Kỷ niệm 83 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 19-6, tại Hà Nội, Câu lạc bộ các giám đốc điều hành Việt Nam (Vietnam CEO Club) thuộc Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức Diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp” lần thứ nhất. Đây sẽ là một hoạt động thường niên, được tổ chức vào tháng 6 hàng năm của Vietnam CEO Club, nhằm xây dựng mối quan hệ thông tin, truyền thông tích cực giữa các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng đất nước.

Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng đông đảo các nhà báo, doanh nhân đã tham dự.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc đã đánh giá cao vai trò, sự hữu ích và thiết thực, cũng như những tác động của thông tin trên báo chí đối với kết quả hoạt động và phát triển của doanh nghiệp; đồng thời nêu những vấn đề cần được phát huy, quan tâm, rút kinh nghiệm, để quan hệ giữa “hai nhà” - nhà báo và nhà doanh nghiệp phát triển tốt đẹp hơn nữa.

Hoạt động của báo chí trong thời gian qua đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp. Những đổi mới về cơ chế, chính sách đối với hoạt động của doanh nghiệp, cũng như những oan sai của một số doanh nghiệp trong thời gian qua được giải quyết, có sự đóng góp không nhỏ của báo chí. Báo chí là kênh quảng bá hữu hiệu, cung cấp thông tin về doanh nghiệp và các sản phẩm của doanh nghiệp, đến với xã hội; tôn vinh, cổ vũ những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có đóng góp cho sự phát triển của đất nước; phát hiện và thông tin và cảnh báo những “thói hư, tật xấu” của một số doanh nghiệp.

Đánh giá về tác động của thông tin trên báo chí đối với hoạt động của doanh nghiệp, một kết quả điều tra của VCCI cho thấy, có 85% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng, họ sử dụng, phân tích thông tin trên báo chí cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hầu hết các doanh nhân đều bắt đầu một ngày làm việc của mình bằng việc đọc các thông tin trên báo chí, và kết thúc một ngày cũng bằng những thông tin được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể nói, báo chí đã tác động và để lại những dấu ấn sâu đậm trong hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp không phải lúc nào, ở đâu và bao giờ cũng “thuận buồm xuôi gió”. Do báo chí có tác động định hướng dư luận nên những thông tin bất cẩn, thiếu khách quan, thiếu toàn diện, chưa được thẩm định đầy đủ, tường minh về doanh nghiệp được phản ánh trên báo chí, gây những tác động tiêu cực và để lại những hậu quả không nhỏ cho doanh nghiệp. Những hiện tượng này đã dẫn đến chỗ một số doanh nghiệp, doanh nhân ngại tiếp xúc với báo chí. Cũng theo số liệu điều tra của VCCI cho thấy, có tới 40% doanh nhân được hỏi băn khoăn về những thông tin trên báo chí; 20% dè dặt khi tiếp cận với báo chí.

Trong bối cảnh kinh tế của đất nước năm nay đang đứng trước nhiều khó khăn, mục tiêu ưu tiên trước mắt hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chắc chắn sẽ tác động đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Những khó khăn đó sẽ còn lớn hơn, khi trong 2-3 năm tới, chúng ta tiếp tục phải mở cửa mạnh hơn theo lộ trình tham gia WTO, những tác động của kinh tế thế giới (giá xăng dầu tăng, lạm phát ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên giới...) sẽ ảnh hưởng mạnh và trực tiếp hơn đến các doanh nghiệp. Trong bối cảnh chung đó, việc xây dựng quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trên cơ sở thông cảm và hiểu biết lẫn nhau là hết sức cần thiết và quan trọng.

Liên quan đến sự cố luôn cần hai xem xét quan trọng, không thể tách rời nhau: ứng cứu sự cố, giải quyết hậu quả của sự cố, và, công tác “ứng cứu” về mặt truyền thông.
 
Hàng năm, các nhân viên phụ trách truyền thông của Cathay Pacific tại Việt Nam đều phải tham dự các khóa tập huấn ứng phó với những sự cố xấu nhất có thể xảy ra. Để có thể soạn thông cáo báo chí trong vòng 1 tiếng, các công ty này luôn có một bộ các thông cáo báo chí dành cho các tình huống giả định và có một cẩm nang xử lý khủng hoảng cho các cán bộ nhân viên để giúp họ biết ai sẽ làm gì, phối hợp với ai và triển khai như thế nào khi gặp sự cố.
(Nguồn: Doanh nhân, ngày 16-6-2008)
Về phía báo chí, những thông tin trên báo chí, một mặt, cần được đăng tải trung thực, khách quan, toàn diện và mang tính xây dựng để giữ được uy tín của doanh nghiệp trong nhân dân cũng như giữ được niềm tin của nhân dân đối với tương lai phát triển của đất nước, của doanh nghiệp, mặt khác, cần giúp doanh nghiệp có cơ sở để đưa ra những quyết định về hướng kinh doanh của mình. Bản thân đội ngũ phóng viên viết về những vấn đề kinh tế cần am hiểu về lĩnh vực này, để việc lựa chọn, phân tích, xử lý thông tin, viết bài được chuẩn xác.

Về phía doanh nghiệp, để báo chí hiểu đúng việc mình đang làm, doanh nghiệp không nên né tránh báo chí, mà cần chủ động thông tin trên báo chí. Thậm chí phải thường xuyên thông tin cho báo chí, sẵn sàng hợp tác với báo chí ngay cả khi xảy ra sự cố. Có như vậy mới tránh được tình trạng đưa thông tin không đúng, lệch lạc về doanh nghiệp hoặc sự kiện.

Trong thời điểm khó khăn và rất nhạy cảm hiện nay, niềm tin là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Bất kỳ một tác động nhỏ nào về mặt tâm lý đều có thể gây nên những hậu quả nặng nề. Có niềm tin, chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn thử thách và những khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời trong quá trình phát triển. Báo chí có vai trò rất lớn trong việc giữ vững niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp và tạo được dư luận đúng đắn trong thời điểm nhạy cảm hiện nay. Giữa báo chí và doanh nghiệp cần có cơ chế gặp gỡ, trao đổi thông tin, đặc biệt là thông tin về những vấn đề phát sinh để tìm cách xử lý, thông tin đúng đắn, hiệu quả, sao cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp với báo chí là sự hợp tác mẫu mực, chặt chẽ, vì sự phát triển của đất nước/.