Thế giới với vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng
TCCS - Năng lượng là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với nền kinh tế thế giới nói chung và tình hình kinh tế - xã hội từng nước nói riêng. Đặc biệt khi thế giới đang trong tình trạng "khát" nhiên liệu nghiêm trọng, nguồn cung dầu mỏ cho sản xuất và tiêu dùng có hạn vì có nguy cơ cạn kiệt thì khả năng phát triển kinh tế bền vững và bảo đảm an ninh năng lượng là một vấn đề cực kỳ quan trọng của bất cứ quốc gia nào.
Nếu nhìn vào tiến trình phát triển nhân loại thì thấy rằng các loại năng lượng chủ yếu mà loài người sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt hằng ngày luôn có sự thay đổi. Từ gỗ đến than đá và nay là dầu mỏ. Trung bình, chu kỳ thống trị của mỗi dạng năng lượng kéo dài 2 thế kỷ, nhưng khoảng cách này có chiều hướng được rút ngắn theo thời gian. Theo dự báo, trong tương lai không xa, dầu mỏ sẽ được thay thế bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, hiện thời dầu mỏ vẫn đang có tác động rất lớn tới phát triển kinh tế của thế giới, nhất là thời gian gần đây, giá dầu mỏ luôn gắn liền với sự phát triển hoặc suy thoái của kinh tế thế giới. Nhìn từ góc độ tổng thể, biểu đồ biến động của giá dầu mỏ song trùng với biểu đồ phát triển kinh tế thế giới. Năm 2008, khi kinh tế thế giới đạt tới đỉnh điểm của sự phát triển trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI thì giá dầu mỏ trên thị trường cũng đạt ngưỡng kỷ lục trên 150 USD/thùng (tháng 7-2008). Chu kỳ suy thoái kinh tế thế giới ở mức thấp nhất vào cuối năm 2009 thì giá dầu mỏ cũng ở ngưỡng thấp, dưới 40 USD/thùng (tháng 2-2009). Bắt đầu từ những tháng đầu năm 2010, nền kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi đã kéo giá dầu mỏ lên mức trên 70 USD/thùng và, theo dự báo của các chuyên gia, giá dầu có thể sẽ tiếp tục tăng cao vào những năm tới.
Một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của các nước hiện nay là đẩy mạnh hoạt động ngoại giao năng lượng nhằm đa dạng hóa nguồn cung dưới nhiều hình thức rất đa dạng.
Đối với từng nước nói riêng và toàn thế giới nói chung, nếu vấn đề năng lượng không được giải quyết thì tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ, thậm chí, sẽ trở thành mối đe dọa tới sự ổn định xã hội. Thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2008, do giá dầu tăng cao khiến cho ngân sách nhiều nước sụt giảm mạnh vì phải bù lỗ nhiên liệu (nhất là các nước châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á), đã làm gia tăng làn sóng biểu tình phản đối ở khu vực châu Âu (Pháp, I-ta-li-a, Bun-ga-ri, Tây Ban Nha...) rồi lan rộng sang châu Á (ẤnĐộ, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan...) và cả khu vực Mỹ La-tinh (Cô-lôm-bi-a).... Từ đó cho thấy, năng lượng là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với nền kinh tế thế giới nói chung và tình hình kinh tế - xã hội từng nước nói riêng. Đặc biệt khi thế giới đang trong tình trạng "khát" nhiên liệu nghiêm trọng, nguồn cung dầu mỏ cho sản xuất và tiêu dùng có hạn vì có nguy cơ cạn kiệt thì khả năng phát triển kinh tế bền vững và bảo đảm an ninh năng lượng là một vấn đề cực kỳ quan trọng của bất cứ quốc gia nào. Trên thực tế, những nước có nguồn dầu mỏ dồi dào hiện đang có nhiều ưu thế hơn so với các nước nhập khẩu năng lượng. Nhiều nước còn sử dụng dầu mỏ để mặc cả trong quan hệ đối ngoại. Nga, Ca-dắc-xtan và các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) có nhiều lợi thế trong đàm phán mà các nền kinh tế lớn sử dụng nhiều năng lượng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU... buộc phải tính đến họ trong chính sách đối ngoại của mình. Thời gian gần đây Nga tích cực sử dụng yếu tố dầu khí trong quan hệ ngoại giao, buộc EU phải nhượng bộ trong các quyết định quan trọng khác. Hiện Nga đang nỗ lực hình thành vành đai năng lượng từ nước này qua Trung Á - Trung Đông tới Bắc Phi, tạo thế "gọng kìm năng lượng" với EU từ hai phía, đẩy mạnh các thỏa thuận mua bán năng lượng để ràng buộc các quốc gia khu vực biển Ca-xpi và Trung Đông (thành lập liên minh xuất khẩu khí đốt với I-ran và Ca-ta), tăng cường sự hiện diện tại khu vực Mỹ La-tinh bằng các hợp đồng trị giá nhiều tỉ USD về hợp tác dầu khí và năng lượng hạt nhân (các hợp đồng dầu khí giữa Nga với Vê-nê-xu-ê-la lên tới 20 tỉ USD), thúc đẩy đầu tư dầu khí với các nước khu vực châu Phi để giành ưu thế trước Trung Quốc. Đặc biệt, Nga đang hướng trọng tâm vào châu Á, coi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ẤnĐộ là thị trường xuất khẩu dầu khí có nhiều triển vọng và thông qua đó để củng cố quan hệ đối tác chiến lược nhằm đối trọng với Mỹ và EU.
Một vấn đề được các nước rất quan tâm là nghiên cứu sản xuất và đưa vào sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng đồng thời với việc tối ưu hóa hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng giảm tiêu hao năng lượng.
Tuy nhiên, do nguồn cung của thế giới không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng dầu mỏ của các nước nên việc bảo đảm an ninh năng lượng đang trở thành vấn đề có tính toàn cầu. Chưa bao giờ nhu cầu bảo đảm năng lượng trở nên bức xúc như hiện nay, đặc biệt là khi mà có quá nhiều yếu tố tác động bất lợi tới giá dầu mỏ trên thị trường thế giới. Thời gian gần đây, khi năng lượng trở thành yếu tố quan trọng trong mối quan hệ quốc tế thì thị trường dầu mỏ cũng có dấu hiệu bị bóp méo bởi một số tác nhân, nhất là hiện tượng đầu cơ trục lợi của một số nhà tài phiệt (chiếm 20% nguyên nhân làm tăng giá dầu) cũng như việc triển khai ý đồ chính trị của các nước lớn. Các cuộc chiến mà Mỹ tiến hành ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại, mâu thuẫn trong quan hệ đối ngoại, căng thẳng về biển đảo... xảy ra trên thế giới trong thời gian gần đây cũng có một nguyên nhân rất quan trọng là nhu cầu dầu mỏ.
Hợp tác, đầu tư nghiên cứu phát triển năng lượng mới, năng lượng thay thế, năng lượng phi truyền thống, công nghệ sạch, đồng thời tận dụng triệt để các nguồn năng lượng hóa thạch như khí đồng hành, than bùn, băng cháy... là một hướng đi chủ đạo của nhiều quốc gia nhằm bảo đảm an ninh năng lượng.
Có thể nói, trong thời điểm hiện nay, khả năng phát triển bền vững và bảo đảm an ninh của các quốc gia trên thế giới được quyết định bởi một trong những yếu tố rất then chốt là năng lượng. Tuy nhiên, từng quốc gia riêng rẽ sẽ không thể tự giải quyết được vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế của quốc gia mình nếu tách biệt với thế giới và không bám sát vào các xu hướng chuyển động chung trong lĩnh vực năng lượng. Vấn đề mấu chốt của các quốc gia là phải biết khai thác những tiềm năng, thế mạnh của mình, đồng thời tranh thủ những điều kiện thuận lợi trong tiến trình hợp tác năng lượng thế giới để phát triển.
Một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của các nước hiện nay là đẩy mạnh hoạt động ngoại giao năng lượng. Các nước lớn, các nền kinh tế lớn và các khối nước đang đẩy mạnh triển khai chính sách ngoại giao năng lượng tích cực. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU tăng cường các hoạt động đối ngoại hướng tới các nước, các khu vực dồi dào về dầu mỏ và nguyên liệu cho điện hạt nhân. EU đẩy mạnh hoạt động viện trợ phát triển cho châu Phi, ký kết Chiến lược chung EU - châu Phi (tháng 12-2007) và thiết lập "Đối tác năng lượng châu Phi - EU" (tháng 9-2008) v.v.. nhằm mục đích khai thác nguồn dầu mỏ và khí đốt của châu Phi chiếm tới 12% và 6% sản lượng thế giới.
Đẩy mạnh hợp tác nhằm đa dạng hóa nguồn cung và tăng cường xây dựng, bảo đảm an ninh các tuyến vận chuyển năng lượng đang là ưu tiên của nhiều nước trên thế giới. Hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt xuyên lục địa đang được triển khai tại nhiều châu lục đã kéo các nước xuất khẩu và tiêu thụ dầu khí lớn lại gần với nhau. Đáng chú ý có việc EU tăng cường hợp tác năng lượngvới các nước châu Phi (An-giê-ri, Ni-giê-ri-a, Li-bi, Ai-cập) trong thời gian gần đây để giảm tải sự phụ thuộc vào Nga (hiện EU nhập khẩu 33% dầu mỏ và 40% khí đốt của Nga). EU đang tích cực vận động để tham gia xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ An-giê-ri đến Tây Ban Nha và I-ta-li-a. Trong khi đó, Trung Quốc bất chấp căng thẳng giữa Nga, Vê-nê-xu-ê-la với Mỹ đã đẩy mạnh hợp tác năng lượng với hai nước này. Trung Quốc đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác về năng lượng với Nga (Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ giữa hai chính phủ; Bản ghi nhớ về phát triển điện hạt nhân; Thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn dầu từ Nga tới Trung Quốc) trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ôn Gia Bảo (tháng 10-2008) nhằm có được nguồn năng lượng ổn định cho việc triển khai chiến lược phát triển kinh tế trong vòng 20 năm tới cũng như để bảo đảm an ninh năng lượng của Trung Quốc.
Tăng cường dự trữ và mở rộng các nguồn cung dưới nhiều hình thức rất đa dạng được coi là một giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng của nhiều quốc gia. Trên thế giới có nhiều nước đang đẩy mạnh việc xây dựng các kho chứa dầu lớn ở trong nước và nước ngoài, mua các mỏ dầu của nước ngoài, chuyển nhượng quyền thăm dò và khai thác, liên doanh cùng khai thác với các công ty dầu khí nước ngoài, mua bán hoặc sáp nhập các công ty dầu mỏ v.v.. Trung Quốc là một điển hình triển khai quyết liệt chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hiện Trung Quốc cũng đang tích cực triển khai kế hoạch dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia theo 3 giai đoạn trong thời gian 15 năm với số vốn lên tới 14,61 tỉ USD nhằm mục tiêu bảo đảm năng lượng liên tục trong 90 ngày trong trường hợp không có nguồn cung. Đồng thời, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động thâu tóm, sáp nhập các công ty dầu mỏ nước ngoài, thành lập các liên minh, tiến hành hàng loạt thương vụ mua cổ phần các công ty dầu khí lớn xuyên quốc gia với tổng vốn huy động lên đến hàng chục tỉ USD. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2009, Trung Quốc đã mua toàn bộ cổ phần Công ty năng lượng VERENEX VNX (Ca-na-đa) với tổng trị giá 390 triệu USD, mua 45,51% cổ phần của Công ty dầu mỏ Xin-ga-po với tổng giá trị giao dịch 1,02 tỉ USD, mua lại Công ty dầu mỏ Addax Petrolium Corp (Thụy Sĩ) có giá trị hợp đồng 8,3 tỉ USD và đang có ý định mua Công ty Nippon Oil (Nhật Bản)... Trung Quốc rất tích cực mua cổ phần ngân hàng các nước để cung cấp vốn cho các hoạt động khai thác dầu khí ở nước ngoài. Đến nay, Trung Quốc đang sở hữu nhiều công ty dầu mỏ (EnCana Corporation của E-cu-a-đo, South Atlantic Petroleum Ltd của Ni-giê-ri-a, Awilco của Na Uy, Talisman của Ca-na-đa, Santos của Ô-xtrây-li-a...) và đã có giấy phép khai thác dầu khí tại Xu-đăng, Pê-ru, Ca-na-đa, Thái Lan, Cam-pu-chia, Vê-nê-xu-ê-la, Cô-oét, Ca-dắc-xtan...
Lĩnh vực điện hạt nhân đang phục hồi mạnh mẽ và trở thành một xu thế trên thế giới. Đối với nhiều quốc gia thì việc phát triển điện hạt nhân được coi là một giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng trung và dài hạn.
Hợp tác, đầu tư nghiên cứu phát triển năng lượng mới, năng lượng thay thế, năng lượng phi truyền thống, công nghệ sạch, đồng thời tận dụng triệt để các nguồn năng lượng hóa thạch mà trước đây vẫn để lãng phí như khí đồng hành, than bùn, băng cháy... cũng là một hướng đi chủ đạo của nhiều quốc gia nhằm bảo đảm an ninh năng lượng. ẤnĐộ, Bra-xin, Trung Quốc... là những quốc gia dẫn đầu thế giới về việc nghiên cứu và phát triển nhiên liệu sinh học. Mới đây, EU thông qua chính sách bảo vệ môi trường với mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu sinh học lên 20%. Trong khi đó Hà Lan, Đức và nhiều nước châu Âu đang tích cực nghiên cứu và sử dụng phong điện để bảo đảm an ninh năng lượng. Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác đang tập trung đầu tư phát triển năng lượng mặt trời. Mới đây, Nghị viện Ô-xtrây-li-a đã thông qua Luật Năng lượng tái tạo, mục tiêu đạt 30% sản lượng điện từ năng lượng tái tạo (chủ yếu năng lượng mặt trời và gió) vào năm 2020.
Một vấn đề được các nước rất quan tâm là nghiên cứu sản xuất và đưa vào sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng đồng thời với việc tối ưu hóa hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng giảm tiêu hao năng lượng. Hiện nhiều nước đang tích cực triển khai nghiên cứu cải tiến các quy trình công nghệ, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng để giảm tải sức ép đối với nguồn cung. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều nước đã đưa vào sử dụng hàng loạt các thiết bị phục vụ dân sinh tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới cũng áp dụng các quy chế sử dụng điện thông minh với những dây chuyền sản xuất tiết kiệm điện.
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, nhiều nước đã tích cực đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân mặc dù vấn đề an toàn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cho đến nay, lĩnh vực điện hạt nhân đang phục hồi mạnh mẽ và trở thành một xu thế trên thế giới. Đối với nhiều quốc gia thì việc phát triển điện hạt nhân được coi là một giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng trung và dài hạn, kể cả ở những nước nhiều dầu mỏ như Nga, A-rập Xê-út, Các tiểu vương A-rập thống nhất... Thụy Điển, I-ta-li-a sau thời gian dài nói không với điện hạt nhân hiện đang lập kế hoạch xây mới các nhà máy điện hạt nhân. Mặc dù dẫn đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo, Phần Lan vẫn xây dựng thêm 2 lò phản ứng hạt nhân trong năm 2009 để nâng tỷ lệ đóng góp của điện hạt nhân lên 25%. Cuối năm 2008, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết khẳng định năng lượng hạt nhân là "tuyệt đối cần thiết" để đáp ứng nhu cầu điện năng cơ bản trung hạn. Tính đến nay trên thế giới có 439 lò phản ứng hạt nhân tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất điện lên tới 372.202 MW, chiếm 15% sản lượng điện năng toàn cầu.
Trong năm 2009, sản lượng dầu thô và khí đốt của Việt Nam khai thác đạt 14 triệu tấn và 6,3 tỉ m3. Mặc dù là nước xuất khẩu dầu thô nhưng đồng thời Việt Nam cũng là nhà nhập khẩu năng lượng vì nguồn cung không đủ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Tiềm năng phong điện và năng lượng mặt trời của nước ta khá dồi dào, được đánh giá là lớn nhất khu vực Đông Nam á, nhưng cho đến nay chưa được khai thác. Nước ta nằm trong nhóm nước có hiệu suất sử dụng năng lượng tổn thất cao, trong khi năng lượng chủ yếu lại được sử dụng cho khu vực dân sinh không sinh lợi nhuận (chiếm 60%), nhiều ngành công nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu (chiếm 75%), đầu tư đổi mới công nghệ thấp (0,4% GDP so với 2% của thế giới), nhu cầu năng lượng tăng nhanh trong khi nguồn cung hạn chế... Vì thế, việc bảo đảm năng lượng cho phát triển kinh tế bền vững và an ninh quốc gia cũng đang đặt ra cho Việt Nam nhiều vấn đề trong thời điểm hiện nay.
Trước tình hình đó, các bộ, ngành đang triển khai quyết liệt sự chỉ đạo của Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong nước, đồng thời tích cực hợp tác với Nga, Vê-nê-xu-ê-la, Ca-dắc-xtan, Ma-lai-xi-a v.v.. để bổ sung nguồn cung đáp ứng nhu cầu về dầu khí trong nước. Đồng thời, việc triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận cũng đang được đẩy mạnh sau khi được Quốc hội thông qua. Việc tổ chức hoạt động nghiên cứu, sản xuất các loại năng lượng phi truyền thống (phong điện, điện mặt trời, năng lượng sinh học...) và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện cũng đang được nhiều bộ, ngành quan tâm.
Trong thời điểm hiện nay một vấn đề hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng đối với Việt Nam chính là ý thức tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Tiết kiệm năng lượng phải trở thành quốc sách hàng đầu, trong đó đặc biệt lưu ý tới việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả thì mới có thể bảo đảm cho phát triển bền vững trong tương lai. Cần phải triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó tập trung khai thác những thế mạnh riêng của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực về thủy điện, phong điện và điện mặt trời. Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất, cung cấp năng lượng theo hướng xã hội hóa để tránh sự độc quyền, đồng thời tạo cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng./.
Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX thành công tốt đẹp  (22/09/2010)
Tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc  (22/09/2010)
Đăk Nông hướng đến mục tiêu phát triển bền vững  (22/09/2010)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên