Sau nhiều tháng nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh Ebola đang hoành hành tại nhiều nước Tây Phi, đến nay đã xuất hiện nhiều tín hiệu cho thấy số ca nhiễm mới đã giảm tương đối ở một số quốc gia như Liberia và Guniea.
Ngày 13-11, tại cuộc họp về ứng phó dịch Ebola của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Sam Kutesa cho biết một số vùng ở Tây Phi đã ghi nhận tốc độ lây nhiễm dịch bệnh bắt đầu chậm lại, đặc biệt tại Liberia.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm đảm bảo các nguồn lực hỗ trợ được cung cấp kịp thời đến những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, ông Anthony Banbury, trưởng Phái bộ Liên hợp quốc về ứng phó khẩn cấp với dịch Ebola (UNMEER), đã đánh giá cao "những bước tiến quan trọng" trong công tác dập dịch tại các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhằm nỗ lực đạt được mục tiêu đảm bảo 70% số người nhiễm được điều trị và 70% số người tử vong được chôn cất an toàn trước ngày 1-12.

Theo ông Banbury, kết quả này có được là nhờ chính phủ các nước trong tâm dịch đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cùng với sự hỗ trợ tích cực của các đối tác và cộng đồng quốc tế.

Cùng chung quan điểm trên, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về ứng phó Ebola, ông David Nabarro, nhấn mạnh một yếu tố nữa giúp mang lại những tiến bộ đạt được gần đây trong cuộc chiến chống đại dịch này là ý thức của cộng đồng dân cư ở các nước vùng dịch đã được nâng cao.

Ông Nabarro cho rằng cư dân địa phương đã bắt đầu thay đổi thói quen sinh hoạt trước đây, tích cực giữ gìn vệ sinh chung để hạn chế tối đa khả năng bị phơi nhiễm.

Mặc dù ghi nhận những tiến bộ đã đạt được trong công tác dập dịch, hai quan chức Liên hợp quốc trên đều nhấn mạnh thách thức trước mắt là phải mở rộng quy mô triển khai các nguồn lực đến những vùng nông thôn và thị trấn xa xôi - nơi đang trở thành các điểm bùng phát dịch Ebola mới ở các nước Tây Phi.

Ông Banbury đồng thời kêu gọi cần có một kế hoạch ứng phó "linh hoạt và nhanh nhạy hơn," theo đó chủ động thành lập các cơ sở điều trị "di động" và các trung tâm thí nghiệm "nhỏ gọn", đồng thời triển khai các nhân viên y tế đến các khu vực xa xôi hẻo lánh nhằm sẵn sàng ứng phó kịp thời để dập tắt dịch trước khi lây lan.

Trước đó, tổ chức Bác sỹ không biên giới cảnh báo các ổ dịch Ebola hiện không chỉ xuất hiện ở những thành phố có cơ sở y tế mà bùng phát ở các khu vực nông thôn hẻo lánh, nơi phương tiện y tế thiếu thốn, thông tin bị hạn chế, việc tiếp cận cũng khó khăn.

Theo thống kê, từ cuối tháng Chín vừa qua, thị trấn Jenewonde của Liberia - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Ebola - đã mất khoảng 10% dân số do dịch bệnh Ebola.

Thị trấn Gorzohn ở vùng duyên hải miền Trung Liberia hiện cũng đang là "ổ dịch" Ebola mới. Trong khi đó, tại Sierra Leone vẫn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới, đặc biệt ở các vùng nông thôn./.