Trường mầm non xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương được xây dựng khang trang theo tiêu chí
 nông thôn mới - Ảnh: PV
TTCS - Trong khi cả nước mới có 11 xã làm điểm mô hình nông thôn mới, thì riêng Thái Bình đã chủ động thực hiện tại 8 xã, giống như một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, nhằm thay đổi thực sự đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.

Bắt đầu từ công tác quy hoạch

Diện mạo nông thôn Thái Bình đã có nhiều đổi mới. Nhưng phải thừa nhận rằng, do chưa có quy hoạch nên dù như một bức tranh đa sắc vẫn thiếu bố cục, trật tự, gam màu trầm của làng quê còn lạc hậu vẫn chiếm vị trí chủ đạo.

Thực tiễn xây dựng nông thôn những năm trước đây tại Thái Bình cho thấy, thiếu quy hoạch, nặng về xây dựng hạ tầng thuần túy đã làm quá trình thực hiện hiệu quả không cao. Các xã không quy hoạch tổng thể, cần đâu làm đấy, giải quyết tạm thời những bức xúc trước mắt mà chưa phục vụ cho lâu dài. Có thể nói, nút thắt đầu tiên của việc xây dựng nông thôn chính là quy hoạch. Không có quy hoạch cũng như phải dò đường trong bóng tối, dẫn đến chắp vá, thiếu đồng bộ.

Xây dựng nông thôn mới là vấn đề chiến lược nhưng cấp bách. Muốn đạt được điều đó thì công tác quy hoạch phải đi trước một bước, mở đường, để phát triển dài hạn một cách có hệ thống, qua đó tạo sự đồng bộ, hơn nữa là căn cứ để địa phương dễ thực hiện, nhất là trong điều kiện trình độ cán bộ cơ sở về quy hoạch, xây dựng còn hạn chế.

Trên cơ sở chuẩn quy hoạch nông thôn của Trung ương, Bộ Tiêu chí nông thôn mới do tỉnh ban hành với 19 điểm yêu cầu, 40 nội dung, Thái Bình tiến hành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết tại tất cả các xã trong tỉnh, trước mắt tập trung tại 8 xã làm điểm. Nội dung quy hoạch bao gồm, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất (hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng...); quy hoạch dân cư nông thôn (mạng lưới dân cư, điểm dân cư, trung tâm xã, công trình xã hội - kỹ thuật như: nhà văn hóa, trạm y tế, sân thể thao, đường giao thông, nước sạch, điện...). Việc quy hoạch theo phương thức, Ủy ban nhân dân xã làm chủ đầu tư dự án lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt, nguồn vốn do ngân sách tỉnh và huyện bảo đảm. Quy hoạch vừa mang tính định hướng, nhưng vừa có những hướng dẫn cụ thể, linh hoạt, giúp các địa phương cải tạo, xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình.

Quy hoạch chung phải tạo diện mạo tổng thể của từng cơ sở. Ví dụ, những vùng sản xuất hàng hóa lớn, những cụm, điểm dân cư tập trung. Đồng thời, quy hoạch hết sức chi tiết đến từng bờ vùng, bờ thửa, giao thông nội đồng, trạm y tế, trường học, đường giao thông liên thôn, xóm... Chẳng hạn, phải xác định rõ vùng sản xuất hàng hóa trồng gì, nuôi gì, trên cơ sở khảo sát thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường, rồi đưa máy móc, khoa học - kỹ thuật cụ thể nào vào phục vụ sản xuất, đặt trên cơ sở các chỉ tiêu kỹ thuật, như bờ vùng phải cách bờ vùng 500m - 800m, mặt bờ vùng rộng 3,5m - 4m, đồng thời là đường giao thông khép kín phục vụ xe xơ giới; khu trung tâm thể thao khoảng 8.000m2 - 12.000m2; đường ngõ xóm bề rộng lòng đường ít nhất 3,5m - 4m, bảo đảm cho xe cứu thương, cứu hỏa có thể vào được...

Quy hoạch cũng đồng thời gắn với giải quyết những vướng mắc trong đời sống nhân dân nảy sinh từ quá trình thực hiện. Hiện nay, nhiều vùng nông thôn Thái Bình, tình trạng các hộ gia đình sống rải rác, không tập trung (các trại lẻ) vẫn còn phổ biến. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với quá trình quy hoạch là phải dồn các trại lẻ về mạng lưới điểm dân cư tập trung để nhường đất cho các vùng sản xuất hàng hóa, dù việc này gặp không ít khó khăn, nhất là di dời những hộ đã bao đời sinh sống trên đất đai ông cha để lại, định hình các thói quen sinh hoạt, tập quán, lề thói. Ngoài ra, tình trạng đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún (bình quân hộ chỉ hơn 2.000 m2, chia ra tới 3 - 5 thửa), gây cản trở rất lớn cho việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; việc di dời nghĩa trang nhỏ lẻ, nằm sát khu dân cư, vấn đề xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi.... cũng đòi hỏi công tác quy hoạch phải giải quyết hợp lý.

Hiện nay, tại các xã làm điểm đã hoàn thành quy hoạch chung vùng sản xuất hàng hóa và khu dân cư, đang hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết. Trên cơ sở quy hoạch, các xã đã nhanh chóng triển khai trong thực tiễn, tổ chức các vùng sản xuất tập trung ngay trong vụ mùa năm 2009, như: xã Nguyên Xá trồng 123 ha lúa BC 15, An Ninh 120 ha lúa Bắc thơm, Quỳnh Minh 52 ha ớt... Tiến tới, phấn đấu lập quy hoạch xong đối với các xã còn lại của tỉnh trong năm 2010.

Có thể nói, quy hoạch khoa học, vừa tổng thể, vừa chi tiết đã không chỉ mở đường, tạo thuận lợi cho việc triển khai ở cơ sở, mà còn bước đầu khơi thức được các tiềm năng về đất đai, lao động ở nông thôn, phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới.

Hiện đại trong lòng truyền thống

Quan điểm của Thái Bình trong xây dựng nông thôn mới là bảo đảm tính kế thừa, phát triển bền vững, vừa mang tính hiện đại, vừa giữ gìn đặc trưng, bản sắc văn hóa của mỗi địa phương.

Có giai đoạn, xây dựng nông thôn mới được nhiều cán bộ, người dân đồng nhất với việc xây dựng hạ tầng, thiếu các nội dung khác, quan niệm nông thôn mới là cuộc cách mạng "bê-tông hóa", từ đó làm phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái. Cái hồn làng quê Việt vốn kết tinh hàng nghìn năm và thẩm thấu trong nếp ăn, nếp ở, phong tục, tập quán, kiến trúc, những thiết chế văn hóa làng xã..., tạo nên bản sắc riêng có mỗi vùng, miền. Việc giữ gìn truyền thống do đó có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là đối với vùng đất giàu bản sắc văn hóa như Thái Bình, nơi mà chỉ tính riêng các di tích văn hóa, lịch sử đã có tới hơn 2.150 công trình.

Giống như một cuộc "đại phẫu", nhưng không phải là cắt gọt, loại bỏ hoàn toàn, mà chỉ lược bỏ những điều lạc hậu, bổ sung những cái còn thiếu, xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình đan xen giữa yếu tố mới và truyền thống, hiện đại nằm trong lòng cổ truyền. Vẫn bên dưới những mái nhà truyền thống, nhưng cuộc sống người dân được nâng cao hơn, thụ hưởng các tiện nghi, trang thiết bị sinh hoạt đầy đủ hơn. Nông thôn mới không theo nghĩa phủ định sạch trơn quá khứ, mà ngược lại chính là sự kế thừa truyền thống để phát huy, phát triển, cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, giảm dần khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.

Những thay đổi, chuyển mình từng ngày đã nhận thấy ở nhiều địa phương của Thái Bình. Điển hình là xã Thanh Tân (Kiến Xương). Đến với Thanh Tân, cảm nhận rõ diện mạo của một nông thôn hiện đại, người dân thực sự bắt nhịp với cuộc sống mới. Hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật của xã đang được đầu tư đồng bộ với tốc độ cao, phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Điện sinh hoạt bao gồm 6 trạm biến áp công suất 740 kVA, tiếp tục nâng cấp bảo đảm 100% số hộ được dùng điện chất lượng; đang tiến hành dự án nước sạch theo chương trình đầu tư của Ngân hàng Thế giới, sẽ cung cấp nước sạch cho 100% số hộ gia đình; kênh mương, giao thông nội đồng được kiên cố hóa, đường liên thôn, ngõ xóm khang trang; hệ thống nhà văn hóa, nhà truyền thống, sân vận động, trường mầm non, bể bơi... đã và sẽ được xây dựng khang trang, bề thế. Trong sự phát triển hiện đại đó, các phong tục tập quán tốt đẹp vẫn được giữ gìn, tính cố kết cộng đồng làng xã thêm bền chặt trong quá trình chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao tính tự chủ của người nông dân, cộng đồng

Người nông dân là chủ thể, cũng vừa là đối tượng của quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng trước đây, họ lại gần như đứng ngoài cuộc của quá trình này. Đó chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hiệu quả thấp của một giai đoạn dài.

Trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc nâng cao năng lực cộng đồng có vai trò quan trọng, không chỉ đào tạo nghề mà còn trang bị cho người nông dân những kiến thức cần thiết để tham gia vào quá trình này, thích nghi với lối sống mới. Có thể nói, mục tiêu từng bước tri thức hóa người nông dân đang được thực hiện như là mấu chốt trong nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới, dù không phải một sớm, một chiều có thể làm ngay được.

Mô hình nông thôn tiên tiến phải được dựa trên nền tảng cơ bản: nông dân có tri thức. Họ phải có trình độ khoa học về thổ nhưỡng, giống cây trồng, hóa học, phân bón, thuốc trừ sâu, quản lý dịch bệnh, bảo quản sau thu hoạch, kinh tế nông nghiệp, sử dụng nông cụ máy móc... Khi người nông dân được trang bị kiến thức sẽ thúc đẩy họ tự tin, tự quyết, đưa ra sáng kiến, tham gia tích cực để tạo ra một nông thôn mới năng động hơn, thực sự phát huy vai trò làm chủ của mình, nhất là trong việc bàn bạc, lựa chọn mô hình, giám sát quá trình thực hiện, quản lý, sử dụng các công trình...

Xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình với phương châm dựa vào sức dân để lo cho dân, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực tài chính trong cộng đồng. Đặc biệt, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp liên quan tới sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân là bạn hàng, đầu tư vào hạ tầng nông thôn doanh nghiệp sẽ thu lợi từ chất lượng nông phẩm. Thực tiễn cho thấy, khi tính tự chủ của người dân được nâng lên, họ tham gia tích cực và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng nông thôn mới. Tại Thanh Tân, người dân không chỉ đóng góp bằng ngày công mà còn hiến đất cho các công trình công cộng, các thôn trong xã dấy lên phong trào thi đua góp sức xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới là quá trình bền bỉ, lâu dài, đích đến của nông thôn mới vẫn còn xa, bởi sự cản trở của nhiều khó khăn trước mắt. Nhưng với cách làm khoa học, bài bản và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân, diện mạo nông thôn mới của Thái Bình đang thay da, đổi thịt từng ngày./.