Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại biểu người có uy tín tỉnh Bắc Kạn; tiếp hậu duệ của vua Lý Thái Tổ tại Hàn Quốc
TCCS - Ngày 17-11-2021, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu người có uy tín, trưởng thôn tiêu biểu, đại diện cho các trưởng thôn và 1.300 người có uy tín của toàn tỉnh Bắc Kạn, về thăm Thủ đô Hà Nội; tiếp ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ tại Hàn Quốc và cũng là Đại sứ du lịch của Việt Nam tại Hàn Quốc.
Tại buổi gặp mặt đại biểu người có uy tín, trưởng thôn tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các đại biểu đại diện cho các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn về thăm Thủ đô; đồng thời, biểu dương, đánh giá cao hơn 1.300 người có uy tín của tỉnh Bắc Kạn (trong tổng số 29.000 người có uy tín cả nước) là những tấm gương sáng, lan tỏa trong đời sống xã hội.
Chủ tịch nước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của những người có uy tín, trưởng thôn gương mẫu, với tinh thần trách nhiệm cao, không quản khó khăn, trèo đèo, lội suối đến với từng hộ dân, bằng uy tín của mình làm cầu nối quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là những người đi đầu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy ước, hương ước của thôn, bản; tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Chủ tịch nước cho rằng, những người có uy tín trong cả nước còn là cầu nối quan trọng để gắn kết nhân dân, hỗ trợ nhau tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất và đời sống; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; chăm lo cho con em đến trường; đặc biệt là xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo mới cho nông thôn Bắc Kạn và cả nước hiện nay. Với việc Bắc Kạn là một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, với mức 73%, Chủ tịch nước cho rằng, thành tích này có được một phần là do vai trò quan trọng của những người có uy tín tỉnh Bắc Kạn trong vận động nhân dân bảo vệ, phát triển rừng.
Nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số”, Chủ tịch nước nêu rõ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng, cả hệ thống chính trị phải tiếp tục quan tâm quán triệt sâu sắc quan điểm này; tiếp tục có thêm nhiều giải pháp chăm lo phát triển, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng là yêu cầu đối với công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Chủ tịch nước yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, coi việc xây dựng đội ngũ người có uy tín là một trong những "nhiệm vụ đặc biệt” trong công tác cán bộ ở cơ sở. Từ đó, tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các địa phương cũng cần quan tâm bồi dưỡng, bố trí, sử dụng người có uy tín vào các đoàn thể nhân dân tại khu dân cư. Sớm phát hiện những nhân tố trẻ, tích cực, có nhiệt huyết, có đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, sáng tạo khởi nghiệp, khả năng dẫn dắt cộng đồng... để xây dựng và “trẻ hóa” đội ngũ người có uy tín.
Chủ tịch nước đề nghị các trưởng thôn, người có uy tín của Bắc Kạn nói riêng, cả nước nói chung cần không ngừng nêu cao vai trò nòng cốt của mình trên các mặt của đời sống xã hội; vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Động viên con em, người thân trong gia đình và mọi người trong cộng đồng sản xuất, kinh doanh tốt. Tích cực vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Trưởng thôn, bản, người có uy tín phải có trách nhiệm giúp người dân vươn lên trong cuộc sống, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Tiếp hậu duệ của vua Lý Thái Tổ tại Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng gặp lại ông Lý Xương Căn và đánh giá cao những thành công trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của dòng họ Lý. Trao đổi về những đóng góp quan trọng của hai dòng họ Lý đối với việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Hàn Quốc, Chủ tịch nước mong muốn ông Lý Xương Căn tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hơn nữa tình hữu nghị đặc biệt này.
Ông Lý Xương Căn bày tỏ niềm vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp; chân thành cảm ơn các cơ quan liên quan của Việt Nam đã tạo điều kiện để ông và gia đình nhập quốc tịch Việt Nam. Nhấn mạnh đến vấn đề hợp tác du lịch giữa hai nước, ông Lý Xương Căn cho biết thời gian tới ông sẽ cố gắng hơn nữa làm cầu nối để có thêm nhiều du khách Hàn Quốc sang Việt Nam và ngược lại.
Chủ tịch nước đánh giá cao ông Lý Xương Căn trên cương vị là Đại sứ du lịch của Việt Nam tại Hàn Quốc đã góp phần vào việc đưa hơn 4 triệu khách Hàn Quốc tới Việt Nam trước thời điểm dịch COVID-19. Chủ tịch nước mong muốn, sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì số lượng du khách sang Việt Nam sẽ lên tới con số 5 triệu, đồng thời có thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc sang Việt Nam.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn quan tâm; dành tình cảm nồng ấm đối với đồng bào hai dòng họ Lý tại Hàn Quốc và sẵn sàng hỗ trợ dòng họ Lý về Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Đảng, Nhà nước Việt Nam ủng hộ và thúc đẩy các hoạt động vun đắp tình hữu nghị, tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa nhân dân hai nước; đặc biệt là tăng cường hiểu biết của người dân Hàn Quốc về văn hóa, lịch sử Việt Nam thông qua các câu chuyện về Hoàng thúc Lý Long Tường, Hoàng tử Lý Dương Côn sang Cao Ly gần 1.000 năm về trước.
Nhấn mạnh, Hàn Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực đầu tư, văn hóa, du lịch…, Chủ tịch nước mong muốn hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ sẽ tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa cho mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam - Hàn Quốc. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành hỗ trợ ông Lý Xương Căn trong các hoạt động về du lịch, đầu tư tại Việt Nam./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xã giao các đại sứ, đại biện các nước tham gia EAS tại Hà Nội (27/10/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học viện An ninh nhân dân (25/10/2021)
Tỉnh Bắc Kạn làm tốt công tác bảo vệ môi trường (15/10/2021)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay