TCCSĐT - Đội ngũ cán bộ lý luận là một bộ phận rất quan trọng trong toàn bộ đội ngũ cán bộ của Đảng. Trong suốt quá trình cách mạng ở nước ta, đội ngũ cán bộ lý luận đã có những đóng góp quan trọng trong công tác tư tưởng lý luận, công tác đào tạo cán bộ của Đảng, góp phần rất lớn trong việc tiếp thu, truyền bá những quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
 
Có thể nói, quá trình hình thành đường lối cách mạng, đặc biệt là đường lối đổi mới của Đảng và những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của công cuộc đổi mới đất nước hơn 20 năm qua không tách rời những tìm tòi sáng tạo và những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ lý luận

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, trước sự biến đổi nhanh chóng của thực tiễn, đặc biệt là trong điều kiện nước ta đang chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường theo định hư­ớng xã hội chủ nghĩa, đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều vấn đề mới về lý luận và thực tiễn đặt ra nhưng chưa được giải đáp thấu đáo. Đội ngũ cán bộ lý luận ở nư­ớc ta đang bộc lộ những bất cập và thiếu hụt; công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị đang còn nhiều yếu kém, khuyết điểm. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X nhấn mạnh: “Công tác lý luận còn lạc hậu trên một số mặt, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đang vận động nhanh chóng, phong phú, phức tạp; chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đất nước đặt ra; chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học lý luận chưa cao; lý luận chưa làm tốt chức năng định hướng cho hoạt động thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước” (Nghị quyết Trung ương năm, khóa X, tr 36-37). Trong công tác đào tạo cán bộ, tình trạng lý thuyết xuông, giáo điều, xa rời thực tiễn, thiếu sức thuyết phục, v.v. còn nặng nề; Nghị quyết Trung ương năm cũng chỉ ra: “chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị trong các nhà trường chậm đổi mới, chưa theo kịp trình độ phát triển và yêu cầu của xã hội” (Nghị quyết Trung ương năm, khóa X, tr 37).

Tất cả những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do công tác nghiên cứu lý luận chưa gắn chặt với thực tiễn đất nước và do chất lượng đội ngũ cán bộ lý luận chưa cao. Vì thế, nhiều bài giảng, công trình nghiên cứu mang nặng tính lý luận xuông, giáo điều, kinh viện và sách vở, thiếu sức thuyết phục; nhiều vấn đề thực tiễn bức xúc đặt ra nhưng lúng túng, chưa giải đáp được...

Tăng cường luân chuyển, đưa cán bộ lý luận đi nghiên cứu thực tế tại các địa phương, bộ, ngành là vấn đề cấp thiết, là một trong những giải pháp chủ yếu, khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lý luận và công tác lý luận của Đảng. Đó đang là đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, của công cuộc đổi mới đất nước và cũng là nhu cầu bức xúc của các cơ quan nghiên cứu lý luận hiện nay.

Để tăng cường luân chuyển, đưa cán bộ lý luận đi nghiên cứu thực tế có hiệu quả, cần tập trung một số giải pháp sau đây:

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch luân chuyển cán bộ lý luận

Mỗi cơ quan, đơn vị cần tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện số lượng cán bộ cần luân chuyển; nhu cầu luân chuyển; thực trạng chất lượng của cả đội ngũ và từng cá nhân cán bộ làm công tác lý luận chính trị.v.v.. Trên cơ sở chất lượng cán bộ, số lượng cán bộ cần luân chuyển và nhu cầu luân chuyển của từng cơ quan, đơn vị, khả năng tiếp nhận cán bộ luân chuyển đến của các cơ quan, địa phương; điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho công tác luân chuyển.v.v.. tiến hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển chung của cả nước, của từng địa phương, bộ, ngành, đưa công tác luân chuyển thành chế độ nề nếp, thường xuyên.

Hằng năm, căn cứ nhu cầu, quy hoạch cán bộ, các cơ quan, đơn vị có cán bộ luân chuyển tiến hành lựa chọn đối tượng, xác định ai đi trước, ai đi sau, đi vào thời gian nào và địa điểm nào. Đối với mỗi người thì cần xác định cụ thể nội dung nghiên cứu cái gì, trên cơ sở đó phối hợp với các địa phương, bộ, ngành để tiến hành đưa cán bộ đi luân chuyển.

Việc xác định địa bàn luân chuyển, cơ quan, đơn vị mà cán bộ đến nghiên cứu cũng rất quan trọng. Tùy từng chuyên ngành mà cán bộ đang đảm nhiệm để xác định cơ quan, đơn vị cần đến nghiên cứu cho phù hợp và hiệu quả, gắn chuyên môn, chuyên ngành của cán bộ với lĩnh vực công tác của các cơ quan, đơn vị.

Việc luân chuyển cán bộ là cần thiết, cấp bách, nhưng không tiến hành một cách ồ ạt, chiếu lệ, hình thức mà phải có kế hoạch cụ thể, gắn với quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ làm công lý luận chính trị của từng cơ quan và của cả nước. Đây là những công việc góp phần quyết định rất lớn đến hiệu quả của luân chuyển cán bộ làm công tác lý luận chính trị.

2. Nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc luân chuyển cán bộ lý luận chính trị

Trong các cơ quan, đơn vị có cán bộ luân chuyển đi và đến, cần quán triệt rộng rãi vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác luân chuyển cán bộ lý luận chính trị. Từng tổ chức đảng cần đư­a nội dung luân chuyển cán bộ vào nghị quyết của chi bộ, đảng bộ. Xác định rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân và tập thể đối với công tác luân chuyển cán bộ.

Cấp uỷ, lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp uỷ, lãnh đạo các cơ sở đào tạo, các cơ quan nghiên cứu lý luận cần tổ chức quán triệt rộng rãi đến tận chi bộ và từng cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị về chủ trương luân chuyển đối với cán bộ lý luận, tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, phải trở thành công việc thường xuyên, nề nếp của mọi cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị và của mọi cán bộ làm công tác lý luận chính trị.

Các tổ chức như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ v.v.. cần có sự động viên tư tưởng kịp thời; tạo điều kiện sinh hoạt và các chế độ chính sách đối với cán bộ trong diện luân chuyển.
 
Đối với bản thân cán bộ, nhất là cán bộ khoa học trẻ cần nhận thức sâu sắc rằng, việc luân chuyển, đi nghiên cứu thực tế dài hạn, thâm nhập thực tiễn là một điều kiện, cơ hội để rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, là một dịp để kiểm nghiệm lại những kiến thức khoa học, những thành quả đã được học tập, nghiên cứu; là một trong những điều kiện, biện pháp, con đường để phát triển bền vững nghề nghiệp của mình.

Đi luân chuyển cần được xác định vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của người cán bộ làm công tác lý luận chính trị, là một khâu trong quá trình tự đào tạo của bản thân.

3. Tăng cường phối hợp chặt chẽ và cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cấp uỷ, lãnh đạo của các địa phương, bộ, ngành trong công tác luân chuyển cán bộ lý luận

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lý luận chính trị là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, của cấp uỷ, chính quyền các cấp, là đòi hỏi của công tác đào tạo cán bộ và công tác lý luận hiện nay.
 
Qua khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, nhu cầu luân chuyển cán bộ làm công tác lý luận chính trị, nhất là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị là rất lớn, là vấn đề bức xúc đối với các cơ sở đào tạo cán bộ hiện nay. Tuy nhiên, đến nay, nhiều địa phương vẫn bế tắc, gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện việc luân chuyển cán bộ lý luận. Một số cơ sở đào tạo cán bộ, một số địa phương đã chủ động luân chuyển, đưa cán bộ lý luận đi thực tế dài hạn, song hiệu quả ch­ưa cao, chưa có một kế hoạch bài bản và còn lẻ tẻ, mang tính tự phát. Số cán bộ đi luân chuyển, nghiên cứu thực tế chủ yếu là nghe báo cáo, tự tìm hiểu, quan sát để nắm thông tin, chưa thực sự tham gia giải quyết công việc cùng cơ sở, vẫn đứng ngoài cuộc, hoặc chưa “thật thà nhúng tay vào việc ”.

Các địa phương, bộ, ngành không có nhà công vụ, không có chỉ tiêu biên chế hoặc không có chức danh nào dành cho cán bộ luân chuyển đến, do đó, khó có thể bố trí, giao công việc cụ thể cho cán bộ. Thậm chí, một số cơ quan, đơn vị ngại tiếp nhận cán bộ luân chuyển đến vì sợ phiền phức, gây xáo trộn bộ máy, ảnh hưởng đến công việc nội bộ…

Cơ quan, đơn vị có nhu cầu luân chuyển cán bộ thường phải chủ động tìm kiếm địa bàn, thương lượng với cơ quan, đơn vị nơi đến để nhờ giúp đỡ, tiếp nhận cán bộ do Trung ương chưa có một cơ chế, quy định thống nhất, chưa trở thành chủ trương chung từ Trung ương đến cơ sở nên các cơ quan liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng trách nhiệm.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, cần có chỉ thị hoặc một nghị quyết về tăng cường công tác luân chuyển cán bộ làm công tác lý luận chính trị về các địa phương, bộ, ngành và coi đây là một chủ trương lớn của Đảng trong công tác cán bộ, là một khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lý luận và công tác lý luận của Đảng. Đây là văn bản quan trọng, là cơ sở, căn cứ pháp lý để các cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị thực hiện.

Để cán bộ trong diện luân chuyển, đi thực tế dài hạn thực sự nắm được thông tin, am hiểu tình hình thực tiễn, nắm chắc công việc của địa phương, cần bố trí họ đảm nhiệm một công việc, một chức danh cụ thể trong bộ máy phù hợp với nội dung, chủ đề nghiên cứu. Trung ương cần có quy định dành cho các địa phương, bộ, ngành một số chức danh trong bộ máy và biên chế phục vụ công tác luân chuyển cán bộ lý luận. Những chức danh này không làm ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương và quyền lợi của cán bộ nơi có cán bộ luân chuyển đến; không ảnh hưởng đến biên chế của cơ quan.

Chức danh này có thể không cần thông qua quy trình như­ các chức danh khác. Tùy từng vị trí mà ngư­ời đó đang đảm nhiệm hoặc do yêu cầu quy hoạch của cơ quan cử cán bộ đi luân chuyển… mà bố trí làm cấp phó của cơ quan, đơn vị hoặc làm chuyên viên của một phòng, ban trong cơ quan nơi đến cho phù hợp. Đối với các chức danh này, cán bộ được phép tham gia quản lý, điều hành công việc và tham gia giải quyết công việc ở một mức độ nhất định.

Về nguyên tắc, mọi cán bộ lý luận đi luân chuyển đều được giao công việc, gắn với chức danh cụ thể, phù hợp với nội dung chuyên môn, chủ đề nghiên cứu và khả năng của cán bộ. Giao công việc, gắn liền với chức một chức danh cụ thể nhằm mục đích để cán bộ luân chuyển đư­ợc tiếp cận sâu với công việc, hiểu đư­ợc công việc của ngư­ời cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ở cơ sở. Trực tiếp tham gia giải quyết các công việc, tình huống trong thực tiễn sẽ giúp cán bộ hiểu đ­ợc đầy đủ hơn đời sống của nhân dân, các quy luật của cuộc sống, qua đó nâng cao bản lĩnh và đúc rút, khái quát, bổ sung cho công tác lý luận.

Trên cơ sở thống nhất chủ trư­ơng chung của Đảng từ Trung ­ương đến cơ sở, các cơ quan chức năng như­ Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Sở Nội vụ và lãnh đạo các địa ph­ương, bộ, ngành có trách nhiệm tham gia, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, lãnh đạo của các cơ sở đào tạo cán bộ, cơ quan nghiên cứu lý luận tiếp nhận, bố trí công việc, nơi ăn nghỉ cho cán bộ, tham gia quản lý cán bộ trong thời gian luân chuyển tại địa phư­ơng, bộ, ngành.

4. Xây dựng cơ chế, chính sách và quy định phù hợp

Cần xây dựng cơ chế, chính sách và quy định phù hợp, nhằm bảo đảm tính nghiêm túc, hiệu quả của việc luân chuyển cán bộ lý luận, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. Xin đề xuất một số kiến nghị sau:

Một là, việc luân chuyển cán bộ lý luận về các địa phư­ơng, bộ ngành phải được coi là một nội dung trong quy trình đào tạo cán bộ, phải gắn với công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, gắn với việc nâng l­ương, nâng ngạch công chức, viên chức và công tác thi đua khen th­ưởng.

Các cấp uỷ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc các cơ quan nghiên cứu lý luận cần có quy chế, quy định bắt buộc đối với cán bộ làm công tác lý luận, đặc biệt là cán bộ khoa học trẻ trong độ tuổi, có triển vọng phát triển, đi luân chuyển tại địa ph­ương, bộ, ngành một thời gian nhất định. Thời gian luân chuyển của cán bộ lý luận có thể từ một đến ba năm tuỳ theo điều kiện, nhu cầu đào tạo, nội dung nghiên cứu và căn cứ vào quy hoạch cán bộ.
 
Đối với cán bộ trẻ, thời gian đi luân chuyển có thể dài hơn, tuy nhiên, cũng không nên quá dài, bởi có thể làm mai một kiến thức mà cán bộ đã tích lũy đư­ợc và ảnh hư­ởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Qua kết quả thực tế, những cán bộ có nhiều đóng góp cho địa phương, có những phát hiện mới thì mạnh dạn bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý khoa học. Những cán bộ trong diện luân chuyển, đi nghiên cứu thực tế nh­ưng không thực hiện nghiêm túc, cố tình trốn tránh việc luân chuyển, đi nghiên cứu thực tế thì kiên quyết không bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý khoa học, không đư­ợc nâng l­ương, nâng ngạch, chuyển ngạch giảng viên, nghiên cứu viên và phải điều chuyển sang các ngạch công chức khác.

Hai là, để tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt khó khăn cho cán bộ đi luân chuyển, cần­ ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ đư­ợc luân chuyển; trợ cấp một phần kinh phí cho cán bộ trong thời gian luân chuyển, đi thực tế và các chế độ công tác phí, nghỉ phép v.v... Có chính sách hỗ trợ các địa phư­ơng, nhất là ở cấp huyện, xây dựng nhà công vụ phục vụ công tác luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện về nơi ăn ở, điều kiện làm việc cho cán bộ.

5. Quản lý chặt chẽ cán bộ trong diện luân chuyển

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan cử cán bộ và cơ quan tiếp nhận cán bộ đi luân chuyển trong việc quản lý cán bộ. Hàng quý, cán bộ đư­ợc cử đi luân chuyển, nghiên cứu thực tế phải có báo cáo với thủ tr­ởng, cơ quan tổ chức cán bộ về kết quả nghiên cứu, kế hoạch nghiên cứu. Cơ quan tổ chức cán bộ nơi có cán bộ đi phải th­ường xuyên thông tin, trao đổi với cơ quan tổ chức cán bộ nơi có cán bộ đến để nắm chắc tình hình cán bộ, thư­ờng xuyên báo cáo kịp thời với lãnh đạo về tình hình và kết quả nghiên cứu của cán bộ.
 
Sau đợt luân chuyển, đi nghiên cứu, cán bộ phải có báo cáo tổng kết về kết quả nội dung nghiên cứu, về quá trình rèn luyện tại địa ph­ương, bộ, ngành. Cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan nơi có cán bộ đến công tác nhận xét, đánh giá về ý thức kỷ luật, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác; tính trách nhiệm, năng lực chuyên môn đối với công việc được giao; tinh thần xây dựng và những đóng góp đối với địa ph­ương, cơ quan nơi đến công tác trong thời gian luân chuyển v.v..
 
Kết hợp quản lý hành chính với quản lý thông qua sinh hoạt của tổ chức Đảng, đoàn thể nơi đến công tác. Đối với cán bộ đi luân chuyển, nhất thiết phải chuyển sinh hoạt Đảng đến nơi công tác để theo dõi, kiểm tra, đánh giá tư­ cách đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng. Thông qua sinh hoạt đảng tại nơi đến công tác, cán bộ có điều kiện nắm sâu hơn tình hình tổ chức đảng, sinh hoạt đảng và công tác lãnh đạo của Đảng tại địa phương, bộ, ngành; có điều kiện đem kiến thức lý luận để đóng góp ý kiến xây dựng Đảng tại địa phư­ơng. Điều đó lại càng cần thiết, bổ ích đối với những tổ chức đảng yếu kém.
 
Thông qua sinh hoạt đảng tại nơi đến công tác, tổ chức đảng nắm chắc t­ư tư­ởng, trình độ, năng lực và tác phong công tác của cán bộ, góp ý kiến cho cán bộ, qua đó, cán bộ trư­ởng thành thêm về mọi mặt. Cùng với việc sinh hoạt ở các tổ chức đảng, tham gia sinh hoạt với các đoàn thể nhân dân, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện, hoàn thiện ng­ười cán bộ, góp phần giúp cán bộ luân chuyển hiểu sâu hơn đời sống của quần chúng nhân dân. Thông qua sinh hoạt với các tổ chức, đoàn thể, cán bộ thể hiện phong cách, tác phong công tác, thể hiện quan điểm thái độ đối với nhân dân. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể nhân dân, các hội viên của các đoàn thể có vai trò quan trọng trong việc động viên tinh thần, giúp đỡ cán bộ trong thời gian luân chuyển v­ợt qua khó khăn, nhất là đối với cán bộ khoa học trẻ. Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để cơ quan quản lý cán bộ nắm chắc thông tin về cán bộ trong thời gian uân chuyển

Sau thời gian luân chuyển, cán bộ phải đư­ợc theo dõi, nhận xét, đánh giá mức độ trư­ởng thành. Nếu cán bộ có nhiều thành tích đóng góp, có nhiều sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy thì cần đ­ợc khen thưởng kịp thời và đưa vào quy hoạch hoặc bổ nhiệm làm lãnh đạo các đơn vị khoa học.

Quản lý chặt chẽ cán bộ góp phần quan trọng để công tác luân chuyển cán bộ thực sự đạt hiệu quả./.