Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyệt đại đa số đồng bào Công giáo Việt Nam đều là nhân dân lao động có lòng yêu nước nồng nàn, có những đóng góp tích cực cùng nhân dân cả nước đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đổi mới, với phương châm sống "Tốt đời đẹp đạo", "Đồng hành cùng dân tộc", đồng bào Công giáo lại tiếp tục kề vai sát cánh cùng toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hòa trong dòng chảy lịch sử dân tộc

Sức mạnh được hun đúc từ mạch nguồn truyền thống ngàn năm văn hóa của dân tộc: lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tự chủ, tự cường..., đã cảm hóa, nuôi dưỡng và cố kết mọi người dân Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, ý thức hệ... gắn bó trong khối đại đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bức Thư chung nổi tiếng của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 tại Điểm 10 khẳng định: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm... Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của Quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc".

Đồng bào Công giáo Việt Nam đã có những đóng góp tích cực về sức người, sức của cho các công việc chung của dân tộc, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng và phát triển đất nước. Chẳng hạn, nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ (người Công giáo) đã dâng lên triều đình nhà Nguyễn 58 bản điều trần mong muốn góp phần làm cho đất nước giàu mạnh, đủ sức đánh thực dân Pháp. Không ít linh mục, giáo dân ở giáo phận Vinh đã tham gia phong trào Duy tân của Phan Bội Châu, có người bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo và chết trong ngục tù đế quốc. Có gia đình cả nhà là linh mục, tu sĩ nhưng đều theo kháng chiến như gia đình linh mục liệt sĩ Nguyễn Bá Luật. Cách mạng Tháng Tám thành công tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong đồng bào Công giáo. Một số cụ giám mục ngay năm 1945 đã gửi thư cho Tòa thánh và Cộng đoàn Công giáo thế giới xin ủng hộ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác trong "Tuần lễ vàng", ngày 6-1-1946, cụ giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã hiến dây chuyền vàng cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa để giúp cách mạng. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, các vị linh mục Hồ Thành Biên, Trần Quang Nghiêm và rất nhiều vị linh mục khác đã tạm ngừng việc đạo để lên chiến khu trực tiếp tham gia kháng chiến... Nhiều nhà thờ của đạo Công giáo cùng những ngôi chùa của đạo Phật, thánh thất của đạo Cao Đài... trở thành những nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội; không ít chức sắc và bà con giáo dân quên mình hy sinh cho sự sống còn của dân tộc.

Nhà nước ta đã ghi nhận công lao to lớn của đồng bào Công giáo đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Ví dụ, đồng bào Công giáo tỉnh Nam Định có tới 6.948 liệt sĩ, 3.050 thương binh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ...; có 23 Bà mẹ Việt Nam anh hùng là người Công giáo và nhiều người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang như: Khúc Văn Lượng, Trần Văn Chuông, Phạm Quang Hạnh, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Thị Nho... Giáo dân xứ Vinh Phú, xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định được Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang. Tỉnh Bến Tre có 21 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 258 liệt sỹ là người Công giáo. Họ đạo Bo na huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, có 43 liệt sỹ là người Công giáo... Đất nước độc lập thống nhất, giang sơn thu về một mối, đó lại là điều kiện thuận lợi để đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống sống "Tốt đời đẹp đạo", đoàn kết và đồng hành cùng dân tộc, kề vai sát cánh cùng toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Truyền thống sống "Tốt đời đẹp đạo", "Đồng hành cùng dân tộc" của người Công giáo còn được thể hiện sâu sắc qua các đường hướng hành đạo tiến bộ, tích cực: "Kính Chúa yêu Nước", "Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào" của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Trong lao động sản xuất, thực hiện nếp sống văn hóa, nhiều quý vị chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Công giáo đã trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu, làm chỗ dựa đáng tin cậy trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có vị đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động như nữ tu Nguyễn Thị Mậu ở trại phong Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Cụ giám mục Nguyễn Chu Trinh cùng nhiều chức sắc, tu sĩ, giáo dân ở giáo phận Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai trong 2 năm 2005 - 2006 đã chi 96 tỉ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội, trong đó có 42 tỉ đồng dành cho làm đường giao thông... Những con số biết nói trên, gắn với những con người, việc làm cụ thể là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước chân chính và truyền thống đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc của đồng bào Công giáo Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.

Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2001 với chủ đề "Để họ được sống và sống dồi dào" (Ga 10, 10) nhấn mạnh: "Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người. Ta không nhìn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết, hầu cho mọi người được sống và sống dồi dào. Ta không thể thờ ơ với những chương trình phát triển cũng như tình trạng nghèo đói và những tệ nạn xã hội, bởi vì ta là thành viên của cộng đồng dân tộc với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ".

Chăm lo để đồng bào Công giáo phát triển cùng sự phát triển đất nước

Trong xu thế phát triển đi lên của đất nước, đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của đồng bào Công giáo Việt Nam ngày càng được khẳng định. Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp đó trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời quan tâm chăm lo đến mọi mặt đời sống của đồng bào các tôn giáo, trong đó có đồng bào Công giáo; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo khẳng định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật"(1).

Cùng với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, sự ra đời của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo đã đáp ứng được cơ bản những nguyện vọng chính đáng của các tôn giáo; tạo được sự vui mừng, phấn khởi trong đại đa số đồng bào tín đồ, chức sắc, nhà tu hành Công giáo. Nhiều mặt sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào được tiến hành bình thường theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, các vị chức sắc, nhà tu hành Công giáo hành đạo gắn bó với dân tộc, phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Đồng bào ngày càng yên tâm, tin tưởng và hăng hái thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc, góp phần vào công cuộc đổi mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những đóng góp mang tính "Tốt đời", các hoạt động "Đẹp đạo" cũng ngày càng phát triển, đồng thời, số lượng chức sắc, nhà tu hành và tín đồ đạo Công giáo trong những năm qua có sự gia tăng đáng kể. Cơ sở thờ tự được sửa sang, xây dựng mới ngày càng nhiều, trong đó có nhiều nơi được xây dựng khang trang, to lớn với kinh phí hàng chục tỉ đồng, có giá trị nghệ thuật, văn hóa cao. Hầu hết các cơ sở đào tạo của Công giáo đã được mở rộng, nâng cấp và giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn tu sĩ học tập có kết quả(2); hàng chục vị chức sắc đã được gửi đi đào tạo đại học và sau đại học ở Pháp, I-ta-li-a, Mỹ... Các sinh hoạt tôn giáo lớn như đại hội, hội nghị và ngày lễ trọng được các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện về nhiều mặt nên đã tổ chức thành công tốt đẹp trong tình đoàn kết anh em. Những hoạt động xã hội từ thiện của Giáo hội Công giáo được đẩy mạnh, góp phần cùng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc chăm lo cho người nghèo, người có công với nước, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật, xây dựng Nhà tình thương, Nhà đại đoàn kết; chăm sóc, giúp đỡ những người bị bệnh phong, những người bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... cùng số tiền hàng trăm tỉ đồng.
 
Quan hệ quốc tế của Giáo hội và chức sắc Công giáo mở rộng trên cơ sở nhiều hoạt động thăm viếng, hội thảo khoa học, giao lưu trao đổi về tôn giáo, văn hóa, từ thiện xã hội... với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam. Nhiều ấn phẩm kinh sách của đạo Công giáo được xuất bản và phát hành phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tu hành của đồng bào giáo dân. Trong các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện những tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc trong tín đồ, chức sắc. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo" do ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, đã được đông đảo tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào Công giáo đồng tình, tích cực hưởng ứng, tham gia, bởi nhận thấy phù hợp với đạo đức, giáo lý, giáo luật của mình, từ đó làm cho các khu dân cư vùng đồng bào Công giáo tràn đầy không khí dân chủ, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, chung sức, chung lòng lo toan các công việc của cộng đồng.

Chính sự hưởng ứng và tự giác tham gia của các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, trong đó có sự hưởng ứng, tham gia của các vị chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Công giáo đã thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát triển lên một bước mới với nhiều kết quả thiết thực, cụ thể: Đoàn kết, giúp đỡ và động viên nhau phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", nhân đạo, từ thiện; đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, kể cả trong sinh hoạt tôn giáo lẫn trong cuộc sống đời thường; đoàn kết phát huy dân chủ và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở... Những kết quả hoạt động này đã gắn kết phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo hòa chung trong các phong trào thi đua của nhân dân cả nước, không có sự tách biệt hay khoảng cách nào.

Xóa bỏ những "tỳ vết" không đáng có để "tự hào là công dân của nước Việt Nam"

Trong dòng chảy lịch sử đất nước, sự hình thành và phát triển của Giáo hội Công giáo Việt Nam không phải không có những "tỳ vết", như Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhắc nhở bà con tín hữu: "Đừng nhìn quá khứ với mặc cảm và phán đoán tiêu cực. Lịch sử luôn pha lẫn ánh sáng và bóng tối, cũng như đời sống những người con của Chúa vẫn có cả ân sủng và tội lỗi".

Những "tỳ vết" này chủ yếu do các thế lực ngoại xâm can thiệp và gây ra, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ cho các mưu đồ chính trị "chia để trị" của chúng, còn đại đa số đồng bào Công giáo Việt Nam, từ trong bản chất thuần khiết của mình đều là nhân dân lao động có lòng yêu nước nồng nàn. Trước khi trở thành và đương nhiên trong khi là người tín đồ Công giáo, đồng bào đã là và đang là người dân nước Việt Nam, một đất nước độc lập, có chủ quyền, có phẩm giá và truyền thống vẻ vang. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những mặt thuận lợi, luôn xuất hiện những trở lực, khó khăn do khách quan và chủ quan đưa lại, trong đó chúng ta không thể không cảnh giác trước những âm mưu đen tối của các thế lực thù địch luôn tìm cách kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ khối đoàn kết đạo - đời phục vụ cho các mưu đồ địa chính trị của chúng.

Nghiên cứu các thư hiệp thông, nội dung trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài, thông cáo khẩn cấp, đơn khiếu nại khẩn cấp... của một số chức sắc thuộc Tổng giáo phận Hà Nội có liên quan đến khu đất ở số 42 phố Nhà Chung và giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, đồng bào Công giáo Việt Nam càng cần tỉnh táo, sáng suốt trước những lời lẽ tuyên truyền kích động, vu cáo, cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử và coi thường pháp luật của một số chức sắc, tu sĩ giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu thế và lãnh đạo Tổng giáo phận Hà Nội. Lợi dụng tình cảm và sự sùng kính Thiên Chúa của một số đồng bào giáo dân, số chức sắc, tu sĩ này đã cố tình "không hiểu pháp luật Việt Nam" để kích động, vu cáo và kêu gọi bà con giáo dân cầu nguyện "đòi lại" đất "của Tòa Khâm Sứ" và "của giáo xứ Thái Hà". Sự việc này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cố ý đẩy mối quan hệ đang ngày càng tốt đẹp giữa Nhà nước với Giáo hội Công giáo Việt Nam trở thành sự đối lập, phá hoại truyền thống sống "Tốt đời đẹp đạo", "Đồng hành cùng dân tộc", "Kính Chúa yêu Nước" của đồng bào Công giáo Việt Nam, thể hiện rõ những động cơ và mục đích cá nhân không trong sáng, có sự bật đèn xanh của "kẻ thứ ba giấu mặt" nhằm phủ nhận Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phủ nhận Nghị quyết số: 23/2003/QH11, ngày 26-11-2003, của Quốc hội về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 và đặt "thần quyền" lên trên "thế quyền".

Sự thật sẽ luôn luôn là sự thật. Sự thật, công lý, luật pháp và truyền thống đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc của đồng bào Công giáo Việt Nam sẽ chiến thắng tất cả những âm mưu và thủ đoạn đen tối của một số phần tử xấu ở trong và ngoài nước nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đức Giám mục GB. Bùi Tuần, cha đỡ đầu Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt khi ông Kiệt còn là linh mục ở Tòa Giám mục Long Xuyên, trong Tuần báo Công giáo và Dân tộc số 1673 nhân kể chuyện Chúa Giê-su chữa lành một đứa con trai bị quỷ nhập trong sách Phúc âm Thánh Mác-cô, đoạn 9, từ câu 14 đến câu 19 đã lưu ý các linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân rằng: "Ranh giới giữa thiện và ác không luôn rõ. Nhiều khi ta tưởng sự ác là hoàn toàn ở phía người khác. Nhưng sự thực không thế. Nhiều khi phía chúng ta lại thiếu sự thiện một cách trầm trọng. Như trong chuyện quỷ ám trên kia, Chúa Giê-su cho thấy sự thiếu đạo đức đã ở phía các môn đệ Chúa một cách đáng tiếc...".

Linh mục Thiện Cẩm OP khi bàn về chuyện tranh chấp quyền sử dụng đất đai ở giáo xứ Thái Hà và ở số 42 phố Nhà Chung, Hà Nội đã tâm sự trên Tuần báo Công giáo và Dân tộc, rằng: "Nay theo tôi nghĩ, cũng chẳng mấy người ủng hộ đưa Chúa với Đức Mẹ vào cuộc tranh chấp đất đai này... ".

Sống "Tốt đời đẹp đạo", "Đồng hành cùng dân tộc" là truyền thống, là mục tiêu chung của các tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có Công giáo và đây cũng là cơ sở hòa nhập, củng cố và tăng cường đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giữa hai mặt ''tốt đời" ''đẹp đạo'' có mối quan hệ thống nhất và biện chứng với nhau. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển lành mạnh, đó là cơ sở và điều kiện để chăm lo hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có đồng bào Công giáo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Công giáo sống đạo tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn và dân chủ hơn. Ngược lại, đồng bào Công giáo sống ''Đẹp đạo'' cũng chính là góp phần làm cho các giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của Công giáo được phổ biến, nhân rộng và hiện thực hóa trong xã hội và làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo được củng cố vững chắc hơn. Đồng bào Công giáo Việt Nam ngày càng tự giác tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, tham gia mọi công việc chung của đất nước mà không còn các biểu hiện thờ ơ, né tránh những lĩnh vực ''nhạy cảm", ''tế nhị'' đối với người có đạo, kể cả đối với đa số các vị chức sắc cấp cao của Công giáo. Đúng như Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khẳng định: "Chúng ta tự hào là công dân của nước Việt Nam anh hùng độc lập thống nhất; và trong đà phát triển chung của cả nước, chúng ta được tình đồng bào thông cảm và giúp đỡ trong khối đại đoàn kết dân tộc, nên chúng ta hãy hân hoan chu toàn sứ mạng vinh quang của mình"./.
 

(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 48
(2) Tính đến cuối năm 2007, đạo Công giáo đã có 6 Đại chủng viện và 2 phân hiệu của Đại chủng viện ở giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai) và giáo phận Bùi Chu (Nam Định)