Nhân kỷ niệm 33 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 25-4, tại thành phố Đà Lạt, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (Cơ quan đại diện phía Nam) và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, các nhà nghiên cứu sử học, đại diện các đồng chí lão thành cách mạng, các cựu tù yêu nước, đại diện tù thiếu nhi Đà Lạt ở các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Bến Tre…

Mục đích hội thảo nhằm xác định lại sự có thực của nhà lao thiếu nhi Đà Lạt; góp thêm vào bức tranh của phong trào đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng trong lao tù đế quốc và cũng để làm rõ thêm tội ác chiến tranh mới của kẻ thù; từ đó tôn vinh tấm gương đấu tranh bất khuất của những anh hùng nhỏ tuổi trong lao tù, góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.

Nội dung hội thảo tập trung những vấn đề cụ thể là: giới thiệu sự ra đời, tồn tại và diệt vong của nhà lao thiếu nhi Đà Lạt; các phong trào đấu tranh sáng tạo và ngoan cường của những người tù nhỏ tuổi; đời sống vật chất, tinh thần, những kỷ niệm buồn vui, hồn nhiên trong sáng của tuổi trẻ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại miền Nam, kẻ thù đã lập ra rất nhiều nhà lao để giam giữ những chiến sỹ cách mạng kiên trung như: Nhà lao Chí Hòa, Côn Đảo, Phú quốc, Tam Hiệp, Hội An, Kho Đạn, Đà Lạt…Trong số ấy chỉ có một nhà lao độc nhất là giam giữ những người tù chính trị vị thành niên đó là Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, mà trước đây chính quyền Sài Gòn đã đặt cho một cái tên mỵ dân là “ Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”.

Nhà lao nằm trên ngọn đồi Chi Lăng của thành phố Đà Lạt, nhà lao hình thành đầu năm 1971, đợt đầu tiên địch đưa 126 em tù thiếu nhi từ nhà lao Kho Đạn Đà Nẵng, sau đó đến tháng 11 năm 1971 chúng tập hợp tất cả các chiến sỹ nhỏ tuổi bị giam giữ tại các nhà lao Côn Đảo, Chí Hòa và các tỉnh còn lại tập trung về nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, số tù nhân lúc cao nhất là trên 600 người.

Đối mặt với những âm mưu độc của kẻ thù như: dụ dỗ, mua chuộc, đàn áp…các chiến sỹ bị bắt tù nhỏ tuổi vẫn kiên trung đấu tranh bằng các phong trào, chống chào cờ, diệt ác, mổ bụng phản đối đàn áp, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, vượt ngục, làm chủ nhà lao… Cuối cùng buộc địch phải giải tán nhà lao vào tháng 6 năm 1973, đưa số chiến sỹ bị bắt, bị tù trở về lại các nhà lao trước đây chúng đã giam giữ. Nhà tù Đà Lạt được chuyển giao cho trung tâm bảo trợ trẻ em bụi đời.

Có thể nói, Việt Nam và trên toàn thế giới duy chỉ có một nhà lao giam giữ chính trị phạm là thiếu nhi. Ở đây, địch áp dụng mọi âm mưu thủ đoạn như ở bất cứ nhà lao nào khác (Côn Đảo, Chí Hòa, Tân Hiệp...) và có khía cạnh nào đó còn thâm độc và xảo quyệt hơn.

Hơn 20 ý kiến tham luận tại hội thảo, đặc biệt là các nhân chứng lịch sử đã trình bày rất sinh động về những hoạt động đấu tranh tại nhà lao Đà Lạt, các ý kiến của các cựu tù yêu nước, các đồng chí lão thành cách mạng đã khẳng định sự tồn tại của “Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt” và những hoạt động đấu tranh kiên cường của những tù nhân vị thành niên. Đồng thời, nhiều ý kiến đã đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn di tích nhà lao Đà Lạt và phát huy truyền thống đấu tranh của thanh thiếu niên./.