TCCSĐT - Sau gần một năm đàm phán bí mật, với biết bao dự báo, giả thuyết, ý kiến ủng hộ và phản đối từ nhiều phía khác nhau, cuối cùng, Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giữa Nga và Mỹ đã được ký kết chính thức tại ngày 8-4-2010 tại Pra-ha, thủ đô Cộng hoà Séc, nơi vừa đúng một năm trước đây Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đưa ra sáng kiến xây dựng thế giới không có vũ khí hạt nhân. Liệu hiệp ước này có để lại dấu ấn trong lịch sử tiến trình phi hạt nhân hoá hành tinh?

Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân (VKHN) - một trong những lĩnh vực đối đầu chủ yếu thời kỳ Chiến tranh lạnh đã chất quá đầy kho vũ khí đủ sức huy diệt nhiều lần toàn bộ sự sống trên Trái đất, làm cho nền kinh tế của cả hai bên cùng suy giảm đáng kể. Vì thế, từ cuối những năm 60 thế kỷ XX, lãnh đạo hai nước bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán và đã ký kết nhiều hiệp ước nhằm hạn chế và cắt giảm số lượng phương tiện mang cũng như số đầu đạn hạt nhân. Cũng trong thời gian đó, nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế và chính khách đề xuất ý tưởng loại trừ VKHN ra khỏi đời sống chính trị - quân sự quốc tế.

Ngay từ năm 1946, Liên hợp quốc đã từng thành lập Uỷ ban về năng lượng hạt nhân có nhiệm vụ chuẩn bị các đề xuất nhằm loại trừ VKHN ra khỏi trang bị của các quốc gia cũng như tất cả các loại vũ khí sát thương hàng loạt khác. Năm 1946, tại hội nghị lần thứ hai của Uỷ ban này, Chính phủ Liên Xô đề xuất Dự thảo Công ước cấm VKHN. Năm 1955, Chính phủ Liên Xô tiếp tục đề xuất ký kết Công ước quốc tế về cắt giảm và cấm sử dụng VKHN. Hiệp ước không phổ biến VKHN (NPT) ký năm 1968 đã kêu gọi các nước ngừng chạy đua VKHN và tiến tới giải trừ VKHN trên toàn thế giới.

Gần đây nhất, năm 2007, một nhóm các chính khách và nhà khoa học hàng đầu ở Mỹ, trong đó có các cựu Ngoại trưởng Mỹ Giooc-dơ Sun-xơ và Hen-ri Kit-xinh-gơ, đã công bố bài viết mang tựa đề “Hướng tới một thế giới không có VKHN”, trong đó nhận định, trong thời đại ngày nay, VKHN đã trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết và thế giới cần loại bỏ nó.

Các hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Liên Xô (Nga) và Mỹ

Tính tổng cộng, Liên Xô (trước đây) và Nga ngày nay đã ký tất cả 5 hiệp ước hạn chế và cắt giảm VKHN.

Hiệp ước Xô-Mỹ hạn chế vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1, gọi tắt là Hiệp ước SALT-1 (Strategic Arms Limitation Tread) và Hiệp ước Xô-Mỹ về hạn chế hệ thống phòng thủ chống tên lửa, gọi tắt là Hiệp ước ABM (Anti-Ballistic Missile Tread), ngày 26-5-1972 tại Mat-xcơ-va. Theo Hiệp ước SALT-1, hai bên cam kết sẽ không chế tạo thêm tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược vượt đại châu ICBM (Intercontinental Ballistic Missile), sẽ không chuyển các bệ phóng ICBM hạng nhẹ bố trí trên đất liền hoặc các bệ phóng dùng cho tên lửa ICBM thế hệ cũ (triển khai trước năm 1964) thành bệ phóng dùng cho các ICBM hạng nặng triển khai sau thời hạn đó; Mỹ được phép đưa vào trang bị không quá 710 bệ phóng tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm SLBM (Submarine-Launched Ballistic Missile) và không quá 44 tàu ngầm mang tên lửa đường đạn. Con số tương ứng của Liên Xô là 950 và 62.

Còn theo Hiệp ước ABM, Liên Xô và Mỹ, mỗi nước chỉ được triển khai hai khu vực phòng chống tên lửa có bán kính 150 km (một khu vực ở trung tâm thủ đô và một khu vực khác bao quanh một trận địa tên lửa ICBM). Số bệ phóng và số tên lửa trên bệ phóng ở mỗi khu vực không được quá 100. Hai bên không thiết lập, không thử nghiệm và không triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa trên biển, trên không, trong vũ trụ và các căn cứ di động trên mặt đất. Do bị ràng buộc bởi Hiệp ước ABM, các bên phải kiềm chế và thận trọng để tránh nổ ra chiến tranh hạt nhân trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh”. Tuy nhiên, nhằm giành ưu thế quân sự, từ năm 1983, Mỹ thực hiện Sáng kiến phòng thủ chiến lược SDI (Strategic Defense Initiative) do Tổng thống Rô-nan Ri-gân đề xuất, mở đường cho kế hoạch xây dựng Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMD (National Missile Defense). Ngày 13-6-2002, Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ (G.W.Bush) tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước ABM.

Hiệp ước Xô-Mỹ hạn chế vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 2, gọi tắt là Hiệp ước SALT-2 được ký ngày 18-6-1979 tại Viên (Thủ đô nước Áo). Xét về bản chất, Hiệp ước SALT-2 là sự tiếp tục Hiệp ước SALT-1, theo đó, Liên Xô và Mỹ cam kết giới hạn số lượng và chất lượng vũ khí tiến công chiến lược hiện có trong trang bị vào thời điểm đó và hạn chế chế tạo những vũ khí tiến công chiến lược mới. Mỗi bên được phép duy trì 2.400 phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến lược, bao gồm tên lửa ICBM, tên lửa SLBM, máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đường đạn không đối đất có tầm bắn trên 600 km. Các bên chỉ được phép sở hữu 1.320 đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa ICBM mang nhiều đầu đạn (gọi tắt là tên lửa MIRV) và máy bay ném bom chiến lược. Tuy nhiên, Hiệp ước SALT-2 đã không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn với lý do: Liên Xô can thiệp quân sự vào Ap-ga-ni-xtan tháng 12-1979.

Hiệp ước Xô-Mỹ về huỷ bỏ tên lửa tầm trung INF (Intermediate-Range Nuclear Forces) được ký ngày 8-12-1987 tại Oa-sinh-tơn. Theo đó, hai bên cam kết sẽ hủy bỏ hoàn toàn số tên lửa hạt nhân tầm trung xa (có tầm bắn từ 1.000 đến 5500 км) và tầm trung ngắn (có tầm bắn từ 500 đến 1000 км) bố trí trên mặt đất. Cách phân loại này chỉ được hai bên thống nhất vào năm 1987. Trước đó, Mỹ phân chia tên lửa đường đạn thành các loại: tên lửa đường đạn vượt đại châu có tầm trên 5.000 km; tên lửa đường đạn tầm trung có tầm từ 500 km tới 5.000 km và tên lửa đường đạn tầm ngắn có tầm từ 150 km tới 500 km. Còn ở Liên Xô, ngoài tên lửa đường đạn vượt đại châu còn có tên lửa chiến dịch-chiến thuật có tầm từ 1km tới 500 km. Trong khi đó, Mỹ quan niệm tên lửa chiến dịch-chiến thuật có tầm từ 1km đến 150 km. Năm 1987, hai bên thống nhất cách phân loại mới như trong Hiệp ước.

Theo Hiệp ước INF, Liên Xô phải hủy bỏ 331 tên lửa SS-20, 11 tên lửa SS-4 bố trí trên lãnh thổ Liên Xô ở Châu Âu và một phần ở Châu Á; 300-350 tên lửa SS-12, SS-23 bố trí ở một số nước Đông Âu. Mỹ hủy bỏ 108 tên lửa Pơ-sinh II (Persinh), 260 tên lửa có cánh phóng phóng từ mặt đất bố trí ở CHLB Đức, Anh, I-ta-li-a, Bỉ và 72 tên lửa Pơ-sinh IA bố trí ở CHLB Đức. Các bên không chuyển những tên lửa và bệ phóng trên sang những hệ thống vũ khí khác; không chuyển nhượng chúng cho nước thứ ba; không tiếp tục nghiên cứu, sản xuất và triển khai chúng trên mặt đất; thực hiện các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt, có hiệu quả (mỗi bên được tiến hành các cuộc thanh sát trong 13 năm và bằng các biện pháp riêng để kiểm chứng); thời gian phá hủy tên lửa tầm trung xa là 3 năm, tên lửa tầm trung ngắn là 18 tháng (sau khi hiệp ước có hiệu lực); mỗi nước có quyền rút khỏi hiệp ước trong trường hợp cần bảo vệ chủ quyền của mình. Hiệp ước này góp phần quan trọng đẩy lùi một bước nguy cơ chiến tranh hạt nhân (hủy bỏ 3% kho vũ khí hạt nhân). Thi hành hiệp ước trên, 13-4-1991 Mỹ rút các tên lửa Pơ-sinh II (Persing) cuối cùng khỏi châu Âu và ngày 12-5-1991, Liên Xô phá hủy những tên lửa SS-20 cuối cùng. Đến tháng 6-1991, Hiệp ước này đã được các bên thực hiện. Liên Xô phá huỷ hoàn toàn 1.846 tên lửa, trong số đó có tới khoảng một nửa không nằm trong số trực chiến. Còn Mỹ huỷ bỏ 846 tên lửa.

Hiệp ước Xô-Mỹ về cắt giảm vũ khí chiến lược giai đoạn 1 và 2 còn gọi là Hiệp ước START-1 và START-2 (Strategic Arms Reduction Treaty) được ký kết ngày 3-7-1991 tại Mat-xcơ-va trong bối cảnh Liên Xô đứng trước nguy cơ tan rã hoàn toàn. Theo Hiệp ước START-1, Mỹ và Liên Xô được duy trì 1.600 phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến lược, bao gồm tên lửa ICBM, tên lửa SLBM và máy bay ném bom chiến lược. Trong vòng 7 năm, Liên Xô và Mỹ phải cắt giảm sao cho mỗi bên chỉ còn không quá 6.000 đầu đạn hạt nhân. Hai bên cam kết dỡ bỏ đầu đạn trên các tên lửa mang nhiều đầu đạn; không được chế tạo và triển khai tên lửa đường đạn phóng từ máy bay, từ tàu ngầm, tên lửa hành trình và tên lửa bố trí trên quỹ đạo; không chuyển giao các loại vũ khí chiến lược cho nước thứ ba; áp dụng các biện pháp thanh sát chặt chẽ, kể cả kiểm tra chỉ được báo trước thời gian ngắn. Trong đó có quy định, 6 tổ hợp tên lửa đường đạn cơ động trên mặt đất chỉ được bố trí tại các vùng nhất định có tên gọi và toạ độ địa lý rõ ràng.

Hiệp ước START-2 được ký ngày 3-1-1993 tại Mat-xcơ-va sau khi Liên Xô tan rã. Hai bên thoả thuận tiếp tục cắt giảm 2/3 tổng số vũ khí hạt nhân chiến lược đã từng cam kết trong START-1 trong vòng 10 năm. Hiệp ước START-2 được Quốc hội Mỹ phê chuẩn tháng 1-1996. Còn Duma quốc gia Nga không phê chuẩn vì nhận thấy Hiệp ước START-2 có nhiều điều bất lợi về chiến lược đối với Nga.

Hiệp ước cắt giảm tiềm năng vũ khí tiến công chiến lược được ký tại Mat-xcơ-va ngày 24-5-2002, theo đó, Mỹ và Nga giới hạn số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu là 1700-2.200 sau khi được Quốc hội hai nước phê chuẩn. Hiệp ước có hiệu lực đến 31-12-2012. Hiệp ước này bị phê phán bởi các lý do: không quy định rõ điều kiện kiểm soát; không yêu cầu phải cắt giảm thường xuyên; các đầu đạn được dỡ bỏ từ trạng thái sẵn sàng chiến đấu có thể được cất vào kho để có thể dùng lại v.v.

Nhận xét chung về các hiệp ước đã được ký kết, nhiều chuyên gia quân sự Liên Xô trước đây và Nga hiện nay cho rằng, các hiệp ước cắt giảm VKHN giữa Liên Xô (Nga) và Mỹ được ký kết trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau và mỗi bên đều cố giành lợi thế về phía mình. Thí dụ, Hiệp ước SALT-1 và Hiệp ước ABM được ký kết vào năm 1972 trong bối cảnh Mỹ đang sa lầy và đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nên phía Mỹ buộc phải nhân nhượng Liên Xô; Hiệp ước INF về huỷ bỏ tên lửa tầm trung ký năm 1987 trong bối cảnh Liên Xô đang thực hiện công cuộc cải tổ, buộc phải nhân nhượng Mỹ; Hiệp ước START-1 ký năm 1991 trong điều kiện Liên Xô đứng trước nguy cơ tan rã hoàn toàn, còn Hiệp ước START-2 ký năm 1992 và Hiệp ước cắt giảm tiềm năng vũ khí tiến công chiến lược ký năm 2002 trong điều kiện nước Nga đang trải qua cuộc khủng hoảng cả về chính trị và kinh tế-xã hội. Mặc dù vậy, các hiệp ước từng được ký kết đã góp phần quan trọng giảm bớt đáng kể số lượng các phương tiện mang và đầu đạn hạt nhân trong trang bị của mỗi bên, tạo cơ sở ngăn chặn nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân ở phạm vi khu vực và toàn cầu.

Hiệp ước START mới, hay Hiệp ước START-3

Hiệp ước START mới được ký kết ở Pra-ha (CH Séc), tuy được gọi là Hiệp ước START-3, nhưng trên thực tế có thể coi đó là Hiệp ước START-6. Trong Hiệp ước START mới này, các bên đã đạt được những thoả thuận quan trọng.

Về mức cắt giảm phương tiện mang. Mỹ cắt giảm từ 1.188 phương tiện xuống còn 800 phương tiện, còn Nga cắt giảm từ 809 xuống còn 800. Trong đó, gồm 700 dàn phóng tên lửa đường đạn vượt đại châu bố trí trên đất liền (ICBM), các dàn phóng tên lửa đường đạn trang bị trên tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược đã được triển khai, cộng thêm 100 phương tiện tương tự chưa được triển khai. Mức cắt giảm này do phía Nga đề xuất nhằm tạo cơ sở pháp lý để không bên nào có thể tạo ra “tiềm năng có thể tái sử dụng” các phương tiện đã bị cắt giảm.

Về mức cắt giảm đầu đạn hạt nhân. Mỹ cắt giảm từ 5.916 đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.550. Tương ứng, Nga cắt giảm từ 3.897 đầu đạn xuống còn 1.550. Trong tổng số đầu đạn hạt nhân hai bên có thể giữ lại, thì máy bay ném bom chiến lược được tính như một đầu đạn hạt nhân chiến lược. Trong khi đó, một máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ có khả năng mang 14 tên lửa hành trình được lắp đầu đnạ hạt nhân, 4 bom hạt nhân B-61-7 và 2 bom hạt nhân B-83, nhưng cũng chỉ tính như một đầu đạn hạt nhân chiến lược. Đây là một ưu thế quan trọng mà Mỹ đã đạt được với Nga.

Về các thoả thuận quan trọng khác. Hiệp ước START mới cấm các bên xây dựng căn cứ VKHN ở nước ngoài, nhưng cho phép tàu ngầm của các bên ra vào hải cảng các nước thứ ba phù hợp với luật pháp quốc tế. Hiệp ước START mới còn quy định các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với hoạt động cải biên tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược mang vũ khí thông thường, không để cho các phương tiện này có thể trở thành phương tiên mang VKHN. Thí du, Mỹ cam kết không cải biên và không sử dụng các bệ phóng ICBM và các bệ phóng tên lửa đường đạn từ tàu ngầm bị cắt giảm thành các phương tiện mang khác. Thoả thuận này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề để các bên tiếp tục đối thoại về ảnh hưởng của các phương tiện mang chiến lược như ICBM và tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm được lắp đầu đạn thông thường đối với sự cân bằng và ổn định chiến lược.
 
Một thoả thuận rất quan trọng mà hai bên đã đạt được là gắn kết giữa vũ khí tiến công với vũ khí phòng thủ. Do Hiệp ước START mới được ký kết trong điều kiện các bên có tiềm lực khác xa nhau về vũ khí phòng thủ, nên trong đó có quy định trong quá trình thực hiện hiệp ước, nếu một bên nào đó thay đổi đáng kể khả năng phòng thủ của họ làm ảnh hưởng tới an ninh của bên kia, thì bên bị hại có quyền quyết định có tiếp tục tham gia quá trình cắt giảm vũ khí hạt nhân tiến công chiến lược hay không. Trong cuộc họp báo được tổ chức tại Mat-xcơ-va trước thềm lễ ký kết Hiệp ước START mới, Ngoại trưởng Nga Xec-gây La-vrôp tuyên bố: “Nga sẽ có quyền rút khỏi Hiệp ước START mới nếu quá trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Do đó, Mỹ phải từ bỏ kế hoạch bố trí lá chắn tên lửa ở Bun-ga-ri và Ru-ma-ni”.

Ngoài ra, hai bên còn đạt được thoả thuận gắn kết VKHN với vũ khí thông thường. Hiện nay, vũ khí tiến công mang đầu đạn thông thường có ý nghĩa chiến lược không kém gì VKHN. Trong Hiệp ước START mới đã đưa ra được một số thoả thuận nhằm hạn chế số lượng các phương tiện chiến lược phi hạt nhân của các bên, theo đó trong số các phương tiện chiến lược mà Mỹ và Nga sẽ phải cắt giảm bao gồm cả các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.

Theo Bộ trưởng ngoại giao Nga Xec-gây La-vrôp, nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho các cuộc đàm phán về Hiệp ước START mới là hướng tới một nền an ninh công bằng và phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Nga. Vì thế quan điểm của Nga trong các cuộc đàm phán dựa trên kết quả phân tích và thẩm định kỹ càng tình hình trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, nhu cầu chiến lược khách quan và khả năng của nhà nước Nga. Dựa trên các nguyên tắc và quan điểm đó, Nga và Mỹ đã đạt được thống nhất trong nhận thức về ngưỡng vũ khí tiến công chiến lược sao cho vừa bảo đảm an ninh của Nga, sự ổn định chiến lược toàn cầu và củng cố mối quan hệ Mỹ-Nga. Vì thế, Hiệp ước START mới được coi là văn kiện đầu tiên phản ánh nguyên tắc công bằng về an ninh, xét cả về tinh thần cũng như cách thể hiện. Cũng theo ông X.La-vrôp, Hiệp ước START mới không những thay thế Hiệp ước START-1 mà cả Hiệp ước hạn chế tiềm năng tiến công chiến lược giữa Mỹ và Nga ký ngày 24-5-2002. Ngoài ra, Hiệp ước START mới cho phép các bên tự xác định thành phần vũ khí tiến công chiến lược của mình, gồm tên lửa đường đạn vượt đại châu, tàu ngầm mang tên lửa đường đạn và máy bay ném bom chiến lược. Trong Hiệp ước START mới đã đưa ra được một số thoả thuận nhằm hạn chế số lượng các phương tiện chiến lược phi hạt nhân của các bên, theo đó trong số các phương tiện mang chiến lược mà Mỹ và Nga sẽ phải cắt giảm bao gồm cả các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.

Sau khi Hiệp ước START mới được ký kết, lãnh đạo nhiều nước và người đứng đầu các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về sự kiện Nga và Mỹ ký kết Hiệp ước START mới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun ra tuyên bố chào mừng sự kiện Nga và Mỹ ký kết Hiệp ước START mới, coi đó là giai đoạn quan trọng trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải trừ hạt nhân và tiến tới một thế giới không còn vũ khí hạt nhân. Tổng Thư ký NATO Ra-xmu-xen coi sự kiện này là đóng góp quan trọng vào quá trình giải trừ quân bị, mở ra hy vọng đạt được những tiến bộ mới trong lĩnh vực này. Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đáng giá việc giảm bớt vai trò và số lượng vũ khí hạt nhân là đóng góp tích cực để ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm hướng tới một thế giới không còn vũ khí hạt nhân và an toàn hơn.

Thủ tướng Nhật Bản Ha-tô-i-a-ma đánh giá, việc Nga và Mỹ cắt giảm đáng kể phương tiện mang và đầu đạn hạt nhân là một tin tốt lành đối với toàn thế giới. Là quốc gia chịu thảm hoạ của bom hạt nhân, Nhật Bản sẽ nỗ lực đấu tranh vì một thế giới không còn vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại giao U-crai-na ra tuyên bố, là quốc gia đã tự nguyện từ bỏ vị thế quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, U-crai-na coi sự kiện ký kết Hiệp ước START mới là một bước quan trọng nhằm hướng tới một nền hoà bình bền vững.

Quá trình phi hạt nhân hoá thời kỳ hậu Hiệp ước START mới

Trong hơn sáu thập kỷ qua, trên thế giới luôn diễn ra hai quá trình phụ thuộc lẫn nhau là chạy đua và giải trừ VKHN. Hiện nay, trên thế giới đã có tới khoảng 40 quốc gia có khả năng công nghệ và kỹ thuật để chế tạo VKHN. Nếu trong thế kỷ XX, việc sở hữu VKHN chỉ là độc quyền của các nước giàu và mạnh, thì ngày nay tình hình đã đổi khác. Nhiều nước có mức phát triển trung bình muốn sở hữu VKHN để bảo vệ lợi ích quốc gia và răn đe chiến tranh xâm lược, trong khi đó các quốc gia hạt nhân sẽ khó có thể chấp nhận từ bỏ vị thế cường quốc hạt nhân của họ. Có thể thấy, vai trò của VKHN trong thời đại ngày nay đã khác xa thời “Chiến tranh lạnh”. VKHN dường như đang trở thành công cụ duy nhất có tác dụng răn đe chiến tranh xâm lược, đến nỗi, nhiều chuyên gia quân sự bình luận rằng, 2 cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, chiến tranh Cô-xô-vô và chiến tranh Ap-ga-ni-xtan có thể đã không xảy ra nếu như I-rắc, Nam Tư và Ap-ga-ni-xtan sở hữu VKHN! Vậy nên, quá trình phi hạt nhân hoá sẽ là tiến trình lâu dài, khó khăn, phức tạp và đầy trắc trở.

Hai ngày trước khi sang Pra-ha ký Hiệp ước START mới, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma chính thức tuyên bố sẽ đưa ra một số hạn chế trong chiến lược hạt nhân của Mỹ, theo đó Mỹ từ chối phát triển các loại VKHN mới tiên tiến và cam kết không sử dụng VKHN khi Mỹ, các đồng minh và các đối tác của Mỹ bị tiến công phi hạt nhân, kể cả trong trường hợp bị tiến công bằng vũ khí hoá học hoặc sinh học. Tuyên bố này dựa trên cơ sở thực tế là hiện nay Mỹ chiếm ưu thế đơn phương vượt trội so với bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào, kể cả Nga, về vũ khí thông thường bao gồm hàng vạn tên lửa hành trình và bom đạn có độ chính xác cao, được điều khiển bằng vệ tinh, có tầm tiến công trên phạm vi toàn cầu. Với kho vũ khí này, Mỹ có thể tiến công tàn phá tiềm lực quân sự và tiềm lực kinh tế của bất kỳ đối thủ nào mà chưa cần dùng tới VKHN. Trong khi đó, Mỹ vẫn không thay đổi quan điểm về cách thức sử dụng sức mạnh quân sự, đã từng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bec Ghết (Robert Gates) trình bày trong bài viết mang tựa đề “Chiến lược cân bằng” đăng trên tạp chí “Foreign Affairs” số ra đầu năm 2009: “Mục đích trong chiến lược của Mỹ vẫn là duy trì ưu thế hiện có về các loại VKHN cũng như vũ khí thông thường so với quân đội các nước khác”.

Vì thế, dù Mỹ có ký Hiệp ước START mới với Nga, hay tiếp tục ký kết các hiệp ước khác nhằm cắt giảm VKHN trong tương lai, thậm chí tiến tới giải trừ hoàn toàn VKHN, thế giới vẫn chưa thể được an toàn trong khi Mỹ chiếm ưu thế vượt trội so với bất kỳ quốc gia nào về vũ khí thông thường và vẫn tiếp tục chủ trương sử dụng sức mạnh quân sự trong các quan hệ quốc tế. Do đó, để có thể hoàn toàn giải trừ VKHN, hướng tới một thế giới phi hạt nhân an toàn, các nước không chỉ phải loại bỏ VKHN, mà trước hết phải từ bỏ chính sách sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết mâu thuẫn giữa các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, đồng thời xác lập sự cân bằng chiến lược trong lĩnh vực vũ khí thông thường./.