Rối ren trên chính trường Anh

12:35, ngày 09-06-2009

Thủ tướng Anh Go-đơn Brao (Gordon Brown) vừa tuyên bố không từ chức và công bố danh sách chính phủ mới. Ðây là lần cải tổ chính phủ thứ hai trong vòng tám tháng và là động thái có tính quyết định nhằm cứu vãn chính phủ đương nhiệm trước nguy cơ sụp đổ, trong bối cảnh ông Brao chịu sức ép lớn tổ chức bầu cử trước thời hạn mà Công đảng cầm quyền có ít cơ hội giành thắng lợi.

 
Thủ tướng G.Brao đã bổ nhiệm và thay đổi vị trí những người đứng đầu 10 bộ, trong đó có năm thành viên Chính phủ đã từ chức liên tiếp những ngày qua. Ðáng chú ý là Bộ trưởng Y tế A.Giôn-xơn (A.Johnson), nhân vật được dự đoán sẽ trở thành lãnh đạo Công đảng nếu ông Brao từ chức, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ. Các vị trí không thay đổi như dư luận lo ngại, gồm Bộ trưởng Tài chính A-li-xta Đa-ling (Alistair Darling), Bộ trưởng Thương mại L.Man-đen-xơn (L.Mandelson), Bộ trưởng Ngoại giao Đa-vít Mi-li-ban (David Miliband)... Thủ tướng Brao khẳng định không từ bỏ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước và tiếp tục cùng với chính phủ nỗ lực cứu vãn nền kinh tế và hệ thống chính trị.

Sức ép đòi từ chức và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn đè nặng lên Thủ tướng Brao kể từ khi báo chí phanh phui hàng loạt vụ bê bối lạm dụng công quỹ liên quan các nghị sĩ Hạ viện Anh, trong đó phần đông thuộc Công đảng cầm quyền của ông Brao. Từ đầu tháng 5 vừa qua, không khí nghị trường quốc đảo sương mù trở nên ngột ngạt, nhất là sau khi 14 nghị sĩ đệ đơn kiện đòi Hạ viện công khai các khoản chi tiêu trong Quốc hội. Danh sách các khoản chi tiêu này lẽ ra được công bố vào tháng 7 tới, tuy nhiên đã bị tiết lộ cho báo chí. Ngay sau đó, một số tờ báo lớn đã đồng loạt đăng tải các thông tin chi tiết về việc chi tiêu bừa bãi, lạm dụng công quỹ, các khoản phụ cấp... của các nghị sĩ. Danh sách các nghị sĩ liên quan bê bối tài chính được báo chí "điểm tên" mỗi ngày dài thêm, đến nay đã hơn 200 người trong tổng số 646 nghị sĩ. Trong đó, nhiều nhất là Công đảng (104 nghị sĩ); đảng Bảo thủ đối lập (68); đảng Dân chủ Tự do (17)... Thủ tướng Brao và 13 thành viên chính phủ của ông cũng nằm trong danh sách này, trong đó có cả Bộ trưởng Tài chính A.Đa-ling, Bộ trưởng Tư pháp G.Xtro vốn là những nhân vật được đánh giá là có uy tín cao.

Những thông tin về việc các vị dân biểu lợi dụng đặc quyền để chi tiêu vung tay đã tạo ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ và bất bình trong công chúng Anh, khiến chính trường nước này chao đảo. Chủ tịch Hạ viện M.Mac-tin (M.Martin) tuyên bố từ chức, từ ngày 21-6 tới. Lãnh đạo các đảng công khai xin lỗi dân chúng vì những vi phạm của các thành viên. Ít nhất 11 nghị sĩ đã thừa nhận sai phạm và từ chức. Hơn 30 nghị sĩ xin lỗi người dân và hoàn trả số tiền đã chi tiêu sai pháp luật... Chính phủ của Thủ tướng Brao đã tan vỡ, sau khi liên tiếp các Bộ trưởng từ chức vì cáo buộc liên quan bê bối lạm dụng công quỹ, hoặc bày tỏ bất bình với vụ việc này. Tới trước ngày ông Brao công bố danh sách chính phủ mới, đã có bảy thành viên chính phủ từ chức, như các bộ trưởng: Nội vụ, Quốc phòng, Lao động, Giao thông... Bản thân Thủ tướng Brao cũng chịu sức ép lớn đòi từ chức. Ðiều đáng nói là sức ép đó từ ngay nội bộ Công đảng, mà giới quan sát cảnh báo đang có một cuộc "nổi dậy" trong đảng này. Khoảng 75 nghị sĩ Công đảng, tương đương một phần năm số nghị sĩ của đảng này, cho biết sẵn sàng ký vào kiến nghị chung đòi ông Brao ra đi.

Trong khi đó, các cuộc thăm dò ý kiến cử tri liên tiếp cho thấy uy tín của Công đảng giảm sút nghiêm trọng. Tờ Ðiện tín Chủ nhật công bố kết quả khảo sát cho biết, chỉ có 22% số người được hỏi ủng hộ Công đảng, trong khi tỷ lệ này dành cho đảng Bảo thủ là 40% và đảng Dân chủ Tự do là 25%. Ðây là lần đầu trong 22 năm qua, Công đảng cầm quyền xếp sau hai đảng này. Cuộc khảo sát do Trường đại học Plymouth tiến hành cũng cho thấy, khoảng 170 nghị sĩ Công đảng sẽ không thể giữ được ghế của mình tại Hạ viện trong cuộc bầu cử sắp tới. Ðáng lo ngại hơn là kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử địa phương năm 2009 tại 34 đơn vị bầu cử thuộc khu vực England, diễn ra ngày 4-6 vừa qua, cho thấy Công đảng đã thất bại hoàn toàn. Công đảng mất 272 ghế, đảng Bảo thủ giành thêm 230 ghế. Trong khi đảng Bảo thủ chiếm đa số và nắm quyền kiểm soát tại 29 đơn vị bầu cử, thì Công đảng mất quyền kiểm soát tại cả bốn đơn vị bầu cử còn lại được coi là thành trì của đảng tại England. Thủ tướng Brao thừa nhận đây là thất bại cay đắng của Công đảng và nhận trách nhiệm trước các đảng viên về sự đi xuống này.

Chính trường Anh rối ren trong khi cơn bão tài chính còn chưa ra khỏi nước này. Trước thềm cuộc tổng tuyển cử (đúng hạn vào tháng 6-2010), cử tri Anh ngày càng bất bình với giới chính trị gia sau vụ bê bối chi tiêu tại Hạ viện. Kết quả các cuộc khảo sát do báo chí tiến hành những ngày qua ước tính, sẽ có ít nhất một nửa trong tổng số 646 hạ nghị sĩ nước này mất ghế sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Tờ Thời báo (Anh) cho biết, sự ra đi của khoảng 325 nghị sĩ này là do buộc phải từ chức, xin về hưu, không thể tiếp tục đương đầu chỉ trích của dư luận; hoặc không giành được phiếu ủng hộ của cử tri. Nếu đúng dự đoán, với một nửa gương mặt mới tại Hạ viện, đây sẽ là lần thanh lọc lớn nhất trong lịch sử QH Anh kể từ năm 1945./.