Về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay

Nguyễn Xuân Yêm Trung tướng, GS, TS, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an
22:59, ngày 14-11-2014

TCCS - Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh nói chung, phòng, chống tội phạm nói riêng, là hai nhiệm vụ chính trị quan trọng xuyên suốt, luôn đồng hành với nhau trong các giai đoạn của lịch sử. Sự gắn kết giữa chúng là phù hợp với mối quan hệ biện chứng duy vật lịch sử, là quy luật khách quan của sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, dân tộc; dựa trên cơ sở chính là sự tổng hòa, toàn diện trên hai phương hướng: đúc kết lý luận và tổng kết từ thực tiễn công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kì của lịch sử dân tộc.

Về cơ sở lý luận

Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, phòng, chống tội phạm là những mặt hoạt động cơ bản của mỗi quốc gia, dân tộc có độc lập, chủ quyền. Mỗi lĩnh vực có mục đích, cách thức hoạt động và quy luật riêng, song giữa chúng có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau.

Kinh tế quyết định việc cung cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho hoạt động quốc phòng - an ninh, phòng, chống tội phạm. Ph. Ăng-ghen đã khẳng định: thất bại hay thắng lợi của chiến tranh đều phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Vì vậy, để xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh, để công tác phòng, chống tội phạm có hiệu quả phải xây dựng, phát triển kinh tế. Mặt khác, kinh tế còn quyết định việc cung cấp số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm. Qua đó, quyết định tổ chức biên chế của lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân; quyết định đường lối chiến lược quốc phòng - an ninh, chiến lược phòng, chống tội phạm.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong những mối quan hệ lớn mà Đảng ta phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết. Về củng cố quốc phòng - an ninh gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội, Cương lĩnh nêu rõ: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”(1).

Tuy nhiên, quốc phòng - an ninh, phòng, chống tội phạm không chỉ phụ thuộc vào kinh tế mà còn tác động ngược trở lại với kinh tế - xã hội trên cả góc độ tích cực và tiêu cực.

Thứ nhất, quốc phòng - an ninh vững mạnh, công tác phòng, chống tội phạm có hiệu quả sẽ tạo môi trường hòa bình, ổn định lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động quốc phòng - an ninh, phòng, chống tội phạm tiêu tốn đáng kể một phần nguồn nhân lực, vật lực, tài chính của xã hội. Những tiêu dùng này, theo V.I. Lê-nin, là những tiêu dùng “mất đi”, không quay vào tái sản xuất xã hội. Do đó, sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng xã hội và sự phát triển kinh tế.

Thứ hai, hoạt động quốc phòng - an ninh, phòng, chống tội phạm có thể dẫn đến hủy hoại nền kinh tế, môi trường sinh thái, để lại hậu quả nặng nề cho kinh tế, nhất là khi có chiến tranh, khủng bố, tham nhũng, tội phạm kinh tế, tội phạm môi trường,... Để hạn chế những tác động tiêu cực này đòi hỏi kết hợp tốt tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, phòng, chống tội phạm với phát triển kinh tế - xã hội vào một chỉnh thể thống nhất. Kết hợp chặt chẽ bảo vệ an ninh kinh tế với phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, ổn định, bền vững, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để tăng cường tiềm lực an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: kinh tế - xã hội phát triển, tăng trưởng kinh tế không chỉ tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực kinh tế cho tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, phòng, chống tội phạm, mà còn tạo cơ sở chính trị - xã hội thuận lợi cho việc nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đại hội XI của Đảng đã phát triển nhận thức đó ở chỗ, coi sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước là nền tảng của quốc phòng - an ninh nói chung, phòng, chống tội phạm nói riêng. Chúng ta hiểu rằng, sự ổn định và phát triển bền vững đòi hỏi tăng trưởng kinh tế phải trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội. Vì thế, xét cho cùng sự ổn định và phát triển bền vững đời sống kinh tế - xã hội đã tạo điều kiện để giải quyết tốt vấn đề lợi ích của nhân dân, bảo đảm sự thống nhất lợi ích giữa cá nhân với cộng đồng và toàn xã hội, tăng cường sự cố kết nhà - làng - nước trong thời đại mới, do đó nó cho phép huy động được sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 khẳng định quan điểm: “Phải đặc biệt coi trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”(2). Bởi vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm nói riêng hiện nay diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế đang biến đổi nhanh chóng và phức tạp. Trong thời gian tới, trên thế giới, xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là chủ đạo, hợp tác kinh tế toàn cầu với nội dung cơ bản là thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động vẫn không từ bỏ tham vọng bá quyền, trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, các thách thức an ninh phi truyền thống vẫn đang tồn tại, do vậy nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ trên quy mô lớn, nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội, cản trở phát kinh tế - xã hội đất nước chưa bị loại trừ.

Trong điều kiện Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tập trung bảo vệ việc tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế của Nhà nước; thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường, đặc biệt các loại thị trường quan trọng nhưng hiện chưa có hoặc còn sơ khai, như thị trường lao động (hay thị trường sức lao động), thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ,... trong khi vẫn tiếp tục phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ, chúng ta cần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, không để xảy ra những rối loạn, xáo động lớn về tài chính, tiền tệ, kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thị trường; xây dựng một số công trình kinh tế trọng điểm bảo đảm nền kinh tế độc lập tự chủ.

Như vậy, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, phòng, chống tội phạm là một tất yếu khách quan. Mỗi lĩnh vực hoạt động có nội dung, phương thức riêng nhưng lại có sự thống nhất ở mục đích chung, cái này là điều kiện tồn tại của cái kia và ngược lại. Tuy nhiên, việc kết hợp cần phải được thực hiện một cách khoa học, hợp lý, cân đối và hài hoà.

Về cơ sở thực tiễn

Lịch sử phát triển của các quốc gia trên thế giới đã chứng minh, dù là nước lớn hay nước nhỏ, kinh tế phát triển hay chưa phát triển, dù chế độ chính trị như thế nào thì mỗi quốc gia cũng đều chăm lo thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, các nước khác nhau, với chế độ chính trị - xã hội khác nhau, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau thì sự kết hợp cũng có sự khác nhau về mục đích, nội dung, phương thức và kết quả.

Ở Việt Nam, sự kết hợp đó đã có lịch sử lâu dài. Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển của dân tộc ta. Trước kia, để xây dựng và phát triển đất nước, ông cha ta đã có những chủ trương, kế sách thực hiện sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, như các kế sách giữ nước với tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”, “dân giàu, nước mạnh”, “quốc phú binh cường”; thực hiện kế sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân” để vừa phát triển kinh tế, vừa tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng nước ta, do nắm vững quy luật và biết thừa kế kinh nghiệm của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm một cách nhất quán bằng những chủ trương sáng tạo, phù hợp với từng thời kỳ của cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vào giai đoạn 1945 - 1954, Đảng ta đề ra chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Chúng ta đồng thời thực hiện phát triển kinh tế địa phương và tiến hành chiến tranh nhân dân rộng khắp, “xây dựng làng kháng chiến”, địch đến thì đánh, địch lui ta lại tăng gia sản xuất, “diệt ác, phá tề”, bảo vệ an ninh, trật tự các vùng giải phóng...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), việc kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm đã được Đảng ta chỉ đạo thực hiện ở mỗi miền với nội dung và hình thức thích hợp. Ở miền Bắc, để bảo vệ xã hội chủ nghĩa và xây dựng hậu phương lớn cho miền Nam đánh giặc, Đại hội III của Đảng đã đề ra chủ trương: trong xây dựng kinh tế, phải thấu suốt nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, cũng như trong củng cố quốc phòng phải khéo sắp xếp cho ăn khớp với công cuộc xây dựng kinh tế. Ở miền Nam, Đảng ta chỉ đạo quân và dân ta kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với củng cố mở rộng hậu phương, xây dựng căn cứ địa miền Nam vững mạnh. Đây chính là một điều kiện cơ bản bảo đảm cho cách mạng nước ta đi đến thắng lợi.

Ở thời kỳ này, chúng ta phải tập trung cao độ cho nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam, nên việc kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động và thiết thực, đã tạo được sức mạnh tổng hợp xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh, trật tự, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và để lại nhiều bài học quý giá cho thời kỳ sau.

Trong thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội (từ năm 1975 đến nay), Đảng ta khẳng định kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm là một nội dung quan trọng trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và được triển khai trên quy mô rộng lớn hơn, toàn diện hơn.

Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định thực hiện “kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiện nay. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng - an ninh, phòng, chống tội phạm theo chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời, cơ quan quân sự, công an các cấp tham gia thẩm định các kế hoạch, quy hoạch và dự án kinh tế - xã hội liên quan đến quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lập kế hoạch động viên nhân lực, phương tiện phục vụ nhiệm vụ, xây dựng khu vực phòng thủ, nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận phòng, chống tội phạm vững mạnh cả về lực lượng, tiềm lực và thế trận, thực sự phát huy tác dụng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm ở địa phương.

Một số vấn đề cần quan tâm

Với quyết tâm tăng cường kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh, Đại hội XI của Đảng đã có những chỉ đạo hết sức thiết thực trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Trong đó, đặc biệt là các chủ trương: quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh ở các vùng, địa bàn trọng điểm; lồng ghép các chương trình để xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở vùng biên giới, hải đảo.

Những năm qua, chúng ta đã tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả nhiều chương trình kết hợp kinh tế - quốc phòng, an ninh, phòng, chống, tội phạm; quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm - kinh tế trên các địa bàn chiến lược trọng yếu, các địa bàn còn có khó khăn, phức tạp về dân tộc, tôn giáo, kinh tế - xã hội, những địa bàn nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, nơi các thế lực thù địch đang tập trung chống phá. Trong thời gian tới, việc thực hiện các chương trình kinh tế - quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm cần được lồng ghép với các chương trình, như quy hoạch, phân bố lại dân cư, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm có hiệu quả, đồng thời tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng - an ninh, thế trận phòng, chống tội phạm, thế trận phòng, chống ma túy...

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích của ta trên vùng biển, đảo sẽ có những diễn biến phức tạp, vì vậy cần nỗ lực thực hiện chủ trương mà Đại hội XI của Đảng đề ra: “Phát triển mạnh kinh tế đảo, khai thác hải sản xa bờ gắn với tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giữ vững chủ quyền vùng biển quốc gia”(3). Tổ chức, phối hợp chặt chẽ hơn giữa lực lượng quần chúng nhân dân với các lực lượng hải quân nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an nhân dân, kiểm ngư trong tham gia quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm trên biển, sẵn sàng ứng phó với mọi bất trắc về thiên tai, địch họa, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, bảo vệ lợi ích kinh tế biển, đảo của đất nước.

Sự kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm còn được thể hiện ở việc bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quốc phòng - an ninh, phòng, chống tội phạm. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, vấn đề này được đề cập trong chủ trương mở rộng phương thức huy động nguồn lực xây dựng công nghiệp quốc phòng, xây dựng công nghiệp an ninh. Chúng ta cần nhận thức rằng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và khoa học kỹ thuật quân sự, an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm là một nhiệm vụ hết sức cần thiết để giữ vững độc lập, tự chủ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm. Việc tự sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, an ninh là một trong những công việc hết sức trọng yếu trong xây dựng tiềm lực quân sự, tiềm lực an ninh, trật tự của đất nước hiện nay. Muốn vậy, Nhà nước cần chú trọng đầu tư cho hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, khuyến khích phát triển những ngành công nghiệp lưỡng dụng, vừa tập trung sản xuất phục vụ dân sinh, vừa sản xuất phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm. Điều đó đưa tới yêu cầu Nhà nước phải có chế tài và kế hoạch huy động các nguồn lực tài chính, nhân lực, cũng như khoa học, kỹ thuật, công nghệ... của đất nước vào xây dựng công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh, phòng, chống tội phạm thực chất là bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng tiềm lực của quốc gia với xây dựng thực lực quốc phòng, quân sự, an ninh, trật tự; giữa xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận phòng, chống tội phạm với xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Nước ta vẫn thuộc hàng các nước đang phát triển, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới đạt được những kết quả bước đầu, thu nhập tính theo GDP/đầu người còn thấp... Vì vậy, việc huy động tiềm lực kinh tế - kỹ thuật và tài chính của đất nước để phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm sẽ gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải xử lý hài hòa giữa nhu cầu của phát triển kinh tế, bảo đảm “khoan sức dân” và tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng, phòng, chống tội phạm. Chủ trương của chúng ta là: “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu”(4). Phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân thể hiện việc xử lý một cách tài tình của Đảng ta về “bài toán” số lượng và chất lượng của lực lượng vũ trang nhằm bảo đảm cho Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm, đồng thời bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực của đất nước để tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế phát triển nhanh và bền vững./.

-----------------------------------------------

(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 82, 99

(3), (4) Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr. 203, 82