Về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em
TCCS - Trong những năm qua, trẻ em của chúng ta đã được cải thiện đáng kể về thể chất và trí tuệ, được tiếp tục tạo điều kiện tốt hơn để hưởng các quyền cơ bản của mình. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước và đóng góp vào sự thành công của công cuộc đổi mới.
Trẻ em có vai trò đặc biệt quan trọng đối với gia đình và xã hội. Người Việt Nam vốn có truyền thống yêu thương gắn bó với con cháu, con cháu không chỉ là nguồn hạnh phúc mà còn là niềm mong ước, là nơi gửi gắm những ước mơ, niềm tin và sự hãnh diện. Vì vậy, ngay từ thời xa xưa, các nhà nước phong kiến đã đề ra những quy định bằng pháp luật để bảo vệ trẻ em; nhân dân cũng tự hình thành các quan hệ đạo đức nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em. Nhiều chủ trương, chính sách ra đời hướng tới mục tiêu vì lợi ích tốt nhất cho sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và đạo đức của trẻ em. Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách tầm chiến lược, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và đã đào tạo được những lớp người giàu lòng yêu nước, có sức khỏe, có văn hóa, hết lòng, hết sức phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn đất nước đổi mới, cùng với nhiều chính sách kinh tế, xã hội được ban hành, Nhà nước ta đã phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em (ngày 20-2-1990), là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này. Điều đó đã làm thay đổi khá nhanh nhận thức và hành động đối với trẻ em và thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam. Chúng ta đã ban hành luật, chính sách, văn bản hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chương trình hành động, chương trình mục tiêu, các dự án, xây dựng tổ chức bộ máy, bố trí và đào tạo cán bộ quản lý, xây dựng và phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhờ đó công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có những chuyển biến tích cực.
Một là, hệ thống giáo dục quốc dân khá hoàn chỉnh được phát triển, bao gồm đủ các cấp học, bậc học dưới nhiều hình thức theo hướng xã hội hóa như công lập, dân lập và tư thục; cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục được tăng cường. Việc xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện được đẩy mạnh. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học ở bậc tiểu học, trung học cơ sở đều tăng. Phổ cập trung học cơ sở đang được triển khai đến hơn một nửa số tỉnh, thành phố trên cả nước. Tỷ lệ trẻ em đi học có xu hướng tăng ở các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở. Điều này cho thấy quyền đi học của trẻ em ngày càng được bảo đảm.
Xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để huy động mọi nguồn lực có thể cho trẻ em, trên cơ sở Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo. Từng bước chuyên nghiệp hóa mạng lưới, tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Năm học 2007 - 2008, tỷ lệ trẻ em đến nhà trẻ tăng bình quân 3,8%/năm, mẫu giáo tăng 2,4%/năm; trẻ từ 3tuổi đến 5 tuổi đi học đạt 66,6% số trẻ trong độ tuổi; học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 96,06%; học sinh trung học cơ sở đi học đúng độ tuổi đạt 82,69%; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần. Đến tháng 9-2008, có 42/63 tỉnh, thành phố (chiếm 66,7%) đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và được công nhận phổ cập trung học cơ sở. Tính đến tháng 6-2008, toàn quốc có 6.217 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó mầm non chiếm khoảng 13%, tiểu học là 30%, trung học cơ sở là 8% và trung học phổ thông là 5%.
Hai là, công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày càng được cải thiện. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp. Hầu hết các xã, phường đều có trạm y tế. Trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Các chỉ số về tỷ lệ suy dinh dưỡng, trẻ em tử vong, bà mẹ tử vong đều giảm. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em bị tai nạn thương tích ngày càng được quan tâm. Công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được triển khai thực hiện có hiệu quả. Tính đến cuối năm 2008, khoảng 10 triệu trẻ em đã được cấp phát thẻ khám chữa bệnh, đạt trên 99% tổng số trẻ em dưới 6 tuổi trên toàn quốc; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ còn 22,7%. Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản có liên quan về phòng, chống tai nạn giao thông, trong đó có phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng cho trẻ em. Các mô hình "ngôi nhà an toàn", "cộng đồng an toàn", "trường học an toàn", phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đang được triển khai và nhân rộng trên toàn quốc. Hàng trăm xã triển khai mô hình "ngôi nhà an toàn"; gần một trăm trường học thí điểm mô hình "trường học an toàn".
Ba là, nhận thức của trẻ em và người chưa thành niên đã từng bước được nâng cao. Các em được cung cấp các kiến thức, kỹ năng để tự chăm sóc và bảo vệ mình; cơ hội và hoạt động tăng cường sự tham gia của trẻ em đang dần được mở rộng. Các em ngày càng có điều kiện bày tỏ ý kiến và tham gia các hoạt động có liên quan đến mình dưới nhiều hình thức và ở các cấp độ như: ở trường học, ở địa phương, ở cấp quốc gia và quốc tế. Tính đến cuối năm 2008, cả nước có trên 220 nhà văn hóa thiếu nhi, nhà thiếu nhi; 3.673/8.895 xã có nhà văn hóa; 37.124/73.793 thôn có nhà văn hóa; 7.854 xã và 34.303 thôn có sân thể thao; 148 điểm vui chơi dành cho trẻ em cấp tỉnh và tương đương; 773 điểm vui chơi cấp huyện và tương đương; 8.654 điểm vui chơi cấp xã, phường.
Đến nay, đã có gần 20 tờ báo dành cho trẻ em như: Hoa học trò, Mực tím, Thiếu niên Tiền phong, Nhi đồng và có trên 10 tờ báo, tạp chí với những chuyên trang phục vụ trẻ em như: Gia đình và Xã hội, Gia đình và Trẻ em, Kế hoạch hóa gia đình, Thanh niên, Tiền phong, Tạp chí Thanh niên, Tạp chí Người phụ trách, Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa, v.v.. Trung bình hằng năm có 15% số xuất bản phẩm phục vụ trẻ em. Hệ thống thư viện, trong đó có phòng đọc, sách báo dành riêng cho trẻ em được hình thành và phát triển nhằm thu hút đông đảo trẻ em. Đến nay, 100% số thư viện cấp tỉnh và 30% số thư viện cấp huyện, xã và nhiều khu dân cư đã có các đầu sách, túi sách lưu động dành cho trẻ em.
Sự tham gia hoạt động của trẻ em cũng được quan tâm và đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2008, có 18 triệu trẻ em tham gia Đội Thiếu niên Tiền phong, Sao Nhi đồng, 17.000 câu lạc bộ quyền trẻ em, 44 câu lạc bộ Phóng viên nhỏ với 2.500 thành viên chính thức đang hoạt động ở 22/63 tỉnh, thành phố và hàng chục ngàn trẻ em tham gia, đối thoại, diễn đàn ở cấp tỉnh, thành phố, cấp quốc gia và quốc tế về nhiều chủ đề và lĩnh vực trẻ em quan tâm.
Bốn là, trong những năm qua, gia đình, cộng đồng và Nhà nước luôn luôn quan tâm, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em phát triển đầy đủ thể chất và tinh thần. Nhiều em đã được hưởng các chính sách, chế độ và nhận nuôi dưỡng. Tính đến cuối năm 2008, có 75% số trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc, dưới nhiều hình thức.
Trẻ khuyết tật được chăm sóc dưới các hình thức khác nhau tại các mô hình dựa vào gia đình và cộng đồng, các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước. Nhiều chương trình được triển khai hiệu quả, nhằm trợ giúp trẻ em khuyết tật như phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim bẩm sinh, hỗ trợ trẻ em nạn nhân của chất độc hóa học. 69.750 em đã được chăm sóc, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình.
Thực hiện Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010, ngành dân số, gia đình và trẻ em trước đây và nay là ngành lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và cộng đồng trong việc bảo đảm để trẻ em và gia đình các em đi lang thang hoặc có nguy cơ đi lang thang được học văn hóa, học nghề, tìm việc làm, giúp các em hồi gia và hòa nhập cộng đồng, gia đình các em được vay vốn dưới dạng ưu đãi. Có 6.429 trẻ em lang thang hồi gia được hỗ trợ giải quyết khó khăn; 4.673 trẻ em lang thang trở về gia đình được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; 5.967 trẻ em lang thang được hỗ trợ đi học. Theo báo cáo của các địa phương năm 2008, cả nước có 26.027 trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, 17.927 trẻ em lang thang và 3.436 em làm việc xa gia đình được chăm sóc.
Bên cạnh những thành tựu trên, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức, đặc biệt là đối với trẻ em trong các gia đình nghèo, vùng nghèo.
Thứ nhất, về chăm sóc sức khỏe.
Tình trạng trẻ em dưới 5 tuổi tại các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc bị suy dinh dưỡng vẫn còn cao, trung bình gần 30%. Số trẻ nhiễm HIV/AIDS, tính đến tháng 12-2007, trẻ dưới 13 tuổi chiếm 1,7% (khoảng 2.700 em); trẻ từ 13 - 19 tuổi chiếm 4,5% (khoảng 7.000 em); khoảng 22.000 trẻ mồ côi do bố, mẹ chết bởi HIV/AIDS. Tai nạn thương tích trẻ em xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tai nạn giao thông (27%), chết đuối (23%) và ngộ độc. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tại tuyến cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu. Một số loại bệnh tật của trẻ em ở lứa tuổi học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, rối nhiễu tâm trí... chưa được kiểm soát. Công tác y tế học đường mặc dù có chỉ đạo nhưng chưa thực hiện được nhiều. Phần lớn các trường học còn thiếu các công trình cấp nước sạch và công trình vệ sinh hoặc có nhưng không đáp ứng được nhu cầu của trẻ em.
Thứ hai, về chất lượng giáo dục.
Tỷ lệ lưu ban đã có xu hướng giảm ở cả hai bậc tiểu học và trung học cơ sở, nhưng tỷ lệ bỏ học vẫn chưa có xu hướng giảm rõ rệt. Năm học 2007 - 2008 số trẻ em bỏ học khoảng 137.000 em. Nguyên nhân bỏ học là do lực học kém, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, điều kiện trường lớp ở xa nơi cư trú. Vẫn còn khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ nhập học và hoàn thành bậc học của một số nhóm đối tượng (như trẻ em tàn tật, trẻ em vùng dân tộc thiểu số...) còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung. Trẻ em là người dân tộc thiểu số vẫn còn gặp rào cản ngôn ngữ khi mới bắt đầu tới trường ở bậc tiểu học; tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến lớp không đồng đều giữa các vùng, miền và còn thấp.
Thứ ba, về công tác bảo vệ trẻ em.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự điều hành của các cấp chính quyền trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thông qua việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; văn bản chỉ đạo, điều hành; xây dựng kế hoạch, chương trình; bố trí nguồn lực, nhân lực v.v..
Một số nhóm đối tượng trẻ em đặc biệt chưa được đưa vào Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, như trẻ em bị lạm dụng, bạo lực, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị ảnh hưởng từ các vụ ly hôn, con nuôi, trẻ em di cư, bị buôn bán, trẻ em sống trong các hộ nghèo... Thiếu các số liệu đáng tin cậy liên quan đến trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt. Thiếu các quy trình tư pháp thân thiện với trẻ em. Vấn đề truyền thông giáo dục, việc phổ biến kỹ năng bảo vệ và chăm sóc trẻ em còn thiếu chiều sâu, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trẻ em chưa có nhiều kỹ năng để tự bảo vệ mình, đặc biệt các khuyến cáo của Nhà nước chậm đến từng gia đình, trẻ em. Kỹ năng làm việc với trẻ em của đội ngũ cán bộ làm việc liên quan tới trẻ em, đặc biệt trẻ em vi phạm pháp luật còn hạn chế.
Thứ tư, về điều kiện vui chơi, giải trí.
Trẻ em ở vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa được tiếp cận nhiều với các hoạt động vui chơi, giải trí. Thiết chế văn hóa, thông tin tại cơ sở còn thiếu các điểm vui chơi cho trẻ em, các điều kiện về an toàn chưa được bảo đảm. Việc quản lý các xuất bản phẩm chưa thật hiệu quả, nên trẻ em dễ bị lạm dụng; quản lý thiếu chặt chẽ việc sử dụng In-tơ-nét và những trò chơi điện tử, trang điện tử không lành mạnh cũng ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trẻ em. Sự tham gia của trẻ em trên các diễn đàn chưa được tổ chức rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, các câu lạc bộ của trẻ em (chủ yếu tại trường học, các câu lạc bộ tại cộng đồng) rất ít và chưa phổ biến.
Trước tình hình mới, định hướng bảo vệ chăm sóc trẻ em đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015 là: Phấn đấu thực hiện đạt cơ bản các mục tiêu liên quan đến trẻ em, đặc biệt là trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, tạo cơ hội để thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em; giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, lang thang, lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc dưới các hình thức khác nhau và thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Tạo sự chuyển biến cơ bản về cung cấp dịch vụ có chất lượng và công bằng cho mọi trẻ em. Từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với trẻ em bình thường tại nơi cư trú; trẻ em dân tộc thiểu số với các nhóm trẻ em khác; trẻ em gái với trẻ em trai. Theo đó, chúng ta tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Các bộ, ngành giám sát và thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2006 - 2010. Triển khai Chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS cho trẻ em, khi Chương trình này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ngay sau khi văn bản được ban hành. Tiếp tục duy trì việc cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi; giám sát việc khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Phát triển mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng và các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hiệu quả, trên cơ sở có thử nghiệm, đánh giá, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Phát triển các mô hình tư vấn cho trẻ em và từng bước hình thành các trung tâm công tác xã hội với trẻ em.
- Đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, trên cơ sở hình thành chiến lược truyền thông với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức quốc tế và trẻ em để tạo dư luận xã hội quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và đặc biệt là lên án các hành vi xâm hại, ngược đãi và bạo lực đối với trẻ em. Chủ động huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực có thể được cho nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. (Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ninh hằng năm dành 1% ngân sách của tỉnh cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em).
- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ trung ương đến xã, phường, trên cơ sở kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ, xây dựng mạng lưới cộng tác viên và hoàn thiện chương trình tập huấn/đào tạo theo các modul, đào tạo theo chứng chỉ và tiến tới cấp chứng chỉ nghề.
- Rà soát, bổ sung thực trạng hệ thống pháp luật, chính sách, nhất là kiểm điểm việc thực hiện luật pháp, chính sách có liên quan đến trẻ em và việc thực hiện các chương trình, đề án đến năm 2010 có liên quan đến trẻ em. Nghiên cứu hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng chính sách đối với cán bộ công tác xã hội với trẻ em. Nghiên cứu, xây dựng chương trình, mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2010 - 2015 và chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020.
- Chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và có thêm nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng hiệu quả và đẩy nhanh tốc độ hội nhập quốc tế về vấn đề này, với quan điểm cởi mở, phong phú và mang tính chiến lược./.
Hướng tới “Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu” 14-6  (09/06/2009)
Tăng cường phát triển y tế tuyến cơ sở  (09/06/2009)
Đối thoại Chiến lược Việt-Mỹ lần thứ 2 đạt nhiều kết quả tốt đẹp  (09/06/2009)
Rối ren trên chính trường Anh  (09/06/2009)
Kinh nghiệm tổ chức và quản lý hợp tác xã nông nghiệp  (09/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay