Ấn Độ chinh phục Mặt Trăng
Ấn Độ - quốc gia thứ 5 chinh phục quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng
Tàu vũ trụ Chandrayaan-1
của Ấn Độ được phóng lên quỹ đạo |
Vào lúc 0 giờ 50 phút (giờ GMT) ngày 22-10-2008, tàu vũ trụ Chandrayaan-1 của Ấn Độ được tên lửa mang PSLV-C11C cực mạnh phóng lên quỹ đạo, đánh dấu một giai đoạn mới rất quan trọng trong công cuộc chinh phục vũ trụ của Ấn Độ - một quốc gia có dân số đông, đứng hàng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc và trở thành nước thứ 5, sau Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản chinh phục quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng. Dự kiến, tàu vũ trụ Chandrayaan-1 sẽ thả trạm tự động thăm dò Mặt Trăng mang tên “Moon Impactor” xuống bề mặt hành tinh này. Sự kiện này thành công sẽ đưa Ấn Độ lọt vào danh sách 4 quốc gia cắm quốc kỳ lên bề mặt Mặt Trăng (đến nay mới có Mỹ, Nga và Nhật Bản).
Nhận xét về sự kiện này, Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh (Manmohan Singh) cho rằng, đây là thời khắc lịch sử và là bước tiến rất quan trọng trong chương trình vũ trụ, tiếp theo các thành tựu của Ấn Độ phóng thành công vệ tinh viễn thông và dự báo thời tiết lên quỹ đạo xung quanh Trái Đất. Trong số các thiết bị nghiên cứu khoa học trên tàu Chandrayaan-1 có 5 thiết bị do Ấn Độ chế tạo, 3 thiết bị của Cơ quan vũ trụ châu Âu, 2 của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và 1 của Viện hàn lâm khoa học Bun-ga-ri.
Một trong những nhiệm vụ chính của tàu vũ trụ tự động Chandrayaan-1 là tìm kiếm chất Hê-li-3, đồng vị của nguyên tố Hê-li, tài nguyên quý hiếm để thực hiện phản ứng tổng hợp nhiệt hạch nhằm tạo ra nguồn năng lượng gần như vô tận trong thế kỷ XXI. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, sau hàng tỉ năm bị bức xạ vũ trụ bắn phá, bề mặt Mặt Trăng ẩn chứa khá nhiều Hê-li, trong khi trên Trái Đất gần như không tồn tại loại chất này. Ngoài việc tìm kiếm Hê-li-3, Chandrayaan-1 còn được giao nhiệm vụ lập bản đồ không gian ba chiều bề mặt của Mặt Trăng và xác định các mỏ kim loại quý và nước ở hai cực của hành tình này. Cho tới nay, mới chỉ có Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc phóng tàu vũ trụ lên Mặt Trăng.
Từ cường quốc phần mềm trở thành cường quốc vũ trụ
Đến lúc này, thế giới biết đến Ấn Độ với nhiều cái tên khác nhau như quốc gia có thị trường bán lẻ lớn nhất hành tinh; cái nôi của cuộc “cách mạng xanh”; “siêu cường quốc phần mềm” của thế giới với những chuyên gia tin học được khẳng định đẳng cấp. Nền kinh tế Ấn Độ đang ở trong giai đoạn phát triển có tính chất bùng nổ. Trong những năm gần đây, chính phủ Ấn Độ rất chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao để làm chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực chinh phục và khai thác khoảng không vũ trụ.
Chương trình nghiên cứu vũ trụ của Ấn Độ được khởi động từ năm 1962 có nhiệm vụ soạn thảo chính sách của Nhà nước Ấn Độ về nghiên cứu vũ trụ, xét duyệt thông qua và cấp kinh phí cho các chương trình nghiên cứu có liên quan đến việc khai thác vũ trụ, kiểm tra tiến trình thực hiện các chương trình đã được thông qua. Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ ISRO (Indian Space Researche Organization) có nhiệm vụ soạn thảo và thực hiện các chương trình liên quan đến nghiên cứu trong lĩnh vực vũ trụ, chế tạo và vận hành thiết bị bay vũ trụ, xử lý và nghiên cứu sử dụng thông tin tiếp nhận từ vệ tinh.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thị trường quốc tế và khả năng thực tế của nền công nghiệp vũ trụ quốc gia, các chuyên gia của Ấn Độ cho rằng, hoạt động kinh tế đối ngoại của ISRO nên hướng vào xuất khẩu vệ tinh nhân tạo IRS do Ấn Độ chế tạo. Công dụng chủ yếu của vệ tinh IRS là thăm dò từ xa (viễn thám) bề mặt Trái Đất và phục vụ kỹ thuật viễn thông. Trong tương lai, Ấn Độ sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của ngành công nghiệp vũ trụ sang các nước châu Á - Thái Bình Dương; mở rộng phạm vi hoạt động và củng cố vị thế của trên thị trường quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, ISRO đã tiến hành nghiên cứu triển khai các mẫu hoàn chỉnh kỹ thuật vũ trụ, trong đó có lĩnh vực chế tạo hệ thống động cơ mới và nâng cao hiệu suất tên lửa mang. Ấn Độ đã giành 10% chi ngân sách khoa học - công nghệ cho chương trình vũ trụ. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 10, Ấn Độ đã chi cho chương trình này 300-354 triệu USD. Đến năm 2007, Ấn Độ đã đưa lên quỹ đạo 19 vệ tinh nhân tạo thăm dò bề mặt Trái Đất để làm phương tiện dịch vụ viễn thông.
Theo đánh giá của các chuyên gia Ấn Độ, vệ tinh Insat-2 của Ấn Độ hiện nay đã đáp ứng được phần lớn yêu cầu về dịch vụ viễn thông vũ trụ của đại bộ phận các nước Đông Nam Á. Trong vòng 10 đến 20 năm tới, Ấn Độ sẽ đưa lên quỹ đạo vệ tinh thế hệ mới Insat-3. Khi đó, Ấn Độ sẽ giữ vị trí đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lĩnh vực viễn thông vũ trụ. Mới đây, một công ty lớn của Pháp Matra Marconi đã đặt Công ty Antrix Corp của Ấn Độ cung cấp cho hãng này thiết bị thí nghiệm thủy lực để trang bị cho máy móc vũ trụ. Còn công ty Hughes Space & Communication của Mỹ đã ký một hợp đồng trị giá nhiều triệu USD với các xí nghiệp trực thuộc Công ty Antrix Corp để chế tạo hệ thiết bị động cơ và hệ thống liên lạc siêu cao tần. Tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft đã ký với ISRO hợp đồng cung cấp chương trình phần mềm Teledisc sử dụng cho mạng Internet vệ tinh toàn cầu trong tương lai. Chỉ tính riêng năm 2004, Ấn Độ đã ký được hợp đồng sản xuất và đưa lên quỹ đạo 84 vệ tinh nhỏ cho các nước trên thế giới.
Nhiều chuyên gia Ấn Độ cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ Niu Đê-li sẽ cho phép quốc gia này củng cố vị thế của trên thị trường quốc tế về hàng hóa và dịch vụ vũ trụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp vũ trụ. Theo tính toán, giá trị thu được hàng năm từ việc sử dụng và kinh doanh dịch vụ thông qua vệ tinh Insat-2D và tên lửa mang GSLV lên tới hàng tỉ USD. Chỉ tính riêng vệ tinh Insat-3 đem lại gía trị dịch vụ trị giá 500 triệu USD.
Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt với các công ty phương Tây trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ vũ trụ, ISRO đã đặt ra nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là phát triển hợp tác với các nước khác trong nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ và xác lập đối tác chiến lược. ISRO đã từng ký với Công ty EOSAT (Earth Observation Satellite Company) của Mỹ một hợp đồng trị giá 750 triệu USD về việc ISRO cho phép EOSAT có quyền sử dụng và phổ biến ảnh vũ trụ do Ấn Độ thu được. ISRO đã từng ký hợp đồng trị giá 2 tỉ USD với Tập đoàn SIG (Space Imaging Group) với nội dung tương tự như hợp đồng đã ký với EOSAT. Đến nay, ISRO đã hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau của hơn 10 nước trong lĩnh vực liên doanh khai thác không gian vũ trụ. Ấn Độ đã ký các văn bản hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp vũ trụ với Nga, Ca-na-đa, Na-uy và Anh. Một điểm đáng lưu ý là ISRO rất chú ý tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với mục đích đặt ra và đà phát triển này, dư luận cho rằng, một ngày không xa, Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc vũ trụ sánh vai với các cường quốc như Mỹ, Nga và Trung Quốc./.
Nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2008 của Thành phố Hồ Chí Minh  (28/10/2008)
Đổi mới cách xây dựng chiến lược  (28/10/2008)
Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tới xuất khẩu nông sản Việt Nam  (28/10/2008)
Nhiều nước nỗ lực khắc phục khủng hoảng tài chính  (28/10/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên