Điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng của Hà Nội

Nguyễn Thùy
Tạp chí Cộng Sản
00:17, ngày 26-11-2020

TCCS - Ngay sau sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam (3-2-1930), ngày 17-3-1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, vinh dự trở thành đảng bộ được thành lập sớm nhất trong cả nước. Trải qua 90 năm, thực tiễn đã chứng minh, Đảng bộ thành phố Hà Nội - một Đảng bộ tiêu biểu trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức - chính là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng ở Hà Nội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI_Ảnh: Hanoimoi.vn

Những ngày đầu thành lập, khi đất nước còn chiến tranh, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thể hiện rõ vai trò, vị trí quan trọng của mình. Không chỉ lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân với cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ thành phố Hà Nội còn lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau thắng lợi, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân Thủ đô cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới. Trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng bộ thành phố Hà Nội tích lũy được nhiều kinh nghiệm, hun đúc nên truyền thống vẻ vang để ngày hôm nay, những cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô Hà Nội có trách nhiệm gìn giữ và phát huy.

Hà Nội được xem là cái nôi của những phong trào cách mạng, do vậy, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn chặt vào thực tiễn các phong trào thi đua yêu nước của thành phố.

Trong các giai đoạn cách mạng những năm 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945, tiến tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã trở thành ngọn cờ dẫn đường, rèn luyện bản lĩnh kiên cường trong đấu tranh cách mạng. Vào giai đoạn đó, Đảng bộ Hà Nội với chỉ 50 đảng viên cùng với nhân dân Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã vượt lên muôn vàn những khó khăn, thử thách khốc liệt do sự khủng bố dã man của thực dân Pháp và sau đó là phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai phản động, để lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa thành công. Đây là thực tiễn quý báu để Đảng ta kịp thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong cả nước, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á. Cách mạng Tháng Tám thành công chính là bước nhảy vọt vĩ đại của cách mạng Việt Nam và cũng là minh chứng rõ nét cho tính đúng đắn và sáng tạo trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin của Đảng ta.

Nhưng niềm vui thắng lợi chưa được trọn vẹn thì chúng ta lại phải đối mặt với nạn “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Khi ấy, Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã có các chủ trương, quyết sách kịp thời góp phần cùng cả nước giữ vững chính quyền non trẻ và tiến hành hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây vừa là căn cứ đại cách mạng, vừa là đầu mối giao thông quan trọng cùng cả nước dồn sức làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu", tạo thế và lực buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng cả nước, Hà Nội vừa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, vừa là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam kháng chiến. Chỉ tính trong 10 năm ( 1965 - 1975), Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên 8,9 vạn lượt thanh niên, quân dự bị chi viện chiến trường và hơn 11.500 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì miền Nam ruột thịt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân đã sáng tạo các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Chiếc gậy Trường Sơn”; đặc biệt hơn là làm nên chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” chấn động cả thế giới, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, tạo đà mạnh mẽ cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn niềm Nam, thống nhất đất nước.

Giai đoạn từ năm 1975 - 1985, cả nước cùng Hà Nội lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng. Cơ chế bao cấp của thời chiến tranh đã không còn phù hợp. Đứng trước thách thức này, Thành ủy Hà Nội đã mạnh dạn đổi mới tư duy, phong cách làm việc, vừa lãnh đạo giải quyết những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa chỉ đạo đổi mới, tìm tòi cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng trì trệ, tạo tiền đề để Hà Nội bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Bắt đầu từ Đại hội X của Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra vào tháng 8-1986, toàn Đảng nói chung và Đảng bộ thành phố Hà Nội nói riêng đã xây dựng, phát triển, hoàn thiện cơ chế kinh tế mới, từng bước đưa Hà Nội và đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong bất kỳ điều kiện nào, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, dù trong chiến tranh ác liệt cũng như trong hòa bình, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, không ngả nghiêng, dao động hoặc mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn tin tưởng tuyệt đối vào nền tảng tư tưởng của Đảng, quan điểm, đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Với những thành tự to lớn đã đạt được, thành phố Hà Nội đã vinh dự được Trung ương Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như Huân chương Sao Vàng lần thứ nhất năm 1984, lần thứ hai năm 2004, lần thứ ba năm 2010; danh hiệu “Thủ đô anh hùng" năm 2000; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014; được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” năm 1999...

Trong những năm đổi mới, Đảng bộ Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quá trình đổi mới mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng... luôn được đặt lên hàng đầu và kịp thời. Bám sát thực tiễn, tiến hành một cách khoa học, sáng tạo, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng đã giúp các cấp ủy, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không dao động, mơ hồ; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thành phố.

Công tác tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cũng được chú trọng. Với đặc thù địa phương là nơi tụ hội của những cán bộ, đảng viên từ nhiều quê hương khác nhau, Hà Nội coi trọng và chăm lo xây dựng, gìn giữ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đặc biệt, trong quá trình mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII, vấn đề đoàn kết giữa các địa phương lại càng trở nên quan trọng. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy cán bộ của Hà Nội được Trung ương, dư luận nhân dân đánh giá cao.

Hà Nội đã xây dựng đề án tinh gọn bộ máy, hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 24-9-2013, của Thành ủy, về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội", toàn thành phố đã giảm 2.030 thôn, tổ dân phố; giảm 985 chi bộ và gần 5.000 cán bộ thôn, tổ dân phố; giảm gần 5.369 chức danh không chuyên trách hưởng phụ cấp ở địa bàn dân cư. Việc sắp xếp, kiện toàn đã khắc phục sự chồng chéo trong công tác chỉ đạo, giúp tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Công tác cán bộ được Thành ủy xác định là công tác “then chốt của then chốt”. Do đó, bên cạnh việc tinh giản biên chế, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, với nhiều giải pháp phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của thành phố. Thành phố đào tạo được 1.250 công chức nguồn làm công tác Đảng và cán bộ ở xã, phường, thị trấn; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; ban hành Quy định tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo; sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý…

Bên cạnh đó, Đảng bộ thành phố luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố, chương trình công tác riêng về vấn đề này đều có. Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVI đến nay, Thành ủy tiến hành 8 cuộc kiểm tra với 43 đoàn kiểm tra đối với 209 tổ chức đảng trực thuộc; 5 cuộc giám sát với 25 đoàn giám sát đối với 119 tổ chức Đảng trực thuộc. Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ thành phố đã kiểm tra 1.089 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, có 577 trường hợp là cấp ủy viên các cấp. Về thi hành kỷ luật: Đối với đảng viên, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.432 đảng viên, trong đó có 484 cấp ủy viên các cấp (khiển trách 1.944, cảnh cáo 310, cách chức 49, khai trừ 129)... Đối với tổ chức đảng, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật khiển trách 25, cảnh cáo 13 tổ chức đảng.     

Với những truyền thống có được trong suốt lịch sử 90 năm thành lập, bằng "tinh thần thép", Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ kính yêu./.