Thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương, Binh chủng Tăng thiết giáp đã phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng. Phong trào đã tạo ra chuyển biến tích cực cả trong ý thức và hành động trong toàn binh chủng. Phong trào thi đua quyết thắng đang thực sự trở thành một động lực mới thức đấy cán bộ, chiến sĩ hăng hái phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Với đặc thù là một binh chủng chiến đấu, được trang bị vũ khí hiện đại, cường độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao. Biên chế của Binh chủng cũng đa dạng các loại hình tổ chức, ngoài các cơ quan Bộ Tư lệnh còn có các Lữ đoàn dự bị chiến lược của Bộ, các nhà trường thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đào tạo sĩ quan, thành viên kíp xe, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng Tăng thiết giáp toàn quân và các kho, xưởng sửa chữa, đứng chân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Vì vậy phong trào thi đua Quyết thắng của Binh chủng Tăng thiết giáp thường xuyên đứng trước yêu cầu phải được đổi mới cả về nội dung, hình thức và biện pháp tổ chức thực hiện để góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong Binh chủng đã thường xuyên quan tâm giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng về vai trò, vị trí, ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua Quyết thắng và công tác Thi đua khen thưởng trong Quân đội với nhiều hình thức và biện pháp phong phú.

Qua học tập, nghiên cứu, nhận thức và trách nhiệm đối với công tác thi đua, khen thưởng, cũng như hoạt động phong trào thi đua quyết thắng của các tập thể, các tổ chức và cá nhân trong toàn Binh chủng đã có những chuyển biến rõ rệt. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều có nhận thức tốt các quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thi đua, khen thưởng và khẳng định thi đua yêu nước là động lực phát triển xã hội và là một biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; là phương thức tổ chức vận động quần chúng của Đảng, Nhà nước; là động lực tinh thần to lớn để quân đội, Binh chủng và đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó, làm cho quân đội thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Vai trò lãnh đạo đối với phong trào thi đua Quyết thắng của các tổ chức Đảng được tăng cường, các cấp uỷ Đảng đều có Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo triển khai thực hiện các chỉ thị của cấp trên về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Trong Nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của các cấp uỷ Đảng đều có nội dung kiểm điểm đánh giá lãnh đạo công tác thi đua, khen thưởng, coi đây là một mặt công tác, một biện pháp cơ bản nhằm quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết. Đồng thời coi trọng lãnh đạo, phát huy sức mạnh của các cơ quan, nhất là cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong việc làm nòng cốt để hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động thi đua, khen thưởng.

Cơ quan chính trị các cấp đã thường xuyên bám sát các chỉ thị, hướng dẫn của trên và tình hình thực tiễn của đơn vị; chủ động làm tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên và người chỉ huy về công tác thi đua, khen thưởng. Phát huy tốt trách nhiệm trong xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Binh chủng đã ban hành Quy chế công tác thi đua, khen thưởng, thành lập và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng thi đua, khen thưởng Binh chủng. Hội đồng, ban, tổ thi đua ở các cấp được củng cố, kiện toàn đầy đủ, hoạt động có hiệu quả, đúng chức năng, phát huy được vai trò là cơ quan tư vấn của cấp ủy, chính uỷ, chính trị viên, bí thư đảng uỷ và người chỉ huy về công tác thi đua, khen thưởng.

Đảng ủy Binh chủng đã xác định phong trào thi đua Quyết thắng là phong trào hành động cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, phong trào phải có diện rộng và chiều sâu; phải động viên được toàn thể cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng tham gia; phong trào ấy phải luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; phải hướng vào hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của từng tập thể kíp xe, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, lữ đoàn, nhà trường và các cơ quan. Phong trào thi đua Quyết thắng trong Binh chủng những năm qua đã kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên và tập trung đột kích vào các trọng tâm công tác, gắn với hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của đất nước. Đã cơ bản khắc phục được bệnh thành tích trong huấn luyện, học tập và trong xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật.

Các đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Phong trào đã góp phần làm cho các cơ quan, đơn vị đều có những chuyển biến tiến bộ đồng đều, vững chắc, có nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến xuất sắc và phát huy tốt vai trò, tác dụng, giữ vững thành tích như Lữ đoàn xe tăng 201, 215, trường Sỹ quan Tăng thiết giáp. Cả hai lữ đoàn xe tăng dự bị chiến lược của Bộ đều được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Về cá nhân, có nhiều đồng chí được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quân, toàn quốc. Cơ cấu chiến sĩ thi đua tương đối đồng đều. Trong số chiến sĩ thi đua toàn quân, toàn quốc có đồng chí là cán bộ cao cấp, chủ trì cơ quan, đơn vị, có đồng chí là sĩ quan sơ cấp, có đồng chí là quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, lái xe, pháo thủ, có cán bộ quân sự, có cán bộ chính trị, hậu cần, kỹ thuật...

Phong trào thi đua Quyết thắng của Binh chủng Tăng thiết giáp cũng có sức lan toả ảnh hưởng tới các đơn vị Tăng thiết giáp toàn quân. Vì vậy, cùng với các đơn vị trực thuộc Binh chủng, nhiều trung đoàn tăng thiết giáp toàn quân cũng đã trở thành đơn vị lá cờ đầu trong phong trào thi đua Quyết thắng của các quân khu, quân đoàn, quân chủng như trung đoàn 206/ quân khu 4; trung đoàn 409/ quân khu 1, trung đoàn 406/ quân khu 2; trung đoàn 202/quân đoàn 1; trung đoàn 203/ quân đoàn 2, lữ đoàn hải quân đánh bộ 101/ quân chủng Hải quân...

Có được những kết quả đó, trước hết là do có sự lãnh đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị trên cơ sở quán triệt Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 198 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Thứ hai, vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính uỷ, chính trị viên và người chỉ huy đối với công tác thi đua, khen thưởng được đề cao. Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp đã thường xuyên được kiện toàn, hoạt động cơ nền nếp, thực sự là cơ quan tư vấn có hiệu quả cho cấp uỷ, chỉ huy trong lãnh đạo và tổ chức phong trào.

Thứ ba, phong trào thi đua quyết thắng luôn bám sát vào nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, gắn với các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội, có sự hưởng ứng tích cực, tự giác, sáng tạo của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, của các tổ chức quần chúng ở cơ sỏ.

Tuy nhiên, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua Quyết thắng của Binh chủng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là:

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị chưa đúng mức; còn có biểu hiện mắc bệnh thành tích trong thi đua như che dấu khuyết điểm, báo cáo không trung thực. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tác dụng của thi đua, khen thưởng trong tình hình mới. Một số đơn vị phong trào thi đua chưa thực sự đi vào chiều sâu; chưa có những tác động đột phá tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng nền nềp chính quy, chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong các hoạt động của bộ đội.

Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; việc theo dõi đôn đốc kiểm tra đánh giá, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa thường xuyên; khen thưởng có lúc chưa kịp thời, chưa sát với kết quả xây dựng đơn vị.

Đối với việc thực hiện các mục tiêu thi đua như xây dựng chính quy, triển khai bước 2 Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có đơn vị chưa đạt kết quả được như mong muốn.

Qua tổ chức phong trào thi đua quyết thắng, Binh chủng rút ra một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các mục tiêu của phong trào là:

Một là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên có hiệu quả công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua Quyết thắng; coi trọng giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ thi đua đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Phải làm cho tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào đơn vị, trở thành động lực mạnh mẽ trong phong trào hành động của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Thực tế cho thấy trong những năm qua đơn vị nào, cấp uỷ, chỉ huy quan tâm đầu tư đúng mức về trí tuệ và cơ sở vật chất, có phương pháp tổ chức khoa học thì phong trào thi đua Quyết thắng của cơ quan, đơn vị đó thu hút, lôi cuốn được mọi người tham gia, đạt chất lượng, hiệu quả.

Hai là, phải thực hiện tốt nguyên tắc cấp uỷ Đảng lãnh đạo, người chỉ huy quản lý, cơ quan chính trị, chính uỷ, chính trị viên hướng dẫn, chỉ đạo; hội đồng (ban, tổ) thi đua tư vấn, đội ngũ cán bộ các cấp tổ chức thực hiện lăn lộn gắn bó với phong trào. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng trong thực hiện công tác thi đua khen thưởng.

Ba là, phải thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức thi đua; nội dung thi đua, mục tiêu phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đảm bảo tính toàn diện và chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu, việc mới, việc khó của cơ quan, đơn vị. Chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, phù hợp với khả năng phấn đấu của bộ đội. Hình thức tổ chức thi đua phải phong phú, đa dạng. Kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua đột kích; giữa phong trào thi đua Quyết thắng với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của các ngành, các tổ chức quần chúng.

Bốn là, phải làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, gắn chặt thi đua với khen thưởng, lấy kết quả của thi đua làm tiêu chí để xét khen thưởng và ngược lại khen thưởng là động lực để thúc đẩy thi đua phát triển. Chú trọng phát hiện bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, tuyên truyền các gương người tốt việc tốt; học tập và đuổi vượt các điển hình tiên tiến.

Những năm tới, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, quân đội và binh chủng, là giai đoạn đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội và Binh chủng lần thứ VIII; tiến tới kỷ niệm những ngày lễ lớn và những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Đặc biệt, năm 2008 là năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tổ chức thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW ngày 22/12/2007 của Ban Bí thư về kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948- 11/6/2008) và cũng là năm hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam Anh hùng. Chúng tôi xác định đây là thời cơ thuận lợi để toàn binh chủng tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Với mục tiêu thi đua: Nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu của Binh chủng lên một bước mới, hướng các hoạt động của Binh chủng vào việc xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện; tiếp tục phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật và cải cách hành chính quân sự.

Do đó, khẩu hiệu hành động của Binh chủng trong năm 2008 được xác định là: Nắm vững “một tập trung, hai khâu đột phá”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2008. Một tập trung là: Nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Binh chủng, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Hai khâu đột phá là: làm chuyển biến vững chắc về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn; và, thực hiện tốt cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao trách nhiệm, năng lực, đạo đức, đổi mới lề lối, phương pháp, tác phong công tác.

Trong tình hình mới hiện nay, để đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng trong những năm tới, Binh chủng Tăng thiết giáp đã xác định cần thực hiện tốt 5 biện pháp là:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng về thi đua yêu nước, nhất là lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng, Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết, Hướng dẫn của trên về thi đua, khen thưởng làm cho cán bộ, chiến sĩ trước hết là cán bộ chủ trì nhận thức rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua Quyết thắng trong giai đoạn mới. Xây dựng động cơ quyết tâm thi đua đúng đắn, nêu cao ý thức tự giác, lòng nhiệt tình, sáng tạo trong thực hiện các nội dung, chỉ tiêu thi đua, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2008 và các năm tiếp theo.
 
Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đề cao trách nhiệm của đội ngũ chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy và cán bộ các cấp, các ngành đối với công tác thi đua, khen thưởng. Tập trung vào 2 chống: chống “chủ nghĩa hình thức” để đạt tiến bộ thực chất và chống “thổi phồng thành tích” để đạt tiến bộ vững chắc. Gắn sự chuyển biến tiến bộ của đơn vị, nhất là tiến bộ về rèn luyện kỷ luật làm thước đo việc hoàn thành nhiệm vụ của cấp uỷ, người chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên và đội ngũ cán bộ chủ trì, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong vận động đoàn viên, hội viên tham gia tích cực vào phong trào thi đua chung của đơn vị.

Thứ ba, tích cực đổi mới hình thức hoạt động công tác thi đua, khen thưởng, thực hiện nghiêm túc quy chế thi đua, khen thưởng Binh chủng. Phải thực hiện tốt nguyên tắc cấp uỷ Đảng lãnh đạo; cơ quan chính trị, chính uỷ, chính trị viên tham mưu, đề xuất; hội đồng (ban, tổ) Thi đua làm tư vấn; đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nòng cốt; khơi dậy được ý thức trách nhiệm của quần chúng, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức tự lực tự cường dám nghĩ, dám làm vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức phong trào thi đua; nội dung, mục tiêu thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, vừa có tính toàn diện, vừa có chiều sâu. Chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, phù hợp với khả năng phấn đấu của bộ đội. Hình thức tổ chức thi đua cần linh hoạt, sáng tạo, lấy hiệu quả làm chính. Gắn phong trào thi đua thường xuyên với phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng, các cuộc vận động, nhất là gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong thực hiện cuộc vận động này, chúng tôi chú trọng phát hiện, xây dựng và nhân lên những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chú trọng xác định những tiêu chí, những công việc cụ thể của mỗi cá nhân để việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành hiện thực, tức là phải tăng cường phát hiện bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt việc tốt.

Thứ năm, đưa công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục đi vào nền nếp, phát huy tác dụng khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua. Kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng. Tổ chức xét khen thưởng phải chặt chẽ đúng đối tượng, công khai, có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đột xuất, nhiệm vụ nơi khó khăn gian khổ... kiên quyết không xét khen thưởng các đơn vị có tỷ lệ vi phạm kỷ luật cao hoặc có vụ việc nghiêm trọng, đơn vị mất an toàn ảnh hưởng đến bản chất truyền thống quân đội./.