TCCS - Trong phiên giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành ngày 31-3-2009 bàn việc tập trung kích cầu tiêu dùng cho thị trường nông thôn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu là nhóm giải pháp gốc. Trong đó cần quyết liệt chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đây là nền tảng cho sự ổn định, kích cầu tiêu dùng, không để dịch bệnh tràn lan ở vật nuôi, cây trồng, không để tái diễn tình trạng “trúng mùa rớt giá”, người làm lúa có lãi trung bình khoảng 30%”. Đó là chủ trương hoàn toàn đúng. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ có ý nghĩa rất quan trọng.

1 - Kích cầu trong nông nghiệp - ưu tiên hàng đầu

Căn cứ vào tiềm năng và thế mạnh của nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân hiện nay và những năm tới, Việt Nam về cơ bản vẫn là nước nông nghiệp xét trên tất cả các tiêu chí kinh tế - xã hội. Nông nghiệp (theo nghĩa rộng bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản) tạo ra 21,99% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 3,8%/năm và duy trì tương đối ổn định, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1977 và khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Tuy cả nền kinh tế khó khăn, nhưng riêng năm 2008 nông nghiệp vẫn sản xuất khoảng 43,2 triệu tấn lương thực, trong đó có 38,6 triệu tấn lúa, gần một triệu tấn cà phê nhân khô, 600 nghìn tấn cao su, 3,5 triệu tấn thịt và 4,56 triệu tấn thủy sản. Nông nghiệp không chỉ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, an sinh xã hội, giảm đói nghèo mà còn cung cấp nhiều nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2008 đạt trên 16 tỉ USD(1), trong đó xuất khẩu gạo đạt 2,9 tỉ USD, cà phê đạt 2,02 tỉ USD, thủy sản đạt 4,56 tỉ USD.

Về xã hội, khu vực nông thôn vẫn chiếm 72% dân số cả nước, 54% lao động xã hội và cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm cho hơn 34 triệu lao động tại chỗ thuộc các hộ sản xuất, các trang trại, các làng nghề, khu vực này còn cung cấp lao động cho các các loại hình doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu kinh tế mở, khu chế xuất, lao động dịch vụ ở khu vực thành thị. Dân số nông thôn có 62,1 triệu người, với 14 triệu hộ, trong đó khu vực nông nghiệp chiếm 72% số hộ và 74% số khẩu nông thôn. Đến nay, có 10 triệu hộ, 114 nghìn trang trại và hơn 7 nghìn hợp tác xã, 40 nghìn tổ kinh tế hợp tác chuyên sản xuất và dịch vụ nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo cả nước. Nông nghiệp cũng là khu vực yếu thế dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai và biến động thất thường của thị trường thế giới. Chênh lệch thu nhập và đời sống giữa nông thôn, chủ yếu của nông dân, với thành thị còn cao và có xu hướng doãng ra nhanh hơn trong thời kỳ suy giảm kinh tế.

Về tiềm năng, đất đai, lao động nông nghiệp vẫn còn khai thác phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Tuy quỹ đất nông nghiệp giảm dần trong những năm qua do đô thị hóa và công nghiệp hóa, nhưng khả năng tăng vụ vẫn còn rất lớn. Đó là tăng diện tích lúa vụ 3 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ, tăng vụ đông ở vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và các tỉnh phía Bắc, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển, các hồ, đập thủy lợi, khai thác các ao, hồ còn hoang hóa, trồng rừng trên các vùng đất trống, đồi núi trọc ở trung du, miền núi để cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp và bảo vệ rừng đầu nguồn. Tiềm năng về chăn nuôi cũng còn nhiều. Hiện cả nước có 17 nghìn trang trại chăn nuôi quy mô tương đối lớn và hơn 10 triệu hộ chăn nuôi theo quy mô gia đình. Những năm gần đây do giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiếu vốn... nên nhiều trang trại và hộ gia đình đã thu hẹp quy mô sản xuất, diện tích chuồng trại bỏ trống còn nhiều. Vì vậy, nếu có vốn hỗ trợ của Chính phủ thông qua gói kích cầu thì tiềm năng này có thể trở thành hiện thực.

Định hướng chung của kích cầu nông nghiệp là: không dàn trải, phân tán, rải mành mành mà nên hướng vào tháo gỡ khó khăn của khu vực này do tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong cuộc suy giảm kinh tế hiện nay, nông nghiệp không chỉ tạo việc làm cho lao động tại chỗ mà còn là nơi thu hút lao động thất nghiệp từ các khu công nghiệp, dịch vụ ở thành thị. Yếu tố này góp phần tạo sự ổn định xã hội để duy trì tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, kích cầu nông nghiệp sẽ tạo ra nguồn vốn để ngành này phát triển cao hơn nhằm giữ chân lao động nông nghiệp và thu hút lao động thất nghiệp từ bên ngoài do suy giảm kinh tế.

Thị trường nông nghiệp nước ta có nhiều tiềm năng, đặc biệt là lợi thế dân số đông. Nhưng hiện tại so với khu vực thành thị, mức tiêu thụ sản phẩm tiêu dùng và tư liệu sản xuất ở khu vực này lại thấp hơn rất nhiều vì nông dân còn nghèo. Do đó, tiềm năng sức mua của nông dân còn rất lớn, cả hàng hóa tiêu dùng và tư liệu sản xuất, nhất là máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là trên thị trường nước ta (nhất là ở thị trường nông thôn) đã xuất hiện nhiều hàng hóa, nông sản xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan. Để khai thác tiềm năng sức mua của nông dân cần có giải pháp thích hợp bảo vệ hàng nội địa, kích thích sản xuất trong nước nhằm đạt hiệu quả kích cầu tiêu dùng.

Vai trò và tiềm năng của nông nghiệp là như vậy, nhưng hiện chưa được phát huy đầy đủ bởi vốn thiếu, kết cấu hạ tầng thấp kém, lao động thừa, thu nhập của nông dân thấp, thị trường bỏ ngỏ, đầu tư của Nhà nước và FDI chưa tương xứng... Tỷ lệ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông nghiệp những năm gần đây chưa đến 10%, thậm chí có năm chỉ khoảng 8%. Tỷ lệ vốn FDI trong nông nghiệp 10 năm qua chỉ đạt 5,15% tổng số vốn FDI còn hiệu lực và 7,74% vốn điều lệ, riêng năm 2008 chỉ đạt 0,42% vốn FDI đăng ký mới (252 triệu USD/60.271,2 triệu USD). Xu hướng này tiếp tục giảm mạnh trong quý I-2009... Khủng hoảng tài chính thế giới đang tác động xấu đối với thị trường xuất khẩu nông sản nước ta. Nhiều mặt hàng bị đình lại như cà phê, cao su, thủy sản, hạt điều, thủ công mỹ nghệ... do sức mua của nhiều nước châu Âu, châu Mỹ giảm đáng kể và chính sách bảo hộ hàng nội địa. Thực tế 3 tháng cuối năm 2008 và quý I-2009 đã cho thấy tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế đều ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp quý I-2009 theo GDP chỉ tăng 0,4%, thấp xa so với cùng kỳ năm 2008 (tăng 3%), theo giá trị sản xuất cũng chỉ tăng 0,9%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 10,4%; cà phê giảm 7,1%; hạt điều giảm 4,6%... Nguyên nhân có nhiều, trong đó có yếu tố quan trọng là: công nghệ sau thu hoạch, chế biến, lưu thông, thiếu nông sản hàng hóa sạch, chất lượng cao, giá thành hạ và thị trường bị thu hẹp do khủng hoảng kinh tế toàn cầu...

Để kích cầu nông nghiệp, trước tiên phải kích thích sản xuất những mặt hàng nông sản đang có đầu ra tại thị trường trong nước và nước ngoài. Một số mặt hàng như rau quả, hạt tiêu, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản sạch... vẫn có khả năng ổn định cả về lượng và giá.

Tuy nhiên, trong khó khăn và thách thức nông nghiệp đã tìm được lối ra với các sản phẩm phù hợp. Sản xuất lúa năm 2008 và vụ đông xuân 2009 vẫn được mùa, sản lượng đạt mức cao nhất từ trước đến nay không chỉ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn tăng trưởng xuất khẩu. Lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2009 tăng 71,3%, kim ngạch tăng 76,2% so cùng kỳ năm 2008 và dự báo cả năm đạt trên 5 triệu tấn. Thế mạnh về lúa gạo đang được khai thác và phát huy cao độ không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực của thế giới mà còn mở rộng lối ra cho mặt hàng nông sản này.

Bên cạnh lúa gạo, kim ngạch xuất khẩu rau quả của quý I-2009 cũng tăng 2,6%; chè tăng 10,5%, hạt tiêu tăng 15,5%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng gấp 2,23 lần so cùng kỳ năm 2008. Do đó, cần tập trung đầu tư mạnh nhằm kích thích cung và cầu nông nghiệp phát triển để tận dụng thời cơ, tăng nông sản xuất khẩu, tạo thêm việc làm mới, ổn định đời sống của người dân nông thôn. Như vậy, đầu tư thông qua kích cầu thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp sẽ góp phần rất lớn, nếu không nói là quyết định vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta, tránh được tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đó chính là mục tiêu quan trọng của chủ trương kích cầu của Đảng và Nhà nước hiện nay.

2 - Một số giải pháp để kích cầu trong nông nghiệp

Để thực hiện kích cầu trong nông nghiệp đạt hiệu quả cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đổi mới kích cầu đầu tư. Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp và đổi mới cơ cấu đầu tư phù hợp với yêu cầu, mục tiêu kích cầu của Chính phủ. Đề nghị tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2009 và 2010 từ 8% năm 2008 lên khoảng 15% năm 2009. Nguồn vốn tăng thêm lấy từ gói kích cầu của Nhà nước dành cho khu vực này, trong đó vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn tăng lên gấp đôi so với hiện nay: khoảng 4.000 tỉ đồng dành cho nâng cấp hệ thống điện, giao thông, thủy lợi, trường học, tạo điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa về nông thôn, đồng thời tạo việc làm mới cho nông dân, kéo gần khoảng cách về thị trường tiêu thụ hàng hóa cho nông sản.

Đây là giải pháp hàng đầu vì nó sẽ tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, sơ chế, chế biến nông sản xuất khẩu, xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp và kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo công ăn việc làm mới cho lao động nông nghiệp. Từ năm 2009, cần chuyển mạnh hướng đầu tư từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tập trung nhằm tăng hiệu quả đồng vốn. Theo đó, giải pháp đầu tư sẽ hướng vào các vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa tập trung các mặt hàng nông sản hiện có đầu ra ổn định như lúa gạo, rau quả, chăn nuôi và thủy sản. Phương thức đầu tư là hỗ trợ vốn, khoa học - công nghệ giúp nông dân mở rộng diện tích, thâm canh cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ưu tiên đầu tư vào các khâu công nghệ sau thu hoạch như ra hạt, phơi sấy, bảo quản, vận chuyển, sơ chế, chế biến. Dành lượng vốn thỏa đáng để đẩy nhanh tốc độ xây dựng kho lúa gạo vùng ĐBSCL (khoảng 4 triệu tấn/năm), kho đông lạnh thủy sản để giảm hao hụt sau thu hoạch, tăng chất lượng và giảm chi phí. Dành vốn kích cầu đầu tư để nâng cấp các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản tại các vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa như lúa gạo, trái cây, thủy sản.

Hai là, điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn với thị trường tiêu thụ. Đối với những nông sản có lợi thế về thị trường, chẳng hạn như mặt hàng lúa gạo, cần được đầu tư đẩy mạnh, bằng việc tăng sản xuất lên mức tối đa. Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho nông dân về vốn, khoa học - công nghệ, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật và giống nếu họ mở rộng diện tích lúa vụ 3 ở các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ và vụ đông ở miền Bắc. Mục tiêu đề ra vẫn là duy trì sản lượng lương thực tối thiểu bằng năm 2008 (43,5 triệu tấn), trong đó thóc khoảng 38,5-39 triệu tấn để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định sản lượng xuất khẩu gạo năm 2009 trên 5 triệu tấn. Do vậy, kích cầu sản xuất lúa bên cạnh giải pháp đầu tư thâm canh cao 2 vụ đông xuân, hè thu ở vùng ĐBSCL, lúa đông xuân và lúa mùa ở vùng ĐBSH, việc mở rộng diện tích lúa vụ 3 lên mức gấp 2 lần năm 2008 là giải pháp kích cầu có hiệu quả nhanh nhất.

Đối với các mặt hàng đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu như cà phê, cao su, hạt điều,... nên điều chỉnh bằng cách giảm diện tích và sản lượng. Chương trình kích cầu không đầu tư mở rộng diện tích trồng mới các cây trồng này ít nhất đến hết năm 2010. Các địa phương cần có chính sách hướng dẫn nông dân không mở thêm diện tích, tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu phương án mua dự trữ một số lượng hợp lý để xuất khẩu nhằm giúp bà con ổn định sản xuất, không để xảy ra tình trạng đốn chặt cao su, cà phê hàng loạt khi giá cả giảm, thị trường xuất khẩu có khả năng thu hẹp nhất thời do tác động của suy thoái kinh tế.

Ba là, hỗ trợ vốn để nông dân mua máy móc, vật tư nông nghiệp. Để chương trình kích cầu nông nghiệp đạt hiệu quả hơn, nhằm tăng năng suất, giảm giá thành nông sản, Chính phủ cần hỗ trợ nông dân mua máy móc, vật tư đầu tư vào sản xuất, có thể bằng hình thức bán chịu hoặc cho không cũng như các giải pháp nâng cao chất lượng nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Bằng cách này, vừa thực hiện được mục tiêu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, vừa giúp các doanh nghiệp công nghiệp trong nước tiêu thụ được sản phẩm. Nếu giải pháp này được thực hiện, tính khả thi sẽ rất cao vì đáp ứng được yêu cầu về vốn của hộ nông dân đưa tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông sản hàng hóa.

Bốn là, kích cầu nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Để tăng thu nhập cho nông dân có nhiều phương pháp trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là đưa tiền cho nông dân để họ mua sắm tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu theo đúng quy định và danh mục hàng hóa của Nhà nước (máy móc nông nghiệp sản xuất trong nước, phân bón, hàng tiêu dùng nội địa, không được mua hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái...). Gián tiếp là cho vay với lãi suất ngân hàng hỗ trợ 4% khi nông dân mua hàng hóa, dịch vụ theo danh mục của Nhà nước. Tuy nhiên, giải pháp hợp lý nhất là tạo công ăn việc làm mới để tăng thu nhập cho nông dân. Nhà nước cần có chính sách tạo cho họ việc làm thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, trước hết là đường giao thông, hệ thống các công trình thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế và các công trình phúc lợi xã hội ở nông thôn, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chương trình trồng mới 5 triệu héc-ta rừng... Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, khi kích cầu vào nông nghiệp sẽ làm tăng thu nhập cho một hộ nông thôn thêm 1,63%, hộ đô thị tăng 0,38%(2).

Năm là, coi trọng mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Giải pháp này bao gồm cả 2 mặt: phát triển thị trường nội địa và phát triển thị trường nước ngoài.

Về phát triển thị trường nội địa: Vấn đề đặt ra hiện nay là phải khơi thông sức mua của thị trường nông thôn để khai thác các tiềm năng về sức mua của khu vực này. Chương trình xúc tiến thương mại nội địa, chủ yếu là kích cầu cho nông dân, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Chương trình này hướng về hỗ trợ người mua mà đối tượng lớn nhất là nông dân, ngoài ra cũng tính đến các đối tượng khác như: hộ nghèo, gia đình chính sách, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp.
 
Hình thức hỗ trợ mỗi đối tượng có sự khác nhau. Trọng tâm hỗ trợ là nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp như: phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc cơ khí... Hỗ trợ mua hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng. Nếu là tư liệu sản xuất thì phải là tư liệu sản xuất trực tiếp phục vụ sản xuất. Nếu là hàng tiêu dùng thì cũng phải là hàng thiết yếu, không hỗ trợ những cái dùng xong hết ngay, ví dụ như thực phẩm. Việc đưa hàng về nông thôn được thực hiện thông qua hệ thống bản lẻ của ngành thương mại nhà nước và hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác không nên để tư thương chi phối, tự do thao túng thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách bảo hộ nông sản bằng cách nâng hàng rào kỹ thuật với các mặt hàng như: gạo, đường, sản phẩm chăn nuôi, rau quả, phân bón, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, nhập lậu để bảo hộ sản xuất trong nước, giúp người nông dân thực sự yên tâm, làm ăn có lãi.

Hàng hóa tiêu thụ tại thị trường nông thôn có chất lượng vừa phải, giá phải rẻ. Nếu doanh nghiệp mang hàng xuất khẩu bán ở thị trường này thì phải có chính sách giảm giá để phù hợp với túi tiền người nông dân. Thay vì dùng ngân sách để tổ chức các hội nghị, hội thảo không cần thiết, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân như tìm giải pháp tiêu thụ nông sản hàng hóa mà người nông dân sản xuất ra, để từ đó họ có thu nhập và có khả năng chi trả.

Về phát triển thị trường nước ngoài: cần coi trọng thị trường đã có và tìm kiếm thị trường mới. Giải pháp để khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản, thủy sản nước ta trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu là tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và các nước đang cần như gạo, rau quả, thủy sản... Kinh nghiệm khơi thông thị trường gạo của Tổng Công ty Lương thực miền Nam và các tỉnh ĐBSCL cho thấy, nhu cầu gạo của các nước châu Á, Phi, Âu và Mỹ La-tinh hiện nay không những không giảm, thậm chí còn có xu hướng tăng. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đang triển khai một chương trình tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu gạo, thủy sản tại 14 nước ở hầu hết các châu lục trên thế giới để đạt kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD trong năm nay. Theo đó, trong tháng 5 và 6-2009, lãnh đạo tỉnh cùng các doanh nghiệp sẽ đi các nước ở châu Âu, Á, Mỹ, Phi nhằm tiêu thụ 700.000 tấn gạo, 46.850 tấn hải sản, 300.000 lít nước mắm Phú Quốc và 12 triệu lon đồ hộp... Đây là cách làm có hiệu quả, cần được tổng kết nhân rộng.

Ngoài ra, cần ưu tiên vốn kích cầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kho ngoại quan tại một số quốc gia và vùng trọng điểm về một số mặt hàng nông sản chủ lực, đón trước thời điểm kinh tế bắt đầu phục hồi để chủ động nguồn hàng bán ra thị trường khi có nhu cầu, giảm chi phí và giữ ổn định thị trường./.
 

(1) Trong kim ngạch xuất khẩu nông sản, tỷ lệ gia công, nhập nguyên liệu hầu như không đáng kể, do đó đây thực sự là “tiền tươi thóc thật”