Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 1752/CT-TTg yêu cầu tiến hành tổng điều tra hộ nghèo trên phạm vi toàn quốc. Cuộc tổng điều tra được thực hiện từ ngày 21-9 đến 30-11-2010. Chỉ thị nêu rõ, các hộ nghèo được xác định dựa trên tiêu chí mức chuẩn nghèo và cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015.

Cụ thể, hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống đối với khu vực nông thôn, từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống đối với khu vực thành thị.

Trong 5 năm (2006 - 2010), tỷ lệ nghèo của cả nước đã giảm từ 20% năm 2006 xuống còn khoảng 9,45% năm 2010; bộ mặt nông thôn, nhất là vùng nông thôn miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc... đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Nhiều xã đặc biệt khó khăn có thu nhập bình quân từ 4 triệu đồng/người/năm trở lên, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4%, cao hơn bình quân cả nước 2 lần.

Hộ cận nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000-520.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và từ 501.000-650.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị.
 
Việc xác định chính xác, đầy đủ hộ nghèo, tỷ lệ nghèo ở từng địa phương và trên cả nước là căn cứ quan trọng cho việc xây dựng, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước.

Thời gian qua, do công tác tổ chức điều tra rà soát và quản lý hộ nghèo ở một số địa phương, cơ sở chưa thật chặt chẽ, nên vẫn còn để sót không ít hộ nghèo và có những hộ không thuộc diện nghèo lại có tên trong danh sách của thôn, xã..., do vậy đã phần nào làm hạn chế hiệu quả thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo.

Điều tra trực tiếp đến từng hộ; mỗi thôn, bản lập 1 danh sách duy nhất

Thủ tướng yêu cầu việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được thực hiện từ thôn, bản, trực tiếp đối với từng hộ, đảm bảo công khai, dân chủ, có sự tham gia của các cấp, các ngành và của người dân, theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm xác định đúng đối tượng, không bị trùng lặp, sót, phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân địa phương.

Kết thúc cuộc tổng điều tra, từng thôn, bản, xã phải xác định được chính xác số hộ nghèo, hộ cận nghèo lập một danh sách duy nhất về hộ nghèo, hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý.

Từng huyện, tỉnh, thànhphố xác định được tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương mình, đồng thời báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung hộ nghèo, hộ cận nghèo của cả nước làm căn cứ xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn 2011 - 2015./.