1. Thách thức của Liên hợp quốc tại Ha-i-ti

Ngày 18-1-2010, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã tới Thủ đô Port-au-Prince của Ha-i-ti. Đến đâu ông cũng nghe thấy người dân Ha-i-ti kêu gào “Thức ăn đâu? Trợ cấp đâu?”. Theo ông Ban Ban Ki-moon, việc cung cấp thực phẩm hàng ngày cho hai triệu người là “một thách thức to lớn” và Liên hợp quốc sẽ nỗ lực nhanh chóng tới mức có thể để phân phát hàng cứu trợ cho người dân. Hiện tại, công tác cứu trợ đang bị cản trở phần nào do tình trạng hậu cần tắc nghẽn. Điều phối viên về Trợ giúp Nhân đạo của Liên hợp quốc, Kim Bô-dúc nói, việc chuyển hàng cứu trợ từ máy bay tới nhân viên tổ chức của ông vẫn gặp một số trở ngại do sân bay của Ha-i-ti hiện đang bị tê liệt. Cảng biển cũng bị hư hại nặng nề. Trong khi đó xác người và bê tông đổ nát làm tắc nghẽn đường giao thông. Tuy vậy, thực phẩm và nước uống hiện đang được chuyển tới một số nơi của Thủ đô Port-au-Prince. Những người thoát chết sau trận động đất tỏ ra tuyệt vọng khi đợi lâu không thấy hàng cứu trợ. Nhiều người tìm cách rời thành phố và hiện đang có quan ngại về an ninh trước thông tin về cảnh hôi của.

2. Dư luận Mỹ bị chia rẽ sau một năm cầm quyền của Tổng thống Ba - rắc Ô-ba-ma

Ngày 19-1-2010, theo kết quả thăm dò dư luận trên mạng “Chính trị minh bạch và thực tế” (Real Clear Politics), vào thời điểm một năm sau ngày nhậm chức, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống B.Ô-ba-ma đã tụt xuống vị trí thứ 9 trong số 11 tổng thống Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là điều bất ngờ vì vào thời điểm nhậm chức, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông B.Ô-ba-ma là 67%, đứng thứ 5 trong số 11 tổng thống. Sau một năm, tỷ lệ này giảm xuống còn 50%. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát do Tổ chức Nghiên cứu Dư luận của Mỹ tiến hành mới đây lại cho thấy, có 47% ý kiến đánh giá năm đầu cầm quyền của Tổng thống là thành công. Lý giải về vấn đề này, Giám đốc bộ phận phụ trách thăm dò dư luận của tập đoàn truyền thông Mỹ CNN, ông Kít-tinh Hô-lân (Keating Holland) cho rằng, trên phương diện cá nhân, ông B.Ô-ba-ma vẫn được tín nhiệm, song ông đã bị mất điểm trong các vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia như: việc đóng cửa nhà tù Goan-ta-na-mô, vấn đề Áp-ga-ni-xtan, I-rắc… Trước mắt Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ là một loạt vấn đề khó khăn cần phải giải quyết như cải cách hệ thống y tế, thúc đẩy các nỗ lực tạo việc làm và phục hồi kinh tế Mỹ.

3. Dân số EU lần đầu tiên vượt 500 triệu người

Ngày 20-1-2010, theo thống kê mới nhất của các chuyên gia dân số và xã hội học Liên minh châu Âu (EU), dân số hiện nay của khối này, gồm 27 nước thành viên, đã lên tới 501,26 triệu người. Với 81.7 triệu người, Đức trở thành quốc gia đông dân nhất EU. Tháng 1-2009, dân số của EU chỉ mới gần 499,7 triệu người. Trong đó, Pháp có gần 64,7 triệu người, chiếm 13% dân số trong EU. Tiếp theo là Anh với hơn 62 triệu người. Đóng góp vào tỷ lệ tăng dân số trong năm qua của EU, phải kể đến số người nhập cư và di cư tới các nước thuộc khối này. Cùng với đó là số trẻ em được sinh ra: hơn 5,4 triệu trẻ được sinh ra trong năm 2009, trong khi số người chết là 4,8 triệu. Các chuyên gia cho biết, trong năm 2009, dân số của Đức vẫn là già nhất trong EU, đứng thứ 2 là I-ta-li-a. Nếu tính chung cả EU, tỷ lệ dân số có tuổi trên 65 chiếm 17% tổng dân số của khối này (so với năm 1998 là 15,3%).

4. Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc tiến hành vòng đối thoại mới

Ngày 20-1-2010, Chính phủ Hàn Quốc thông báo, Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên vừa bắt đầu vòng đối thoại mới ở cấp chuyên gia về vấn đề cải thiện hoạt động tại khu công nghiệp chung Kê-xâng. Trước đó, trong cuộc đối thoại đầu tiên hôm 19-1, của vòng đối thoại mới, hai bên đánh giá cao kết quả của cuộc khảo sát khu công nghiệp chung này. Theo kế hoạch, ngày 20-1, vòng đối thoại đầu tiên trong năm 2010 giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ kết thúc. Phái đoàn đàm phán Hàn Quốc dự kiến sẽ thông báo vắn tắt với báo giới về kết quả cuộc đối thoại, trước khi rời CHDCNDTriều Tiên về nước. Vòng đối thoại mới về hoạt động của khu công nghiệp chung Kê-xâng được đánh giá là bước đi tích cực mới trong tiến trình cải thiện quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, tiến trình này vẫn còn nhiều thách thức. Minh chứng mới nhất cho nhận định này là việc Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc bất ngờ ra tuyên bố với lời cảnh báo: Hàn Quốc sẽ tấn công phủ đầu CHDCND Triều Tiên, nếu CHDCND Triều Tiên có hành động rõ ràng sẽ tiến hành tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc.

5. Hiệp ước Cô-pen-ha-gen được Gia hạn đến 31-1-2010

Ngày 20-1-2010, Thư ký chấp hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Yvo De Boer nhấn mạnh, Hiệp ước Cô-pen-ha-gen là “văn kiện sống”, định hướng hành động của các nước. Đồng thời, là công cụ quan trọng để thúc đẩy các cuộc thương lượng, tiến tới Hiệp ước cuối cùng tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra ở Mê-xi-cô vào cuối năm 2010. Hiệp ước Cô-pen-ha-gen đã được Mỹ và nhiều nước khác vận động bên lề Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu ở Thủ đô Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch) hồi cuối năm 2009. Đến nay, đã có 9 nước thông báo sẽ ký Hiệp ước này là Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Pháp, Gha-na, Man-đi-vơ, Pa-pua Niu Ghê-ni, Xéc-bi-a, Xin-ga-po và Thổ Nhĩ kỳ. Mỹ, Bra-xin, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi tuy chưa thông báo chính thức nhưng đã phát đi tín hiệu sẽ ký thoả ước trên. Bên cạnh đó, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu và Ê-thi-ô-pi-a, Gre-na-da cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với thoả ước này. Thời hạn cuối cùng để các nước ký Hiệp ước Cô-pen-ha-gen về biến đổi khí hậu được ấn định vào ngày 31-1

6. Nga - Mỹ hoàn chỉnh START mới và bàn về GMD

Trong 2 ngày 21 và 22-1, đại diện của Nga và Mỹ thảo luận vấn đề hoàn chỉnh văn kiện mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I) đã hết hạn ngày 5-12-2009. Phát biểu trên đài phát thanh “Tiếng vọng Mat-xcơ-va” tối 20-1, Đại sứ Bây-li (Beyrle) tuyên bố cuộc đàm phán Mỹ - Nga về START mới đang ở giai đoạn kết thúc và hai bên đã thống nhất quan điểm về nội dung của văn kiện này. Tuy vậy, Mỹ không gắn START mới với vấn đề phòng thủ tên lửa, mà cho rằng cần phải giải quyết riêng biệt hai vấn đề này. Mỹ chủ trương thảo luận với Nga khả năng thành lập GMD, nhưng đó là một cuộc đàm phán khác, không liên quan đến START mới, và nó đã được hai bên bắt đầu tiến hành. Phía Nga chưa có bình luận gì về phát biểu của Đại sứ Mỹ Bây-li, nhưng cho tới nay, lãnh đạo Nga vẫn đòi Mỹ thảo luận cả gói hai vấn đề liên quan đến vũ khí tiến công chiến lược và vũ khí phòng thủ chiến lược. Ngoại trưởng Nga X. La-vrốp ngày 22-1 tuyên bố, Nga và Mỹ sẽ nối lại các cuộc đàm phán về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (gọi tắt là START), vào tháng 2 năm nay.

7. Châu Á tăng cường hợp tác về an ninh hạt nhân

Ngày 22-1-2010, các quan chức từ 16 nước châu Á gồm 9 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ca-dắc-xtan, Cru-gít-xtan, Ta-gi-kít-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan đã nhóm họp hội nghị về an ninh hạt nhân trong khu vực, tổ chức ở Thủ đô Tô-ky-ô, Nhật Bản. Tại hội nghị, các quan chức đã nhất trí hợp tác đối phó với nguy cơ khủng bố bằng vũ khí hạt nhân trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân theo sáng kiến của Mỹ, dự kiến vào tháng 4-2010. Các quan chức nhấn mạnh nguy cơ nhiên liệu hạt nhân bị sử dụng vào những mục đích xấu là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với hòa bình thế giới, đồng thời bày tỏ cam kết đẩy mạnh hợp tác để châu Á trở thành một khu vực kiểu mẫu trên thế giới về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và đảm bảo an ninh hạt nhân. Các đại biểu dự hội nghị ghi nhận "tiến bộ đáng kể" trong lĩnh vực an ninh hạt nhân ở châu Á kể từ hội nghị tương tự gần đây nhất, được tổ chức vào năm 2006, song cho rằng cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này, trong đó có việc chia sẻ thông tin. Theo IAEA, an ninh hạt nhân bao gồm ngăn chặn hành động đánh cắp, buôn bán trái phép nguyên liệu hạt nhân và các chất phóng xạ khác, bảo vệ các cơ sở hạt nhân trước sự phá hoại và các hành động thù địch.

8. Tổng thống Bô-li-vi-a nhậm chức nhiệm kỳ mới

Ngày 22-1-2010, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người ủng hộ và nhiều khách mời quốc tế, Tổng thống Bô-li-vi-a Ê-vô Mô-ra-lét đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới với thời gian 5 năm, đồng thời tuyên bố khởi đầu "Nhà nước đa sắc tộc" Bô-li-vi-a mới theo bản Hiến pháp mới được người dân quốc gia Nam Mỹ này thông qua hồi tháng 2-2009. Trong cuộc bầu cử tháng 12-2009, nhà lãnh đạo theo đường lối cánh tả đã giành thắng lợi áp đảo trước 7 đối thủ khác với 64,22% phiếu bầu. Ông E.Mô-ra-lét, 50 tuổi, là Tổng thống thứ 84 của Bô-li-vi-a và là vị nguyên thủ đầu tiên có nguồn gốc thổ dân, cộng đồng chiếm tới trên 60% dân số của quốc gia Nam Mỹ này. Trong 4 năm cầm quyền vừa qua, ông đã thúc đẩy việc phục hồi quyền sở hữu quốc gia đối với các nguồn tài nguyên chính như: đất đai, nguồn nước, khí đốt, dầu mỏ và khoáng sản. Theo giới quan sát, những mục tiêu chính của Tổng thống Mô-ra-lét trong nhiệm kỳ mới sẽ là tiến hành cải cách thể chế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhằm mở rộng quy mô ngành dầu khí - vốn được coi là trụ cột của nền kinh tế Bô-li-vi-a, đẩy mạnh hoạt động khai thác nguồn khoáng sản li-ti với trữ lượng hiện chiếm tới hơn 50% trữ lượng li-ti toàn cầu.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý (từ ngày 11 đến ngày 17-1-2010)