Một là, tập trung vốn cho sản xuất nông nghiệp, tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích canh tác. Đến năm 2010 diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp sẽ phải có khoảng 9,67 triệu ha, đất nuôi trồng thuỷ sản 1,44 triệu ha, đất trồng cây cà phê từ 450 đến 500 ngàn ha, diện tích cây chè từ 120 đến 140 ngàn ha (tập trung ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên và duyên hải Bắc Trung Bộ), đất trồng cây lương thực bảo đảm sản lượng lúa ổn định khoảng 40 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu trên, mức đầu tư cho một ha đất canh tác phải tăng gấp đôi so với hiện nay; mức dư nợ cho kinh tế hộ vay ở vùng đồng bằng duy trì bình quân 1 huyện phải đạt từ 450 tỉ đến 500 tỉ đồng. Chú trọng đầu tư cho vay đối với hộ sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với các dự án kinh doanh có hiệu quả thuộc các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang được hình thành, tập trung những ngành thương mại dịch vụ, chế biến thủy sản, cơ khí sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may...
Hai là, các chi nhánh ngân hàng cơ sở, quỹ tín dụng nhân dân cần căn cứ vào quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp trên từng địa bàn để xây dựng dự án đầu tư vốn vào từng đối tượng vay, phù hợp với quy hoạch của địa bàn. Trước mắt phải nhằm vào các mục tiêu như tăng thêm giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho hộ nông dân, gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Ba là, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau của Nhà nước và vốn tự có của các hộ nông dân, các doanh nghiệp, các ngân hàng cần mở rộng đối tượng đầu tư vốn trung, dài hạn đến các thành phần kinh tế để phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Trong đầu tư cần chú ý nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản, tăng tỷ trọng hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu và các loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng những sản phẩm có tính hàng hóa cao gắn với thị trường xuất khẩu và thay thế nhập khẩu.
Bốn là, tiếp tục cải tiến phương thức cho vay vốn của ngân hàng theo hướng giảm bớt các thủ tục phiền hà, bảo đảm hộ dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dễ dàng, thuận tiện, để hạn chế việc phải đi vay ngoài với lãi suất cao. Nghiên cứu giảm bớt lãi suất cho nông dân vay vốn nhằm tạo điều kiện tăng thu nhập cho họ, đồng thời mới có điều kiện khuyến khích và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Ngân hàng phải gắn kết giữa thị trường tiền tệ và thị trường hàng hóa với vai trò là cầu nối trong mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Triển khai có hiệu quả việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với hộ nông dân theo quyết định số 80/2002/ QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phải có chính sách trợ giá nông sản cho nông dân một cách hợp lý vì hiện nay nước ta vẫn bảo hộ nông sản ở mức rất thấp so với quy định của WTO.
Năm là, để khai thác tiềm năng kinh tế tự nhiên của mỗi vùng, phải đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho vay đối với các hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa, các hộ làm kinh tế trang trại mang tính sản xuất hàng hóa. Muốn vậy, nên mở thêm các điểm giao dịch của ngân hàng và tổ chức tín dụng, tạo thuận lợi cho hộ nông dân đến gửi tiền, vay vốn không chỉ ở các điểm giao dịch hiện nay của hệ thống ngân hàng nông nghiệp, mà phải ở các điểm giao dịch mới của Ngân hàng Cổ phần đô thị về nông thôn, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh ở những nơi kinh tế hàng hóa phát triển. Bên cạnh đó, nâng mức cho vay đến 100 triệu đồng đối với các hộ vùng sâu, vùng xa; thời điểm cho vay cũng phải rất linh hoạt để họ có thể chủ động sản xuất mùa vụ.
Sáu là, đối với các hộ nghèo, vốn cho vay phải gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Thực hiện chính sách tín dụng đối với vùng đặc biệt khó khăn. Kết hợp công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với công tác chuyển giao công nghệ. ủy ban Dân tộc và các ngành có liên quan ở trung ương phải có giải pháp phối, kết hợp đồng bộ vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thực thiện tốt các chính sách xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, nhằm rút ngắn dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi./.
Không ngừng vun đắp cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Cuba  (19/06/2008)
Vài nét về đất nước Ru-ma-ni và quan hệ Việt Nam - Ru-ma-ni  (18/06/2008)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến Ru-ma-ni  (18/06/2008)
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Con đường đến Việt Nam luôn rộng mở với doanh nghiệp Thụy Điển  (18/06/2008)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ðoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ  (18/06/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên