TCCS - Toàn cầu hóa đã và đang tạo nên xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hội nhập quốc tế tạo nên nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, trong đó có thách thức về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Làm thế nào để giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc như một sức mạnh nội sinh để phát triển là một vấn đề cần được nghiên cứu để có những định hướng đúng đắn cho con đường phát triển của dân tộc.

1 - Tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa ân tộc

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là giữ gìn cốt cách dân tộc trong quá trình phát triển của dân tộc.

Theo nghĩa Hán - Việt cốt là xương, cách là tiêu chuẩn, phạm vi, quy định. Nói tới cốt cách của con người là nói đến nét đặc sắc, đặc trưng về tính cách của một con người hoặc của một tầng lớp xã hội. Chẳng hạn, người ta nói tới cốt cách nhà Nho, cốt cách nhà tri thức, cốt cách nhà văn... Nói tới cốt cách của một dân tộc thì không chỉ nói tới những nét đặc sắc, đậm đà được biểu hiện qua tính cách mà còn thông qua toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Cốt cách dân tộc là cái tương đối ổn định, bền vững bởi nó được hình thành, tạo dựng và khẳng định trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc. Lĩnh vực thể hiện rõ nhất cốt cách dân tộc, tinh thần dân tộc là văn hóa. Bản sắc văn hóa dân tộc là biểu hiện sống động của cốt cách dân tộc qua bao thăng trầm của lịch sử. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng chính là giữ gìn cốt cách dân tộc. Cốt cách dân tộc được coi là "chất", là "bộ gien" của mỗi dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chính là bảo vệ, giữ gìn bộ gien quý đó. Một nền văn hóa giữ được cốt cách dân tộc sẽ là một nền văn hóa có đủ "sức khỏe" để đề kháng, chống lại sự "ô nhiễm văn hóa" hay "xâm lăng văn hóa" một cách vô thức hay có chủ định. Đây là một điều kiện cơ bản để "tiếp biến" văn hóa trước sự tác động nhiều chiều, phức tạp của khách quan được thực hiện một cách chủ động, tích cực. Chỉ như vậy, nền văn hóa dân tộc mới không bị "hòa tan" hay "lai căng" một cách thô thiển, mất bản sắc. Giữ được cốt cách dân tộc sẽ giúp dân tộc thích ứng được với những cái mới và "dân tộc hóa" cái mới để biến nó thành tài sản của dân tộc, mang hồn của dân tộc. Lịch sử đã chứng minh sự tiếp biến kỳ diệu của nền văn hóa Việt Nam trong điều kiện bị nước ngoài xâm lược. Đó là sự tiếp biến giữ được cốt cách dân tộc, đồng thời phát triển được bản sắc dân tộc trước những thách thức của lịch sử. Đây là một truyền thống, một "cốt cách dân tộc" cần được phát huy trong điều kiện phát triển kinh tế của nước ta hiện nay.

Cốt cách dân tộc như mạch nước nguồn xuyên suốt quá trình phát triển của dân tộc. Nếu một dân tộc đạt đỉnh cao về kinh tế nhưng không giữ được cốt cách dân tộc thì sự phát triển ấy là không trọn vẹn. Trong quá trình phát triển, nhiều khi vì lợi ích kinh tế trước mắt, người ta có thể chưa ý thức nhiều tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn cốt cách dân tộc. Thực tế, sự thiếu thốn, nghèo nàn về bản sắc văn hóa, sự mất mát về cốt cách dân tộc nhiều khi còn đáng sợ hơn sự thiếu thốn, nghèo nàn về vật chất. Sự mất mát về bản sắc văn hóa dân tộc làm mất đi cốt cách dân tộc, có thể làm mất đi ý nghĩa tồn tại của một dân tộc. Như vậy, sự phát triển kinh tế có thể mang lại sự đầy đủ về vật chất và tiện nghi sinh hoạt nhưng không đồng nhất với sự phồn vinh, thịnh vượng nếu ở đó thiếu vắng những giá trị văn hóa dân tộc. Sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, đặc biệt là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với giữ gìn cốt cách dân tộc là một nguyên tắc luôn cần được tôn trọng trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là cơ sở củng cố ý thức tự tôn dân tộc và là nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Tự là tự mình, tôn là đề cao. Tự tôn là tự mình coi trọng mình. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nói đến lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ nhấn mạnh những nét đặc sắc của dân tộc mà còn là giữ gìn những giá trị thuộc về dân tộc đó. Đồng thời việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở ý thức tự giác của cả cộng đồng dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, văn hóa phải "đi sâu vào tâm lý quốc dân" để từ đó "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Ý thức tự tôn dân tộc được củng cố thông qua việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ có ý nghĩa trong việc phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc mà cả đối với quá trình phát triển nói chung, phát triển kinh tế nói riêng. ý thức đó có thể trở thành sức mạnh giúp dân tộc vượt qua những khó khăn, thử thách trong quá trình phát triển. Hành động tự nguyện quyên góp tiền vàng cho Chính phủ thời kỳ khủng hoảng kinh tế hay tự hào sử dụng những sản phẩm sản xuất trong nước để phát triển kinh tế đất nước chính là minh chứng khẳng định giá trị của ý thức tự tôn dân tộc cho sự phát triển kinh tế bền vững của dân tộc.

Hội nhập quốc tế là một quá trình chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh. Nó tạo ra một môi trường thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất một cách mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, đồng thời cũng phân chia thế giới thành hai cực giàu nghèo một cách khốc liệt tạo nên sự phụ thuộc khó tránh khỏi của các quốc gia kém phát triển vào các nước phát triển. Đó là nguyên nhân của sự bất bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc có trình độ phát triển khác nhau. Sự bất bình đẳng này không chỉ biểu hiện trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực văn hóa, đe dọa bị đồng hóa, đánh mất bản sắc văn hóa của các dân tộc có trình độ phát triển thấp hơn. Ngoài ra, quá trình phát triển nền kinh tế thị trường cũng làm phát sinh một số hiện tượng tiêu cực, như hình thành lối sống hưởng thụ, suy tôn vật chất, chú trọng vật dụng hiện đại mà coi nhẹ những giá trị tinh thần thuộc về dân tộc; đề cao cái cá nhân mà suy giảm tính cộng đồng, mờ nhạt về ý thức tự tôn dân tộc... tất cả những điều đó đều làm suy yếu đi sức mạnh của dân tộc. Củng cố ý thức tự tôn dân tộc sẽ góp phần điều tiết, định hướng giá trị để hạn chế những mặt tiêu cực đó. Như vậy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập quốc gia sẽ góp phần phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế, bảo đảm cho sự phát triển của dân tộc giữ vững được độc lập, tự chủ trên mọi phương diện. Đảng ta khẳng định: trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc.

Ý thức tự tôn dân tộc không chỉ để khẳng định mình với dân tộc khác mà còn giúp dân tộc đó có thái độ đúng mực với cái mới, cái hiện đại. Đó là sự không quá tự ti hay quá tự cao tự đại để khép kín, bảo thủ hay phủ định sạch trơn những giá trị truyền thống trước cái mới lạ, hấp dẫn xâm nhập từ bên ngoài cùng với quá trình hội nhập quốc tế. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là để khẳng định sự độc lập tự chủ của dân tộc về mọi mặt, đồng thời cũng tạo niềm tin và là cơ sở vững chắc cho các quan hệ hợp tác quốc tế. Đó là nền tảng tinh thần cho dân tộc Việt Nam vững bước đi lên. Có học giả nước ngoài đã cho rằng: "có thể thăng, có thể trầm, nhưng với lòng tự tôn mạnh, Việt Nam sẽ không chịu thấp kém" so với các dân tộc khác.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là tiếp tục phát huy tính sáng tạo của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là hướng tới một nền văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú về sắc thái chứ không phải là một nền văn hóa nghèo nàn, giống nhau, cùng khuôn mẫu. Đa dạng, phong phú hoàn toàn đối lập với sự nghèo nàn, đơn điệu. Đa dạng, phong phú về bản sắc là một thuộc tính của văn hóa thể hiện khả năng sáng tạo của các dân tộc trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Ngày nay, hội nhập quốc tế, một mặt, tạo điều kiện để các nền văn hóa dân tộc được giao lưu, hợp tác và phát triển; mặt khác, cũng tạo ra xu hướng toàn cầu hóa về ngôn ngữ, về văn hóa, về lối sống và quan niệm giá trị. Quá trình đó đặt các dân tộc trước nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời còn ẩn chứa nguy cơ làm suy giảm tính sáng tạo của các dân tộc trong quá trình phát triển. Nguyên Tổng Giám đốc UNESCO Fedrico Mayor đã từng cảnh báo: sự "đồng hóa các hệ thống giá trị và tiêu chuẩn, đe dọa làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa, nhân tố hết sức quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của cả nhân loại"(1)

Sáng tạo trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một yếu tố quan trọng. Sáng tạo sẽ "cởi trói" tư duy con người thoát khỏi sự khuôn buộc của thói quen, phong tục hay tiêu chuẩn đã không còn phù hợp với điều kiện mới. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, một mặt, phải gắn liền với chống lạc hậu, lỗi thời "trong phong tục, tập quán, lề thói cũ"; mặt khác, giữ gìn phải biết lọc bỏ - bổ sung - phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với đời sống hiện đại. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là không ngừng xác lập một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở phát huy tính sáng tạo của dân tộc. Đó chính là sức sống nội lực của một dân tộc trong quá trình phát triển bền vững. Ngoài ra, khơi dậy và khuyến khích sáng tạo không chỉ có ý nghĩa trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà cả trong phát triển kinh tế. Mọi sự thụ động, bảo thủ, trì trệ đều kìm hãm phát triển. Đa dạng, phong phú không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực thúc đẩy quá trình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế. Với tư duy sáng tạo, con người mới làm chủ được quá trình giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn, kế thừa và phát triển, mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, cái truyền thống và cái hiện đại, cái tiêntiến.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trải dài theo năm tháng của lịch sử, mỗi dân tộc hun đúc cho mình rất nhiều giá trị văn hóa trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những truyền thống đó được lưu giữ, bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện mới và đáp ứng những yêu cầu phát triển của lịch sử. Trong thực tế, lòng yêu nước, yêu lao động, yêu chuộng hòa bình và nhiều giá trị nhân văn khác đã trở thành sức mạnh tinh thần giúp mỗi dân tộc vượt qua những gian nan thử thách để phát triển ngày càng vững mạnh. Những tinh thần đó tiếp tục được bổ sung những nhân tố mới, cách thức biểu hiện mới để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế. Ngày nay yêu nước không chỉ để chiến thắng kẻ thù xâm lược mà còn là để xây dựng một dân tộc phát triển về mọi mặt để có thể "sánh vai" cùng các dân tộc khác trên trường quốc tế. Yêu nước, yêu lao động không chỉ là trân trọng đất nước và quý trọng lao động mà còn là động lực để dân tộc đó không ngừng vươn lên những tầm cao của tri thức, nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả lao động, tạo ra những hàng hóa có sức cạnh tranh mạnh mẽ với hàng hóa các nước khác trên thị trường quốc tế. Yêu chuộng hòa bình là để bảo vệ sự ổn định, phồn vinh không chỉ cho mỗi dân tộc mà còn cho một thế giới tốt đẹp... Đó là những giá trị phù hợp với thời đại ngày nay.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với bảo vệ mối quan hệ hòa hợp giữa con người với tự nhiên và xã hội.

Con người là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài của thế giới tự nhiên và là một bộ phận không thể tách rời thế giới đó. Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người ngày càng ý thức rõ rệt về mối quan hệ hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, con người với con người. "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đã trở thành triết lý sống của con người trong mọi thời đại. Ngày nay, trước sự tác động của biến đổi khí hậu và sự bất ổn tàn khốc của chiến tranh, khủng bố đang hằng ngày hằng giờ cảnh báo cho loài người phải biết quan tâm đến việc sống hòa hợp với tự nhiên và xã hội như một nhân tố không thể thiếu để phát triển, trong đó có phát triển kinh tế.

Hiểu theo nghĩa rộng nhất, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do chính con người sáng tạo ra trong hoạt động sản xuất và đời sống xã hội. Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội không chỉ là môi trường sống mà còn là môi trường văn hóa, nơi những giá trị văn hóa hay bản sắc văn hóa dân tộc hình thành, tồn tại và phát triển. Để giữ gìn văn hóa nói chung, bản sắc văn hóa nói riêng, tất yếu phải bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội. Điều này không chỉ có ý nghĩa với văn hóa mà còn có ý nghĩa với quá trình phát triển kinh tế khi mà hệ lụy của quá trình phát triển công nghiệp như vấn đề ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên đang là mối đe dọa đầy bất trắc cho sự tồn tại và phát triển của loài người. Hơn lúc nào hết, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát huy cách ứng xử văn hóa với tự nhiên và xã hội được coi như một bảo đảm cho sự ổn định và phát triển.

2 - Những vấn đề đặt ra

Thứ nhất, trong quá trình phát triển của dân tộc, mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chưa thực sự được tôn trọng. Kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng liên tục, tỷ lệ đói nghèo không ngừng giảm... góp phần nâng cao vị thế của dân tộc trên trường quốc tế, tuy nhiên sự phát triển đó vẫn chưa thật sự bền vững khi dựa trên nền tảng tinh thần còn thiếu vững chắc. Phát triển kinh tế còn có biểu hiện coi trọng lợi ích trước mắt; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc có xu hướng chạy theo phong trào, hình thức, khuôn mẫu mà chưa tính hết tính đa dạng, làm nghèo nàn bản sắc văn hóa vốn có của các dân tộc. Từ đó dẫn đến trong đời sống xã hội, kinh tế có bước phát triển nhưng bản sắc văn hóa dân tộc lại bị mai một, mất dần hoặc lai căng một cách tự phát. Biểu hiện có thể cảm nhận được là cùng với phát triển kinh tế thương mại, du lịch là sự "thương mại hóa", "hàng hóa hóa" những sắc thái văn hóa dân tộc dẫn đến giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tự phát, phiến diện. Mặt khác, trong quá trình phát triển kinh tế chúng ta vẫn còn tư duy phát triển những ngành công nghiệp dựa trên khai thác tiềm năng thiên nhiên mà chưa chú trọng thích đáng đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Sự trì trệ của công nghiệp văn hóa dẫn đến hệ quả "kép" về cả hiệu quả kinh tế và việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tất yếu hình thành thứ văn hóa "ăn theo", "bắt chước" văn hóa phương Tây một cách thiếu chọn lọc, tạo điều kiện cho chúng thâm nhập vào đời sống của dân tộc. Đó là một nguy cơ làm nghèo kiệt đi bản sắc văn hóa dân tộc, làm mất đi sức sáng tạo của dân tộc thời hiện đại. ở đây cần phải hiểu đúng về "sáng tạo", đó là sự không ngừng tìm tòi cái mới nhưng không phải cái mới nào cũng được coi là sáng tạo, cái mới ấy phải là cái hữu ích. Sáng tạo văn hóa là sáng tạo cái mới nhưng phải phù hợp với truyền thống dân tộc và góp phần đưa dân tộc đó phát triển, đó là sáng tạo hữu ích cao nhất mà mọi dân tộc vươn tới.

Thứ hai, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chưa được thể hiện rõ nét trong quá trình phát triển dẫn đến "sức khỏe" của nền văn hóa dân tộc chưa đủ mạnh và được tăng cường thường xuyên. Khi "sức khỏe" đời sống tinh thần của dân tộc không tốt dễ dẫn đến bị cái mới lạ từ bên ngoài "mê hoặc" một cách mù quáng, từ đó có thể có thái độ tự ti, xa rời những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống. Đây là nguy cơ bị "hòa tan", tự đánh mất mình, mất bản sắc dân tộc trong phát triển kinh tế cũng như xây dựng nền văn hóa dân tộc. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này có thể nói tới là ý thức tự tôn dân tộc và ý thức giữ gìn cốt cách dân tộc chưa thật sự có chỗ đứng vững chắc trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc. Công tác giáo dục, tuyên truyền và nhiều biện pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chưa thật sự đi vào chiều sâu một cách có hệ thống, nhiều khi chỉ mới là những giải pháp tình thế trước mắt.

Thứ ba, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc còn mang tính "bao cấp", dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước là chính mà chưa khơi dậy, phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác của các chủ thể văn hóa dân tộc. Trong khi đó giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc luôn gắn với vai trò của các chủ thể sinh ra và lưu giữ chúng. Công ước UNESCO năm 2003 cũng đã khẳng định: "Những di sản văn hóa phải được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo và hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục". Thực tế các nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trên thế giới đều được chính những chủ nhân của nó có ý thức giữ gìn, trân trọng, bảo vệ.

Thứ tư, đầu tư cho phát triển tập trung nhiều ở phát triển kinh tế mà chưa có điều kiện đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói riêng. Đầu tư còn thấp dẫn đến việc nghiên cứu, bảo tồn những giá trị thuộc bản sắc văn hóa dân tộc còn thiếu tính toàn diện, hoặc không kịp thời. Một thực tế nữa trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là từ nhận thức chưa thấu đáo về những giá trị văn hóa dân tộc, dẫn đến việc xuất hiện những sản phẩm văn hóa "không giống ai", không rõ bản sắc văn hóa dân tộc.

3 - Một số giải pháp cấp thiết

Trên cơ sở phân tích những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp cấp thiết sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách chủ động, tích cực và tự giác. Chỉ có như vậy cốt cách dân tộc, lòng tự tôn dân tộc mới luôn giữ vai trò hạt nhân trong quá trình phát triển kinh tế và phát triển nói chung của dân tộc. Đây là một quá trình không thể nóng vội, nhưng cũng không thể chậm trễ mà cần được thực hiện thông qua nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp giáo dục và tự giáo dục trong chính cộng đồng dân tộc.

Hai là, mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc phải được quán triệt trong tổng thể hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Để chính sách đi vào được cuộc sống cần bảo đảm sự thống nhất trong tất cả các khâu từ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát đến đầu tư nguồn lực thích đáng. Mặt khác, phải xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng tư tưởng chủ đạo là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vì sự phát triển bền vững của dân tộc.

Ba là, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế phải do chính các chủ thể văn hóa thực hiện. Mọi nguồn lực bên ngoài chỉ phát huy hiệu quả khi chủ thể văn hóa có ý thức tự giác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Những giải pháp phát triển về kinh tế để đáp ứng những nhu cầu dân sinh phải gắn với nhu cầu bảo vệ đời sống tinh thần, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Muốn vậy, mọi chính sách đều phải gắn với cộng đồng dân tộc, tôn trọng quyền quyết định của cộng đồng dân tộc, đồng thời phải đầu tư nghiên cứu sâu sắc về những giá trị của văn hóa dân tộc để có những giải pháp phù hợp.

Bốn là, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phải có phương pháp, cách thức phù hợp, đi vào thực chất, chống căn bệnh hình thức, chạy theo phong trào làm phá vỡ tính đa dạng, phong phú và bản sắc văn hóa dân tộc. Trên cơ sở đó sẽ phát huy được tính sáng tạo trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế, ngăn chặn sự bảo thủ, trì trệ hay phiêu lưu mạo hiểm trong phát triển của các dân tộc.

Năm là, phát triển kinh tế và văn hóa phải gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Đây là một trong những nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của dân tộc. Đặc biệt việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cần gắn với giữ gìn không gian văn hóa - nơi duy trì đời sống của cộng đồng dân tộc./.
 
__________________________________________

(1) Fedrico Mayor: Diễn văn tại lễ phát động Thập niên thế giới phát triển văn hóa UNESCO, Pa-ri, 1998