Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của Yên Tử nói riêng, thành phố Uông Bí nói chung
Thành phố Uông Bí nằm ở phía tây của tỉnh Quảng Ninh, có vị thế quan trọng về nhiều mặt, được xác định là trung tâm công nghiệp, thương mại, trung tâm du lịch, trung tâm giáo dục đào tạo và y tế. Thành phố có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, là vùng đất cổ của tỉnh Quảng Ninh, có người Việt sinh sống từ rất sớm gắn với văn hóa Hạ Long. Uông Bí cũng là địa phương giàu tài nguyên thiên nhiên, có nhiều lợi thế trong phát triển và liên kết kinh tế, giao lưu văn hóa - xã hội, thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế; là một trong những địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài những thuận lợi về vị trí địa lý, Uông Bí còn được lịch sử và thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là kinh tế du lịch. Hiện, trên địa bàn thành phố có 31 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó, nổi bật nhất là Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, nơi được mệnh danh là cố đô Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-Ttg, ngày 27-9-2012, Về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Dãy núi Yên Tử với đỉnh cao nhất 1.068m, từ lâu đã nổi tiếng về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nổi bật vùng Đông Bắc Tổ quốc, là đỉnh cao của cánh cung Đông Triều, tầm nhìn ra sông Bạch Đằng, vịnh Hạ Long và Biển Đông, sau lưng dựa vào mênh mông đồi núi Bắc Giang, Lạng Sơn. Nơi đây gìn giữ được gần như nguyên vẹn khoảng 2.700ha rừng nguyên sinh, với đa dạng sinh học đặc trưng của rừng núi nhiệt đới, có nhiều loài cây đặc hữu, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn du khách từ bao đời nay. Đặc biệt, Yên Tử là nơi gắn bó thiên nhiên cảnh quan đặc sắc với khu Di tích tâm linh độc đáo. Thời Lý, trên núi Yên Tử đã có chùa, am thờ Phật. Đầu thế kỷ XIII, Thiền sư Hiện Quang, sau đó là Quốc sư Đạo Viên, Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Diêu, Huệ Tuệ đã đến Yên Tử tu hành. Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông đã lên Yên Tử tu hành, lấy pháp danh là Điều Ngự Giác Hoàng. Nhà vua đã cho xây dựng hàng loạt chùa tháp trên núi Yên Tử, chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật và đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam - là nét đặc sắc của đạo pháp nước ta với tư tưởng “Hòa quang đồng trần”, “Cư trần lạc đạo”, luôn là kim chỉ nam trong mọi hoạt động “lợi đạo, ích đời” của những người con Phật Việt Nam. Tư tưởng đó sau này đã phát triển trở thành phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội” và đã trở thành một truyền thống cao quý có ý nghĩa thực tiễn, mang trong mình giá trị tinh thần vô giá, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, thời đại Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hệ thống chùa chiền, am, tháp nơi đây cũng chứa đựng những giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc của các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Đó là những báu vật, cổ vật có một không hai trong kho tàng văn hoá Việt Nam, tiêu biểu nhất là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, cuối năm 2020 được công nhận là bảo vật quốc gia.
Nét độc đáo riêng có của Yên Tử nằm ở chỗ: Rừng gắn với di tích và Di tích nằm ẩn khuất trong rừng. Rừng “ôm di tích vào lòng”, là lá chắn bảo vệ cho di tích, quần thể di tích lại tôn thêm giá trị của rừng. Ngọn núi thiêng Yên Tử từ xưa đến nay đã đi vào tâm thức, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam và khiến du khách quốc tế ngưỡng mộ. Với những giá trị đặc biệt về thiên nhiên, văn hóa, quần thể di tích danh thắng Yên Tử luôn được nhân dân Uông Bí trân trọng giữ gìn từ bao đời nay; từ năm 1974 Yên Tử đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, từ năm 2012 được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; hiện nay đang trong tiến trình làm hồ sơ đề nghị Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn ấp ủ trong mình hồn thiêng văn hóa Việt, bởi nơi đây ông cha ta đã để lại di sản là hệ thống chùa chiền, am tháp, hàng ngàn di vật cổ, hàng trăm cây di sản... chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền Phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt. Tinh thần phật giáo của Thiền Phái Trúc Lâm vẫn còn sống mãi trong nền văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật nhất là tinh thần nhập thế, giao thoa sống động giữa đời và đạo. Cùng với vẻ đẹp núi cao mây phủ, thác đổ lưng đèo, thông reo suối lượn, hoa thơm cỏ lạ, muông thú các loài, trúc xinh bát ngát... tạo thành một vùng danh sơn kỳ vĩ, chúng ta hy vọng Yên Tử sẽ sớm trở thành điểm đến hấp cho du khách trong nước và quốc tế, tiếp tục minh chứng cho chiến lược phát triển bền vững, nơi đạo song hành với đời, nơi khai thác đi đôi với tôn tạo, nơi phát triển kinh tế - xã hội không mâu thuẫn mà lại gắn bó chặt chẽ với bảo tồn giá trị truyền thống.
Định hướng phát triển du lịch Yên Tử theo hướng bền vững
Trong những năm qua, Thành phố Uông Bí luôn xác định giá trị, tiềm năng to lớn của Di tích danh thắng Yên Tử, nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với khai thác phát triển kinh tế, nhất là du lịch bền vững. Quá trình quản lý, bảo tồn, khai thác tất yếu nảy sinh các vấn đề rất cơ bản: (1) Mâu thuẫn giữa khai thác than với bảo tồn, phát triển rừng và di tích danh thắng (Uông Bí có trữ lượng than lớn hàng đầu tỉnh, chủ yếu tập trung trong và bao quanh Yên Tử); (2) Mâu thuẫn giữa bảo vệ nguyên trạng di tích với việc trùng tu, duy trì “sức sống” bền vững của di tích; (3) Mâu thuẫn giữa giữ gìn, bảo tồn di tích danh thắng với yêu cầu đưa Yên Tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữa giữ gìn sự thanh tịnh chốn thiền môn với nhu cầu tham quan khám phá ngày càng lớn của du khách… Cùng với đó, vẫn còn những tồn tại hạn chế rất đáng kể, như: sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, ít dịch vụ giữ chân khách dài ngày, chưa có sản phẩm đặc trưng hấp dẫn; hợp tác, liên kết địa phương, chuỗi du lịch còn hạn chế; phối hợp trong quản lý có mặt chưa thực sự tốt, quan hệ “nhà nước - nhà chùa - nhà doanh nghiệp” có lúc, có việc chưa rõ ràng, hài hòa.
Cách thức giải quyết các mâu thuẫn, tồn tại nêu trên đã thể hiện sâu sắc quan điểm, phương thức, cách làm của Quảng Ninh, của Uông Bí theo định hướng xuyên suốt là phát triển bền vững, trong đó đáng chú ý:
Một là, tăng cường lãnh đạo, quán triệt, thay đổi, làm sâu sắc thêm nhận thức, ý thức về phát triển bền vững Yên Tử, cụ thể hóa trong các ứng xử quan trọng với di tích
Ngày 28-8-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Uông Bí ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, Về xây dựng Khu di tích và Danh thắng Yên Tử xứng tầm là Trung tâm Phật giáo, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam, nhằm thiết thực cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017, của Bộ Chính trị, Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 02 NQ/TU, ngày 5-2-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; và các văn bản chỉ đạo khác của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố Uông Bí xác định: “xây dựng Uông Bí trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước” để tập trung các giải pháp triển khai thực hiện.
Nhận thức bất cập do khai thác than gây ô nhiễm môi trường, xâm lấn vùng di tích, từ năm 2002, tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết cho dừng khai thác than tại một số khai trường quan trọng của Công ty than Nam Mẫu (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV), yêu cầu hoàn nguyên và khoanh định vào Rừng quốc gia Yên Tử để bảo vệ. Đã kiên quyết nói “không” với dự định thăm dò, khai thác trữ lượng hàng trăm triệu tấn than trong vùng Yên Tử; chuyển mạnh sang khai thác hầm lò, giảm thiểu lộ thiên trong các khu vực lân cận (Vàng Danh, Nam Mẫu, Tràng Lương…). Quyết liệt triệt phá nạn khai thác than trái phép, từ nhiều năm qua các cửa lò, bãi than cũ đã được san lấp, tái sinh rừng rất xanh tốt, không còn dấu vết nạn “thổ phỉ” xưa. Đặc biệt, nhận thức của cư dân trong vùng đã được thay đổi, với đặc thù là cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y, từ lâu đời đã sinh sống gắn với săn bắn, khai thác lâm thổ sản, chăn thả trâu bò…, nhờ được tuyên truyền, vận động tốt, đến nay tuyệt đối không còn nạn chặt cây, phá rừng và săn bắn động vật, cơ bản chấm dứt chăn thả gia súc tự do; các lâm thổ sản đặc trưng có giá trị thay vì vào rừng khai thác đã được dân nuôi trồng, phát triển theo quy hoạch, trở thành thương hiệu địa phương như cây Mai vàng Yên Tử, cây Trầu tiên, cây Mơ lông, măng trúc…
Hai là, khai thác du lịch có văn hóa, tu tạo di tích có hồn cốt, gắn giá trị tinh thần của Yên Tử với xúc tiến quảng bá du lịch.
Cùng với nguồn lực từ ngân sách thành phố, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh và của các cấp, các ngành; sự công đức vô lượng của nhân dân và phật tử, các tổ chức, nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài..., thành phố Uông Bí và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nỗ lực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, để nơi đây không chỉ là nơi du khách về thượng sơn ngắm cảnh, chiêm bái Phật hoàng mà còn là nơi cung cấp các dịch vụ du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm, cổ kính và hệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong khu di tích và danh thắng Yên Tử. Các chùa chiền, am tháp, đường hành hương, cho đến hệ thống cáp treo đều được hết sức chú trọng tôn tạo sao cho giữ được vẻ xưa, nét cổ, rất hài hòa với cảnh quan và không khí tôn nghiêm, cổ kính nơi đất thiêng.
Đồng thời, nhằm phát triển du lịch Yên Tử theo hướng bền vững, tỉnh và thành phố đã ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng và biết đánh giá, khai thác giá trị tinh thần vô giá của Danh sơn Yên Tử; trong quá trình đầu tư, khai thác kinh doanh dịch vụ cáp treo, đến giai đoạn năm 2016 - 2018, Công ty Tùng Lâm đã thuê kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Bill Bensley thiết kế quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử. Nét đặc sắc nhất là đã chắt lọc được các yếu tố cơ bản của Phật giáo Trúc Lâm và văn hóa nhà Trần, hình thành nên ngôn ngữ xuyên suốt từ kiến trúc, cảnh quan, nội thất, đến cách thức phục vụ, đưa quá khứ gần hơn với hiện tại, tái hiện nét văn hóa xưa trong quần thể hiện đại, cao cấp. Quần thể là nơi thể hiện cao độ sự gắn bó giữa du lịch với văn hóa, làm cho yếu tố tinh thần xưa tìm được phương thức mới để tồn tại bền vững, có sức sống, lồng ghép khéo léo trong kinh doanh du lịch.
Ba là, đầu tư xứng tầm, đem lại giá trị lớn trên nền tảng di tích
Để kết nối với di tích, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Uông Bí đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể Yên Tử với các di tích trong cả nước, tỉnh Quảng Ninh và Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, cùng với đó là sự hoàn thiện các hạ tầng dịch vụ du lịch góp phần đưa khu di tích Yên Tử lên một vị thế mới. Các tuyến đường từ quốc lộ 18 vào Yên Tử được đầu tư hàng trăm tỉ đồng; mở tuyến đường hành hương kết nối sang di tích Ngọa Vân (thị xã Đông Triều); hiện thành phố đang đầu tư kéo dài đường Yên Tử với tổng mức 250 tỉ đồng, kết nối tuyến đường ven sông của tỉnh có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Trong tương lai gần, tỉnh Quảng Ninh đầu tư nâng cấp quốc lộ 279 và tỉnh lộ 327 để kết nối Yên Tử với Bắc Giang, Lạng Sơn; tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long đi qua gần di tích sẽ sớm được đầu tư, đem lại khả năng tiếp cận thuận tiện, trước hết phục vụ nhu cầu chiêm bái, vãn cảnh của du khách, rất được các hãng du lịch kỳ vọng. Thành phố Uông Bí cũng đang tích cực triển khai dự án “Không gian cảnh quan đường vào cõi Phật”, gắn với khôi phục, phát triển rừng quốc gia dọc tuyến hành hương chính, đem lại những trải nghiệm mới thú vị cho du khách.
Về dịch vụ, đã xúc tiến đầu tư quần thể dịch vụ rộng gần 20 ha, với nhiều khu vực và công năng: Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử, Gallery Hotels Collection 5 sao với 133 phòng, hội trường Diên Hồng Ballroom 700 chỗ, Am Tuệ Tĩnh chăm sóc sức khỏe; Khu làng hành hương Yên Tử với 400 kén ngủ mộng mơ tĩnh mịch; Sân quảng trường Minh Tâm và Hoa Tâm có thể đáp ứng cho hàng vạn du khách tham gia lễ hội; 10 điểm dừng chân trên tuyến đường hành hương từ Giải Oan lên chùa Đồng; xây dựng hai bến xe Hạ Kiệu 1 và 2 với sức chứa 2.800 ô tô, 10.000 xe máy; xây dựng thêm 02 hệ thống cáp treo hiện đại theo công nghệ của Pháp lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng, công suất gấp gần 10 lần so với năm 2002. Nhiều sản phẩm trải nghiệm được đầu tư đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu của du khách, như: Yoga buổi sáng, Thiền trầm, Trải nghiệm làm “Nón Làng Nương”, trải nghiệm dập tranh Đông Hồ, trải nghiệm làm sáo Trúc, chuồn chuồn tre, trải nghiệm “Cưỡi ngựa - Thả diều” tại quảng trường Minh Tâm, Thiền đăng tại Gương Thiền, Thiền nước chánh niệm,... Hành hương theo dấu chân Phật hoàng, Học sử trên đỉnh Non thiêng Yên Tử, Ngắm ánh bình minh trên chùa Đồng, Đêm hội Làng Nương Yên Tử, sản phẩm “Team buiding” tại Minh Tâm và Hoa Tâm, sản phẩm trải nghiệm tại vườn rau cho học sinh, sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại Am Tuệ Tĩnh. Lắp đặt hệ thống biển thông tin và chỉ dẫn tại Yên Tử đạt chuẩn quốc tế, thân thiện môi trường... Tổng kinh phí đầu tư cho các hạng mục trên 3.000 tỷ đồng đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách và nhân dân khi đến với Yên Tử. Hiện thành phố đang tích cực xúc tiến đầu tư nhiều dự án quan trọng như Công viên Phật giáo, Vườn Thiền, đô thị cổ trang... sẽ nối dài danh mục sản phẩm trải nghiệm, trong đó chứa nét riêng đặc sắc chỉ có ở Yên Tử.
Bốn là, luôn chú trọng nâng tầm di tích, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.
Từ thực tiễn quản lý, đòi hỏi phải có một cơ quan chuyên trách công tác quản lý, bảo tồn khu di tích, danh thắng Yên Tử, ngày 28-9-1992, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2275, thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử - cơ quan tiền thân của Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, trực thuộc UBND thị xã Uông Bí. Năm 2011, Rừng Quốc gia Yên Tử được thành lập và kể từ đó, Ban Quản lý Yên Tử chính thức đảm nhiệm thêm trọng trách quản lý, bảo vệ khu rừng có tổng diện tích gần 2.800ha, qua đó quản lý tốt hơn, phát huy hiệu quả hơn các giá trị của Yên Tử, tạo động lực phát triển du lịch bền vững với phương châm: “Vững bền - Tâm huyết - Đoàn kết - Phát triển”, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Uông Bí thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra: “Xây dựng Uông Bí thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước, cơ bản hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025”. Cùng với đó, để khẳng định giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của Yên Tử, pho tượng cổ nhất hiện còn thể hiện hình tướng của vị vua xuất gia tu hành thành Phật, thành phố Uông Bí đã cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh hoàn thiện hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền, đến ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2283/QĐ-TTg, về việc công nhận pho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại Tháp Huệ Quang là bảo vật quốc gia và đây là bảo vật quốc gia duy nhất tại Quảng Ninh được lưu giữ trong khu di tích đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến chiêm ngưỡng…
Nhằm đưa vị thế khu di tích và danh thắng Yên Tử lên tầm cao mới, tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương xây dựng hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Uông Bí đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, ban ngành, địa phương triển khai Đề án mở rộng Khu di tích và danh thắng Yên Tử, chuẩn bị tốt các điều kiện vật chất, cảnh quan, phối hợp thu thập tư liệu, làm việc với các chuyên gia để tạo cơ sở cho việc thực hiện xây dựng hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO thông báo tới UNESCO theo quy định; theo lộ trình đến cuối năm 2023 đệ trình hồ sơ chính thức lên tổ chức UNESCO Paris. Với tầm vóc đó, di sản kỳ quan Yên Tử sẽ chính thức thuộc về nhân loại, được quản lý, ứng xử, chăm sóc xứng tầm, bảo đảm vững bền cho muôn đời.
Với những giá trị nổi bật của Yên Tử về lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, khi chưa có đại dịch COVID-19, trung bình mỗi năm khu di tích và danh thắng Yên Tử đón trên 01 triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái lễ Phật. Doanh thu trong lĩnh vực du lịch góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế dịch vụ của địa phương. Sau đại dịch, với hạ tầng nâng cấp, dịch vụ đổi mới, Yên Tử đang dần trở lại lưu lượng cơ bản như trước đây, lượng khách đến giữa tháng Hai âm lịch đã bằng cả năm 2022, kỳ vọng đạt khoảng 1,5 triệu khách trong năm 2023.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Với mục tiêu xây dựng “Uông Bí trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước” theo định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh; bám sát Quyết định 334/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18-02-2013, “Phê duyệt Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh”; các nghị quyết số của tỉnh, thành phố về phát triển kinh tế xanh, trong thời gian tới, thành phố Uông Bí tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ, du lịch phục vụ du khách, chú trọng đến khai thác, phát triển du lịch Yên Tử một cách bền vững, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong thành phố Uông Bí về bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, bảo đảm thực hiện đúng các quan điểm phát triển du lịch văn hóa tâm linh mang lại những giá trị tinh thần tiến bộ cho xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững;
Hai là, tập trung hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040; bổ sung điều chỉnh quy hoạch phân khu A, trong đó có định hướng thu hút đầu tư vào phát triển dịch vụ, du lịch gắn với khai thác tiềm năng nổi bậy của Khu di tích và danh thắng Yên Tử; huy động các nguồn vốn từ Trung ương, từ tỉnh, nguồn ngân sách thành phố để chỉnh trang, đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối liên thông Yên Tử với các di tích trong và ngoài tỉnh.
Ba là, tăng cường tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh, sự thân thiện, đồng hành của các cơ quan chức năng thành phố Uông Bí với các nhà đầu tư, để thu hút dự án về dịch vụ, du lịch; trước mắt hỗ trợ công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm và các đơn vị liên quan đầu tư xây dựng nhà hát kiêm chiếu phim 250 chỗ hiện đại tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử; hoàn thiện Bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng những bộ tranh, hiện vật quý… trị giá trên 100 tỉ đồng. Tiếp tục nghiên cứu Dự án Làng văn hóa dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử tại xã Thượng Yên Công...
Bốn là, hình thành chuỗi liên kết du lịch văn hóa tâm linh giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, đặc biệt giữa các địa phương nằm trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng địa phương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của du khách.
Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái Rừng Quốc gia Yên Tử, đồng thời phối hợp tốt với Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, doanh nghiệp Tùng Lâm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, truyền thống văn hóa, giá trị tâm linh thiền phái Trúc Lâm Việt Nam tại khu di tích và danh thắng Yên Tử.
Sáu là, tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh, tham mưu triển khai hoàn thiện Hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là di sản thế giới./.
Những điểm sáng trong đổi mới giáo dục ở tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu tình hình mới  (30/09/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp