Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc viết báo, làm báo là một nhiệm vụ quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng thực tiễn. Kể từ bài đầu tiên Bác viết đăng trên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp ngày 2-8-1919, có tiêu đề “Vấn đề người bản xứ”, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, đến bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, có bút danh T.L, đăng Báo Nhân Dân ngày 1-6-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết đăng trên 2000 bài báo và gần 300 bài thơ, 500 trang truyện và ký, lấy khoảng 50 bút danh khác nhau. Đó là những di sản báo chí rất quý báu của dân tộc ta, trở thành một bộ phận hợp thành của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng và viết báo, Bác đã làm mọi việc, từ viết và sửa bài, biên tập, tổ chức in ấn, phát hành, đến tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo việc ra tờ báo và công tác báo chí. Người quan niệm viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Vì vậy, các bài viết của Người cho nhiều tờ báo lớn ở trong nước và nước ngoài, hướng vào nhiều đối tượng trong xã hội, đề cập đến các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách báo chí...
Đặc trưng nổi bật nhất về tư tưởng, quan điểm và phong cách báo chí Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn cách mạng. Theo Người, trước khi viết một bài báo phải xác định rõ mục đích, đối tượng, nội dung và phong cách viết bài báo đó. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, công việc làm báo, viết báo chỉ nhằm mục đích để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Do đó, đối tượng của mỗi tác phẩm báo chí của Người để phục vụ cho công - nông - binh, tức là đại đa số các tầng lớp nhân dân lao động. Người chỉ rõ: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và có tinh thần chiến đấu”(1). Người cho rằng, mỗi tờ báo có đối tượng bạn đọc riêng, vì vậy nếu không bắt mạch đúng nhu cầu và trình độ chung của bạn đọc, thì dù bài báo được viết rất hay nhưng hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cũng rất hạn chế. Người thường xuyên căn dặn “Viết và nói phải có mục đích, có nội dung”, phải làm cho người dân bình thường ai cũng có thể hiểu và làm theo được.
Từ kinh nghiệm làm báo, viết báo của mình, Người căn dặn trước khi viết một bài báo phải tự đặt câu hỏi “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”(2). Trong bức thư gửi lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng ngày 9 tháng 6 năm 1949, Người đặt ra yêu cầu rất cao về tính thiết thực của bài báo. Người dạy về cách viết báo: “khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận”. Trong một dịp khác, Người lại căn dặn: “Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh, đọc lại”(3); “Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi”. Lời căn dặn của Người sau khi viết xong bản thảo bài báo “nhờ anh em xem và sửa giùm”, vừa giúp cho tác giả nâng cao kỹ năng viết báo, vừa tranh thủ được ý kiến đóng góp rộng rãi của nhiều người. Đồng thời, đó cũng là cách để kiểm tra trước tính hiệu quả của bài báo sẽ đưa ra cho công chúng đọc.
Đề cập đến vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”(4). Trong bức điện gửi Hội Nhà báo Á - Phi ngày 24 tháng 4 năm 1965, Người nêu rõ: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang”, do đó từ người viết báo, người biên tập, người in, người phát hành... phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; luôn đi sâu vào thực tế cuộc sống, gần gũi với quần chúng lao động.
Hằng ngày, dù rất bận nhiều công việc cách mạng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn theo dõi chặt chẽ hoạt động của báo chí cả nước. Người biểu dương những ưu điểm của báo chí, nhưng cũng thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, nhất là “cách viết” còn “tràng giang đại hải”, “dây cà ra dây muống”, gây lãng phí thời gian của bạn đọc. Thậm chí còn có không ít bài chỉ thổi phồng thành tích mà né tránh đề cập đến những khó khăn, khuyết điểm của ta. Bài viết về lĩnh vực chính trị thì khô khan và thường mắc tệ “rập khuôn”, “ham dùng quá nhiều chữ nước ngoài”, sử dụng nhiều chữ viết tắt, do đó làm cho bạn đọc khó hiểu. Người nhắc nhở, cần coi trọng cả mặt hình thức của tờ báo, khắc phục hiện tượng “in nhem nhuốc, luộm thuộm, hoặc là vì “mỹ thuật” mà cắt một bài ra hai, ba đoạn, khó đọc...”(6). Từ những kinh nghiệm thực tiễn hoạt động cách mạng và viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ huấn báo chí phải luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, coi đó là quy luật phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, phải coi trọng ý thức bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và sự trong sáng của tiếng Việt. Người căn dặn các báo cần mở thêm mục “Ý kiến bạn đọc” và có dòng chữ “HOAN NGHÊNH BẠN ĐỌC PHÊ BÌNH BÁO” được đặt trang trọng ngay ở trang đầu của báo.
Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí đã trở thành định hướng cơ bản cho sự phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Thấm nhuần sâu sắc những tư tưởng, quan điểm của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng hoạt động báo chí là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh cách mạng, là công cụ sắc bén để tuyên truyền và vận động quần chúng nhân dân. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác báo chí, phù hợp với tình hình thực tiễn của cách mạng. Ngày 28-12-1989, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa VIII) đã thông qua Luật Báo chí, trong đó ghi rõ: “Báo chí, nhà báo đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, được Nhà nước bảo hộ”. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 22-CT-TW, ngày17-10-1997 nêu rõ: “Báo chí phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu... kiên quyết đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, khắc phục các biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ mục đích và các biểu hiện lệch lạc khác”.
Trong tình hình mới, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ của báo chí cách mạng cần tập trung thực hiện tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; động viên nhân dân làm tốt hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; tích cực đi sâu phát hiện những nhân tố mới, cái hay, cái đẹp trong xã hội; đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch; phải “coi trọng, nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của thông tin”(7). Ngày18-3-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 37-CT-TW Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới. Chỉ thị nhấn mạnh: “Hội Nhà báo các cấp cần thường xuyên tổ chức cho các nhà báo - hội viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực, chủ động bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho các hội viên, xây dựng đội ngũ những người làm báo Việt Nam ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng”.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Báo chí cách mạng nước ta cũng đang có nhiều đổi mới để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Hiện nay, nước ta có khoảng hơn 700 ấn phẩm chí được xuất bản và phát hành rộng rãi trong cả nước, trong đó có trên 50 đơn vị báo điện tử và nhà cung cấp thông tin, hơn 2.500 trang thông tin điện tử đang hoạt động; hơn 13 nghìn nhà báo chuyên nghiệp và hàng vạn người viết nghiệp dư. Lực lượng đông đảo này đã và đang có những đóng góp to lớn vào đời sống tinh thần xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để sự hợp tác giữa doanh nghiệp với báo chí là sự hợp tác mẫu mực, chặt chẽ, vì sự phát triển của đất nước  (20/06/2008)
Hoạt động báo chí, xuất bản và công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản hiện nay  (20/06/2008)
Doanh nghiệp Mỹ mong muốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam  (19/06/2008)
Tăng cường hợp tác hữu nghị Việt Nam - Ru-ma-ni  (19/06/2008)
Vấn đề bình đẳng giới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn  (19/06/2008)
An ninh lương thực Việt Nam năm 2008 - những cảnh báo và giải pháp  (19/06/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên