Đăk Nông hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
TCCS - Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xuất phát từ đặc điểm tình hình của địa phương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đăk Nông lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2005 - 2010) đã khẳng định: Phát triển bền vững về kinh tế nhưng vẫn bảo đảm kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm môi trường trong lành, cảnh quan có giá trị và tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ sau.
Năm năm qua, với quyết tâm chính trị cao, cùng với việc thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, Đăk Nông đã vượt qua những khó khăn trước mắt hướng đến mục tiêu phát triển bền vững với những kết quả thuyết phục.
Phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu phát triển bền vững
Đăk Nông là một tỉnh nghèo được hình thành từ 6 huyện nghèo nhất của tỉnh Đăk Lăk (cũ), vậy nên phát triển nhanh trên cơ sở phát huy các tiềm năng lợi thế của địa phương là một yêu cầu được đặt ra, nhằm rút ngắn khoảng cách với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Với diện tích đất bazan phù hợp phát triển cây công nghiệp được phân bố ở nhiều huyện, Đăk Nông đã phát triển nhanh nhiều vùng cây công nghiệp có giá trị. Diện tích trồng cây cao su tăng từ 8,4 ngàn héc-ta lên 20,9 ngàn héc-ta, diện tích trồng cây cà phê: 78 ngàn héc-ta, cây tiêu: 6,7 ngàn héc-ta. Ngoài vùng cà phê nổi tiếng ở huyện Đăk Mil, cao su ở Đăk Rlấp, Krông Nô, tỉnh đã phát triển thêm các vùng sản xuất cây nông sản ở Cư Jút, trồng lúa ở huyện Krông Nô, trồng khoai lang Nhật Bản ở Tuy Đức, trồng chanh dây ở Đăk Song, Đăk Glong, thị xã Gia Nghĩa... Qua đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và xã hội ổn định, quy mô, năng lực sản xuất tăng rõ rệt, tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân hằng năm là 7,5%.
Sản xuất công nghiệp là lĩnh vực đóng góp cơ bản vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm trên 39%, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 1.305 tỉ đồng, tăng hơn 5,2 lần so với năm đầu nhiệm kỳ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.787 cơ sở công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp. Nhiều dự án thủy điện được khởi công, xây dựng. Khu công nghiệp Tâm Thắng, cụm công nghiệp Đăk Ha, Nhân Cơ được quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính, tín dụng có bước phát triển. Dịch vụ tăng bình quân hằng năm 17,5%. Từ một địa bàn thiếu các dịch vụ xã hội, đến nay Đăk Nông đã có các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn, vận tải, bưu chính viễn thông. 100% số xã, thị trấn có điện thoại, với 20 máy điện thoại/100 dân, 8.000 thuê bao in-tơ-net; hệ thống tín dụng huy động tại chỗ tăng bình quân hằng năm 36,2%, tổng dư nợ cho vay tăng 47,5%; thu ngân sách tăng 30,24%; nâng vốn đầu tư xã hội năm 2010 đạt 80,29% tổng thu nhập của tỉnh, đây là mức đầu tư rất cao so với mức đầu tư chung của cả nước.
Năm năm qua, tăng trưởng kinh tế của Đăk Nông bình quân hằng năm là 7,5%, sản xuất công nghiệp tăng trên 39%, dịch vụ tăng 17,5%, tất cả các xã, thị trấn đều có điện thoại, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%, tỷ lệ trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia là 76%...
Các thành phần kinh tế được tạo điều kiện phát triển trong môi trường cạnh tranh bình đẳng. Việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bước đầu hoạt động hiệu quả hơn. Kinh tế hợp tác phát triển nhanh về số lượng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Kinh tế dân doanh tuy còn nhỏ bé nhưng phát triển đa dạng, phong phú, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường được quan tâm, thể hiện trong việc hoạch định các chính sách và trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Tỉnh đã xây dựng thể chế và chính sách triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21 của Chính phủ về phát triển bền vững, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã gắn kết với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Do còn nhiều hạn chế về nguồn nhân lực, trình độ dân trí thấp, nên việc tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục, đầu tư hệ thống trường lớp và cơ sở vật chất cho ngành giáo dục được tỉnh coi là một ưu tiên hàng đầu. Đến nay, toàn tỉnh có 319 trường với trên 137 ngàn học sinh, trong đó trên 46 ngàn học sinh dân tộc thiểu số. Năm 2009, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học đạt 76,09%, thi đỗ đại học, cao đẳng: 32,75% (đứng thứ 37/63 tỉnh, thành trong cả nước). Hầu hết đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn: hệ mầm non: 95,95% số giáo viên đạt chuẩn, 4,15% đạt trên chuẩn; hệ tiểu học: 56,5% đạt chuẩn, 41,31% đạt trên chuẩn; hệ trung học cơ sở: 68% đạt chuẩn, 31,63% đạt trên chuẩn; hệ trung học phổ thông: 93,9% đạt chuẩn, 5,74% đạt trên chuẩn; 97% số trường trung học cơ sở và 100% số trường trung học phổ thông đã sử dụng giáo án điện tử và giảng dạy công nghệ thông tin. Xã hội hóa giáo dục đã được triển khai và đạt được một số kết quả ban đầu.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Việc phòng, chống dịch bệnh thường xuyên chú trọng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn, các dịch bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, cúm A... được khống chế thành công, vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm, ý thức phòng bệnh, vệ sinh của người dân ngày càng được nâng lên. Các chương trình mục tiêu, dự án y tế quốc gia được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 27,8% (năm 2004: 36%, năm 2007: 31,9%); 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế xã; 26/71 xã có bác sĩ; 76% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 15 giường bệnh/1 vạn dân. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách theo Luật Bảo hiểm y tế được thực hiện tốt.
Các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, thông tin truyền thông có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển đa dạng, phong phú và rộng khắp. Cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai sâu rộng, góp phần đáng kể xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân. Năm 2009, toàn tỉnh có 80% số gia đình, 17% số xã, phường, thị trấn, 60% số thôn, buôn, tổ dân phố; 90% số cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu gia đình văn hóa và đơn vị văn hóa. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã đi dần vào nền nếp. Thiết chế văn hóa đã và đang được đầu tư từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống được sưu tầm, khơi dậy, làm phong phú và đặc sắc kho tàng văn hóa của địa phương. Việc tổ chức truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm cho lớp trẻ cùng với các lễ hội dân gian, hội thi, hội diễn được tổ chức hằng năm đã làm "sống lại" không gian văn hóa sinh động và mang bản sắc riêng của cộng đồng các dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Hoạt động thể dục - thể thao quần chúng phát triển đa dạng, tạo nền móng để phát hiện nhân tố cho thể thao thành tích cao. Các phương tiện thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình là công cụ đắc lực để tuyên truyền chính sách, giới thiệu điển hình, cổ vũ cho các phong trào thi đua và đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí cho nhân dân.
Công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách đối với người có công, các chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Các chính sách và các hợp phần dự án xóa đói, giảm nghèo như chương trình 135 (giai đoạn 2), chương trình 167 (làm nhà cho đồng bào nghèo), chương trình 134 (giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào) đã được thực hiện đúng đối tượng, bảo đảm tiến độ. Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, địa phương còn lồng ghép với các chương trình, dự án khác, các nguồn vận động từ các nhà doanh nghiệp, nhân dân giúp cho hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên. Nhờ vậy, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 13,28%, hộ cận nghèo còn 5,75%.
Những hạn chế, bất cập
Trước hết, tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng không cao, khả năng cạnh tranh hạn chế, tập trung khai thác thế mạnh, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhiều tạo nên hệ quả bất lợi về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Giá trị sản xuất bình quân/ ha đất nông nghiệp còn thấp so với trong vùng và cả nước (bình quân khoảng 24 triệu/ha, trong khi cả nước là 50 triệu/ha). Tình trạng gia tăng nhanh diện tích cây cà phê gây hệ quả bất lợi về môi trường: suy giảm nguồn nước ngầm, phá rừng lấy đất làm rẫy, mất cân bằng giữa cung và cầu về cà phê... Một số công trình thủy điện vừa và nhỏ là tác nhân suy giảm vốn rừng, thay đổi dòng chảy của các con sông gây hậu quả xấu về môi trường. Việc triển khai một số công trình, dự án chưa giải quyết tốt quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, đã làm gia tăng khiếu nại, tố cáo của công dân. Phát triển nông nghiệp, công nghiệp, kết cấu hạ tầng thiếu quy hoạch theo hướng bền vững đã làm giảm diện tích rừng tự nhiên, suy giảm đa dạng sinh thái, lãng phí tài nguyên đất, nước, khoáng sản...
Thứ hai, chênh lệch mức sống giữa các bộ phận dân cư, giữa đô thị và nông thôn, giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, có huyện trên 50% dân số thuộc diện nghèo. An ninh nông thôn diễn biến phức tạp, tranh chấp đất đai, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn kịp thời.
Thứ ba, các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống còn hình thức, Không gian sinh tồn của dân tộc thiểu số bản địa bị thu hẹp trước sự phát triển nhanh chóng của giao thông, đô thị, khu công nghiệp và cả sự gia tăng cơ học từ dân di cư tự do. Một số sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào có nguy cơ bị mai một, lai căng và mất dần trong cuộc sống hiện đại.
Thứ tư, việc tổ chức, triển khai một số chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả đạt chưa cao, nhất là chương trình xóa đói, giảm nghèo thiếu bền vững, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa tương xứng với cơ cấu dân cư và trình độ năng lực, công tác quản lý dân cư, quản lý hành chính, đất đai, quản lý tài nguyên... ở vùng dân tộc thiểu số còn lỏng lẻo.
Một số giải pháp phát triển bền vững
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới Đăk Nông tập trung triển khai thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp cơ bản sau đây:
Nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức: Trang bị kiến thức, xây dựng ý thức trách nhiệm cho cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp và quần chúng nhân dân các dân tộc thiểu số về phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới cho nên cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân các dân tộc thiểu số về lý thuyết, quan điểm, phương hướng và những giải pháp phát triển bền vững với các nội hàm tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, chăm lo các vấn đề xã hội, văn hóa, như là một sự lựa chọn phát triển hợp quy luật khách quan và xu thế phát triển của xã hội hiện đại.
Nhóm giải pháp về thể chế, xây dựng chính sách: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển. Thể chế hóa chiến lược phát triển bền vững bằng việc lồng ghép các thành tố phát triển như tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ tài nguyên, giữ gìn giá trị truyền thống, văn hóa, con người, công nghệ... vào các chính sách, kế hoạch cụ thể, phân công, phân cấp cho các cấp, các ngành thực hiện, huy động tối đa sự tham gia của người dân, tập trung chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, thông qua các hoạt động sưu tầm, bảo tồn văn hóa truyền thống, tổ chức nhiều loại hình văn hóa, thể thao lành mạnh nhằm định hướng lối sống, nếp sống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân. Lồng ghép các cuộc vận động văn hóa với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn dân cư làm cho các giá trị văn hóa, giá trị truyền thống thấm sâu vào đời sống nhân dân, trở thành động lực cho sự phát triển, tạo tác dụng lan tỏa một cách toàn diện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hướng đến phát triển bền vững.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới Đăk Nông tập trung triển khai thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp cơ bản, như nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân các dân tộc thiểu số về phát triển bền vững; về hoạch định và tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển; về nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; về bố trí các nguồn vốn...
Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện chính sách: Đây là một khâu quan trọng trong quá trình tổ chức, triển khai đưa chiến lược phát triển bền vững vào thực tiễn. Việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách phát triển ở tỉnh Đăk Nông đòi hỏi phải lồng ghép các chính sách với hệ thống tổ chức từ trung ương tới cơ sở, huy động sự tham gia rộng rãi của người dân với tinh thần "phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn dân, người dân là trung tâm của mục tiêu phát triển"; cần tạo ra cơ chế để phát huy vai trò chủ động của người dân tại chỗ tham gia thực hiện và là người hưởng thụ thành quả phát triển.
Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực: Chú trọng nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số. Đây là nhân tố quan trọng, quyết định thành công của chiến lược phát triển bền vững. Để cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục, đào tạo với vị trí quan trọng là "quyết sách hàng đầu" phải được chú trọng và đầu tư xứng đáng. Cùng với nâng cao trình độ dân trí, cần tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, đi đôi với việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng để khai thác, gìn giữ và trao truyền lại các sinh hoạt văn hóa truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cho thế hệ trẻ.
Nhóm giải pháp về bố trí các nguồn vốn: Phát triển bền vững là mục tiêu đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và đầu tư nguồn lực lớn. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước cần huy động ngân sách địa phương và kêu gọi sự hưởng ứng, đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và nhiều thành phần trong xã hội tham gia, nhất là sự tham gia tích cực của những người dân địa phương, các nghệ nhân và người có uy tín trong cộng đồng./.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế  (22/09/2010)
Xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới  (22/09/2010)
Diễn văn khai mạc Đại hội đồng AIPA - 31 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch AIPA - 31  (22/09/2010)
Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX thành công tốt đẹp  (22/09/2010)
57.400 tỉ đồng cho chiến lược phát triển thủy sản  (22/09/2010)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên