TCCSĐT - Tiếp tục Phiên họp thứ 27, ngày 15-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

* Sáng ngày 15-4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

 
 Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Tờ trình về việc chuẩn bị dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; kế thừa và phát triển Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành; bảo đảm sự ổn định, đồng bộ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Dự thảo Luật trình lần này có sự điều chỉnh lớn về bố cục so với Luật hiện hành, gồm 6 chương với 133 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; hoạt động của Quốc hội và kỳ họp Quốc hội (Chương I); Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội (Chương II); Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội (Chương III); đại biểu Quốc hội (Chương IV); Các cơ quan thuộc Quốc hội (Chương V) và điều khoản thi hành (Chương VI).

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai và nhiều ý kiến khác đề nghị trong lần sửa đổi này nên pháp điển một bước các quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để thuận tiện cho việc thực hiện.

Theo đó, cần nghiên cứu thu hút các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức công việc, mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác trong Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội vào Luật Tổ chức Quốc hội.

Các nội dung chi tiết về trình tự, thủ tục, lề lối làm việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ quy định trong các văn bản khác.

Bàn về số lượng các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Kim Khoa tán thành với phương án một do Ban soạn thảo đề xuất, tiếp tục quy định cụ thể về số lượng, tên gọi các Ủy ban cùng lĩnh vực được phân công phụ trách, như cách quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Đồng thời, tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguồn lực để các Ủy ban bảo đảm hoạt động.

Đại biểu cho rằng cần có những quy định để làm rõ chức năng và tăng cường vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Trên cơ sở đánh giá vai trò đặc thù của Hội đồng Dân tộc, một số ý kiến cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu, thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc cũng như những nét khác biệt của Hội đồng Dân tộc so với các Ủy ban của Quốc hội trong dự thảo Luật.

Nhận xét Hội đồng Dân tộc là một thiết chế đặc biệt của Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu phương án bổ sung thêm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện là người dân tộc vào Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Số lượng và thành phần đại biểu bổ sung do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Những đại biểu này được tham gia vào hoạt động của Hội đồng Dân tộc và nói lên tiếng nói của dân tộc mình.

Đồng thời, đại biểu Ksor Phước đề nghị bổ sung thêm nội dung Hội đồng Dân tộc được thẩm tra các dự án về chính sách dân tộc và các dự án khác có liên quan tới vấn đề dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị dự thảo luật cần thể chế hóa các nội dung quy định trong Hiến pháp năm 2013 về Hội đồng Dân tộc.

Cụ thể, dự thảo luật cần quy định việc Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc...

Xung quanh nội dung Đoàn đại biểu Quốc hội, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là một cơ quan của Quốc hội mà chỉ là hình thức phối hợp hoạt động của các đại biểu Quốc hội được bầu trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ đại biểu, đặc biệt là trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội có trụ sở, văn phòng giúp việc và có kinh phí hoạt động theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một số ý kiến đề nghị giữ như Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, chỉ coi đây là một hình thức để đại biểu Quốc hội cùng được bầu trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các hoạt động của đại biểu.

Trong điều kiện đa số đại biểu Quốc hội vẫn hoạt động kiêm nhiệm, chưa có cơ chế để đại biểu Quốc hội có bộ phận giúp việc riêng thì cần tái lập, tăng cường bộ máy, năng lực cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương để giúp việc chung cho các đại biểu Quốc hội được bầu trong cùng địa bàn cấp tỉnh.

Có ý kiến đề nghị cần tăng trách nhiệm của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và mối quan hệ của Trưởng đoàn với với địa phương để tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Đoàn đại biểu.

Tại phiên họp buổi sáng 15-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những vấn đề cụ thể, như việc nâng cấp Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng bầu cử quốc gia và việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội...

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện dự án Luật để gửi xin ý kiến của Chính phủ và gửi đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật sẽ được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 vào tháng Năm tới đây.

* Cùng ngày (chiều 15-4), thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo luật cần làm rõ và quy định chặt chẽ, cụ thể hơn việc phong hàm Tướng trong lực lượng Công an nhân dân.

 
 Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi, đánh giá dự thảo đã được hoàn thiện thêm một bước, nhưng Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, quy định trong dự thảo về việc xác định vị trí có nhu cầu cấp hàm Tướng trong Công an nhân dân chưa chặt chẽ; dự thảo cũng chưa ấn định thời hạn xét thăng cấp bậc hàm cấp Tướng; chưa thống nhất cấp bậc hàm tương đương giữa Công an, Quân đội tại 7 tỉnh, thành phố đặc thù trực thuộc Trung ương.

Đa số các ý kiến đề nghị việc quy định chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng cần nghiên cứu quán triệt đầy đủ tinh thần Thông báo của Bộ Chính trị để bảo đảm chặt chẽ, cụ thể trong dự thảo Luật về các tiêu chí xác định vị trí có nhu cầu sĩ quan cấp Tướng (căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động, quy mô, phạm vi quản lý của đơn vị). Bên cạnh đó, dự án Luật phải bảo đảm thống nhất cấp hàm tương đương giữa Công an và Quân đội ở cấp tỉnh; bảo đảm quy định cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc. Các ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật đưa vào dự thảo thời hạn xét thăng quân hàm cấp Tướng; nghiên cứu việc quy định tách lương khỏi cấp hàm.

Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, việc quy định trần quân hàm cấp tướng cần tính đến một số tỉnh sắp tới sẽ chuyển thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị cần áp dụng trần Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh có dân số từ 3 triệu người trở lên, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có trần Trung tướng; đồng thời lưu ý ưu tiên quân hàm đối với các vị trí chiến đấu có nguy cơ cao xảy ra thương vong, không nên ưu tiên khối văn phòng.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý, thời hạn thăng quân hàm từ Thiếu tướng lên Trung tướng nên được quy định cụ thể trong dự thảo Luật, có tính đến yếu tố lập thành tích xuất sắc, thăng quân hàm trước niên hạn. Việc quy định trần quân hàm cần chặt chẽ nhưng linh hoạt, nhất là đối với những địa bàn đông dân cư, tình hình an ninh trật tự phức tạp.

Tán thành việc quy định chặt chẽ trong phong thăng hàm cấp Tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng dự thảo cũng cần quy định cơ chế giải quyết đối với những trường hợp đã được phong Tướng trước khi Luật Công an nhân dân sửa đổi có hiệu lực.

Cho ý kiến về quy định về trần quân hàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị dự thảo quán triệt sâu sắc và toàn diện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; thống nhất phù hợp với các luật liên quan, đặc biệt là phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

“Phải giải thích rõ ràng, cụ thể trong Luật lý do ấn định trần quân hàm đối với mỗi chức vụ, vị trí công tác để bảo đảm thực thi đúng quy định trong thực tế”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát một số quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân, làm rõ vai trò, thẩm quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đối với việc thăng, giáng quân hàm; bổ nhiệm chức vụ đối với sĩ quan Công an nhân dân.

Bên cạnh nội dung thăng, giáng quân hàm trong lực lượng Công an nhân dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về đánh giá thí điểm mô hình Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy; làm rõ địa vị pháp lý của Công an xã tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cơ quan soạn thảo cần tiến hành đánh giá, tổng kết việc triển khai Pháp lệnh Công an xã trước khi đưa lực lượng này vào Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) là dự án luật quan trọng đã 3 lần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, mới đây nhất là tại Phiên họp thứ 22.

Tiếp thu ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung hướng đến mục tiêu hoàn thiện cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dự án luật mới phải sửa đổi, khắc phục hết các nhược điểm cũng như phát huy những điểm tốt của Luật Công an nhân dân hiện hành; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

* Trước đó, sáng 14-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 27. Phiên họp dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 24-4 với nhiều nội dung quan trọng.

Phát biểu khai mạc phiên họp sáng 14-4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 13 dự án luật, xem xét về công tác giám sát, chương trình xây dựng pháp luật và một số nghị quyết quan trọng khác.

Ngay trong phiên khai mạc, sáng 14-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Chiều 14-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Dạy nghề./.