Tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đến vấn đề dân chủ, nhân quyền ở nước ta hiện nay
Một là, sự tác động của tình trạng phân hóa và sự khác biệt trong nhu cầu dân chủ, nhân quyền giữa các giai tầng xã hội
Quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN ở Việt Nam có một tiền đề rất thuận lợi là chủ nghĩa yêu nước. Nhưng ngày nay, do sự phân hóa - phân tầng xã hội nên sự thể hiện chủ nghĩa yêu nước ở người dân, kể cả trong đội ngũ cán bộ, đảng viên diễn biến đa dạng, trong đó có những hướng diễn biến rất phức tạp như: a) Phai nhạt chủ nghĩa yêu nước; b) Tách chủ nghĩa yêu nước với CNXH, c) Làm biến dạng chủ nghĩa yêu nước thành chủ nghĩa dân tộc.
Trong điều kiện đời sống hòa bình với sự tác động trước hết của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, mong muốn có việc làm với thu nhập thường xuyên thôi thúc đại đa số thành viên xã hội; và có không ít người chịu ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa vị kỷ, thực dụng, chạy theo đồng tiền, lợi dụng sự yếu kém trong quản lý và pháp luật để tham nhũng, buôn lậu,...
Sự phai nhạt chủ nghĩa yêu nước do sự tác động, thậm chí chi phối của chủ nghĩa vị kỷ và thực dụng, dẫn đến phai nhạt lý tưởng XHCN. Còn xu hướng tách chủ nghĩa yêu nước và CNXH thể hiện ở việc tách mục tiêu của công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với mục tiêu cuối cùng của CNXH là xây dựng xã hội của những cộng đồng lao động tự do, không còn tình trạng người bóc lột người. Hiện nay, đang nổi lên một số ý kiến cho rằng, chỉ cần dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh còn “ông xã” (xã hội chủ nghĩa), “ông tư”(tư bản chủ nghĩa) thế nào cũng được.
Sự phân hóa tư tưởng, lối sống dẫn đến tình trạng phân thân giữa tư tưởng và lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và thanh niên, thể hiện rõ ở chỗ: một mặt, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhưng mặt khác, lại có lối sống không lành mạnh, như quan liêu, tham nhũng, buôn lậu, làm hàng giả, hủ hóa, mê tín dị đoan… Sự phát triển lộ liễu của chủ nghĩa vị kỷ và thực dụng trong lối sống là nguyên nhân dẫn đến sự phân thân giữa tư tưởng và lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tình trạng phân thân giữa tư tưởng và lối sống cũng là biểu hiện của tình trạng phai nhạt lý tưởng XHCN và của việc tách chủ nghĩa yêu nước và CNXH.
Chính vì thế, ở nước ta, sự phân hóa - phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc đã và sẽ còn dẫn đến sự đa dạng hóa mạnh mẽ hơn các nhu cầu về dân chủ, nhân quyền giữa các tầng lớp dân cư. Sự đa dạng hóa đó đã và sẽ tạo ra những thách thức mới đối với việc xây dựng đường lối, chính sách và pháp luật trong xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta.
Hai là, tác động đến sự hình thành các quyền dân chủ mới
Ngày nay, các hình thức làm việc, kinh doanh với các đối tác thuộc các vùng miền khác nhau, nhất là với các đối tác nước ngoài, đã tạo ra những khả năng mới trong việc bảo đảm quyền dân chủ cho quảng đại nhân dân. Do những thay đổi mới đó nên trong các hoạt động chính trị - xã hội, bên cạnh những quyền căn bản (quyền dân chủ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị,...) cũng sẽ xuất hiện những đòi hỏi cho các quyền mới; trong đó có các quyền về môi trường trong lành, quyền riêng tư cá nhân, quyền được bí mật thông tin, quyền tự do sáng tạo khoa học, nghệ thuật, quyền về tài sản,... Những đòi hỏi này gây ra sự phân hóa xã hội trong quan niệm về dân chủ. Vì thế, càng làm tăng thêm khó khăn và phức tạp cho quá trình bảo đảm và giải quyết vấn đề dân chủ.
Ba là, bộc lộ có khi gay gắt nhiều vấn đề cũ và xuất hiện những vấn đề mới trong việc bảo đảm dân chủ, nhân quyền. Cụ thể:
Vấn đề bảo vệ quyền dân chủ của các nhóm yếu thế và thiểu số: Đây là “vấn đề cũ” nhưng sẽ trở nên mới do sự đa dạng hóa và sự xuất hiện những nhóm yếu thế và thiểu số mới (lao động thất nghiệp, người đồng tính, lao động di cư nước ngoài, các nhóm tôn giáo mới,...).
Vấn đề xác định và bảo vệ quyền sở hữu, nhất là sở hữu đất đai, nhà ở ngày càng trở nên phức tạp cùng với việc đẩy mạnh dân chủ hóa lĩnh vực kinh tế trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
Vấn đề bảo vệ quyền có việc làm và nghề nghiệp: Kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), việc bảo vệ quyền có việc làm, ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hàng loạt là rất quan trọng đối với không chỉ các nhóm dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc gia nhập WTO, mà còn đến cả sự ổn định xã hội.
Vấn đề tiêu chuẩn lao động tối thiểu và quyền của người lao động: Theo các nghị định thư đang có hiệu lực hiện hành của WTO về “tiêu chuẩn lao động tối thiểu”, thì các quốc gia đang phát triển đứng bên lề cạnh tranh thương mại thế giới do sử dụng lao động giá rẻ, môi trường lao động không lành mạnh, thậm chí sử dụng lao động trẻ em... Đây là những vấn đề vẫn đang gây tranh cãi, mà thực chất cũng vẫn là âm mưu nhằm dựng lên hàng rào bảo hộ thương mại của các nước phát triển trước hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: WTO đang công khai ủng hộ các công ty xuyên quốc gia tại các nước phát triển trong vấn đề sở hữu trí tuệ. Vì thế, trong hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển phải cố gắng chống lại sự tác động tiêu cực của chủ trương bảo hộ sở hữu trí tuệ của WTO có lợi cho các nước phát triển, nhằm thiết lập sự cân bằng giữa việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ các quyền mà người dân Việt Nam đáng được hưởng trong hội nhập quốc tế.
Vấn đề bảo vệ quyền của người tiêu dùng: Tại không ít quốc gia, vấn đề này thậm chí đã trở thành vấn đề chính trị, ví dụ khi giá cả tăng cao (điện, thịt, sữa,...); chất lượng sản phẩm, dịch vụ thấp kém (ví dụ dịch vụ y tế,...). Ở Việt Nam, vấn đề này sẽ ngày càng hiện hữu lớn hơn và phức tạp hơn.
Vấn đề bảo vệ quyền của kiều dân nước ngoài định cư tại Việt Nam, của Việt kiều và các quan hệ của người Việt Nam có yếu tố nước ngoài, nói cách khác, vấn đề dân chủ cho người dân có yếu tố nước ngoài: Trong thời kỳ đổi mới, ngày càng có nhiều kiều dân nước ngoài, nhất là Việt kiều, đến Việt Nam kinh doanh, học tập, định cư hay kết hôn với người Việt và hàng chục vạn lao động Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài. Người nước ngoài không chỉ là đồng nghiệp, mà trở thành hàng xóm, thành người thân ở một bộ phận gia đình Việt Nam. Họ quan hệ và ứng xử với người Việt Nam không dựa trên nền tảng tư tưởng - lý luận, đạo đức, lối sống của Việt Nam. Thông thường, nhu cầu về quyền dân chủ và đòi hỏi của họ về cách thức bảo đảm quyền dân chủ không phải lúc nào cũng phù hợp với các chuẩn mực dân chủ hiện hành của Việt Nam. Từ đó, xuất hiện không ít vấn đề trong việc bảo vệ quyền dân chủ đối với họ, trong nỗ lực để phát triển thể chế dân chủ phù hợp với tiến trình mở rộng hội nhập quốc tế ở Việt Nam.
Bốn là, sự tác động đến việc gắn dân chủ với phát triển, an ninh - hòa bình và quyền con người
Cho đến nay, dân chủ vẫn được coi là “luật mềm”, và chưa có tính ràng buộc pháp lý, nhưng trong quan hệ quốc tế, nó luôn luôn được kết nối với phát triển, an ninh - hòa bình và quyền con người, vốn được coi là “ba trụ cột” tổ chức, hoạt động của Liên hợp quốc. Các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế, như WTO, WB, IMF,… đều nhất mực đẩy việc cam kết “cải thiện dân chủ, nhân quyền” lên thành yêu sách cho hợp tác, điều khoản nhận viện trợ hoặc kết nạp thành viên. Tức là luôn luôn sử dụng “tiêu chuẩn kép” về dân chủ, nhân quyền trong quan hệ quốc tế. Chính vì thế, dân chủ, nhân quyền vừa là lĩnh vực hợp tác, vừa là lĩnh vực đấu tranh gay gắt giữa các nước đang phát triển, nhất là các nước đi theo con đường XHCN, với các nước phương Tây và cả các tổ chức của Liên hợp quốc, vốn chịu áp lực và ảnh hưởng nhiều của các nước phương Tây.
Năm là, sự tác động của truyền thông và dư luận xã hội trong và ngoài nước đến với việc bảo đảm và giải quyết vấn đề dân chủ, nhân quyền
Với việc mở rộng nhanh chóng của internet, không ít người, đặc biệt giới trẻ, giao lưu với “màn hình phẳng” không kém gì giao lưu với đời sống thực tế. Trong sự phát triển nhanh chóng, thuận tiện của các phương tiện truyền thông và dư luận xã hội, đã bộc lộ những nhược điểm, như tính chủ quan, phiến diện và không rõ nguồn gốc; từ đó gây ra những “con sóng ngầm” cản trở sự đồng thuận xã hội trong quá trình xây dựng dân chủ XHCN, thậm chí còn hình thành những tư tưởng chính trị và cả những hoạt động trái với định hướng xây dựng nền dân chủ XHCN. Vì vậy, cần chú ý khai thác những khía cạnh tích cực của truyền thông và dư luận xã hội để cùng tham gia vào các hoạt động bảo đảm và giải quyết các vấn đề dân chủ, đồng thời hạn chế các “rác thải” thông tin và các hình ảnh phản cảm, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Sáu là, sự tác động của “chiến lược diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với công cuộc đổi mới nói chung và quá trình xây dựng dân chủ XHCN nói riêng, ở Việt Nam
Hội nhập quốc tế của Việt Nam không chỉ diễn ra trên lĩnh vực kinh tế. Vì thế, không chỉ trong kinh tế thị trường, mà trong những lĩnh vực khác của đời sống xã hội, kể cả trong lĩnh vực dân chủ, ở mức độ nhất định, cũng diễn ra hội nhập quốc tế.
Biểu hiện của hội nhập quốc tế là chuyển giao công nghệ, là sự truyền bá các loại hình văn hóa đại chúng (phim ảnh, ca nhạc, thời trang...), các dòng người du lịch, sự phổ cập tiếng Anh, sự bùng nổ thông tin qua mạng internet, các doanh nghiệp nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế, khách sạn và nhà ở của người nước ngoài,...
Trong lĩnh vực dân chủ, trong hội nhập quốc tế, không chỉ có quan hệ đồng chí, mà có cả quan hệ bầu bạn và quan hệ đối tác - đối tượng, ví dụ với các trào lưu dân chủ - xã hội, và các trào lưu mác-xit và XHCN ở phương Tây. Đây là một thách thức và cũng là cơ hội thường trực đối với quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN.
Những biểu hiện nêu trên của hội nhập quốc tế, đều tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, lối sống của người Việt Nam nói chung, đến việc nhận thức và thực hành dân chủ nói riêng. Trong tình hình ấy, tư tưởng con người rộng mở hơn, thích nghi và chấp nhận sự khác biệt về tư tưởng, văn hóa hơn nhằm tiếp cận sát thực hơn tư tưởng dân chủ của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, do đó mà cũng trung thành một cách sáng tạo hơn với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ; nhưng cũng sẵn sàng, chủ động là bạn, là đối tác với các trào lưu mác xít phương Tây, các trào lưu XHCN ngoài CNXH khoa học, trào lưu dân chủ - xã hội và tư tưởng dân chủ của các đảng cầm quyền trên thế giới. Ngoài ra cũng không loại trừ tình trạng “tự diễn biến hòa bình” về tư tưởng dân chủ ở một bộ phận người Việt Nam, ví dụ thông qua internet.
Bảy là, sự tác động của những vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng dân chủ XHCN
Chẳng hạn, việc tổ chức các cuộc họp tại các thôn, tổ dân phố khi Nghị định về quy chế dân chủ cơ sở mới được ban hành vào năm 1998, nhưng họp xong thì xem như là xong, một cách hình thức, không có nhiều thay đổi thực chất. Hình thức còn thể hiện ở chỗ công chức nói suông về sự tham gia, và cho phép người dân phát biểu nhưng ít có những hành động nối tiếp trên cơ sở những gì mà người dân đã kiến nghị. Cũng chưa có động lực khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân. Hình thức còn thể hiện ở chỗ: số lượng cuộc họp trở thành chỉ số thể hiện thành công, mà không có chỉ báo đánh giá về chất lượng của thảo luận hay về thông tin được trao đổi trong các cuộc họp.
Việc thực hiện một cách hình thức quá trình tham gia của người dân cũng phần nào do thiếu nguồn lực. Chẳng hạn, không có đủ kinh phí để in tất cả những thông tin mà người dân cần hoặc để tổ chức thêm các cuộc họp. Cán bộ cơ sở muốn được tập huấn về các chính sách mới, nhất là các kỹ năng cần thiết, nhưng lại không có phương tiện để thực hiện và cách tập huấn hầu như chỉ tập trung vào những vấn đề có tính lý luận.
Hiện có một số ý kiến cho rằng người dân thụ động và không mong muốn tham gia tích cực vào công tác quản lý ở địa phương và cho rằng tình hình này là do sự tác động của kinh tế thị trường khiến nhiều người chỉ lo bươn trải kiếm tiền, mà thoái thác tham gia vào các công việc chung. Nhưng trong một số cuộc phỏng vấn ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cán bộ phường nói rằng, họ cảm thấy có sức ép từ phía người dân về việc cải thiện kết quả hoạt động của chính quyền và người dân phê bình về việc không thông báo công khai ngân sách phường đúng chỗ, đúng thời điểm. Thực tế đó cho thấy, người dân nhiệt tình, nhất là khi họ có cơ hội được tận mắt chứng kiến kết quả tham gia của họ, ví dụ tham gia vào một chương trình xóa đói giảm nghèo hay xây dựng kết cấu hạ tầng ở thôn, ấp…
Một lý do chính giải thích cho sự tồn tại dai dẳng của bệnh hình thức trong việc tham gia thực hiện dân chủ là cơ hội để công dân phản ánh còn hạn chế. Các quy định về việc thu thập “ý kiến nhân dân” chủ yếu vẫn dựa vào việc trưởng thôn (hay tổ trưởng tổ dân phố) và các tổ chức đoàn thể chủ động hỏi ý kiến người dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn chưa có khả năng thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn giao cho họ như tổ chức Ban Thanh tra nhân dân, bầu cử HĐND và trưởng thôn (hay tổ trưởng tổ dân phố), tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ được bầu, và truyền tải ý kiến của người dân lên các cấp cao hơn. Các tổ chức đoàn thể có vai trò chủ yếu là “huy động nhân dân” và “chất vấn, giám sát cán bộ địa phương”. Nhưng hiện chưa có cơ chế rõ ràng để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của họ và giải quyết vấn đề nảy sinh, nếu ý kiến của người dân và Mặt trận Tổ quốc không được chính quyền địa phương chấp nhận./.
Hưu trí = HT = Hết tất ?  (15/04/2014)
Thảo luận hai dự án: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Luật Công an nhân dân (sửa đổi)  (15/04/2014)
Tổng Bí thư Việt Nam coi trọng tăng cường hợp tác với Vương quốc Maroc  (15/04/2014)
Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga sang thăm chính thức Việt Nam  (15/04/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên