Trong 30 năm kháng chiến (1945 - 1975) chống hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, tại chiến trường Nam Bộ - cực Nam Trung bộ (B2), lịch sử đã chọn Tây Ninh làm căn cứ địa cách mạng và chính nơi đây là nơi đặt cơ quan đầu não Miền. Nói “lịch sử chọn” là nói về sự lựa chọn có tính khách quan, tất yếu và cả tính thực tiễn. Thực tiễn cách mạng cho thấy, Tây Ninh đã hội tụ được các điều kiện cần và đủ cho sự lựa chọn nói trên, đã đáp ứng được những yêu cầu về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thiên thời là phù hợp với lịch sử. Còn “Nhân hòa” và “Địa lợi” ở Tây Ninh là những gì?

Một vị trí không nơi nào có được

Nhìn lên bản đồ Nam bộ - cực Nam Trung bộ, tỉnh Tây Ninh hiện rõ vị trí trung tâm vùng biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia, phía sau là biên giới, phía trước nhìn ra toàn cảnh Nam bộ, nam biển Đông. Nếu miền Đông Nam bộ không chỉ là vùng chuyển tiếp về vị trí mà còn cả về thổ nhưỡng, địa thế, nhân văn giữa cao nguyên miền Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, thì Tây Ninh, nơi gặp nhau về thổ nhưỡng giữa phù sa cổ (Đông Nam bộ) và phù sa mới (đồng bằng sông Cửu Long) chính là vùng biên của sự chuyển tiếp đó.

Trên một chiến trường rộng lớn, vị trí của tỉnh Tây Ninh có điều kiện hội tụ nhiều hướng, nhiều mặt ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng căn cứ địa như địa hình, địa thế, điều kiện xây dựng hành lang tiếp vận kháng chiến giữa hai khu vực kinh tế khác nhau của Tây Nam bộ và Đông Nam bộ. Vai trò cầu nối đường mòn chiến lược Bắc - Nam xuống đồng bằng cực Nam của Tổ quốc, điều kiện giao thông liên lạc phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy. Bên cạnh điều kiện về thế nói chung, đó chính là những yêu cầu của một căn cứ địa có tính chất vừa là hậu phương vừa là đầu não. Vị trí đó càng có ý nghĩa đặc biệt đối với Nam bộ - cực Nam Trung bộ là chiến trường xa Trung ương vừa có tính độc lập tương đối trong lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy.

Vững vàng nhờ thế dân, thế đất

Điều kiện về thế của căn cứ địa là “liên hoàn, thuận lợi” tiến, lui, công, thủ; có thể xây dựng hậu phương vững chắc, từ đó đặt yêu cầu lớn nhất là sự thuận lợi về thế đất, thế dân. Thực ra, vị trí đó góp một phần quan trọng tạo nên thế. Nằm giữa thượng nguồn hai con sông Sài gòn và Vàm Cỏ Đông, bên cạnh ưu thế “vị trí trung tâm” vùng biên giới, địa bàn Tây Ninh chiếm một phần quan trọng mảng phía tây rừng miền Đông, nằm trong tổng thể vùng chiến lược rừng núi Đông Nam Bộ, liên hoàn rừng Nam Đông Dương. Cần nói đến một điều kiện hết sức quan trọng là trong 30 năm kháng chiến, ta đã tạo được thế liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của các lực lượng cách mạng ba nước Đông Dương; đồng thời, tạo mối quan hệ tốt với chế độ trung lập Xi-ha-núc ở Cam-pu-chia. Điều này nâng cao được vị thế căn cứ của toàn chiến trường phía Nam nói chung, của Tây Ninh nói riêng.

Sự kết hợp thế dân, thế đất nằm trong chiến lược xuyên suốt của Đảng ta trong chiến tranh cách mạng. Đó là chiến lược kết hợp hai chân (chính trị và quân sự), ba mũi (chính trị, quân sự, binh vận), ba vùng (rừng núi, nông thôn, đô thị). Rừng núi Tây Ninh có hạn chế về độ sâu, sự hiểm trở, không dân hoặc ít dân, bù lại, rừng tiếp giáp, xen kẽ với dân cư; đồng thời, có diện tích đồng bằng tương đối rộng so với một tỉnh, tạo nên thế dân và kết hợp thế dân, thế đất. Nếu coi thị xã Tây Ninh là đô thị thì bản thân tỉnh Tây Ninh đã đủ là hình ảnh thu nhỏ của ba vùng chiến lược. Trong khi đó, nhìn ra toàn cảnh, đô thị trung tâm của Nam bộ - cực Nam Trung bộ là Sài Gòn chỉ cách căn cứ địa Tây Ninh trên dưới 100km, đệm giữa là vành đai dân cư rộng lớn xen kẽ các lõm rừng tự nhiên, rừng cao su, vườn cây ăn trái, lõm căn cứ. Như vậy, bản thân tỉnh Tây Ninh vừa có tính chất như là căn cứ địa rừng núi, vừa mang sắc thái ba vùng chiến lược thu nhỏ trong tổng thể ba vùng chiến lược của miền Đông nói riêng, Nam Bộ - cực Nam Trung Bộ nói chung. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng từng biểu dương: “Cuộc kháng chiến ở Nam bộ thật sự có tính nhân dân kháng chiến... Từ không có rừng núi hiểm trở mà tạo nên rừng người, núi người"(1). Với quan điểm “dân là gốc”, trong xây dựng căn cứ địa cũng như trong mọi hoạt động khác, ta lấy “căn cứ lòng dân” làm cơ bản, có kết hợp “địa lợi - nhân hòa”, nhưng lấy “nhân hòa” làm cơ bản trong chiến lược chung của sự kết hợp hai chân, ba mũi, ba vùng, thế dân của căn cứ địa Tây Ninh chính là “thế dân” trên toàn tỉnh trong tổng thể “ba vùng chiến lược” thu nhỏ. Một trong những sự việc nổi bật, tiêu biểu cho tư tưởng này là việc vào mùa khô 1966 - 1967, trong chiến dịch phản công Bắc Tây Ninh, Bộ chỉ huy Miền (B2) đã sử dụng, tổ chức lực lượng các cơ quan Miền thành “các cụm dân cư” giữa rừng không dân để xây dựng làng xã chiến đấu, thế trận chiến tranh nhân dân đối đầu thắng lợi cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam mang tên Gian-xơn Xi-ti.

Đặc điểm lớn nhất trong xây dựng và phát triển căn cứ địa Tây Ninh chính là chỗ tận dụng lợi thế tự nhiên kết hợp chặt chẽ việc vận dụng phương châm chiến lược của Đảng.

Tính quy luật trong sự hình thành và phát triển căn cứ địa Tây Ninh: đó là lịch sử hình thành và phát triển căn cứ địa trong điều kiện cụ thể của Tây Ninh theo một trình tự có quy luật là từ cơ sở chính trị, tiến lên khu du kích, từ căn cứ du kích, tiến lên căn cứ địa. Quá trình đó bắt đầu từ chiến lũy An Cơ của nghĩa quân Tây Ninh chống Pháp sau “hàng ước” 1862 của triều đình Nguyễn, cho đến căn cứ đầu não Miền của chiến trường Nam Bộ – cực Nam Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giữa hai đầu và cuối đó, lịch sử căn cứ địa Tây Ninh đã đi qua những “dấu ấn” như: Quyền - Pô-kăm-pô (Cam-pu-chia); Truông Mít - căn cứ du kích khởi nghĩa Nam Kỳ; Trà Vông - Bời Lời - Dương Minh Châu, căn cứ địa của tỉnh; Xứ ủy, Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Khu 7, Phân liên khu miền Đông trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Bời Lời - Dương Minh Châu - bắc Tây Ninh, căn cứ các đơn vị võ trang tỉnh, Miền hình thành trước cuộc Đồng khởi 1960. Từ buổi sơ khai, những nghĩa quân chống Pháp đầu tiên đã biết kết hợp rừng với chiến lũy và phương thức “ẩn mình trong dân”. Theo đường lối kháng chiến toàn diện đây là điểm đứng chân; đồng thời, là chỗ dựa để xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng và hoạt động đấu tranh cách mạng. Đó là sự kết hợp toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội trong xây dựng, tạo thế trận chiến tranh nhân dân - đỉnh cao của nghệ thuật phát triển căn cứ địa, đủ sức đương đầu với những cuộc hành quân lớn của kẻ thù.

Hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang

Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù xâm lược, nơi mở đầu và kết thúc “cuộc đụng đầu lịch sử” chỉ cách căn cứ địa Tây Ninh 100 km. Khoảng cách đó cùng với hình thế ba vùng chiến lược, hệ thống lõm căn cứ tiếp cận và thế trận chiến tranh nhân dân tạo cho căn cứ địa Tây Ninh vị thế thuận lợi để uy hiếp và tiến công kẻ thù tận sào huyệt của chúng. Tuy nhiên, với tiềm lực kinh tế, quân sự hơn hẳn của chúng, khoảng cách đó tạo ra nhiều thách thức. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều nhận rõ tầm vóc chiến lược của căn cứ địa Tây Ninh. Chính vì thế, chúng đã tập trung đầu tư mọi mặt trên chiến trường Tây Ninh trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược.

Đỉnh điểm của sự tập trung đó đối với thực dân Pháp là: “Cuộc hành quân lớn nhất, dài nhất, và có sứ mạng lớn lao nhất” vào tháng 4 năm 1952 với 20 tiểu đoàn lê dương ứng chiến đánh vào Chiến khu Dương Minh Châu; và đối với đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai là các chiến dịch như: “Sao Mai”, “Phi mã”, chiến dịch ném bom hủy diệt “Bộ Chỉ huy Miền của Việt cộng” tháng 4 năm 1965, đặc biệt là các cuộc hành quân lớn như: Hát tit - Bua gơ, Bit-minh-ham, Uyn-ao, Át lét-Bo ro... và đỉnh cao là cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti (với 45.000 quân chủ yếu là Mỹ) trong cuộc phản công mùa khô thứ hai, một cố gắng trên bộ lớn nhất của Mỹ nhằm “tìm diệt quân chủ lực Việt cộng và Bắc Việt trên rừng Bắc Tây Ninh, ...Có thể điểm mặt những đơn vị sừng sỏ của Mỹ đã lao vào “vòng khoanh tìm diệt” trên chiến trường Tây Ninh: sư đoàn bộ binh số 25 - “Tia chớp nhiệt đới”, sư đoàn bộ binh số 1 - “Anh cả đỏ”, lữ bộ binh 196, lữ đoàn không vận 173, trung đoàn kỵ binh thiết giáp 11, lữ 1 thuộc sư đoàn bộ binh 9 ... Thế nhưng, quân dân Tây Ninh, quân dân Nam bộ - cực Nam Trung bộ đã đánh cho các sư đoàn bộ binh số 25 và số 1 đứng đầu sổ trong các sư đoàn Mỹ tham chiến ở Việt Nam về số thương vong. Cụ thể là Sư đoàn số 25: thương vong 35.708 tên, bằng hai lần tổn thất của sư đoàn này trong Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên cộng lại; Sư đoàn số 1: thương vong 32.036 tên (tư lệnh Kết-oa tử vong) gần bằng thương vong của sư đoàn này trong chiến tranh Triều Tiên và lớn hơn Chiến tranh thế giới thứ 2.

Với thế trận chiến tranh nhân dân trong chiến lược “hai chân, ba mũi, ba vùng”, thực hiện nhiệm vụ hậu phương kháng chiến, an toàn đầu não Miền, căn cứ địa Tây Ninh là nơi đã sinh ra, lớn lên của một số đơn vị quân đội nhân dân từ cấp trung đội, chi đội, tiểu đoàn, trung đoàn trong chống Pháp lên cấp sư đoàn, quân đoàn trong chống Mỹ. Đã thắng địch ngay trên địa bàn; đồng thời, góp phần tạo thế và lực cho các chiến dịch lớn trên chiến trường miền Đông và trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhât đất nước./.
 
Trần Phấn Chấn (Đại tá, Cục Chính trị Quân khu 7)
 

(1) Trích thư của Trung ương Đảng gửi Xứ ủy Nam Bộ tháng 10 năm 1948. Lưu trữ: Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương