Con đường cứu nước thực tiễn Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Khi tất cả các cuộc khởi nghĩa đầu thế kỷ XX đều phải hứng chịu thất bại và trong điều kiện lịch sử dân tộc cũng như thế giới đang đặt ra những vấn đề thời đại thì Hồ Chí Minh đã xuất hiện. Người không chỉ kế thừa những truyền thống tốt đẹp của quá khứ dân tộc như nhiều nhà yêu nước khác đương thời mà còn vượt lên trên họ, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn nhất, đáp ứng tốt nhất những yêu cầu phát triển của lịch sử dân tộc.
1. Cuộc khủng khoảng đường lối đầu thế kỷ XX của cách mạng Việt Nam, nhìn một cách khái quát có thể rút ra hai kết luận: thứ nhất, bản thân cuộc khủng hoảng khẳng định tinh thần yêu nước và ý chí giành độc lập không gì dập tắt được của nhân dân Việt Nam, vì nếu nhân dân ta cam chịu nô lệ thì đã không có cuộc khủng hoảng ấy. Thứ hai, tính bất diệt của nền độc lập dân tộc, trong đó các điều kiện lịch sử đã hối thúc nhân dân ta phải đi tới cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thông qua việc lựa chọn những giải pháp lịch sử tích cực mang tính thời đại.
Nếu bám chắc vào các xu hướng vận động của lịch sử hồi đầu thế kỷ XX thì thời cuộc đã thay đổi. Khác xa với kẻ thù truyền thống, kẻ thù mới của dân tộc Việt Nam là chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc cấu kết với các thế lực phản động của lịch sử trung cổ, hiện ra như một sức mạnh tiên tiến hơn, hiện đại hơn trước một nước Việt Nam cũ của các vua cuối cùng dưới triều Nguyễn. Nền quân chủ phong kiến Việt Nam với thể chế chính trị Nho giáo chính thống từ cuối thế kỷ XIX đã hoàn toàn bất lực trước chủ nghĩa tư bản phương Tây. Có thể nói sai lầm trong chính sách đối ngoại của triều Nguyễn do ảnh hưởng của tư tưởng chính trị Nho giáo đã đưa đất nước trượt đi một cách chậm chạp trên con đường suy thoái. Sự lộng lẫy bề ngoài của các kiến trúc cung đình Huế che dấu bên trong một tình trạng đình trệ kinh tế sâu sắc, một chủ nghĩa dân tộc bảo thủ cực đoan và xơ cứng. Đó cũng là tình trạng chung của những quốc gia chịu ảnh hưởng của tư tưởng chính trị Trung Quốc truyền thống đang ở vào thời điểm không thể đáp ứng được với thời cuộc, bị động và lúng túng trước sức mạnh vật chất hóa của tư bản chủ nghĩa phương Tây.
Trước hành động xâm lược ngày càng được đẩy mạnh của thực dân Pháp, sau một thời gian chống cự yếu ớt, nhà nước phong kiến Việt Nam đó đã mất hết ý chí chống ngoại xâm và ngày càng đi vào con đường khuất phục đầu hàng Pháp. Ý thức yêu nước cuối cùng của một vài ông vua triều Nguyễn như Hàm Nghi (1884 – 1885), Thành Thái (1889 – 1907), Duy Tân (1907 – 1916) cũng bị thực dân Pháp vô hiệu hóa. Các cuộc khởi nghĩa nông dân mà tiêu biểu là khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo kéo dài hàng chục năm và tiếp đến là các phong trào đấu tranh mang màu sắc dân chủ tư sản đều lần lượt thất bại. Nghiên cứu về giai đoạn này của lịch sử Việt Nam, nhà sử học Italia Pino Tagliazudu Perugia nhận định: “Vào thời đại đó vấn đề chưa thật rõ ràng và nếu chính sách thuộc địa của Pháp theo gương người Anh để cho giai cấp tư sản bản xứ một khoảng không gian phát triển thì những người cải cách sẽ có thể là những người phát ngôn đích thực của giai cấp đó. Trái lại, bị bóp nghẹt trong trạng thái yếu đuối và lệ thuộc, giai cấp tư sản Việt Nam phải đương đầu cái logíc tư bản chủ nghĩa mà không bao giờ trở thành lãnh đạo dân tộc” (1).
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đã đặt ra những vấn đề thời đại của dân tộc và khắc khoải trong tâm tưởng các nhà cách mạng khi mà những cuộc khởi nghĩa cuối cùng đều phải hứng chịu thất bại. Đây chính là hiện thực xã hội, là động cơ thúc đẩy xu hướng vận động mới của lịch sử và khi nói rằng, dân tộc ta đã sinh ra Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại chính là theo ý nghĩa xã hội mà tiền đề là hiện thực ấy.
2. Lịch sử cũng cho thấy là không thể trông cậy vào lực lượng nào khác ngoài lực lượng của nhân dân ta để giành lấy nền độc lập dân tộc. Nhưng lực lượng đó còn đang vận động trong các phương thức cổ truyền. Về mặt lý thuyết, có thể giả định nếu không có sự xuất hiện của học thuyết cách mạng mác xít ở châu Âu, nếu không có Lênin và Cách mạng Tháng Mười, nếu không có hình thái Quốc tế của sự liên minh vô sản thế giới trong Quốc tế thứ ba, thì kết quả cuộc ra đi của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành có thể không dẫn tới sự xuất hiện nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Nhưng lịch sử thì không có giả định mà lại chứng minh rằng, trong hoàn cảnh quốc tế như vậy, nếu không có người con của một dân tộc có truyền thống yêu nước như dân tộc Việt Nam mà người con ấy lại không kế thừa đầy đủ truyền thống quý báu đó, không có một nhân cách lớn lao, một trí tuệ sáng suốt và một ý chí sắt đá quyết tìm bằng được con đường cứu nước thì lịch sử đã không diễn ra như nó vốn có.
Ngay tại Pháp, anh Nguyễn đã mở một đột phá khẩu cho con đường giải phóng dân tộc Việt Nam trong hiện thực đời sống thế giới đương đại, tiếp cận đến các phương thức hoạt động mới. Sự thật là bọn thực dân Pháp ở Đông Dương tỏ ra sợ hãi trước các tờ truyền đơn và sách báo của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc hơn là các cuộc khởi nghĩa tại Việt Nam mà về căn bản không khác gì các cuộc khởi nghĩa chống phong kiến trong lịch sử. Nói cho công bằng thì bọn chúng tỏ ra không lo ngại lắm trước lực lượng của cụ Đề Thám, vẫn triển khai làm đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn và dàn xếp một cuộc ngưng bắn tạm thời. Thế mà, chỉ một tờ "Le Paria" (Người cùng khổ) và các hoạt động tuyên truyền của nhà cách mạng hiện đại Nguyễn Ái Quốc đã làm rúng động một loạt quan chức chóp bu của chính quyền thực dân, đến nỗi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa phải mời Nguyễn Ái Quốc đến gặp và đe dọa, đồng thời có cả một mạng lưới theo dõi các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - con người chưa có một tấc sắt trong tay, “chỉ dựa vào lực lượng của chính nghĩa và cảm tình của giai cấp công nhân Pháp, nhất là công nhân Pa- ri” (2).
Thực dân Pháp đã kịp phát hiện ra một phác thảo tương lai con đường cứu nước mới của nhân dân Việt Nam qua các hoạt động theo một cách thức mới của Nguyễn Ái Quốc. Cách thức hay phương thức đó chính là phương thức thực tiễn Hồ Chí Minh đảm bảo cho nhân dân Việt Nam giành lại quyền sống của mình trong bối cảnh mới của đời sống chính trị thế giới hiện đại, khác với con đường của hai cụ Phan hay tấm gương hy sinh của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông. Đó là lý luận khoa học của chủ nghĩa cộng sản khoa học, là cương lĩnh về một phương thức nhân loại hiện đại hơn, bởi vì nó xuất phát từ bản chất thực tiễn của nhân loại. Mác đã nhấn mạnh rằng, người cộng sản là nhà duy vật thực tiễn. Lý luận cách mạng mà Mác, Ăngghen sáng tạo ra và sau này Lênin phát triển, là một phương thức cao hơn tư bản. Hạt nhân của hệ thống lý luận ấy là thực tiễn, là hoạt động con người và bản chất con người. Chính điều này đã lý giải một cách chính xác, nhờ trải qua thực tiễn mà khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc mặc dù chưa hề được học tập lý luận cách mạng Mác - Lênin nhưng đã tin theo ngay Lênin và Quốc tế III, không một chút do dự, như một lẽ tự nhiên (3).
Nguyễn Ái Quốc là người yêu nước. Yêu nước ở Nguyễn Ái Quốc là thế nào? Ngai vàng, hoàng đế như các vua chúa triều Nguyễn ư? Hay trở thành chính khách, thủ lĩnh, tổng thống? Ở Nguyễn Ái Quốc, yêu nước là yêu dân, thương dân - yêu dân như yêu chính mình, bà con mình, yêu những người nghèo khổ như mình - một người bồi tàu, quét tuyết, thợ ảnh... Một người mất nước và nghèo khổ đi làm cách mạng chiến đấu cho sự thay đổi thân phận nô lệ của dân tộc mình. Đây là nét riêng về cội nguồn của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Có thể nói, yêu nước và thương dân là hành trang đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc, trước khi Người đến với chủ nghĩa Mác như chính Người đã khẳng định: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” (4).
Chủ nghĩa Mác đến tự nhiên nhưng lại gắn với chủ nghĩa yêu nước, với đấu tranh giai cấp, gắn giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc (5). Đây là con đường phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam vì dân tộc Việt Nam chỉ đi con đường này mới đến thắng lợi. Sau này, khi đã giành được độc lập dân tộc rồi, trong tư tưởng Hồ Chí Minh độc lập dân tộc không đồng nghĩa với biệt lập hoặc cô lập với thế giới mà phải đi đôi với việc chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở xử lý đúng đắn quan hệ giữa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích quốc tế. Có thể nói, dân tộc - giai cấp - nhân loại là một chỉnh thể không đối lập trong tư tưởng - chính trị Hồ Chí Minh cũng như trong toàn bộ đường lối cách mạng của Người. Tại Đại hội XI của Đảng, tư tưởng này của Người tiếp tục được Đảng ta nâng cao và khẳng định: “Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương mở rộng hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, hòa bình, hợp tác và phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và Luật pháp quốc tế” (6).
3. Sau khi đã thành người cộng sản, con đường cứu nước đã hình dung trong tư tưởng mình thì con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa là lựa chọn đầu tiên và cũng là cuối cùng của Nguyễn Ái Quốc. Khác với Phan Bội Châu, lập trường được chuyển dịch sau những thất bại, qua nhiều lựa chọn, Nguyễn Ái Quốc chiêm nghiệm, suy ngẫm, tìm kiếm, bắt gặp và chỉ lựa chọn có một lần: cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, cuộc cách mạng nhân dân mang tính thời đại sâu sắc.
Việc xác định chủ thể của cách mạng là nhân dân, sau đó được chính xác hóa là nhân dân lao động, trước hết là công nhân và nông dân quy định toàn bộ các hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc trong tất cả các giai đoạn cách mạng. Hoàn thiện sứ mạng lịch sử ấy là công lao lịch sử vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là phương thức cơ bản nhất làm cho cuộc cách mạng của dân tộc ta trở thành một cuộc cách mạng tiên tiến của thời đại, là phương thức chủ yếu biến dân tộc Việt Nam thành một dân tộc hiện đại, hòa vào dòng tiến hóa chung của nhân loại. Chính vì thế mà con đường Hồ Chí Minh đã lựa chọn lúc nào cũng giữ nguyên ý nghĩa thời sự trong tất cả các giai đoạn cách mạng đã qua và sẽ tới. Có thể nói ngày nay nó trở thành nền tảng của tư duy chính trị và định hướng cho công cuộc đổi mới đang được đẩy mạnh ở nước ta.
Khi đặt vấn đề xây dựng chủ thể mới của cách mạng là nhân dân lao động, là cố kết cộng đồng ấy thành một cơ thể thống nhất, ý thức rõ rệt hoạt động của cộng đồng vào một xu hướng vận động chung, là một nhà cách mạng từng trải, giàu kinh nghiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ ảo tưởng trong cách đặt vấn đề và trong hoạt động. Công việc này Người làm suốt đời, không lúc nào ngừng, làm từng bước, bước sau có yêu cầu, cách thức cao hơn bước trước, dần dần đến giai đoạn chín muồi thì chuyển những đặc trưng cơ bản của nó thành một hình thức chính, một chế độ chính trị có hình thức pháp chế.
Đời sống xã hội cũng tuân theo tính tất yếu khắc nghiệt như đời sống tự nhiên nhưng có đặc thù là luôn luôn phản ánh kết quả trực tiếp của hoạt động con người. Sự nghiệp giành độc lập dân tộc, trước hết là kết quả hoạt động đấu tranh của toàn thể nhân dân Việt Nam, với tư cách là một cộng đồng dân tộc. Cộng đồng ấy chính là chủ thể hoạt động. Đó là đặc trưng đầu tiên của một cuộc cách mạng hiện đại, cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mối liên hệ nội tại của chủ thể cộng đồng là các quan hệ xã hội mà bản chất là các quan hệ về lợi ích. Nhưng cũng như chủ thể cá nhân, hoạt động của một chủ thể cộng đồng cũng phải được thống nhất trong sự chi phối chung của một cơ quan có chức năng không khác gì cơ quan thần kinh trung ương của chủ thể cá nhân. Trình độ và sức mạnh hoạt động của chủ thể tùy thuộc vào tính thống nhất có cơ cấu vận hành của nó, mà nếu không có thì cộng đồng người sẽ không khác gì bất kỳ một chủng loại nào khác. Hiện thực cách mạng ở nước ta đã khẳng định điều đó. Đảng Cộng sản Việt Nam rõ ràng là một trong những nguyên nhân cơ bản và quyết định nhất dẫn tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam, với tư cách là bộ tham mưu toàn diện của sinh mệnh cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã tạo ra từ cơ thể xã hội cổ truyền của nhân dân ta bộ tham mưu hiện đại cả từ bản chất và cơ chế cũng như khả năng và phương thức vận động, để cho Đảng gánh vác được vai trò trung tâm của chủ thể cách mạng và chính Người đã trực tiếp rèn luyện, lãnh đạo bộ tham mưu ấy. Có thể nói Người đã hóa thân vào trong hoạt động của Đảng, để đến lượt mình, Đảng lại hóa thân trong hoạt động cách mạng của hàng chục triệu người, biến đổi một xã hội cũ kỹ, lạc hậu thành một xã hội mới mà xu hướng phát triển là không thể đảo ngược, phản ánh rõ nét những giá trị phổ biến và trình độ văn hóa chung của nhân loại. Nếu dân tộc ta không vươn lên ngang tầm thời đại, không nhân bản hơn, văn minh hơn, không mạnh hơn kẻ thù thì đã không thể chiến thắng trước những thế lực đen tối được xem là có sức mạnh nhất thời đại và cách mạng Việt Nam cũng không thể đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Công lao lịch sử vĩ đại ấy trước hết thuộc về Hồ Chí Minh. Có thể nói, phương thức thực tiễn Hồ Chí Minh, phương thức được triển khai song song với quá trình vận động cách mạng, chính là bí quyết thành công và là sức sống tư tưởng - chính trị của Người.
Phương thức ấy hình thành trước hết trong tư duy sáng tạo Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ kinh nghiệm sống mà Người tích lũy được, từ những kho tàng kinh nghiệm và lý luận mà Người đã tiếp thu trên cơ sở thiên tư siêu việt, ở cá nhân vĩ nhân Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là đòi hỏi của hoạt động cách mạng, bởi vì hoạt động cách mạng là hoạt động mà ở đó bản chất, trình độ và phương thức đều phải đạt tới cấp độ thực tiễn rất cao. Do đó, tư tưởng - chính trị Hồ Chí Minh về mặt khách quan, chính là phản ánh các quy luật chủ yếu, các phương thức cơ bản của cuộc vận động cách mạng Việt Nam từ khi được hình thành cho tới thắng lợi ngày nay và các viễn cảnh của nó trong tương lai.
4. Vào những năm cuối cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể của cách mạng, đặt toàn bộ niềm tin yêu vào sức mạnh của nhân dân. Trong Di chúc tháng 5-1968, Bác viết ở đoạn cuối như một lời tổng kết: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” (7). Đồng thời Người cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với Đảng Cộng sản, bộ tham mưu chiến đấu, trung tâm lãnh đạo cách mạng và xã hội. Ngay từ lần viết Di chúc thứ nhất, ngày 15-5-1965, Người viết: “Trước hết nói về Đảng, nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (8).
Ba năm sau, vào tháng 5-1968 (trước khi qua đời hơn một năm), Người lại đặc biệt quan tâm đến vấn đề Đảng, ngay ở đoạn đầu của của bản Di chúc bổ sung này, Người viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi” (9).
Tóm lại, trong quá trình tiếp cận đến tư tưởng - chính trị Hồ Chí Minh, ở đâu, trong biểu hiện tư tưởng của Người, chúng ta thấy, từ lời nói đến việc làm và trong các chủ trương chính sách, tất cả đều xuất phát vì lợi ích của nhân dân, toát lên niềm tin yêu sâu sắc vào nhân dân và thắng lợi của cách mạng. Từ “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” năm 1919 viết trên đất Pháp gửi Hội nghị Versailles đến “Tuyên ngôn độc lập” (1945), “Hiến pháp 1946” và trong “Di chúc” của Người, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, thời gian nào chúng ta cũng cảm nhận được sự nhất quán và tin tưởng tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào lực lượng cách mạng to lớn của nhân dân. Dựa vào chủ thể nhân dân, xây dựng chủ thể nhân dân trên cơ sở đổi mới và chỉnh đốn Đảng, đó là phương thức căn bản để đạt tới các mục tiêu lý tưởng mà con đường cách mạng Hồ Chí Minh xác định. Tư duy về nhân dân và Đảng đã trở nên rất vững chắc và chi phối toàn bộ sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Người, đây là vấn đề trọng tâm. Nếu chúng ta hoàn tất được nhiệm vụ trọng tâm này thì xu thế mới của thời đại trên đất nước ta không thể bị đảo ngược và thắng lợi của công cuộc đổi mới vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ được thực hiện một cách chắc chắn. Vấn đề trọng tâm này trong tư tưởng - chính trị Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong bài học kinh nghiệm lớn mà Đảng ta đã chỉ ra tại Đai hội lần thứ XI vừa qua, đó là: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng Chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”(10)./.
------
(1): Hội thảo quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 156.
(2): Xem T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr.14.
(3): Ngày 16 và 17-7-1920 trên báo Nhân đạo đăng hai số liền: Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc thuộc địa của Lênin, trong chuyên đề Cách mạng dân tộc thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc - Người ra đi tìm ánh sáng cho dân tộc mình đã tìm được nguồn sáng. Đảng xã hội Pháp tiến hành đại hội từ ngày 25-12-1920 đến ngày 29-12-1920. Đảng xã hội chia rẽ làm hai phái: phái hữu và phái tả (70%). Nguyễn Ái Quốc ngồi về phía tay trái. 70% của phái tả ấy tách ra thành lập đảng cộng sản. 2h30 sáng ngày 30-12-1920, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên và cũng là một trong những người thành lập Đảng Cộng sản Pháp.
(4): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 1, tr. 128.
(5): Tháng 7-1935 Quốc tế cộng sản lần thứ VII họp, trong nước cử các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn (đại biểu chính thức) đi dự. Khi đoàn về Bác căn dặn: Các đồng chí phải giải phóng dân tộc đã, dân tộc chưa giải phóng thì giai cấp đến vạn năm cũng chưa giải phóng được. Nên thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất và không được hợp tác với tờ-rốt-kít (tả khuynh).
(6): Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 83-84.
(7), (8), (9): Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1989, tr. 43; 35-36; 41.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 65.
Mãi mãi làm theo lời Bác, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”  (19/05/2012)
Huế khánh thành tượng đài liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi  (19/05/2012)
Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 122 năm Ngày sinh nhật Bác  (19/05/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển