Vấn đề bình đẳng giới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam. Nghiên cứu nội dung giới trong xây dựng các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, tình hình thực hiện bình đẳng giới trong những năm qua và đề xuất một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ là nội dung chính của bài viết dưới đây.
I - Nội dung giới trong các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn
Nếu rà soát các chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trong nhiều năm qua, có thể thấy rất ít văn bản quy định cụ thể về nội dung "giới". Các chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân đều có mục tiêu nhằm hướng tới sự phát triển về kinh tế và xã hội chung của tất cả các cộng đồng dân cư ở nông thôn, trong đó bao hàm cả nam và nữ; trong quá trình hoạch định từng chính sách riêng biệt không khi nào đặt vấn đề có sự phân biệt đối tượng nam hay nữ trong hưởng lợi từ chính sách.
Trong những năm đổi mới, các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn đã chủ yếu nhằm thúc đẩy hộ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản để vừa cung cấp hàng hóa đủ nhu cầu tiêu dùng của xã hội, vừa từng bước vượt qua đói nghèo và làm giàu. Bên cạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản, chính sách còn khuyến khích phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp trong nông thôn nhằm đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, từ đó nhanh chóng nâng cao thu nhập. Những năm gần đây, Nhà nước còn triển khai nhiều chính sách có mục tiêu hỗ trợ người nghèo, cộng đồng nghèo phát triển kinh tế, quản lý nguồn lực... thông qua các chương trình có mục tiêu quốc gia như Chương trình 33 về xóa đói, giảm nghèo, Chương trình 135 về phát triển kinh tế ở các xã đặc biệt khó khăn, Chương trình 661 về trồng mới 5triệu ha rừng, Chương trình 120 về tạo việc làm..
Trong mấy thập kỷ gần đây, vấn đề giới đã được đặt ra. Văn bản Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói nghèo CPRGS- 5/2002 đã xác định 18 nội dung về vấn đề thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ như sau:
1 - Tổ chức thực hiện tốt chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010 theo Quyết định số 19/2002/QĐ-TTg, ngày 21-1-2002. Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ; nâng cao và phát huy năng lực, khả năng, vai trò của phụ nữ, bảo đảm cho người phụ nữ có thể thực hiện nhiệm vụ và tham gia đầy đủ, ngang bằng trong mọi hoạt động, đặc biệt là chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
2 - Bảo đảm các điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng trong lĩnh vực lao động và việc làm thông qua bảo đảm đủ đất canh tác, các nguồn lực cơ bản xác định chỉ tiêu thu hút lao động nữ vào việc làm mới. Hoàn thiện các quy định và tăng cường giám sát thực hiện các chính sách đối với lao động nữ nhằm bảo đảm tính hiệu quả và công bằng trong chính sách đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động và chế độ nghỉ hưu.
3 - Lồng ghép vấn đề giới có hiệu quả vào các chương trình mục tiêu quốc gia.
4 - Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và đào tạo nghề với các thông tin tách biệt theo giới tính.
5 - Phát triển các trung tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ.
6 - Tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ với các nguồn vốn tín dụng, vốn từ chương trình xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện để phụ nữ được tập huấn về cách sử dụng các nguồn vốn đó.
7 - Có các biện pháp bảo đảm cho phụ nữ được tiếp cận bình đẳng về giáo dục, được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
8 - Có chế độ khuyến khích phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc ít người được học trung học, vào các trường nội trú, trường cao đẳng và đại học.
9 - Thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị nghèo, có các biện pháp điều chỉnh sự tách biệt về giới trong ngành học, kết hợp giới vào các chương trình hướng nghiệp, rà soát sách giáo khoa và loại bỏ các quan niệm, hình ảnh rập khuôn về giới.
10 - Nâng cao tỷ lệ nữ ở các vị trí quản lý ở các cấp và bậc học.
11 - Xây dựng các quỹ khuyến học cho nữ và xác định chỉ tiêu nữ ở các khóa đào tạo và đào tạo lại ở các ngành và các cấp.
12 - Cải thiện sức khỏe phụ nữ bằng việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe trong việc cung cấp các dịch vụ y tế và kế hoạch hóa gia đình. Bảo đảm cho phụ nữ nghèo được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách thuận lợi. Nâng cao chất lượng các dịch vụ sau sinh đẻ.
13 - Giảm dần gánh nặng công việc gia đình cho phụ nữ thông qua chú trọng đầu tư vào công nghệ phục vụ gia đình, các dự án nước sạch và năng lượng nông thôn.
14 - Nâng cao vị trí của phụ nữ trong việc ra quyết định và lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp và trong mọi lĩnh vực bằng việc khắc phục sự phân biệt đối xử và ngược đãi đối với phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình.
15 - Rà soát các chính sách đối với nữ công nhân viên chức để bảo đảm việc thụ hưởng các chế độ một cách bình đẳng. Kết hợp giới vàocác chương trình đào tạo chính trị và hành chính các cấp.
16 - Bảo đảm sự tham gia và hưởng lợi một cách bình đẳng của phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội bằng việc hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm thực hiện và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Nâng cao nhận thức của phụ nữ và khả năng tiếp cận, sử dụng các công cụ pháp lý.
17 - Nâng cao năng lực của bộ máy hành chính và các tổ chức xã hội nhằm thực hiện các chính sách và chiến lược vì sự tiến bộ của phụ nữ và bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ một cách có hiệu quả.
18 - Nâng cao quyền của phụ nữ trong việc cấp giấy đăng ký quyền sử dụng đất, tăng cường vai trò của họ trong việc ra quyết định ở địa phương.
II. Về thực hiện bình đẳng giới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn những năm vừa qua
Có thể nói một cách khái quát rằng, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung và nông thôn Việt Nam nói riêng đã đạt được khá nhiều tiến bộ trong những năm đổi mới. Điều này thể hiện qua một số thực tế sau:
- Nhiều hoạt động lao động nông nghiệp nặng nhọc trong nông nghiệp trước kia nay đã được thay thế bằng máy móc và phương tiện cơ giới, làm giảm thiểu sự vất vả đã gây tác động không tốt đến sức khỏe của nông dân nói chung, nông dân nữ nói riêng.
- Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp không phân biệt lao động nam, nữ đã tạo ra thành công lớn trong sản xuất nông nghiệp. Chính sách nông nghiệp trong giai đoạn đổi mới đã không có sự phân biệt nam, nữ mà coi họ là một thực thể thống nhất, vừa cùng nhau hưởng lợi, vừa cùng nhau gánh chịu rủi ro trong quá trình sản xuất - kinh doanh nông nghiệp. Vì vậy, chính sách này đã lôi cuốn được sự tham gia tích cực và bình đẳng của lao động cả nam và nữ trong hộ gia đình nông dân vào sản xuất, tạo ra sự thành công của đổi mới, sự phát triển vượt bậc của nông nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua.
- Chính sách xã hội, trong đó có xã hội nông thôn không phân biệt nam, nữ đã tạo ra sự bình đẳng cần thiết về giới xét trên góc độ thu nhập và thụ hưởng các dịch vụ xã hội.
Như vậy, việc thực hiện các chính sách xã hội nói chung và ở nông thôn nói riêng đã phần nào thể hiện sự bình đẳng cần thiết giữa nam và nữ. Những chênh lệnh đang diễn ra trong thực hiện từng chính sách xét về bản chất không phải là sự thể hiện về bất bình đẳng giới trong tư tưởng chính sách.
Tuy nhiên, trong chính sách kinh tế vấn đề bình đẳng giới chưa được đặt thành mục tiêu cần giải quyết. Ngoài ra, nếu xét trên quan điểm tổng quát hơn về những yếu tố tạo ra sự bất bình đẳng nói chung giữa các nhóm người trong xã hội nông thôn Việt Nam như người Kinh, người dân tộc thiểu số, người cư trú ở miền núi, người cư trú ở vùng đồng bằng... thì sự bất bình đẳng trong hưởng lợi từ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm vừa qua thực sự đang lộ rõ nhiều điểm chưa được giải quyết, như chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách khuyến nông, chính sách thị trường... đã triển khai chưa đồng đều, chưa đầy đủ và chưa nhất quán giữa các vùng nông thôn trong cả nước. Những chi phí để thực hiện cùng một chính sách ở các vùng khác nhau rất khác nhau. Ví dụ vùng sâu vùng xa thì chi phí thực hiện chính sách sẽ tốn kém hơn các vùng gần đô thị, vùng có kết cấu hạ tầng tốt hơn, và đặc biệt đối với những cộng đồng dân cư có trình độ dân trí cao thì việc triển khai các chính sách cũng nhẹ nhàng hơn các vùng dân cư với trình độ dân trí còn thấp. Một số nghiên cứu về "giới" gần đây ở Việt Nam còn phát hiện những khác biệt giữa nam và nữ về: quyền quyết định trong gia đình thường thiên lệch về nam giới; phụ nữ bận rộn hơn nam; phụ nữ bị đối xử thô bạo; phụ nữ chưa có thực quyền trong sử dụng đất nông nghiệp; phụ nữ không được sử dụng những dịch vụ xã hội cơ bản; phụ nữ ít có ảnh hưởng so với nam giới trong các lĩnh vực công.
Một thực tế cho thấy, phần lớn các dẫn chứng về sự bất bình đẳng giới được đưa ra trong các nghiên cứu gần đây đều chưa xuất phát từ nhận thức thực tế về quyền và nghĩa vụ có tính xã hội của từng giới nam và nữ trong các nhóm đối tượng được nghiên cứu, chưa phân tích rõ những điều kiện khách quan, chủ quan dẫn đến sự khác biệt giữa nam và nữ, những điều kiện nào có thể khắc phục và những điều kiện nào rất khó hoặc không thể khắc phục được. Chính vì vậy, rất cần có các tiêu chí thể hiện sự bình đẳng về giới trong các quan hệ kinh tế, văn hóa và xã hội khác nhau, để đi đến cách nhìn thống nhất về nội dung và phạm vi của phạm trù bình đẳng trong quan hệ giới. Để đóng góp vào Luật Bình đẳng giới sắp tới, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thiết nghĩ cần nghiên cứu rõ hơn về bản chất những vấn đề bất bình đẳng giới trong hoạch định và triển khai chính sách nông nghiệp, nông thôn hiện nay, cụ thể là một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, những hình thức khác nhau trong tham gia quyết định sử dụng các quyền đối với đất nông nghiệp theo quy định của Luật đất đai trao cho hộ gia đình nông dân sản xuất nông nghiệp, đó là các quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn kinh doanh. Những quyền nào nên trao cho nữ, những quyền nào nên trao cho nam trong chính sách đất đai được xem xét trên góc độ giới.
Thứ hai, những hoạt động lao động nào chỉ phù hợp với nữ nông dân và những hoạt động lao động nào thích hợp với nam nông dân xét trên góc độ đặc tính sinh học tự nhiên của nam và nữ để làm cơ sở cho xây dựng chính sách sử dụng lao động bình đẳng đối với cả nam và nữ trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong các quan hệ lao động khác ở nông thôn.
Thứ ba, những khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận và sử dụng vốn vay tín dụng từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác để có chính sách, chế độ riêng đối với nam và nữ nông dân trong triển khai chính sách tín dụng hiện nay.
Thứ tư, những khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận các dịch vụ khuyến nông, khuyến công và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp ở nông thôn. Từ đó có cơ sở trong hoạch định và triển khai chính sách khuyến nông, khuyến công phù hợp.
Thứ năm, những khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận thị trường nông sảnvà thị trường các hàng hóa khác. Qua đó, có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại phù hợp xét trên góc độgiới.
Thứ sáu, những khác biệt giữa nam và nữ trong tạo việc làm ở nông thôn cả trong nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trên cơ sở này hoạch định chính sách việc làm và phân công lao động ở nông thôn hợp lý...
Tóm lại, mục tiêu phấn đấu để tiến tới bình đẳng nói chung và bình đẳng giới trong nông nghiệp, nông thôn là rất đúng đắn và cần thiết cho sự phát triển một nông thôn văn minh, hiện đại và bền vững. Để xây dựng một quan hệ bình đẳng mang tính thực chất và bền vững, vấn đề quan trọng hàng đầu là không để tồn tại sự chênh lệch về thu nhập, kiến thức kinh tế, xã hội và trình độ văn hóa. Quan hệ bình đẳng giới cũng không nằm ngoài quy luật trên, vì thế, để có bình đẳng giới thật sự thì cả nam và nữ cùng phải tự nâng cao khả năng độc lập của mình trong xã hội, với tư cách là những cá thể tự chủ toàn diện, được luật pháp bảo hộ. Ngoài ra, việc triển khai nghiên cứu những đề xuất trên đây cần bám sát những đặc thù, điều kiện riêng của các cộng đồng dân cư nông thôn, có chú trọng sự tham gia của các hội nông dân, hội phụ nữ cấp huyện, xã ở nông thôn./.
An ninh lương thực Việt Nam năm 2008 - những cảnh báo và giải pháp  (19/06/2008)
An ninh lương thực Việt Nam năm 2008 - những cảnh báo và giải pháp  (19/06/2008)
Phong trào thi đua quyết thắng ở Binh chủng Tăng thiết giáp hiện nay  (19/06/2008)
Phong trào thi đua quyết thắng ở Binh chủng Tăng thiết giáp hiện nay  (19/06/2008)
Một doanh nhân cùng gia đình và công ty làm từ thiện hơn 100 tỉ đồng  (19/06/2008)
Một doanh nhân cùng gia đình và công ty làm từ thiện hơn 100 tỉ đồng  (19/06/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên