Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định phong hàm đại sứ và tiếp các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao 31
TCCS - Ngày 14-12-2021, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng trao quyết định phong hàm đại sứ cho 26 đồng chí là lãnh đạo Bộ Ngoại giao, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Sau lễ trao quyết định, Chủ tịch nước đã có cuộc tiếp các đại biểu tham dự Hội nghị Ngoại giao 31.
Báo cáo với Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, được tổ chức ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao 31 có ý nghĩa rất quan trọng nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị tập trung đánh giá thực chất kết quả của công tác đối ngoại thời gian qua kể từ Hội nghị Ngoại giao 30 (năm 2018), chỉ ra cơ hội và thách thức, xác định những yêu cầu của đối ngoại trong tình hình mới, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ này.
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, dự buổi tiếp của Chủ tịch nước có 74 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện đã về nước và 28 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện chuẩn bị lên đường nhân nhiệm vụ. Bên cạnh việc tham gia tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 31, các đại sứ, trưởng đại diện sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để tiếp nhận thông tin và các kiến nghị cụ thể nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đối ngoại được Đảng và Nhà nước giao, phục vụ công tác hội nhập quốc tế và kết nối đối tác của các địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, thiết thực, cụ thể, đáp ứng các yêu cầu của trong nước tốt nhất.
Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng 26 đồng chí được phong hàm đại sứ lần này; khẳng định đây là chức danh ngoại giao cao quý nhất, thể hiện sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp của các cá nhân trong công tác đối ngoại.
Nhấn mạnh đến những chỉ đạo quan trọng cần thực hiện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Chủ tịch nước nêu rõ, trong những năm qua, công tác đối ngoại luôn là điểm sáng trong những thành tựu chung của đất nước, trong đó, Bộ Ngoại giao đã góp phần quan trọng, xứng đáng. Đội ngũ cán bộ ngoại giao, đại sứ, tổng lãnh sự, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam đã từng bước trưởng thành, có bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm cao vì đất nước, có trình độ chuyên môn tốt, chuyên nghiệp...
“Nhìn lại 2 năm đại dịch COVID-19 đầy khó khăn, ngành ngoại giao đã, triển khai thành công ngoại giao trực tuyến, điện đàm, nhờ đó đã góp phần giữ nhịp điều hành, hoàn thành trọng trách năm Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong hai năm 2020 - 2021. Ngoại giao vaccine là điểm sáng, thể hiện sự năng động, sáng tạo của ngành ngoại giao, của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài", Chủ tịch nước khẳng định.
Chỉ trong 6 tháng, Việt Nam đã có một cuộc “ma-ra-tông đối ngoại”, kết nối quan hệ với các nước láng giềng, các nước đối tác quan trọng, đan xen lợi ích chiến lược các tổ chức lớn, toàn cầu, cân bằng các mối quan hệ và nâng tầm quan hệ đối ngoại đa phương, nhất là trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nâng cao vị thế quốc gia.
Phân tích bối cảnh khu vực và quốc tế trên thế giới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong quan hệ quốc tế ngày nay, cần đề cao nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm cơ sở để xử lý các vấn đề đối ngoại. Cùng với đó là thực hiện ngoại giao tâm công, “từ trái tim đến trái tim” thể hiện một cách chân tình, tự tin vào đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của ta.
Chủ tịch nước cũng chỉ ra một số điểm cần khắc phục trong công tác ngoại giao như: Sau 35 năm đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, vị thế địa chiến lược và địa kinh tế của Việt Nam được nâng lên, nhưng dù đã có cố gắng, nhưng chưa khai thác tốt thuận lợi chiến lược này. Việc thực hiện một số cơ chế, thỏa thuận, cam kết với các đối tác chưa được hiệu quả. Việt Nam đã ký được 15 hiệp định thương mại tự do, tạo ra “độ mở kinh tế” nhưng thực hiện mang lại lợi ích cho đất nước, doanh nghiệp người dân còn quan trọng hơn.
Do đó, Chủ tịch nước đề nghị cần tăng cường công tác nghiên cứu và dự báo theo hướng chủ động, mạnh dạn hơn, nhất là trong bối cảnh các nước thay đổi chiến lược thích ứng với COVID-19, cạnh tranh địa chiến lược gay gắt, tập hợp liên minh, phục hồi kinh tế... Thông tin cần phải tổng hòa phân tích, đánh giá và có nhiều đề xuất mang tính chất đột phá, đổi mới hơn. Chủ tịch nước phân tích, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển biến nhanh, chưa từng có tiền lệ, tạo ra cả thách thức và thời cơ đan xen cho ngành ngoại giao; đặt ra yêu cầu cao hơn cho công tác đối ngoại. Đại hội XIII lần đầu tiên ghi vào văn kiện, khẳng định cần “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của ngành ngoại giao là giữ vững môi trường hoà bình để có điều kiện phát triển đất nước. “Không giữ được hòa bình, dù vì bất cứ lý do gì, công tác đối ngoại luôn có phần trách nhiệm rất lớn. Theo đó, trong thời bình lực lượng đối ngoại mà các đồng chí đại sứ ở nước ngoài sẽ là lực lượng xung kích để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, Chủ tịch nước nói.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược nước lớn gay gắt, tập hợp liên minh, chủ nghĩa dân tộc gia tăng, ngành ngoại giao cần phát huy vai trò “tai mắt”, “ăng ten”, chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, đánh giá và dự báo. “Nghiên cứu các đối tác cho sâu, hiểu các đối tác cho kỹ, cho đúng về mục tiêu, ý đồ, dự báo hành xử của các nước để ta kịp thời có phương án phù hợp”, Chủ tịch nước lưu ý. Bên cạnh đó cần phát huy tốt nội lực để gắn kết hiệu quả với hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế, nhằm mở rộng không gian phát triển, tăng thêm nguồn lực cho tăng trưởng nhanh, bền vững; thúc đẩy quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, hợp tác cùng có lợi, đan xen lợi ích.
“Các đồng chí trưởng cơ quan đại diện phải là những đại diện năng động, sáng tạo của một nước Việt Nam hòa bình, giàu tiềm năng phát triển, nhất là đại sứ tại các quốc gia mà ta đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA)”, Chủ tịch nước yêu cầu.
Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện cần gắn với các địa phương, doanh nghiệp, quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ, truyền thông tốt hình ảnh đất nước, các giá trị văn hoá, tiềm năng phát triển. Cần tiếp tục triển khai hiệu quả ngoại giao vaccine, thúc đẩy, tạo thuận lợi đi lại an toàn trong thích ứng linh hoạt, phục hồi kinh tế.
Cùng với đó là nâng tầm đối ngoại đa phương, kết hợp chặt chẽ với song phương để phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia dân tộc. Tiếp nối thành công của các trọng trách đa phương mà Việt Nam đảm nhiệm như Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, ngành ngoại giao cần đề xuất, tham mưu với Đảng và Nhà nước về kế hoạch đăng cai các hội nghị đa phương quốc tế trong 10 năm tới.
Đặc biệt, cần triển khai toàn diện, mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chủ tịch nước mong muốn ngành ngoại giao phải toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại hơn theo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, có tinh thần đổi mới sáng tạo và tầm nhìn chiến lược.
Chủ tịch nước căn dặn các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện cần nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu, quan tâm việc củng cố đoàn kết nội bộ cơ quan, làm tốt công tác Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chú trọng đào tạo tại chỗ, rèn luyện cán bộ, nhất là lớp cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, làm sao để cán bộ ngoại giao là một đội ngũ đặc biệt tin cậy về phẩm chất, có lập trường tư tưởng thực sự vững vàng, nhạy bén về thời thế, linh hoạt, sáng tạo, khôn khéo trong đàm phán, tinh tế trong ứng xử để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại biểu người có uy tín tỉnh Bắc Kạn; tiếp hậu duệ của vua Lý Thái Tổ tại Hàn Quốc  (18/11/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học viện An ninh nhân dân  (25/10/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho các tân đại sứ  (21/10/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam  (12/10/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên