Diễn đàn Câu lạc bộ quốc tế “Valdai” lần thứ VII: “Nước Nga- lịch sử và tương lai”
TCCSĐT - Từ ngày 31-8 đến 7-9-2010, tại thành phố Xanh-Pê-tec-bua của Nga, Câu lạc bộ quốc tế “Valdai” tổ chức thành công Diễn đàn lần thứ VII với chủ đề trung tâm là “Nước Nga- lịch sử và tương lai”. Thủ tướng Nga V.Pu-tin đã tới dự và trao đổi với các chuyên gia về quá trình hiện đại hoá nước Nga.
Câu lạc bộ quốc tế "Valdai" do hãng thông tấn Nga RIA-Novosti cùng với Hội đồng về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Liên bang Nga, báo "The Moscow News", hai tạp chí "Nước Nga trong chính sách toàn cầu" và "Russia Profille", phối hợp thành lập năm 2004 nhằm tạo diễn đàn cho các chính khách và chuyên gia hàng đầu thế giới bàn thảo về tình hình nước Nga và quốc tế nhằm đưa ra những thông tin chính xác và tin cậy nhất về sự phát triển nước Nga và xã hội Nga.
Diễn đàn Câu lạc bộ Valdai lần này có nhiều nét đặc biệt. Một là, số đại biểu tham dự nhiều hơn tất cả các Diễn đàn trước đó. Hai là, thời gian diễn ra Diễn đàn dài nhất: hơn 3 ngày. Ba là, chủ đề của Diễn đàn được nhiều người quan tâm. Đó là, thảo luận về quá khứ và tương lai của nước Nga.
Theo nhận xét của ông Xec-gây Ka-ra-ga-nôp, Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nga, Câu lạc bộ Valdai là kênh trao đổi ý kiến và thông tin quan trọng nhất giữa giới tinh hoa trí tuệ của Nga và thế giới. Tham gia Diễn đàn Câu lạc bộ Valdai là các chuyên gia chuyên nghiên cứu nền chính trị, kinh tế và lịch sử Nga, từ 15 nước châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á
Những chủ đề chính của Diễn đàn
Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, nước Nga đang trăn trở với một câu hỏi lớn là sẽ lựa chọn con đường phát triển thế nào? Theo ý kiến của các chuyên gia, xu hướng phát triển tăng tốc nền kinh tế Nga dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên đã không còn thích hợp nữa, đã đến lúc cần phải hiện đại hoá nền kinh tế và xã hội Nga, nhưng bằng cách nào? Chìa khoá để tìm ra câu trả lời nằm ở truyền thống Nga. Do đó, cần phải hiểu được truyền thống Nga, kết hợp truyền thống đó trong điều kiện của sự phát triển thế giới đương đại.
Trong ba ngày tham dự Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận các chủ đề: các yếu tố tập trung quyền lực ở Nga; kinh nghiệm hiện đại hoá của Nga; vấn đề định hướng địa - chính trị của Nga trong thế giới đương đại và mối quan hệ của Nga với các nước láng giềng.
Tại buổi thảo luận về khung quan hệ giữa Nga với EU, Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nga trình bày bản báo cáo phân tích về Đề án cơ sở để xây dựng quan hệ hợp tác giữa Nga với EU. Đề án này dựa trên cơ sở “phi quân sự hoá” quan hệ giữa Nga với EU, trong đó NATO sẽ không mở rộng sang lãnh thổ U-crai-na và Gru-di-a, còn Nga sẽ hội nhập với EU, cho phép các công ty của Nga và EU tự do kinh doanh trên toàn bộ không gian châu Âu. Đa số các đại biểu tham dự cho rằng, đây là đề xuất rất đáng quan tâm.
Về mô hình hiện đại hoá nước Nga, các đại biểu cho rằng, hiện đại hoá nước Nga là một trong những vấn đề bức thiết nhất lúc này. Tuy nhiên, không có mô hình sẵn có cho việc hiện đại hoá nước Nga, càng không thể áp dụng mô hình các nước châu Âu. Ý tưởng “nhập khẩu” mô hình hiện đại hoá từ một nước nào đó vào Nga là không tưởng. Nước Nga cần tìm ra con đường hiện đại hoá xuất phát từ truyền thống lịch sử, từ tiềm năng mọi mặt, từ nền văn hoá Nga. Trong quá khứ, nước Nga đã từng là cường quốc hàng đầu thế giới cả về trình độ khoa học, công nghệ, công nghiệp hoá và quân sự.
Hiện đại hoá nước Nga theo cách nhìn của Thủ tướng V. Pu-tin
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Câu lạc bộ Valdai đã có cuộc gặp và phỏng vấn trực tiếp Thủ tướng Nga V.Pu-tin, cùng nhiều quan chức cao cấp trong Chính phủ Liên bang Nga như Phó Thủ tướng thứ nhất I-go Su-va-lôp và Bộ trưởng Ngoại giao Xec-gây Láp-rốp.
Trả lời câu hỏi của các chuyên gia, vì sao quá trình hiện đại hoá và đa dạng hoá nền kinh tế Nga diễn ra với tốc độ chậm, V.Pu-tin nhận đinh: vấn đề hiện đại hoá nền kinh tế của Nga đã và vẫn là nhiệm vụ ưu tiên theo hướng tạo ra cơ cấu hiện đại cho nền kinh tế dựa trên những thành tựu đổi mới. Trong Chiến lược phát triển nước Nga tới năm 2020 đã xác định những nội dung cơ bản và mục tiêu của hiện đại hoá. Nước Nga đang từng bước thực hiện chiến lược đó nhưng do cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế nên Chính phủ phải có một số điều chỉnh, tuy nhiên chiến lược không hề thay đổi.
Nga đã loại bỏ những hạn chế đối với việc nhập khẩu thiết bị công nghệ cho những ngành sản xuất được ưu tiên trong quá trình phát triển kinh tế. Nhiều cơ sở công nghiệp đã khai thác có hiệu quả cơ chế ưu tiên này. Thí dụ, các cơ sở của ngành công nghiệp hoá học đã nhập khẩu thiết bị công nghệ mới và nhờ đó đã giảm được nhiều lần chi phí sản xuất về nước và năng lượng điện. Từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh. Hoặc nhà máy luyện kim “Igievsk”, nơi cung cấp sản phẩm cho ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp ô-tô, chế tạo máy bay, công nghiệp dầu khí và khai thác mỏ của Nga. Sản phẩm của nhà máy được xuất khẩu sang các nước Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Á và các nước Ban-tích. Thời gian qua, thực hiện chiến lược hiện đại hoá, nhà máy đã đổi mới thiết bị công nghệ, nhập khẩu một số thiết bị hiện đại từ nhiều nước và đã cho ra sản phẩm thép hoàn toàn mới, với chất lượng cao nhất thế giới và có nhu cầu xuất khẩu sang nhiều nước. Tại đây, nhờ hiện đại hoá, đã hình thành dây chuyền sản xuất ô tô kiểu mới công suất 220.000 chiếc/ năm để dùng ở Nga và xuất khẩu.
Theo Thủ tướng V.Pu-tin, nhiệm vụ chủ yếu của việc hiện đại hoá nước Nga là tạo sự ổn định xã hội và không ngừng phát triển. Nhờ đạt được những thành tựu bước đầu, tâm trạng xã hội Nga ngày một ổn định hơn, thể hiện rõ ràng ở sự tăng dân số. Thời gian gần đây, Nga đã chấm dứt hiện tượng dân số sụt giảm hàng năm, sau 15 năm qua, dân số Nga bắt đầu tăng. Các gia đình Nga đã bắt đầu cảm thấy yên tâm và có cuộc sống ổn định.
Nga sẽ tiếp tục thu hút đầu tư của các nước vào nền kinh tế, bởi đó cũng là xu hướng phổ biến của tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Ngay cả trong điều kiện khủng hoảng tài chính-kinh tế, đầu tư nước ngoài vào Nga vẫn tăng. Tuy nhiên, cũng như ở tất cả các nước, ở Nga vẫn có những lĩnh vực kinh tế hạn chế đầu tư nước ngoài và ở đó nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát. Nga không cấm các công ty nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực đó, nhưng phải thông qua các cơ chế đặc biệt, các thủ tục đặc biệt được phê duyệt qua Uỷ ban nhà nước. Ở Mỹ và các nước châu Âu cũng áp dụng các cơ chế tương tự đối với các công trình có ý nghĩa chiến lược quốc gia.
Về năng lượng, việc tiêu thụ năng lượng của thế giới sẽ gia tăng không ngừng nhưng cơ cấu tiêu thụ sẽ gần như không thay đổi. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực tìm nguồn năng lượng thay thế như năng lượng gió, năng lượng mặt trời v.v. nhưng sự thay đổi cơ cấu năng lượng không đáng kể. Một trong những giải pháp thay thế trước mắt cho năng lượng dầu mỏ và khí đốt là năng lượng nguyên tử. Vì thế, nhà máy điện nguyên tử trong những năm tới sẽ được xây dựng nhiều hơn.
Về sự phát triển của Viễn Đông và Đông Xi-bê-ri, Thủ tướng V.Pu-tin khẳng định, đây là một trong những hướng ưu tiên của Nga. Ở những khu vực này, Nga sẽ không chỉ phát triển công nghệ khai thác tài nguyên thiên nhiên khổng lồ ẩn chứa trong lòng đất, mà còn phát triển cả những lĩnh vực công nghệ cao.
Ở Viễn Đông và Đông Xi-bê-ri, Nga đã có những cơ sở công nghiệp làm nền tảng để phát triển và hiện đại hoá nhiều ngành công nghệ mới. Tại đây, Nga đã từng có các xí nghiệp sản xuất máy bay với công nghệ một thời được coi là hiện đại nhất thế giới như nhà máy chế tạo dòng họ máy bay Su. Vừa qua, hợp tác với Pháp và I-ta-li-a, Nga đã hoàn thành dây chuyền công nghệ chế tạo máy bay chở khách hiện đại bậc nhất thế giới “Superjet-100” tại đây. Cũng ở Viễn Đông và Đông Xi-bê-ri, Nga đang có các dự án hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại tỉnh A-mua-xcơ, Nga đã chuẩn bị xong mọi điều kiện để xây dựng một sân bay vũ trụ mới. Dự kiến, đến năm 2014-2015, Nga sẽ phóng thử tên lửa vũ trụ đầu tiên, tới năm 2018 sẽ phóng tàu chở hàng vũ trụ, và, năm 2020 sẽ phóng tàu vũ trụ có người lái từ sân bay vũ trụ A-mua-xcơ./.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận phân bổ nguồn vốn ngân sách  (13/09/2010)
Đồng chí Lương Ngọc Bính là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình  (13/09/2010)
Sao trước kia không...  (13/09/2010)
Động lực mới của quan hệ hợp tác Việt Nam – Anh  (13/09/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên