Bốc xếp gạo xuất khẩu ở Cảng Hải Phòng

Chỉ số giá lương thực tháng 5-2008 tăng 7,25% so với tháng 4 và tăng 52,88% so với tháng 12- 2007. Đây là tốc độ tăng giá lương thực cao nhất trong 21 năm đổi mới và là một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 3,91% so với tháng 4 và tăng 15,96% so với tháng 12 năm trước. Thực tế đó đang đặt ra nhiều vấn đề về an ninh lương thực từ sản xuất đến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gạo của nước ta trong những tháng tới.
 
1- Sản xuất lương thực năm 2008
 
- Sản xuất lúa

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến cuối tháng 5-2008, các địa phương phía Nam đang tập trung thu hoạch lúa vụ đông - xuân đại trà, năng suất ước đạt 61,6 tạ/ha, tăng 2,7 tạ/ha (+4,6%) so với vụ đông - xuân năm 2007; sản lượng ước đạt 11,6 triệu tấn, tăng 720 nghìn tấn (+6,6%). Điều đáng quan tâm là vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong lúa vụ đông - xuân, năng suất đạt 64,4 tạ/ha, tăng 4,2 tạ/ha (+7,0%) so với vụ đông - xuân năm 2007; sản lượng đạt 9,83 triệu tấn, tăng 761 nghìn tấn (+8,3%) và tăng ở tất cả các tỉnh trong vùng. Rút kinh nghiệm sau 2 năm 2006 và 2007 bị dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại nặng trên diện rộng, ngay trong đầu vụ lúa đông xuân 2008 các địa phương trong vùng đã có kế hoạch sản xuất theo đúng hướng dẫn của ngành nông nghiệp về thời điểm xuống giống, sử dụng giống chất lượng, gieo sạ đúng kỹ thuật... nên đã hạn chế được sự lưu trú của dịch bệnh. Mặt khác, giá lúa từ đầu năm tương đối cao, xu hướng tăng dần, có lợi cho người sản xuất nên các hộ nông dân tích cực tận dụng cấy hết diện tích, đầu tư thâm canh, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Sản lượng lúa các tỉnh trong vùng tăng khá như: Long An đạt 1,3 triệu tấn, tăng 76 nghìn tấn (+6,3%); Kiên Giang đạt 1,81 triệu tấn, tăng 240 nghìn tấn (+15,2%); Tiền Giang đạt 555 nghìn tấn, tăng 20 nghìn tấn (+3,8%); Sóc Trăng đạt 822 nghìn tấn, tăng 118 nghìn tấn (+16,7%); Hậu Giang đạt 502 nghìn tấn, tăng 86 nghìn tấn (+20,3%); Trà Vinh đạt 621 nghìn tấn, tăng 64 nghìn tấn (+28,1%). Trái ngược với vùng đồng bằng sông Cửu Long, vụ lúa đông - xuân 2008, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gặp thời tiết không thuận lợi nên diện tích, năng suất và sản lượng lúa vụ đông- xuân đều giảm so với vụ này năm 2007 (Duyên hải Nam Trung Bộ đạt 831 nghìn tấn, giảm 107,8 nghìn tấn (-11,5%); Tây Nguyên đạt 351 nghìn tấn, gần bằng năng suất vụ đông- xuân 2007.

Vụ lúa đông - xuân ở các tỉnh phía Bắc diễn biến phức tạp, diện tích giảm, năng suất tuy có khả năng tăng nhưng không nhiều, không đều; đạt 1.127 nghìn ha, giảm 13,8 nghìn ha (-1,2%) so với vụ đông - xuân năm 2007, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài (đồng bằng sông Hồng giảm 4,6 nghìn ha, miền núi phía Bắc giảm 7,3 nghìn ha, Bắc Trung Bộ giảm 1,9 nghìn ha). Đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên lúa đại trà phát triển khá, có trên 20% diện tích lúa đã trỗ. Theo báo cáo của các địa phương, khả năng năng suất lúa vụ đông - xuân 2008 tăng khoảng 2 tạ/ha so với vụ đông - xuân năm 2007; sản lượng ước đạt trên 6,35 triệu tấn, tăng 150 nghìn tấn, riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế do ảnh hưởng rét đậm đầu vụ nên khả năng sản lượng giảm từ 10-15% so với vụ đông - xuân 2007. Triển vọng sản lượng lúa vụ đông - xuân đạt 17,9 triệu tấn, tăng trên 370 nghìn tấn so với vụ đông - xuân 2007.

Sản xuất lúa hè - thu chính vụ ở các tỉnh phía Nam mới bắt đầu và đang chịu tác động của nhiều yếu tố, cả thuận và nghịch: Mặt thuận là giá lúa đứng ở mức cao, xu hướng tăng dần có lợi cho nông dân trồng lúa, thị trường trong nước và thế giới đang trong tình trạng cầu lớn hơn cung và nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký với giá cao hơn nhiều so với năm trước. Mặt nghịch là giá cả phân bón tăng cao, mùa mưa đến sớm nên công tác vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa đông - xuân có khó khăn, chi phí công lao động tăng, sâu bệnh có nguy cơ phát triển do diện tích lúa xuân - hè, hè - thu và vụ 3 liên tục mở rộng, đất lúa không được nghỉ, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chủ trương hạn chế mở rộng diện tích lúa vụ 3 của các địa phương đồng bằng sông Cửu Long có khả năng không thực hiện được do giá lúa cao. Tính đến trung tuần tháng 5, các địa phương phía Nam đã xuống giống 1.179,5 nghìn ha lúa hè- thu, bằng 114,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống đạt 1.115,9 nghìn ha, bằng 117,7%. Một số tỉnh tăng khá về diện tích so với cùng kỳ năm trước, như: Long An tăng 135%, An Giang: 101%, Cần Thơ: 110%, Đồng Tháp: 105%, Kiên Giang: 105%. Dự báo sản lượng lúa hè - thu đạt khoảng trên 10 triệu tấn.

Vụ lúa mùa còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi: thời tiết diễn biến phức tạp, các tỉnh phía Nam giảm diện tích do chuyển vụ sang lúa hè - thu và đông - xuân, giá phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống tăng. Do khả năng diện tích giảm, năng suất không tăng, nên sản lượng sẽ giảm so với vụ mùa năm 2007. Dự báo sản lượng lúa mùa đạt khoảng 8,1 triệu tấn. Như vậy, sản lượng lúa năm 2008 có khả năng đạt khoảng 36,1 triệu tấn trong điều kiện thời tiết bình thường, không có bão lũlớn.

- Sản xuất ngô

Tính đến cuối tháng 5-2008, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 603,6 nghìn ha, bằng 108,7% kế hoạch. Sản lượng ngô đạt khoảng 4 triệu tấn, bằng mức năm 2007. Nếu không có bão lũ lớn, dự báo năng suất và sản lượng ngô cả năm sẽ đạt cao hơn năm 2007.

- Sản lượng lương thực có hạt

Dự báo, nếu thời tiết, sâu bệnh không gây thiệt hại lớn cho sản xuất lúa, ngô vụ hè - thu và vụ mùa trong các tháng cuối năm 2008, sản lượng lương thực có hạt cả năm có khả năng đạt khoảng 40 triệu tấn, tăng khoảng 40 nghìn tấn so với năm 2007 và là mức cao nhất từ trước đến nay (năm 2004 đạt 39,58 triệu tấn, năm 2005 đạt 39,62 triệu tấn, năm 2006 đạt 39,62 triệu tấn, năm 2007 đạt 39,6 triệu tấn).

2 - Thị trường trong nước và xuất khẩu gạo

Năm 2008, dân số cả nước sẽ tăng thêm khoảng 1,3 triệu người (1,2%) so với năm 2007. Nhu cầu lương thực cung cấp cho khoảng 87 triệu dân cả năm sẽ tăng so với năm 2007, chưa kể cho chăn nuôi và dự trữ. Tốc độ tăng sản lượng lương thực năm 2008 chỉ đạt khoảng dưới 1% (năm 2007 giảm 18,2 nghìn tấn so năm 2006), thấp hơn tốc độ tăng dân số, nên lương thực bình quân đầu người chỉ còn 459 kg, giảm so với năm 2007 (465kg) và năm 2006 (471,1kg). Trong khi đó, giá lương thực tháng 5-2008 tiếp tục tăng nhanh và đứng ở mức cao, bằng 167,84% cùng kỳ năm trước. Lạm phát cao và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt nên tâm lý dự trữ lương thực trong dân cư khu vực nông thôn còn nặng nề hơn, sẽ tác động trực tiếp đến thị trường và quan hệ cung - cầu mặt hàng chiến lược này trong cả năm 2008. Những yếu kém, hạn chế trong công tác tổ chức điều phối, nhất là phương thức thu mua, dự trữ, quản lý thị trường lương thực trong nước của Nhà nước, cụ thể là các tổng công ty lương thực nhà nước, như đã xảy ra trong cơn sốt giá lương thực giả tạo đầu tháng 5 vừa qua vẫn chưa được khắc phục. Do đó tình trạng đầu cơ, tích trữ lương thực của tư thương trong những tháng còn lại năm 2008 vẫn có thể xảy ra. Trong khi đó, việc các bộ chủ quản, hiệp hội lương thực và các doanh nghiệp kinh doanh lương thực nhà nước chỉ bàn nhiều về xuất khẩu gạo (chủ yếu đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục ký hợp đồng xuất khẩu gạo), mà ít bàn đến giải pháp ổn định thị trường lương thực trong nước là chưa hợp lý.

Khủng hoảng lương thực và giá cả tăng cao trên phạm vi toàn cầu đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến thị trường, giá cả lương thực trong nước. Theo dự báo của Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), tình hình này còn có khả năng kéo dài, ít nhất là 2 năm tới và số người thiếu đói có thể lên tới hàng tỉ người, chủ yếu ở châu Phi, châu Á. Trước thực tế đó, làm thế nào để nước ta vừa giữ vững an ninh lương thực quốc gia, trước mắt là ổn định, tiến tới giảm dần giá lương thực trong nước ở mức hợp lý, vừa thực hiện kế hoạch xuất khẩu gạo ở mức nhất định?.

Kế hoạch năm 2008 là xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, nhưng do giá lương thực tăng cao và để kiềm chế tốc độ lạm phát, vừa qua Chính phủ đã quyết định tạm ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu và sẽ xem xét điều chỉnh vào thời gian thích hợp. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 5-2008, nước ta đã xuất khẩu 2,124 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1.166 triệu USD trong số 2,4 triệu tấn theo các hợp đồng đã ký. So cùng kỳ năm 2007, lượng gạo xuất khẩu tăng 12,9%, kim ngạch tăng 94,1%. Giá gạo xuất khẩu đạt mức bình quân 548 USD/tấn, tăng 198 USD (68,5%) so cùng kỳ. Hiện nay, một số nước như Ấn Độ, Cam-pu-chia đã bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và triển vọng vụ lúa đông - xuân Việt Nam được mùa nên giá lương thực đã xuất hiện xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, hậu quả nặng nề của cơn bão lớn vùng trọng điểm lúa ở Mi-an-ma và động đất ở Trung Quốc vừa qua lại làm giảm lượng cung, tăng cầu lương thực và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường giá cả lương thực châu á và thế giới cả năm 2008. Thực tế đó cho thấy, khủng hoảng lương thực thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường nên vấn đề xuất khẩu gạo của nước ta cũng cần tính toán thận trọng. Nếu tiếp tục xuất khẩu 4 triệu tấn gạo (8 triệu tấn lúa) cả năm 2008 như Bộ Công Thương đề nghị tại cuộc họp ngày 28-5 vừa qua, thì lượng lúa còn lại để tiêu dùng cho mọi yêu cầu trong nước (lương thực cho người, chăn nuôi, để giống, dự trữ...) còn khoảng 28 triệu tấn, bình quân 321,8kg/người/năm và 26,8 kg/người/tháng (tương đương 15 kg gạo). Với mức này nếu thời tiết bình thường, mùa mưa bão sắp tới không gây thiệt hại lớn như các năm gần đây thì an ninh lương thực trong nước vẫn được bảo đảm. Ngược lại, nếu thời tiết không thuận, sâu bệnh lan rộng và các tác động bất lợi khác..., sản lượng lúa hè - thu và lúa mùa không đạt mức dự kiến, thì lương thực bình quân nhân khẩu khó đạt mức trên. Trong trường hợp đó, quan hệ cung - cầu lương thực trong nước cả năm sẽ bị ảnh hưởng và sự biến động của thị trường và giá cả lương thực những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009 vẫn tiềm ẩn nguy cơ không ổn định.

3 - Đi tìm giải pháp

Để bảo đảm giữ vững an ninh lương thực quốc gia, về lâu dài cần nghiên cứu, thực hiện một hệ thống các giải pháp tích cực, đồng bộ từ sản xuất đến quản lý thị trường trong nước và điều hành xuất khẩu gạo. Trước mắt, trong các tháng còn lại của năm 2008, các ngành, các cấp và các doanh nghiệp kinh doanh lương thực nên tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Tập trung nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân để tăng cường đầu tư thâm canh cây lúa, ngô vụ hè - thu và vụ mùa nhằm đạt năng suất và sản lượng cao nhất có thể. Trong bối cảnh giá phân bón, thuốc trừ sâu đứng ở mức cao và tăng liên tục như hiện nay, Nhà nước và các tổng công ty lương thực cần có cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất lương thực theo các phương thức phù hợp với cam kết WTO để khuyến khích người sản xuất lúa, ngô yên tâm đầu tư vốn, lao động, khoa học - công nghệ, nhằm tăng vụ, tận dụng đất, thâm canh tăng năng suất, sản lượng, tăng sản lượng lúa hàng hóa.

Thứ hai: Các bộ, ngành hữu quan, các tổng công ty lương thực nhà nước, hiệp hội lương thực, các doanh nghiệp và chính quyền các cấp cần chủ động tổ chức lại hệ thống điều phối, thu mua, chế biến, bảo quản, kho dự trữ, quản lý thị trường lương thực trong nước để chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thị trường lương thực, chống đầu cơ tích trữ của tư thương. Cần có những giải pháp đồng bộ để củng cố, phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước trong kinh doanh, điều phối lương thực trên phạm vi cả nước, cần rút kinh nghiệm để khắc phục những bất cập như đã xảy ra trong "cơn sốt" vừa qua.

Thứ ba: Việc xuất khẩu gạo, cần tính toán lại theo nhiều phương án khác nhau để bảo đảm lợi ích của nông dân trồng lúa, của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, của Nhà nước và của người tiêu dùng trong nước. Trong điều kiện hiện nay, vụ lúa đông - xuân ở phía Bắc chưa thu hoạch và sản lượng chắc chắn khó đạt mức cùng kỳ, giá gạo trong nước đang rất cao, vụ lúa hè - thu mới bắt đầu. Vì vậy, trước mắt chúng ta chỉ nên xuất khẩu trong phạm vi lượng gạo đã ký theo hợp đồng (2,4 triệu tấn). Việc ký kết 1,6 triệu tấn dự kiến cuối năm nên lùi lại sau thu hoạch lúa đông - xuân ở các tỉnh phía Bắc để chủ động bảo đảm an ninh lương thực và góp phần kiềm chế lạm phát.

Giải quyết tốt quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu gạo với nông dân trồng lúa trong phân phối lợi nhuận do xuất khẩu gạo đạt giá cao. Khắc phục tình trạng bất hợp lý như lợi nhuận xuất khẩu gạo tăng do giá cao, doanh nghiệp được lợi nhiều, nhưng thu nhập của nông dân trồng lúa không tăng tương ứng, do giá đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thuê máy, công lao động còn tăng cao và nhanh hơn giá bán lúa cho doanh nghiệp./.