Chưa có sự đột phá trong quan hệ Mỹ - Nga

Lê Minh Quang
11:18, ngày 08-07-2009

TCCSĐT - Kết quả các cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa Mỹ và Nga trong chuyến thăm Nga của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma không đáp ứng với trông đợi của dư luận quốc tế: “tái khởi động” quan hệ Mỹ - Nga như ông B.Ô-ba-ma đã từng tuyên bố. Câu hỏi được đặt ra: do đâu mà quan hệ giữa hai cường quốc cho đến thời điểm này vẫn chưa có sự đột phá?

Hai dự báo khác nhau

Trước ngưỡng cửa chuyến thăm Nga của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, dư luận quốc tế đưa ra hai dự báo khác nhau về kết quả chuyến thăm nhằm “khởi động lại” quan hệ của hai cường quốc hàng đầu thế giới đang đứng trước nguy cơ tái hồi “chiến tranh lạnh”.

Một số chuyên gia phân tích chính trị quốc tế có quan điểm thận trọng cho rằng, chuyến thăm Nga lần này của Tổng thống B.Ô-ba-ma khó có thể tạo ra sự đột phá trong quan hệ Mỹ - Nga. Nhiều người trong số họ không thật tin tưởng vào kết quả cao mà hai bên có thể đạt được thoả thuận trong các vấn đề quá phức tạp như cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, mở rộng NATO, hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, tiến trình “dân chủ hoá” trong không gian hậu xô-viết v.v.

Dự báo thứ hai có vẻ lạc quan hơn, cho rằng chuyến thăm Nga lần này có thể tạo ra “một trang mới” trong quan hệ Mỹ - Nga.

Dẫu sao, cuộc đối thoại giữa hai nguyên thủ quốc gia Mỹ và Nga lần này chỉ có thể được đánh giá là có kết quả tốt nếu Mỹ sẵn sàng đạt được thoả thuận với Nga về vấn đề cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược đồng thời với việc hai bên đạt được các thoả thuận về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Rất có thể, việc Mỹ ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu sẽ được đáp lại bằng việc Nga cho phép Mỹ vận chuyển hàng quá cảnh qua lãnh thổ Nga sang chiến trường Ap-ga-ni-xan.

Nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế không thật tin vào kịch bản này và cho rằng Mỹ khó có thể từ bỏ kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Còn về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, hai Tổng thống sẽ chỉ ký tên vào một văn kiện chính trị, chứ chưa phải là hiệp ước có tính pháp lý.

Nội dung đàm phán Mỹ - Nga

Trong các cuộc đàm phán giữa Tổng thống B.Ô-ba-ma và Tổng thống Đ.Met-vê-đép, hai bên vẫn còn nhiều khác biệt trong nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích chiến lược của Mỹ và Nga.

Về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu: Quan điểm của Nga là Mỹ phải từ bỏ kế hoạch bố trí hệ thống đánh chặn tên lửa ở Đông Âu. Đổi lại, Nga sẽ cho phép Mỹ sử dụng các đài ra-đa bố trí trên lãnh thổ Nga và ở Ga-ba-la của A-dec-bai-dan.

Phía Mỹ cho rằng, việc Nga cho phép sử dụng các đài ra-đa chỉ là thành phần bổ sung cho hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu của Mỹ. Oa-sinh-tơn chỉ sẵn sàng từ bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa ở Đông Ấu nếu không còn nguy cơ tên lửa từ phía I-ran. Tổng thống B.Ô-ba-ma khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu nhằm chống lại nguy cơ bị tiến công tên lửa từ I-ran, CHDCND Triều Tiên, hoặc từ quốc gia nào đó chứ không phải từ Nga. Vả lại, hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu không có khả năng chống lại tiềm lực hạt nhân quá mạnh như của Nga. Mỹ và Nga đều bác bỏ khả năng Nga gây áp lực đối với I-ran để đổi lấy việc Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.

Về chương trình hạt nhân của I-ran: Nga không coi chương trình hạt nhân của I-ran là nguy cơ và không thấy cần thiết phải áp dụng lệnh cấm vận đối với I-ran. Nga ủng hộ các thanh sát viên của IAEA có mặt ở I-ran. Nga không nghi ngờ kết quả bầu cử tổng thống vừa qua ở I-ran.

Còn Mỹ coi chương trình hạt nhân của I-ran là một trong những nguy cơ chủ yếu. Mỹ nghi ngờ có sự gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua; không chủ trương tiếp xúc trực tiếp với I-ran như Nga vẫn làm.

Về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược. Nga muốn gắn việc ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Mỹ chủ trương quyết tâm ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mà không liên quan gì tới hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.

Về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Nga giữ quan điểm dè chừng, coi việc CHDCND Triều Tiên thử tên lửa là nguy cơ, nhưng vẫn có các cuộc tiếp xúc trực tiếp tới CHDCND Triều Tiên. Mỹ có quan điểm cứng rắn và kiên quyết đối với CHDCND Triều Tiên và sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với CHDCND Triều Tiên.

Về việc mở rộng NATO. Nga kiên quyết phản đối việc mở rộng NATO. Còn Tổng thống B.Ô-ba-ma không xem xét lại chủ trương của Tổng thống Bu-sơ ủng hộ Gru-di-a và U-crai-na gia nhập NATO.

Về cuộc xung đột ở Cap-ca. Nga khẳng định Gru-di-a là kẻ gây ra xung đột; công nhận chủ quyền của Ap-kha-di-a và Ô-xê-ti-a. Mỹ coi Nga là xâm lược mặc dù gần đây không có bằng chứng trực tiếp cáo buộc Nga; Mỹ coi Ap-kha-di-a và Ô-xê-ti-a là lãnh thổ của Gru-di-a.

Về ảnh hưởng trong không gian hậu xô viết. Nga coi không gian hậu xô-viết là khu vực lợi ích của Nga, còn Mỹ tiếp tục tăng cường ảnh hưởng ở khu vực này.

Chưa có sự đột phá trong quan hệ Mỹ - Nga

Mặc dù các cuộc đàm phán Mỹ - Nga diễn ra trong không khí nhìn chung là “thân thiện, cởi mở, chân thành” như nhận xét của Tổng thống Đ.Met-vê-đép, nhưng điều kiện do hai bên đưa ra có quá nhiều sự khác biệt.

Trong khi Tổng thống B.Ô-ba-ma đưa ra chương trình nghị sự mang tính ràng buộc lẫn nhau như vấn đề Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, Ap-ga-ni-xtan và I-ran mà trong đó Nga đóng vai trò vừa là đồng minh vừa là then chốt, thì Nga buộc phải từ chối một số đề nghị khác.

Tổng thống Đ.Met-vê-đép tập trung nỗ lực tối đa để giải quyết các mâu thuẫn liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu và việc mở rộng NATO bằng cách đưa ra nhiều đề nghị nhân nhượng trong các vấn đề quan trọng khác đối với Mỹ để đổi lại việc Mỹ phải tính đến lợi ích của Nga.

Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ và Nga đã đặt bút ký vào một số văn kiện thoả thuận song phương liên quan tới Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu và vấn đề Ap-ga-ni-xtan.

Văn kiện mang tựa đề “Nhận thức chung về vấn đề tiếp tục cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược” có nội dung ghi nhận, Nga và Mỹ sẽ cắt giảm số đầu đạn hạt nhân xuống tới mức 1500-1675 đầu đạn và cắt giảm phương tiện mang xuống còn 500-1100 sau 7 năm kể từ khi Hiệp ước mới có hiệu lực. Hiệp ước mới về vũ khí tiến công chiến lược có tính ràng buộc về pháp lý sẽ được ký kết trong thời gian tới và những con số cụ thể ấn định ngưỡng quy định trong Hiệp ước sẽ được thoả thuận trong các cuộc đàm phán trong thời gian tới. Tổng thống hai nước giao cho các chuyên gia hoàn thiện nội dung của Hiệp ước để có thể ký kết là trình Quốc hội hai nước phê chuẩn.

Hai Tổng thống đã ký Hiệp ước liên chỉnh phủ về việc vận chuyển vũ khí trang bị, hàng hoá quân dụng và nhân lực đi qua lãnh thổ Nga liên quan đến hoạt động của các lực lượng vũ trang Mỹ tham gia chiến dịch bảo đảm an ninh, ổn định tình hình và tái thiết ở Ap-ga-ni-xtan. Tổng thống B.Ô-ba-ma và Tổng thống Đ.Met-vê-đép còn ký văn kiện khung về sự phát triển quan hệ hợp tác giữa quân đội Mỹ và Nga. Hai bên đã ký biên bản về kế hoạch làm việc nhằm thực hiện sự hợp tác giữa quân đội hai nước trong năm 2009.

Kết thúc các cuộc đàm phán, hai bên đưa ra tuyên bố chung về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu và về sự hợp tác Mỹ - Nga trong lĩnh vực hạt nhân. Tổng thống hai nước giao cho các chuyên gia nghiên cứu, đánh giá các thách thức tên lửa đường đạn trong thế kỷ XXI và chuẩn bị các kiến nghị thích hợp trong việc sử dụng các giải pháp ngoại giao và chính trị. Đồng thời, các chuyên gia sẽ tiến hành phân tích tổng hợp tất cả các phương tiện sẵn có để hai bên có thể hợp tác trong việc quản lý tiến trình phát triển các chương trình tên lửa trên thế giới. Hai bên nhất trí thành lập Uỷ ban của các Tổng thống Mỹ và Nga phụ trách về phát triển hợp tác. Đây là cơ chế mới nhằm phối hợp hoạt động hợp tác song phương, thay thế Ủy ban Go-Chec-nô-mư-đưn trước đây.

Nhìn chung, các cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa Mỹ và Nga lần này, khác với trông đợi của dư luận quốc tế, chưa tạo ra sự đột phá trong chủ trương “tái khởi động” quan hệ Mỹ - Nga mà Tổng thống B.Ô-ba-ma đã từng tuyên bố.

Do đâu chưa có đột phá trong quan hệ Mỹ - Nga?

Rõ ràng, chuyến thăm của Tổng thống B.Ô-ba-ma và các cuộc đàm phán dù “cởi mở, thẳng thắn và chân thành” đến mấy cũng chưa thể làm ấm lại quan hệ Mỹ - Nga vốn đã rất nguội lạnh trong những năm qua.
 
Trước khi lên đường sang Nga, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã từng nhận xét, lãnh đạo cao cấp ở Nga vẫn còn “một chân trong quá khứ, một chân đặt ở tương lai”. Còn Thủ tướng Nga V.Pu-tin thì cho rằng, Mỹ và Phương Tây vẫn tiếp tục tư duy theo lối “khối này, khối nọ” như trong thời “chiến tranh lạnh”. Rõ ràng, quan hệ Mỹ - Nga ấm hay lạnh không xuất phát từ quan hệ cá nhân các Tổng thống của hai nước. Không phải ở Mỹ hay ở Nga thay đổi Tổng thống, thì quan hệ giữa hai nước sẽ thay đổi.

Trong con mắt của người Nga, Mỹ vẫn ôm ấp mộng bá chủ thế giới, bằng mọi cách ngăn cản và thu hẹp ảnh hưởng của Nga tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Còn quá trình phục hưng và mạnh lên của Nga trong con mắt của phương Tây bị coi là sự hồi sinh tham vọng của “đế chế Nga”.

Trong bối cảnh thiếu tin cậy và xung đột lợi ích như thế, thì bằng một chuyến thăm Nga của Tổng thống B.Ô-ba-ma liệu có thể “mở ra một chương mới” trong quan hệ giữa hai nước? Trong các cuộc đàm phán vừa qua, nước Nga tỏ ra nhân nhượng Mỹ nhiều hơn. Nhân nhượng nhiều nhất là Nga sẵn sàng tạo mọi điều kiện để Tổng thống B.Ô-ba-ma thực hiện trọng tâm chiến lược bình ổn ở Ap-ga-ni-xtan. Đó cũng là điều dễ hiểu. Đối với Mỹ, chỉ có thể đạt được sự nhân nhượng ở họ một khi nước Nga đủ mạnh. Lúc này, nước Nga chưa có được vị thế như vậy, mặc dù nước Mỹ cũng đang sa lầy cả trong chính sách đối nội và đối ngoại./.