Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hoàn thành Chương trình Lãnh đạo quản lý cao cấp (VELP), kết thúc chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ
TCCS - Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu đã kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 2 đến ngày 10-12-2019.
Trong thời gian làm việc, Đoàn đã tham dự Chương trình Lãnh đạo quản lý cao cấp (VELP) 2019 tại Đại học Harvard, Mỹ; tới thăm và làm việc với các cán bộ chủ chốt của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và đại diện các cơ quan Việt Nam; thăm thực địa và làm việc với một số tập đoàn và doanh nghiêp tại Boston và New York.
VELP là chương trình trao đổi chính sách cao cấp được bắt đầu từ năm 2008 theo sáng kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại học Harvard, là một kênh trao đổi, tham vấn và thảo luận chính sách hữu ích giữa các lãnh đạo Việt Nam và các giáo sư Đại học Harvard, cũng như những chuyên gia hàng đầu thế giới. Tính đến nay, đã có 7 chương trình VELP được tổ chức, với khoảng 90 lượt cán bộ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam tham dự. Các nội dung trao đổi, thảo luận tại Chương trình VELP đã có những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển của kinh tế Việt Nam, cũng như đóng góp cho mối Quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ thời gian qua.
Chương trình VELP 2019 có chủ đề “Đổi mới sáng tạo, Mở cửa và An ninh số” tập trung vào các nội dung phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư công nghệ, tăng cường an ninh mạng cũng như trao đổi triển vọng kinh tế toàn cầu, tái cơ cấu công nghiệp, bảo đảm an ninh năng lượng, các thách thức về biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Cùng trao đổi tại VELP 2019 với Đoàn Việt Nam có những diễn giả hàng đầu như Giáo sư Jason Furman, nguyên Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế chính quyền Tổng thống Obama, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ David Shear, đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nổi tiếng như Google, Amazon, Facebook…
Các chuyên gia, học giả của Đại học Harvard đã đưa ra nhiều nhận định và khuyến nghị cho Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 và Việt Nam đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái số, chuyển đổi chính phủ số và tăng cường đào tạo kỹ năng số và nâng cao hệ thống an ninh mạng quốc gia…
Tại các buổi thảo luận, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và các thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn và cởi mở về tình hình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, những thành tựu và thách thức, các ưu tiên chính sách Việt Nam cần tập trung để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững trong dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động nhanh, bất ổn định, ngày càng khó dự đoán.
Các nội dung về chính sách phát triển nghiên cứu R&D, chuyển giao công nghệ, vai trò của các thành phố như là một động lực tạo năng lực cạnh tranh cho quốc gia, việc phân bổ ngân sách giữa các địa phương để tạo cực tăng trưởng cho nền kinh tế, cũng như việc xử lý thách thức do biến đổi khí hậu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng được tập trung thảo luận.
Ngày 6-12-2019, Đoàn đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đào tạo tại Đại học Harvard. Tiếp đó, Đoàn có các hoạt động bên lề thăm thực địa và làm việc với một số tập đoàn và doanh nghiêp tại Boston và New York từ ngày 6 đến ngày 9-12-2019.
Ngày 9-12-2019, Đoàn tới thăm và có buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và đại diện các cơ quan Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc trình bày về những đề mục công việc phái đoàn đang gấp rút thực hiện nhằm chuẩn bị cho việc Việt Nam sẽ đảm trách vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngay trong tháng 1-2020, tháng Việt Nam chính thức là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021, sau khi trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 vào tháng 6-2019.
Đại sứ Đặng Đình Quý cũng chia sẻ với Đoàn về những thách thức của phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nói riêng và của Việt Nam nói chung trong thời gian tới trên cương vị mới ở tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Theo Đại sứ, ba thách thức lớn nhất là tình trạng chia rẽ giữa các nước ủy viên thường trực khiến rất nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an dù mang tính ràng buộc vẫn không thể thực hiện được trong nhiều năm; là nhiệm vụ phải xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn và phức tạp trong Hội đồng Bảo an, tăng tới 175% so với khối lượng công việc của Hội đồng Bảo an cách đây 10 năm; là kỳ vọng của nhiều nước muốn Việt Nam tạo được những thay đổi mang dấu ấn đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ này.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình chia sẻ một số nội dung quan trọng mà Đoàn công tác thảo luận tại Đại học Harvard với các giáo sư đầu ngành phía Mỹ, như sự cần thiết phải phát triển nền kinh tế số 4.0, đầu tư cho công nghệ và đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng trao đổi về những vấn đề kinh tế lớn của Việt Nam hiện nay như mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và tầm quan trọng phải điều chỉnh cách tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để có thể phản ánh chính xác quy mô và chất lượng của nền kinh tế... Việc cán đích về mặt con số 1 triệu doanh nghiệp không phải là khó, khi số doanh nghiệp hiện nay đã là khoảng 734.000, nhưng điều quan trọng là bảo đảm chất lượng và quy mô của những doanh nghiệp tham gia thị trường, không phải doanh nghiệp kiểu hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ với quy mô dưới 10 lao động. Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, năng lực khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn thấp, phần lớn chưa đủ khả năng tham gia vào mạng sản xuất các chuỗi giá trị toàn cầu, ngay cả khi cánh cửa hội nhập đã được rộng mở. Điều này cần nỗ lực cải thiện trong thời gian tới.
Về vấn đề điều chỉnh cách tính GDP, cách tính GDP hiện đang áp dụng không còn phù hợp. Theo Tổng cục Thống kê, với cách tính GDP mới sắp được công bố, sẽ có 76.000 doanh nghiệp, tương đương 10% tổng số doanh nghiệp Việt nam hiện có bị bỏ sót, thì nay sẽ được tính thêm vào. Đồng chí nêu rõ, chỉ khi tính được GDP chuẩn xác, Chính phủ mới biết được quy mô thực sự của nền kinh tế để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo lộ trình 5 năm và 10 năm, đồng thời có những quyết sách điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp hơn.
Khẳng định một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2019 là giữ được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, bất chấp nhiều biến động của tình hình thế giới và thị trường kinh tế quốc tế, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt phải nỗ lực có được sự tự chủ hơn về kinh tế, chống lại được các "cú sốc" kinh tế từ bên ngoài, một cách chủ động và hiệu quả, cũng như cần đổi mới hơn nữa trong quản trị nhà nước để phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế nước nhà.
Ngày 10-12-2019, Đoàn đã lên đường trở về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ./.
Thùy Linh (tổng hợp)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên