Sáng mãi tư tưởng thi đua ái quốc của Bác Hồ
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước sang một giai đoạn mới. Tình hình quốc tế có những chuyển biến có lợi cho cuộc kháng chiến của ta. Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân giành nhiều thắng lợi trong xây dựng kinh tế, quốc phòng. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh. Nước Pháp lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, phong trào phản chiến của nhân dân Pháp phát triển. Thực dân Pháp bị phá sản trong chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, buộc phải chuyển sang “đánh lâu dài” với âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt”. Chúng ráo riết bình định vùng tạm chiếm, mở nhiều cuộc hành quân nhằm xoá bỏ các căn cứ kháng chiến, mở rộng nguỵ quân, củng cố nguỵ quyền. Về phía ta, qua một năm kháng chiến toàn quốc, nhất là qua chiến thắng Việt Bắc, Đảng và Chính phủ đã có thêm kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh; bộ đội ta đã trưởng thành một bước về trình độ tác chiến; nhân dân ta thêm phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Để phá tan âm mưu mới của địch, đưa cuộc kháng chiến tiến lên giành những thắng lợi mới, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải đẩy mạnh chiến tranh du kích kết hợp với đánh vận động; phát triển sản xuất tự cấp, tự túc, cải thiện đời sống nhân dân lao động, phá kinh tế địch; phát triển văn hoá, giáo dục phục vụ kháng chiến; tăng cường công tác xây dựng Đảng và chính quyền các cấp. Tuy giành được thắng lợi bước đầu rất quan trọng trong cuộc kháng chiến, nhưng chúng ta còn trăm bề khó khăn. Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trên đòi hỏi sự cố gắng vượt bậc của các ngành, các cấp, các địa phương và tinh thần chiến đấu hy sinh cao cả của toàn thể chiến sĩ, đồng bào ta. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Ngày 1-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban vận động thi đua ái quốc các cấp. Ngày 11-6-1948, Người viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi được đăng lần đầu tiên trên báo Cứu quốc, số 968, ngày 24-6-1948(1). Lời kêu gọi thi đua ái quốc có nhiều nội dung nhưng tư tưởng bao trùm là: ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Mục đích trước mắt của thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, làm cho toàn dân đủ ăn, đủ mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn; mục đích lâu dài là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Như thế là phải thi đua trên tất cả các mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Chỉ có như vậy mới tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng đưa kháng chiến, kiến quốc tới thành công.
Tư tưởng về thi đua kháng chiến, kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự phản ánh sâu sắc mối quan hệ hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ này. Kháng chiến là công việc hệ trọng nhất khi kẻ thù đe doạ nền độc lập, thống nhất, đe doạ sự sống còn của cả dân tộc. Nhưng để có đủ thực lực đánh bại giặc ngoài, thù trong, giữ vững độc lập, thống nhất, phải có lực lượng vật chất và tinh thần ngày càng mạnh. Kháng chiến có thắng lợi, mới có điều kiện để kiến quốc thành công; kiến quốc có thắng lợi, kháng chiến mới mau thành công. Cho nên nhiệm vụ kháng chiến phải đi đôi với nhiệm vụ kiến quốc. Tư tưởng thi đua kháng chiến, kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước, vừa cày ruộng vừa đánh giặc…của dân tộc ta; là sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý về chiến tranh cách mạng, về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong hoàn cảnh lịch sử mới ở nước ta; là sự nắm bắt và tôn trọng quy luật khách quan một cuộc chiến tranh chính nghĩa chống ngoại xâm của một nước nhỏ yếu chống kẻ thù ngoại xâm lớn mạnh. Tư tưởng của Người cũng là quan điểm chỉ đạo chiến lược của Đảng trong kháng chiến: vừa tích cực đánh giặc ngoài mặt trận, vừa tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng chế độ mới ở hậu phương tạo cơ sở vững chắc cho cuộc kháng chiến lâu dài giành thắng lợi và tạo tiền đề đưa cách mạng tiếp tục tiến lên sau khi kháng chiến thắng lợi.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó, Người xác định mỗi người dân Việt Nam với bổn phận của mình, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ; bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua, cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên một mặt trận kháng chiến, kiến quốc.
Các cụ phụ lão thi đua động viên con cháu hăng hái tham gia mọi công việc kháng chiến.
Các cháu nhi đồng thi đua học tập và giúp việc người lớn.
Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp.
Đồng bào công nông thi đua tăng gia sản xuất.
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh.
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tuỵ làm việc, phụng sự nhân dân.
Bộ đội và dân quân thi đua giết giặc, đoạt súng.
Mỗi tổ chức, mỗi người yêu nước đều thi đua trong công việc của mình, làm nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn. Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, thi đua là một cách yêu nước thiết thực nhất. Thi đua ái quốc là con đường phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân vào nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc có hiệu quả nhất. Tuy mỗi người một việc nhưng đều là công việc kháng chiến, kiến quốc, vì vậy có quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Nông dân thi đua làm nhiều lúa gạo, công nhân thi đua sản xuất nhiều súng đạn, trí thức thi đua phát minh sáng chế thì bộ đội đủ ăn mặc, đủ vũ khí, đánh mạnh thắng nhiều. Bộ đội thi đua diệt nhiều giặc, lập nhiều chiến công thì vùng giải phóng, tính mạng của nhân dân được bảo vệ, nhân dân được làm ăn yên ổn. Khi thi đua ái quốc ăn sâu, lan rộng khắp mọi người và mọi mặt, thi đua trở thành phong trào sôi nổi thì chúng ta sẽ phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, vượt mọi khó khăn, đánh thắng mọi âm mưu, hành động của địch, thực hiện triệt để những nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, và nhất định đi tới thắng lợi cuối cùng.
Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân cả nước đã dấy lên phong trào thi đua tăng gia sản xuất, giết giặc lập công sôi nổi, rộng khắp, người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua.
Tư tưởng ai cũng thi đua tham gia kháng chiến, kiến quốc, đã chỉ đạo phong trào thi đua ái quốc trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngay sau lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy mọi mặt hoạt động kháng chiến, kiến quốc, tạo ra thế và lực mới, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn ta giành thế chủ động trên chiến trường, liên tiếp tiến công, đẩy địch vào thế bị động đối phó.
Tư tưởng về thi đua ái quốc trong Lời kêu gọi thi đua yêu nước là yêu cầu cụ thể đối với phong trào thi đua thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Qua đó, thể hiện tư tưởng chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc trong mọi thời kỳ cách mạng là tất cả mọi người đều thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng. Tư tưởng đó đã chỉ đạo thắng lợi mọi phong trào thi đua yêu nước trước đây. 60 năm qua, đã có hơn 10 triệu tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua trên các mặt trận, được nhận những phần thưởng cao quý mà Đảng, Bác Hồ và Nhà nước trao tặng.
Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay, chúng ta đứng trước những thời cơ, vận hội, cả những nguy cơ, thách thức. Sang đầu thế kỷ XXI, tình hình chính trị, quân sự trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới qua một giai đoạn phát triển, lại đang có chiều hướng chững lại và đứng trước những khó khăn về lạm phát, thiếu lương thực. Chèn ép và cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt. Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, những diễn biến phức tạp đó tác động trực tiếp đến tình hình nước ta. Trong khi đó, nước ta vẫn trong tình trạng nghèo và kém phát triển, kinh tế còn lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị còn nhiều yếu kém. Kinh nghiệm của các nước phát triển trong khu vực, trước đây 30, 40 năm cũng ở trình độ phát triển tương đương như nước ta, bằng sự nỗ lực vượt bậc liên tục trong mấy chục năm, mới đạt được sự phát triển như hiện nay. Nhìn người, nhìn ta, cho chúng ta một nhận thức sâu sắc rằng mỗi người Việt Nam, không kể dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, ở trong nước hay ở nước ngoài, đều phải ra sức thi đua phát huy truyền thống yêu nước của một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, có những đóng góp và vị thế đáng kể trên trường quốc tế, nỗ lực, bền bỉ phấn đấu để đất nước ta sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, trở thành nước phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tập 5, tr. 444, 445, 446.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội đàm với Thủ tướng Na Uy  (07/06/2008)
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Thủ tướng Cộng hòa Mô-dăm-bich  (07/06/2008)
Sẵn sàng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc  (07/06/2008)
Khai mạc Hội nghị CG giữa kỳ tại Lào Cai  (06/06/2008)
Phụ nữ Hà Tây trong các hoạt động chính trị - xã hội tại cộng đồng  (06/06/2008)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên