Nằm ở Đông – Nam Âu, bắc bán đảo Ba-căng, có biên giới chung với các nước U-crai-na, Môn-đô-va, Hung-ga-ri, Séc-bi-a và Bun-ga-ri, Ru-ma-ni là nước có diện tích 238.391 km2, với thủ đô là Bu-ca-rét (Bucharest), dân số 21,6 triệu người (trong đó người Ru-ma-ni thuần chủng: 89,5%), 55% người dân sống ở thành phố, 86,7 % dân số theo đạo Cơ đốc Chính thống (Orthodox), ngôn ngữ thường dùng là tiếng Ru-ma-ni.

Với thể chế chính trị: Cộng hòa đại nghị. Tổng thống do dân bầu trực tiếp bằng bỏ phiếu, nhiệm kỳ 4 năm. Quốc hội gồm Thượng và Hạ nghị viện, do dân bầu, nhiệm kỳ 4 năm. Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm.

Các lãnh đạo chủ chốt hiện nay của Ru-ma-ni gồm:

-Tổng thống: Tơ-rai-an Bơ –xét-xcu (Traina Băcsescu) được bầu từ 20-12-2004.

-Thủ tướng: Cơ-lin Pô-pét-xcu Tơ-ri-chê-a-nu (Călin Popescu Tăriceanu) được bổ nhiệm từ 29-12-2004.

-Chủ tịch Thượng viện: Ni-cô-la-ê Vơ-cơ-rôi-u (Nicolae Văcăroiu) được bầu từ tháng 12-2004.

-Chủ tịch Hạ viện: Boóc-đan Ôn-tê-a-nu (Bogdan Olteanu) được bầu từ tháng 3-2006.

-Ngoại trưởng: La-dơ-rờ Com-mơ-nét-xcu (Lazăr Comănescu) được bổ nhiệm từ 14-4-2008.

Về kinh tế - xã hội:

Từ đầu năm 1990, Ru-ma-ni tiến hành cải cách kinh tế theo hướng thị trường với các biện pháp tự do hoá giá cả, tư nhân hoá sản xuất, xoá bỏ độc quyền… Trong 10 năm đầu, nền kinh tế Ru-ma-ni mặc dù có tiến bộ song còn nhiều khó khăn: lạm phát còn cao (năm 2000: 40%), thất nghiệp 12%, nợ nước ngoài trên 10 tỷ USD, đời sống nhân dân tiếp tục khó khăn, phân hoá giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu sắc, tham nhũng phổ biến, an ninh xã hội lộn xộn, đình công và biểu tình xảy ra thường xuyên... Từ năm 2000, nền kinh tế đã phục hồi (GDP năm 2001 tăng 5,3%; năm 2002 tăng 4,9%; năm 2003: 4,9%; năm 2004: 8,3%; năm 2005: 4%; năm 2006: 7,7%). Năm 2007, GDP đầu người đạt 11,100 USD; xuất nhập khẩu của Ru-ma-ni trong năm qua đạt 104,58 tỉ USD, trong đó, riêng xuất khẩu là: 40,25 tỉ USD; nhập khẩu: 64,33 tỉ USD; dự trữ ngoại tệ vàng của Ru-ma-ni cũng đạt 37,06 tỉ USD. Những mặt hàng nhập khẩu chính ở Ru-ma-ni là: máy móc thiết bị, khoáng chất, hóa chất, hàng dệt và quần áo.

Quan hệ Việt Nam - Ru-ma-ni:

1. Về chính trị: Ngày 03-02-1950, hai nước lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến 1989 là quan hệ giữa hai nước xã hội chủ nghĩa. Ru-ma-ni đã viện trợ cho Việt Nam 66 triệu rúp, xoá nợ 25,5 triệu rúp, cho vay vốn dài và trung hạn 200 triệu rúp và giúp Việt Nam đào tạo gần 3.000 cán bộ.

Sau khi Ru-ma-ni thay đổi thể chế chính trị (12-1989), hai nước tiếp tục quan hệ hữu nghị truyền thống trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

2. Về ngoại giao, hai nước đã có một số chuyến thăm và làm việc

Phía Việt Nam: Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo sang thăm Ru-ma-ni tháng 4-1991, Thứ trưởng Ngoại giao thăm Ru-ma-ni tháng 5-1993, tháng 9-1997 và tháng 7-2001, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương thăm Ru-ma-ni tháng 8-1994, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu thăm Ru-ma-ni tháng 9-1995, Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn thăm Ru-ma-ni tháng 10-1996, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Ru-ma-ni nhân dịp chủ trì Hội nghị Bộ trưởng các nước Pháp ngữ tại Bu-ca-rét tháng 12-1998, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường Chu Tuấn Nhạ thăm Ru-ma-ni tháng 9-1999, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Đỗ Văn Tài thăm Ru-ma-ni tháng 7-2001. Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Ru-ma-ni ngày 16 và 17-10-2003. Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 11 tại Bu-ca-rét vào các ngày 28-29-9-2006 và đã tiếp xúc bên lề với Tổng thống Bơ-xét-xcu. Và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh đã thăm Ru-ma-ni từ ngày 17 đến 20-1-2007.

Phía Ru-ma-ni: Việt Nam đã đón Quốc vụ khanh Ngoại giao Ru-ma-ni sang thăm tháng 11-1993, tháng 5-1999 và tháng 10-2001, đón Bộ trưởng Thương mại tháng 2-1994, Thủ tướng N.Vơ-cơ-rôi-u (N. Vacaroiu) tháng 7-1995, đón Tổng thống E.Côn-xtan-tin-nét-xcu (Emil Constantinescu) và 3 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Tài chính, Công thương sang dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ 7 tháng 11-1997; đón Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Thượng viện tháng 10-2002; đón Tổng thống I-on I-li-ét-xcu từ 16 đến 18-02-2002; đón Vụ trưởng Vụ khu vực - Bộ Kinh tế và Thương mại tháng 4-2004; Cố vấn Tổng thống Ru-ma-ni phụ trách Pháp ngữ đã ghé thăm Việt Nam tháng 11-2007.

Tổng thống Ru-ma-ni cũng bày tỏ mong muốn sang thăm Việt Nam trong năm 2009 và Việt Nam đã đồng ý. Tổng thống Ru-ma-ni đã có thư cảm ơn và khẳng định sẽ tiến hành chuyến thăm trong năm 2009. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Ru-ma-ni cũng khẳng định sẽ thăm Việt Nam vào nửa cuối năm 2008.

3. Về kinh tế - thương mại: Từ sau 1990, Việt Nam và Ru-ma-ni đã ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới. Kim ngạch thương mại hiện nay còn thấp, từ năm 1995 đến 1999 đạt hơn 10 triệu USD/năm, từ năm 2000 đến 2002 đạt khoảng 20 triệu USD/năm, năm 2003 đã tăng lên 40 triệu USD do Việt Nam mua một số thiết bị dầu khí của Ru-ma-ni, năm 2004 đạt 26 triệu USD; năm 2005 đạt 25,6 triệu USD; năm 2006 đạt 27 triệu USD; năm 2007 đạt 50 triệu USD. Việt Nam đã hoàn tất trả nợ Ru-ma-ni ngày 11-3-2002. Việt Nam và Ru-ma-ni có tiềm năng hợp tác trên nhiều mặt; thị trường hai nước có thể bổ sung cho nhau (Ru-ma-ni có thế mạnh trong các lĩnh vực: dầu khí, hoá dầu, kiến trúc, xây dựng, y tế, chế biến nông sản... và có nhu cầu nhập từ Việt Nam sản phẩm nhiệt đới, hàng tiêu dùng…).

4. Về giáo dục đào tạo: Hằng năm, Ru-ma-ni cấp cho Việt Nam từ 3-4 học bổng đại học, từ năm học 2004-2005 tăng lên 10 học bổng. Hiện có khoảng 160 sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam đang học tập ở Ru-ma-ni, trong đó có 40 thuộc diện học bổng nhà nước, 120 thuộc diện Việt Nam chi phí và tự túc. Ngày 16-01-2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục, nghiên cứu và thanh niên Ru-ma-ni đã ký chương trình hợp tác giữa hai Bộ giai đoạn 2007-2009. Hiện nay, hai bên đang kết thúc đàm phán hiệp định hợp tác kinh tế cũng như hiệp định hợp tác văn hóa, khoa học, giáo dục và thể thao giai đoạn 2008-2011.

5. Về hợp tác đa phương: Tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Pháp ngữ..., hai bên đã có sự phối hợp, ủng hộ nhau (Ru-ma-ni ủng hộ Việt Nam vào ECOSOC nhiệm kỳ 1998-2000, Hội đồng Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU, 11-2006), WTO.... Việt Nam ủng hộ Ru-ma-ni vào Uỷ ban Hành chính và các vấn đề ngân sách ACABQ, Uỷ ban Luật thương mại quốc tế UNCIRL nhiệm kỳ 1998-2000, Hội đồng Nhân quyền - Liên hợp quốc ngày 9-5-2006, ECOSOC nhiệm kỳ 2007-2008...). Hai bên đã thỏa thuận ủng hộ nhau ứng cử vào ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an - Liên hợp quốc (Việt Nam đã ủng hộ Ru-ma-ni nhiệm kỳ 2004-2005, Ru-ma-ni ủng hộ Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2009), Ru-ma-ni khẳng định sẽ ủng hộ việc EU công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị truờng.

6. Về các vấn đề khác: Cộng đồng Việt Nam ở Ru-ma-ni có gần 500 người, làm ăn năng động, có tinh thần đoàn kết và luôn hướng về Tổ quốc.

Dựa trên quan hệ hữu nghị truyền thống và những tiềm năng, thế mạnh vốn có giữa hai nước, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một sự hợp tác phát triển bền vững giữa Việt Nam - Ru-ma-ni./.