Phát triển du lịch sinh thái: Bước đột phá của tỉnh Hòa Bình
TCCS - Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái (DLST) nhằm phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giải quyết việc làm đang là mối quan tâm của các cấp chính quyền ở Hòa Bình, đặc biệt là những địa phương trong tỉnh có tiềm năng phát triển loại hình du lịch này. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình xác định đây là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong hiện tại cũng như tương lai.
Tiềm năng DLST của tỉnh Hòa Bình
Trong chuyến thăm và làm việc tại Hòa Bình, ngày 15-2-2003, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh: “Hồ Hòa Bình là một trong những hồ đẹp nhất của Việt Nam” và nhất trí về chủ trương đưa hồ Hòa Bình vào khu du lịch quốc gia.
Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Hòa Bình, ngày 24 và 25-7-2008, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định “Xây dựng Hòa Bình cho xứng tầm với bề dày văn hóa” và “Hòa Bình có tiềm năng về vị trí địa lý, về con người, về văn hóa, về tài nguyên... Hòa Bình không thể là tỉnh nghèo”.
Hòa Bình có thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn, với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, đa dạng, phong phú rất thuận tiện và phù hợp với hình thức du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Với 7 dân tộc chung sống, với các nền văn hóa đặc trưng, đặc biệt dân tộc Mường được xem là người Việt cổ, đây là thế mạnh ít địa phương nào có được.
Hòa Bình có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng du lịch trung tâm phía Bắc của đất nước, với khoảng cách khá gần với tam giác kinh tế động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có ưu thế trong việc thu hút khách du lịch, khách quá cảnh đến Hà Nội và là nơi nghỉ cuối tuần lý tưởng cho du khách từ Hà Nội và các vùng phụ cận, nhất là nghỉ dưỡng, thư giãn và hưởng bầu không khí trong lành, cảnh quan tươi đẹp và đặc sắc. Nhiều khu, điểm DLST đang hoạt động có hiệu quả và có kinh nghiệm làm du lịch như Bản Lác, Mai Châu, suối khoáng Kim Bôi; khu DLST Suối Ngọc - Vua Bà, Thung lũng Mai Châu, Thủy điện Hòa Bình, khu DLST Thác Bạc - Long Cung. Có nhiều dự án DLST quy mô lớn đang kêu gọi đầu tư đặc biệt là dự án đầu tư khu DLST Hồ sông Đà Hòa Bình. Nhiều điểm du lịch đi vào hoạt động như: Sân Golf Phượng Hoàng, làng văn hóa Việt - Mường huyện Lương Sơn, khu du lịch nghỉ dưỡng V - Resort, Thác Bạc - Long Cung huyện Kim Bôi và các bản làng phát triển du lịch văn hóa kết hợp sinh thái thường xuyên thu hút khách du lịch trong và ngoài nước (bản Lác, bản Pom Coọng- huyện Mai Châu; bản Giang Mỗ - xã Bình Thanh - huyện Cao Phong).
Phát triển DLST tỉnh Hòa Bình
Với Hòa Bình, du khách có thể:
- Du thuyền trên sông Đà ngắm cảnh sông nước, rừng rậm hai bên bờ, câu cá, thưởng thức các loại thủy sản mang tính đặc trưng của lòng hồ Hòa Bình, đặc biệt như cá nướng đã có trong thương hiệu “Dê núi đá, cá sông Đà”.
- Đi bộ xuyên rừng: Hòa Bình có các khu rừng nguyên sinh nối các bản làng của đồng bào dân tộc, là điều kiện lý tưởng để tổ chức các tour đi bộ dài ngày qua rừng. Tiêu biểu là rừng Thượng Tiến (Kim Bôi) và rừng Pu Canh (Đà Bắc) ngắm các cây cối, chim muông trong rừng.
- Leo núi ngắm thác, suối nước chảy từ trên cao xuống và có thể tắm (thác Thăng Thiên, thác Bạc - Long Cung, thác Bạc - Suối Sao...).
- Đi xem các hang động, với những nhũ đá thiên tạo, những hồ nước trong vắt trong lòng hang.
- Nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, tắm suối nước khoáng (Kim Bôi).
- Thăm các bản làng dân tộc, thưởng thức các điệu múa xòe, múa sạp, múa chuông, tham dự các lễ hội cồng chiêng, lễ hội mừng cơm mới, lễ hội xuống đồng; nghỉ lại trên các nhà sàn theo kiến trúc độc đáo. Tìm hiểu các nét văn hóa của các dân tộc và các nghề truyền thống nơi đây như nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát... ăn các món ăn dân tộc như cơm lam, rượu cần, thắng cố...
Năm 2007, lượng khách đến DLST Hòa Bình đạt 138.000 lượt người, tăng 72,5%; trong đó, khách nước ngoài chiếm 27,54% và tăng 77,89% so với năm 2006. Năm 2008, lượng lượt khách đến các khu DLST ở Hòa Bình là 167.500 lượt người, tăng 21,38% so với năm 2007; trong đó khách nước ngoài chiếm 25,37% và tăng 11,81% so với năm 2007.
Doanh thu thuần túy DLST năm 2007 đạt 18.181,82 triệu đồng, gấp gần hai lần năm 2006 và năm 2008 đạt 26.185,45 triệu đồng, tăng 44,02% so với năm 2007. Mức doanh thu du lịch trung bình trên một lượt khách thấp, trung bình năm 2007 mỗi lượt khách quốc tế chi là 0,68 triệu đồng, khách trong nước chi 0,14 triệu đồng. Con số này của năm 2008 là 0,94 triệu đồng đối với khách quốc tế và 0,21 triệu đồng đối với khách trong nước. Trong tổng doanh thu thì doanh thu từ dịch vụ là chủ yếu với đóng góp tới 67,50% năm 2007 và 68,75% năm 2008. Việc bán hàng chưa đem lại nguồn thu chính cho người làm DLST do các sản phẩm chưa mang được dấu ấn đặc trưng cho từng vùng miền, và chưa đa dạng về mẫu mã dẫn đến chưa thu hút sức mua của khách du lịch.
Nhìn chung, tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng việc khai thác tiềm năng DLST của tỉnh Hòa Bình mới chỉ bước đầu. Nhiều loại sản phẩm DLST tại nhiều địa phương trong tỉnh chưa được khai thác một cách hiệu quả, nhất là những sản phẩm DLST riêng có của tỉnh Hòa Bình.
Trong số nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trước hết là do chưa có quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; công tác xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch còn hạn chế. Sự hợp tác phát triển du lịch với các vùng ngoài tỉnh chưa được phát huy. Vốn đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch còn thấp. Ngành du lịch còn phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên có sẵn, chưa năng động tìm hiểu phát triển các sản phẩm mới. Lao động thiếu tính chuyên nghiệp, kém chuyên môn và trình độ thấp. Trình độ dân trí, nhận thức của người dân về du lịch còn hạn chế thậm chí yếu, kém chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Hàng hóa lưu niệm còn lẫn tạp chưa tạo được điểm độc đáo riêng thực sự. Nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch chậm được triển khai thực hiện, có nơi có tình trạng xin dự án để chiếm giữ đất. Việc khai thác tiềm năng du lịch hiện chưa thực sự đi đôi với công tác bảo vệ, bảo tồn tài nguyên môi trường. Phần lớn lượng rác thải tại các điểm du lịch không được xử lý dẫn đến ô nhiễm môi trường, giảm giá trị của môi trường sinh thái cho du lịch, dẫn tới sự phát triển không bền vững trong tương lai.
Khai thác tiềm năng DLST, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là hướng phát triển có lợi to lớn về nhiều mặt, nhưng đang đứng trước một số thách thức.
- Tệ nạn gia tăng. Các dịch vụ phát triển nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng khách nhưng do quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến các hoạt động tiêu cực như săn bắt động vật hoang dã trái phép; các tệ nạn như ma túy, cờ bạc, đánh đề, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh - trật tự cho địa phương và ngay cả đối với du khách.
- Thương mại hóa một cách xô bồ, thiếu cân nhắc, chọn lọc một cách kỹ lượng dễ làm mất đi bản sắc văn hóa địa phương. Nhà sàn là đặc trưng của người dân tộc thiểu số, nhưng thiếu được xem trọng. Thiếu sản phẩm du lịch địa phương mang tính khác biệt để thu hút du khách.
- Văn hóa bản địa có thể bị thay đổi khi giao lưu với một lượng lớn du khách từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Sự giao thoa văn hóa có cả mặt tích cực và tiêu cực. Những nét đặc sắc: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui” là đặc trưng của Hòa Bình đang có nguy cơ mai một. Để tiện và nhanh hơn, cơm được nấu bằng nồi cơm điện, nước từ giếng khoan và nước đóng chai, nhà xây kiên cố và có cả lợn quay lò bằng điện chứ không đơn giản là trên than củi và thui bằng rơm rạ nữa. Tại các vùng đồng bào dân tộc, rất ít khi thấy đồng bào nơi đây mặc lễ phục. Đồng bào nói tiếng Kinh, ngoại ngữ là rất có lợi cho DLST, nhưng có một số người quên luôn cả tiếng mẹ đẻ - tiếng nói riêng của dân tộc mình, đó lại là một điều đáng lo ngại.
Giải pháp khai thác tiềm năng DLST của tỉnh Hòa Bình
- Quy hoạch các khu du lịch hiện có, mở rộng các khu DLST ở những nơi có điều kiện. Cần lập và điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển du lịch Hòa Bình đến năm 2020, kiện toàn đồ án quy hoạch vùng hồ Sông Đà và các vùng lân cận.
Do cơ sở hạ tầng còn yếu kém, các dịch vụ vui chơi giải trí không đủ sức thu hút và giữ chân du khách, thời gian lưu trú của khách du lịch còn rất thấp. Số ngày lưu trú bình quân thấp, chỉ đạt 1,40 ngày/lượt người vào năm 2007 và 1,9 ngày/lượt người năm 2008, chủ yếu là khách nghỉ dưỡng tại khu suối nước nóng Kim Bôi và một số học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đi nghiên cứu. Khách quốc tế sau khi tham quan, phần lớn trở về Hà Nội. Tỷ lệ lưu trú qua 3 năm cao nhất chỉ đạt 14,8% số lượt khách đến là còn quá thấp, không khai thác được từ các dịch vụ phục vụ cho khách lưu trú mang lại.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch có tính đặc thù: Dong thuyền trên Hồ Sông Đà ngắm cảnh, câu cá, lặn, nhà nghỉ ngơi...; nghỉ dưỡng cuối tuần tại các biệt thự cao cấp, các nhà nghỉ tại các bản văn hóa; khám phá, nghiên cứu rừng nguyên sinh, hang động, núi các loại sinh vật...; nghiên cứu, khám phá nền văn hóa cổ Việt Nam, nền văn hóa truyền thống Hòa Bình.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển DLST, mà nòng cốt là cán bộ, nhân viên ở địa phương; đào tạo và nâng cao nghiệp vụ quản lý ngành du lịch, chú trọng nhân lực phục vụ trực tiếp và nhân lực quản lý cao cấp.
- Mở rộng thị trường DLST, kết nối với các địa phương khác tạo thành các tour du lịch khép kín. Tỉnh có thể liên kết với các tỉnh phía Tây Bắc để hình thành tour du lịch văn hóa Tây Bắc, liên kết với du lịch Hà Nội để đào tạo cùng phát triển nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm xúc tiến quảng bá và làm du lịch; liên kết với các công ty du lịch có thương hiệu trong nước như Saigon Tourist, Viet Travel, HaNoi Tourist... để bước đầu đưa các tour đến với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; liên kết trong nội bộ các tuyến có những đặc điểm chung có tính chất hỗ trợ lẫn nhau.
- Đẩy mạnh quảng bá về DLST trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức quảng bá dưới nhiều hình thức; kết hợp giữa tính chất đại trà với tính chất tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Nên mở các lễ hội truyền thống, tranh thủ các sự kiện quốc gia, quốc tế tổ chức trong nước để giới thiệu quảng bá DLST Hòa Bình.
- Tăng cường và đẩy mạnh xã hội hóa du lịch. Khuyến khích các thành phần tham gia kinh doanh có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch. Trên cơ sở các quy định rõ ràng cổ vũ người dân địa phương làm du lịch bằng chính văn hóa đặc sắc của mình./.
Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính  (08/07/2009)
Chính sách kích cầu du lịch  (08/07/2009)
Chưa có sự đột phá trong quan hệ Mỹ - Nga  (08/07/2009)
Khủng hoảng toàn cầu và các giải pháp của cánh tả  (08/07/2009)
Hội nghị thượng đỉnh G8 tại I-ta-li-a  (08/07/2009)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay